5602. Câu chuyện Đồng Tâm 'nóng' hội trường Quốc hội

Câu chuyện Đồng Tâm 'nóng' hội trường Quốc hội
Đại biểu (ĐB) Đào Thanh Hải
Câu chuyện ở Đồng Tâm bất ngờ “nóng” trở lại trong phiên thảo luận ở hội trường sáng 7.11 khi Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác phòng chống tội phạm, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2017.
Đại biểu (ĐB) Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội, phản hồi trước thông tin mà ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề cập đến khi thảo luận về kinh tế - xã hội hồi tuần trước (vụ cụ Kình ở xã Đồng Tâm, H.Mỹ Đức, TP.Hà Nội bị đánh gãy chân - PV).
Đại tá Hải cho biết ngay sau khi xảy ra vụ án, Bộ Công an đã lập đoàn thanh tra toàn bộ quy trình công tác việc chấp hành pháp luật, việc thực thi pháp luật của lực lượng Công an TP.Hà Nội, do một Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn. 
"Ông Kình có tố giác một cán bộ đã đánh ông. Trong thực tế quá trình thanh tra, điều tra, kiểm tra lại thì cán bộ đó có mặt tại hiện trường nhưng không hề tham gia vào việc bắt giữ mà ở cách đó một đoạn. Kết luận thanh tra không có kết luận liên quan đến quá trình lực lượng thực thi nhiệm vụ đánh gây thương tích ông Kình, mà trong lúc giằng co, gia đình ông Kình đã xông vào cản trở việc thực thi nhiệm vụ của cơ quan điều tra, dẫn đến việc đáng tiếc như vậy", Phó giám đốc Công an Hà Nội nói.
Ngay lập tức, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) bình luận: "Điều này làm cho chúng ta nhớ lại câu chuyện xảy ra trên cầu Thăng Long khi "nhỡ tay", "vung tay trúng má" người khác. Tôi thấy việc đó không nên biện bạch, các đồng chí nên công khai nói sự việc ấy để nhân dân bình luận, để xem một ông già 82 tuổi có thể tự gãy chân được hay không. Sự việc đó xảy ra hơn nửa năm rồi, tại sao tới bây giờ thông tin ấy đến được với Quốc hội?".
Chống tham nhũng phải như chống dịch
Đề cập đến tội phạm tham nhũng, ông Dương Trung Quốc nhìn nhận đây là vấn đề mà ở đâu, thời nào cũng có. Ông Quốc cho rằng muốn tham nhũng phải có quyền lực, mà trong điều kiện của VN thì gần như tuyệt đối quyền lực thuộc về Đảng, với số đảng viên chiếm tỷ lệ 5% dân số. "Trong số này cũng chỉ có một thiểu số có quyền chức thực sự và chắc cũng chỉ có một số ít người tham nhũng. Như thế giống như đấu tranh với bệnh dịch, ta khoanh được vùng cư trú là về căn bản chúng ta đã giải quyết được rồi. Điều đó nói lên quyết tâm của Đảng là quan trọng nhất", ông Quốc bình luận.
"Chắc chắn trong cuộc đấu tranh đó, người dân sẽ đứng đằng sau ủng hộ. Với giặc ngoại xâm không có trận nào là trận cuối cùng, nhưng sự tồn vong của chế độ, của Đảng cầm quyền thì tôi nghĩ đây là trận đánh cuối cùng", nhà sử học bày tỏ.
Trước đó, nói về công tác phòng chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng vấn đề kê khai tài sản hiện là một mắt xích yếu trong công việc này. Lý do là, kê khai tài sản hiện nay chúng ta đặt trên nền tảng sự tự giác của người kê khai. "Cần phải quy định việc kê khai tài sản là một quy định cứng, bắt buộc thay vì lâu nay chúng ta coi đó là một chuyện tự giác. Như vậy, chúng ta mới tiến thêm một bước trong công cuộc phòng chống tham nhũng sắp tới", ông Sơn nói. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.