5854. Có một đám tang...rất buồn.
CÓ
MỘT ĐÁM TANG… RẤT BUỒN
Trần Thắng /Thứ Ba, 22
tháng 8, 2017
15 NĂM NGÀY MẤT CỦA TƯỚNG
TRẦN ĐỘ, TRƯỞNG NAM CỦA ÔNG NGHẸN NGÀO VÀ PHẪN UẤT KỂ LẠI ĐÁM TANG CỦA CHA.
Hà Nội sắp vào thu, một
mùa “vu lan báo hiếu” sắp đến. Tôi lại nhớ tới những ngày này của 15 năm trước.
Sau Tết Nhâm Ngọ (2002),
Cha tôi – Trần Độ trở bệnh nặng.
Cha tôi lại vào bệnh viện
Hữu Nghị với chẩn đoán ung thư bàng quang. Nằm ít lâu, sức khoẻ ông xuống rõ do
suy hô hấp, tháng 5/2002 ông phải đưa ống xông vào để thở và nằm ở phòng cấp cứu.
Mặc dù nằm một chỗ, không nói được, đi tiểu qua ống dẫn nhưng ông vẫn tỉnh táo.
Ông rất vui khi có người thân, bạn bè tới thăm. Không nói được nhưng ông ra
hiệu hoặc bút đàm với mọi người. Giữa tháng 7/2002, ông ra hiệu cho tôi về lấy
di chúc của ông ra đọc và thực hiện các việc ông dặn. Trong di chúc ông viết:
xin được hoả thiêu và hài cốt đưa về nằm bên mẹ ở nghĩa trang làng Thư Điền, xã
Tây Giang, huyện Tiền Hải.
Vào 14g 10p ngày 9/8/2002
(tức 1 tháng 7 năm Nhâm Ngọ) Cha tôi trút hơi thở cuối cùng tại phòng cấp cứu,
bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội.
Ngày hôm sau, Văn phòng
Quốc hội họp với gia đình bàn về lễ tang cho ông. Các vấn đề lễ tang, hoả táng,
đưa hài cốt về quê… được thống nhất. Lời điếu của Ban tổ chức lễ tang, và lời
cảm ơn của gia đình sẽ được soạn trước và đưa hai bên thống nhất. Gia đình đề
nghị có 4, 5 quyển sổ tang để mọi người chia buồn, Văn phòng Quốc hội đồng ý.
Đám tang được lùi lại 5 ngày vì… Quốc hội đang họp.
Ngày 11/8, anh Hùng phó
Ban lễ tang mang tới nhà cho tôi xem lời điếu. Trong đó có một đoạn khoảng chục
dòng tôi yêu cầu bỏ vì nó “không thích hợp” và trái đạo lý “nghĩa tử nghĩa tận”
của ông bà ta. Tối đó anh Hùng đưa tôi bản sửa, chỉ còn lại hơn một dòng “không
thích hợp” và tôi cương quyết đòi bỏ. Anh Hùng nói: Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư
cho ý kiến là không bỏ, nhưng tại lễ tang sẽ đọc rất nhỏ hoặc tạm tắt tăng âm…
Tôi nói: Tuỳ các ông, nhưng nếu xảy ra chuyện gì gia đình không chịu trách
nhiệm. Còn lời cám ơn của gia đình tôi đã soạn và đánh máy. Anh Hùng xem và
không có ý kiến gì.
Sáng 14/8/2002, gia đình,
họ hàng, thân bằng quyến thuộc của Cha tôi đã có mặt rất sớm ở nhà tang lễ số 5
Trần Thánh Tông.
Cảm nhận đầu tiên là vấn
đề an ninh: không hiểu sao công an, bộ đội, người đứng chỉ trỏ… rất đông. Cảm
nhận tiếp theo là: không khí rất căng thẳng như có gì đó chống đối nhau. Cảm
nhận nữa là: tại sao việc kiểm soát vòng hoa tang, băng tang, các bức trướng…
lại nghiêm ngặt đến vậy? Nhiều vòng hoa phải thay băng tang hoặc sửa câu chữ,
nhiều bức trướng bị thu giữ…
Tôi và mọi người tang phục
chỉnh tề bước vào nhà tang lễ. Đập thẳng vào mắt tôi là dòng chữ “Lễ tang ông
Trần Độ” trên một tấm bảng lớn phủ kín dòng chữ “Vô cùng thương tiếc…” lâu nay
vẫn gắn trên tường. Đi tới bàn ghi sổ tang tôi thấy trên 5 bàn có 5 tập giấy
trắng khổ A4. Tôi hỏi cán bộ Ban lễ tang: Sổ tang đâu? Anh ta nói: Sau đám tang
sẽ đóng thành sổ. Tôi nói: Đã thống nhất sổ tang là sổ tang, ban tổ chức không
có gia đình sẽ đưa tới. Một lúc sau, 5 quyển sổ tang đã đóng được đưa vào thay
cho 5 tập giấy rời.
Đám tang được cử hành, các
đoàn, các nhóm, các cá nhân lần lượt vào viếng. Băng tang hầu hết không có chữ
“vô cùng thương tiếc” hoặc “Trung tướng Trần Độ”.
Xen kẽ là các bức trướng:
- “Nhân văn danh tướng. Trung dũng vẹn toàn”;
- “Công thần không làm phách
Danh toại chẳng cầu nhàn
Bút thần vung mấy độ
Ðáng mặt đại nghĩa quân”
- “Vì đại nghĩa nhân chân, thân mấy độ trần thân
Tướng dẫu không nguyên giáp, hồn vẫn vẹn tình dân”.
- “Vô tình vị tất chân hào kiệt
Hữu độ phương vi đại trượng phu”…
Theo sau là các cụ già,
các cựu chiến binh, các nhân sĩ… Họ mang trướng theo hoặc giấu trong người. Khi
tới gần quan tài họ giương lên hoặc phủ lên áo quan. Cả phòng tang lễ im phăng
phắc, không khí căng thẳng dần.
Khi các cụ đi khỏi, có vị
nói với mấy cậu lính gì đó. Hai cậu lính chạy lên, thu mấy bức trướng, cuộn lại
và ném vào góc phòng. Tôi gằn giọng: các cháu đâu? Lập tức cháu Đan, cháu Tuấn…
lao lên góc phòng, mang tất cả các bức trướng sắp xếp lại như cũ. Không một
tiếng động nào, không một hành động nào xảy ra trong lúc đó, nhưng ngột ngạt
đến tức thở.
Các đoàn viếng đã gần
xong. Bỗng anh Nghiêm Hà đến bên tôi nói: Ban tổ chức định thu giữ mấy quyển sổ
tang, anh ra xem sao? Tôi đi đến thì thấy một anh đang gom giữ mấy quyển sổ
tang. Tôi nói: anh để tôi xem. Mở một quyển tôi thấy có những trang bị xé nham
nhở. Tôi hiểu ngay họ muốn gì. Tôi lấy lại 5 quyển sổ tang và chợt nhìn thấy em
Lãng (chồng em Hạnh), một bác sĩ quân y đã qua các chiến trường. Tôi nói lớn:
Lãng! Em giữ 5 quyển sổ này không cho ai lấy. Em có làm được không? Lãng cũng
nói lớn như đang nhận lệnh: Rõ, em làm được.
Tôi vội về vị trí để làm
lễ truy điệu. Ông Vũ Mão đọc lời điếu. Ông đọc to, rõ toàn văn lời điếu kể cả
câu mà theo anh Hùng nói hôm trước là sẽ đọc nhỏ nhất có thể.
Hội trường im lặng, có
tiếng ho, tiếng khóc ấm ức cứ lớn dần.
Tôi lên đọc lời cảm ơn.
Tôi đọc bản soạn sẵn đã đưa Ban lễ tang duyệt. Gần về cuối, hình ảnh tập giấy
A4 thay sổ tang, hình ảnh người lính ném mấy bức trướng vào góc phòng, hình ảnh
đòi thu giữ sổ tang và nhiều chi tiết đau lòng khác làm tôi nghẹn giọng. Vẫn
cầm tờ giấy như đang đọc nội dung có sẵn, tôi nói to, chậm, rõ: “…gia đình và
dòng họ chúng tôi không chấp nhận bài điếu văn này…”.
Lập tức tiếng tôi chìm
trong tiếng vỗ tay, tiếng hô vang của mọi người dự tang lễ. Lúc đó tôi không cảm
nhận hết không khí của buổi lễ, tôi cố gắng làm tròn bổn phận của mình, nhưng
trong tôi mọi thứ như vỡ vụn. Thật không ngờ tôi phải tham gia một đám tang…
rất buồn như vậy.
Hà
Nội, tháng 8/2017
Nhận xét