5857. Nhớ lại lễ tang ông Trần Độ
Nhớ lại
lễ tang ông Trần Độ
Nguyễn Huệ Chi
PNTB: Có một nét văn hóa tối thiểu của người Việt là: "Nghĩa tử là nghĩa tận". Đối với người đã nằm xuống, dù có 'khuyết điềm' gì chăng nữa cũng không ai hành xử là nhắc lên trong tang lễ. Với tướng Trần Độ ai có thể cho rằng ông có khuyết điểm, nhưng dưới con mắt của người dân, người lính của ông và của nhiều Trí thức, thì Trần Độ là một nhân cách lớn đầy khả kính. Lịch sử sẽ phán xét ai là người vì Nhân dân, vì Tổ Quốc và Dân tộc, ai là tội đồ... Trong một thời điểm nào đó chưa thể khẳng định được. Thế mà đám tang Ông bị xử sự như mô tả, thì liệu những người chỉ đạo việc này có còn lương tâm hay không, có văn hóa hay không?
Đọc bài viết Có một đám tang...rất buồn của Trần
Thắng, con trai tướng Trần Độ mà anh Vũ Thư Hiên đưa
lại trên Facebook, tôi xúc động nhớ lại quang cảnh đám tang 15 năm trước mà tôi
là người may mắn được chứng kiến. Đám tang lịch sử này tổ chức vào buổi sáng
ngày 14-8-2002 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Trần Độ là một người tôi kính trọng, đã từng được gặp ông mấy lần ở nhà anh Văn
Tâm. Ông phải chịu nhiều nỗi oan khiên, những tội danh vô lối đổ lên đầu mà anh
em trí thức đều biết cả – như chuyện người ta vu cho ông đến lúc vào bệnh viện
rồi vẫn còn… “mê gái”, những kiểu bày đặt không thể nói hết sự tưởng tượng quái
gở. Nhưng thuở ấy chưa hề có những công cụ như Facebook để đổi trao, tâm sự,
nên cứ phải ngậm thinh rỉ tai thầm với nhau chứ có cách nào cãi lại được báo
chí đâu. Bởi thế không ai mách ai mà đám tang ông đông lạ thường. Có lẽ người
ta đều nghĩ đây chính là dịp để chính mình được đến giãi bày chút lòng son với linh
hồn người vừa nằm xuống.
Có ngờ đâu, đây cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy quyền uy cộng
sản hiện ra chát chúa, ở một nơi vốn ra phải nhường bước cho sự trầm mặc của
cuộc sống tâm linh. Tôi đi cùng với anh Phan Đình Diệu. Chúng tôi rất ngạc
nhiên khi vòng hoa tang của hai chúng tôi đang định vượt qua cổng vòm ngoài
đường Trần Thánh Tông để vào sân nhà tang lễ bỗng bị ngăn lại bất thình lình,
và bị giật dải băng đen có mấy chữ Vô cùng thương tiếc tướng quân Trần
Độ để thay bằng mấy chữ Kính viếng ông Trần Độ. Đang đứng
ngơ ngẩn vì chưa hiểu được vì sao lại có một sự trắng trợn vượt quá hình dung
của mình như thế thì một vòng hoa sang trọng hơn lù lù tiến vào và cũng bị giật
giải băng để cắt cụt đi đúng mấy chữ như của chúng tôi, còn rứt luôn cả hai
mảnh nhựa hoa văn thếp nhũ vàng trang trí hai bên quẳng xuống đất. Đó là vòng
hoa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Biết ngay có lệnh từ trên ban xuống, tình thế
nghiêm trọng rồi, hai chúng tôi đành chịu bất lực theo dòng người mà đi.
Khi lễ viếng đến chỗ đọc điếu văn, nghe ông Vũ Mão xướng lên
những câu phê phán chói tai, cả phòng tang gần 2000 con người bỗng im phăng
phắc, người nào cũng cảm thấy nghẹt thở, tưởng như có một cái gì sắp vỡ bùng.
Bức bối vì không ai chuẩn bị trước cho mình tâm lý đến đây để dự nghe một cuộc…
kiểm thảo. Thế rồi con trai vị tướng, cũng là một sĩ quan, bước lên đáp lễ, rút
tờ giấy ra đọc những lời viết sẵn, giọng đọc đều đều vô cảm, làm mọi người càng
dồn nén thêm. Gần cuối, đột nhiên thấy anh ngẩng đầu lên, nhìn xuống phía người
dự lễ và nói một câu dõng dạc: “Thay mặt gia đình, chúng tôi không chấp nhận
lời điếu tang của Quốc hội vừa rồi”. Ôi chao! Trái bom đã nổ! Hàng tràng pháo
tay vang lên ngay lập tức, lần đầu tiên thấy ở một đám tang. Tôi nhìn sang bên,
rất nhiều khuôn mặt ràn rụa nước mắt, trong khi tay vẫn vỗ không ngừng.
Từ một phía ở góc phải phòng, một tiếng nói rất to phát ra, nghe
rất dõng dạc, của một người đã trèo lên chiếc ghế: “Như thế này thì còn nhân
nghĩa nào nữa! Nhân nghĩa ngàn đời của đất nước Việt Nam còn đâu!”. Người nói
nhắc lại đến hai lần cùng một câu, lần sau nghe vang hơn lần trước. Cả phòng
tang lễ như chùng xuống rồi vỡ òa, tiếng xôn xao khắp từ đầu đến cuối. Rồi một
người khác, cũng trèo lên ghế, mặc áo quân nhân, huân chương đeo đỏ ngực từ
trên xuống dưới: “Tôi là người theo trận mạc với Anh Trần Độ trong bao nhiêu
năm, sáng nay chính mình tự tay khâm liệm cho Anh. Thế mà dám có những lời xỉ
vả Anh như thế à? Vũ Mão đâu rồi? Khi chúng tôi ở trong quân ngũ thì hắn còn
trẻ ranh, đi học ở Nam Ninh…”. Tôi thoạt liếc lên phía góc trái quan tài, chỗ
dành cho Ban tổ chức, kịp nhìn thấy một cái bóng com-lê rảo chân nhanh ra lối
cửa ngách. Cả đám tang đông nghẹt bấy giờ trở nên nhộn nhạo vì đã đến giờ đi
quanh linh cữu. Đám an ninh thường phục cũng đảo qua đảo lại rộn rịp hơn. Dòng
người nối đuôi nhau không dứt, sau đó lần lượt kéo ra khỏi phòng.
Tôi vẫn theo dõi người mặc áo quân nhân vừa lên tiếng lúc nãy.
Dáng người vậm vạp, ông ta đi dần ra cửa, xung quanh có nhiều người vây lấy,
mặt nở một nụ cười đôn hậu, giọng vẫn oang oang: “Nói thế nhưng đụng vào nó làm
gì, cái đồ trẻ ranh ấy…”. Và ông tiếp tục cười khà khà. Tôi cũng đi sau ông.
Chợt nhìn thấy phía trước mình bước chân thủng thẳng của ông Hoàng Minh Chính.
Tôi ngẩng lên: đúng là ông. Ông đang lặng lẽ đi trước tôi. Chúng tôi né sang
bên nhường cho linh cữu đi lên trước và vô tình theo nhau ra đến ngoài sân, tạt
dần về phía những hàng ghế dưới bóng cây. Tự nhiên tôi nhìn rõ ra cái người đã
trèo lên ghế lên tiếng đầu tiên đang đứng ở đấy. Ông ta cũng trạc tuổi ông
Hoàng Minh Chính và cũng gầy gầy như thế. Thoạt trông thấy nhau, hai ông có vẻ
như ngờ ngợ. Rồi chỉ một phút thì họ cùng kêu lên: “Có phải Chính không?” “Đúng
mình Chính đây”. “Tôi là Hà đây mà. Hoàng Hữu Hà, Thường vụ Thành ủy lúc đón
anh đi đánh sân bay Gia Lâm trở về”. Thế là họ cầm lấy tay và rồi chậm chạp ôm
lấy nhau… Để nén một cái gì đấy, tôi rảo bước thật nhanh.
Lúc ra đến tận cổng sát ngoài đường tôi mới gặp lại Phan Đình
Diệu. Cả hai cùng lên một chiếc taxi vì về chung một hướng. Trên xe, Diệu mỉm
cười, một chốc ngoảnh sang nói với tôi bằng giọng kim quen thuộc của anh:
“Quyền uy lần đầu va phải một cú, cũng ra dáng đấy. Một cú ở ngay chính nơi làm
nên cái oai phong cho nó”.
27-8-2018
N.H.C.
Nhận xét