6273. Đúng, Sai (?)

Đúng, Sai (?)

PNTB

 


Nhiều khi Đúng hay Sai là những cuộc cãi vã vô tiền khoáng hậu và bất phân thắng bại (hình 1).

TS Nguyễn Ngọc Chu trong bài viết gần đây đã nêu một luận điểm: “Đừng tốn công vô ích chứng minh đúng cho điều đã được thực tiễn chứng minh là sai”. Điều đó rất đúng với phương pháp luận biện chứng duy vật của Karl Marx, khi ông khẳng định: Thực tiễn là thước đo, là tiêu chuẩn của chân lý.

Tuy nhiên, trước thực tiễn của đất nước, của thế giới nhân loại hay trước một hiện tượng thực tế của địa phương, đã có những nhãn quan khác nhau. Nhãn quan khác nhau đi đến những kết luận khác nhau, trong khi Thực tiễn/ thực tế chỉ có Một.

Ông bí thư đảng ủy xã mỗi lần đứng trước người dân đều hết lời: “chưa bao giờ xã ta được như bây giờ”! Trong khi đó, những người phải bỏ quê lên thành phố làm thuê, những bà chạy chợ buôn bán vặt, những ông thợ cày suốt ngày bám đít trâu… thì lại kêu oai oái, “ở ta thời buổi này sao mà nhiễu nhương thế…! ”…. Hồi giữa tháng 10 vừa qua, có một quan chức phát biểu rằng, “Trong dịch Covid-19 chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc”, trong khi ông ta không hề biết đến bao cảnh đời cơ cực của người dân trong đại dịch … khiến dư luận bất bình.

Tại sao trước một bối cảnh thực tiễn mà có những nhận định trái chiều nhau như thế? Nhãn quan phụ thuộc vào cái gì? Vào chỗ đứng? Đứng trong cung điện nhìn ra, trên cao ốc nhìn xuống hay ở ruộng cày nhìn lên… rất có thể là sự vật không giống nhau?

Cuối thế kỷ 18, triết gia người Đức, ông Immanuel Kant có câu nói nổi tiếng: “Vẻ đẹp không ở đôi má hồng của người thiếu nữ, mà nó ở trong mắt kẻ si tình”.

Khi mỗi Chủ thể (một người, nhóm người) đều nhìn sự vật với Ý THỨC CHỦ QUAN của mình thì kết cục là không thể ngồi cùng chiếu với nhau, bởi họ không cùng chung nhận thức khách quan về sự vật. “Ông nói gà bà nói vịt”.

Với cách “nhìn” (đánh giá) như vậy thì bao giờ Chủ thể cũng tự cho mình là ‘đúng’, là chân lý, còn bất luận những ai khác mình đều ‘sai’, đều phi lý!

Do đó, nếu ở người có quyền lực mà nhận thức chủ quan thì thường áp đặt cho những người dưới quyền phải tuân theo vô điều kiện, tức là ‘độc quyền chân lý’. Bởi choáng ngợp trước quyền lực, họ không bao giờ tự nhận sai lầm, càng không bao giờ muốn sửa chữa sai lầm của mình, khi họ cứ khư khư giữ quan điểm chủ quan. Đó cũng là cách hành xử của những ông bố độc đoán chuyên quyền với con cái trong gia đình mang di sản phong kiến. Bố bảo gì con cũng phải nghe, không nghe là roi vọt.

Cách nhìn ấy nâng lên tầm ‘thế giới quan’ thì các triết gia gọi là quan điểm Duy tâm chủ quan, (một trong những đại biểu của trường phái này là George Berkeley, 1685 – 1753), đối lập với phép biện chứng duy vật của Karl Marx. Suy cho cùng, nếu nhận thức triệt để, sâu sắc phép Biện chứng duy vật đó của Marx, thì phải tôn trọng hiện thực khách quan, cũng có nghĩa là phải tuyệt đối thực hành dân chủ.

Cựu BT NN&PTNT Nguyễn Công Tạn một lần đến thăm nông dân Hà Giang. Ảnh báo Nông nghiệp Việt nam

Do đó bất kỳ người thủ lĩnh nào, nếu không đứng ở vị trí của nhân dân, không hòa nhập với người lao động, không lắng nghe những ý kiến trái chiều… thì tất yếu sẽ có những suy nghĩ chủ quan và hành xử mất dân chủ, xa rời Thực tiễn, xa rời cuộc sống. Và Thực tiễn không còn là “tiêu chuẩn, thước đo và động lực của nhận thức chân lý” như Marx khẳng định nữa…

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.