6304. Bắc Hà - "Cao Nguyên trắng" !

  Bắc Hà –

C a o  n g u y ê n  t r ắ n g”?



“Lễ hội đua ngựa Bắc Hà truyền thống” (mới được dịch từ “lễ hội” sang tiếng Anh là “festival”), Kể từ năm 2023 trở đi có vẻ sôi động hơn các năm trước. Rất mừng cho Bắc Hà, đã có một “festival đua ngựa truyền thống” thu hút nhiều du khách.

Bài viết ngắn này tôi muốn nói đến cụm từ “cao nguyên trắng”, mà nếu không nhầm thì từ khi giới thiệu “lễ hội đua ngựa” mấy năm gần đây và hầu hết các bài viết về Bắc Hà đều mang theo cụm từ “cao nguyên trắng”!

Có ai biết nguồn gốc từ này không? Trong giới văn nghệ sĩ Lào Cai thì nhiều người biết rõ, nhưng tôi nghĩ rằng, đại chúng thì chưa chắc đã mấy người tường tận?

Tôi mạn phép xin thưa, Bắc Hà từ giữa những năm 80 trở về trước đồng bào trồng nhiều cây thuốc phiện (anh túc), cần sa, tất nhiên mục đích chính là để làm dược liệu và lấy rau ăn, tuy nhiên không cấm được cả lấy nhựa để hút nữa! Nhưng hơn 30 năm  trước (1993), sau tái lập tỉnh, chính quyền đã vận động nhân dân thay thế cây thuốc phiện, cần sa bằng cây mận tam hoa. Đó là một việc làm cần thiết, tạo cho môi trường xã hội lành mạnh hơn, khắc phục một phần tệ nạn nghiện hút.

     Nhà văn Mã A Lềnh là người Mông sinh ra ở cao nguyên Sa Pa, ông đã viết về Bắc Hà, vùng đất phía Đông Bắc Lào Cai khi mận tam hoa du nhập vào vùng này, đem lại sự thay đổi ấn tượng về cây trồng, cải thiện đời sống nhân dân. Với xúc cảm của nhà văn, ông gọi Bắc Hà là “cao nguyên trắng”, bởi mỗi dịp xuân về, Bắc Hà trắng màu hoa mận. Nhưng cái title bài ký chỉ có ý nghĩa trong phạm vi sự kiện đó.

     Thế rồi thấy từ "cao nguyên trắng" có vẻ hơi lạ, nên nhiều người đã nói theo…. Nhưng nay cứ động nói/ viết về Bắc Hà là người ta kèm theo cụm từ “cao nguyên trắng” như một biệt danh, như một cách dùng từ sành điệu!? Đó là cách nói hình như muốn dành tất cả cho vùng đất cao nguyên Bắc Hà này một biệt danh “cao nguyên trắng”?

     Có phải để cho giống với Sa Pa, nơi có biệt danh “Sa Pa – nơi gặp gỡ đất trời”, do nhạc sĩ Phùng Chiến sáng tạo (1988) trong ca khúc nổi tiếng của ông? Theo tôi, cũng là sáng tạo văn học nghệ thuật, nhưng hai cụm từ này áp dụng cho biệt danh của hai cao nguyên nổi tiếng ở Lào Cai: “Sa Pa – nơi gặp gỡ đất trời” và “Bắc Hà – cao nguyên trắng” hoàn toàn không tương đồng ý nghĩa.

     “Sa Pa, nơi gặp gỡ đất trời” là nói về đặc điểm thiên nhiên vốn có. Đó là độ cao quanh năm mây trắng bồng bềnh quấn quýt chân người...tạo cho con người có cảm giác như nơi gặp nhau của Đất - Trời! Còn “Bắc Hà – Cao nguyên trắng” là nói về một hiện tượng xã hội, khi cây mận tam hoa lên ngôi thay thế cho cây thuốc phiện với sự tác động của con người. Cụm từ này chỉ mang tính thời sự. Bởi, giả dụ nếu một ngày nào đó, Bắc Hà lại phát hiện ra một thứ cây đặc sản khác, chiếm ưu thế của vùng đất này hơn cả cây mận, thì chữ “cao nguyên trắng” liệu còn có ý nghĩa? Những gì con người làm nên thì con người cũng có thể thay đổi theo thời gian, có thể vài chục năm hoặc lâu hơn nữa, chứ không thể vĩnh viễn!

     Tuy nhiên, tính từ “trắng” thường gây cảm xúc không lấy gì làm hay ho, đẹp đẽ. Khi làm ăn thất bát, mất hết của cải, người ta nói là “trắng tay”! Khi gặp người tráo trở, người ta chê “quân trắng mắt”. Khi lũ lụt, người ta nói “cánh đồng lúa bị trắng băng”. Khi nghèo khó, gia sản chẳng có gì, người ta bảo “hai bàn tay trắng”. Trong các đám tang truyền thống của người Việt, những người thân mặc áo xô “trắng”, đội khăn “trắng”. Và cũng không hiểu sao, cụm từ “cái chết trắng” lại dành riêng cho một loại “ma”, đó là ma túy !? … Và tôi cũng rất ấn tượng với hai câu trong bài thơ “Ở nghĩa trang Văn Điển”, khi nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: “Người nổi tiếng và người không nổi tiếng/ đều gặp nhau trắng toát ở nơi này” (!)…

     Thiết nghĩ, trong phát triển du lịch, điều thu hút du khách là nội dung, chất lượng sự kiện, là những dịch vụ sinh hoạt hấp dẫn, những ứng xử văn minh, lịch sự, chân thành của con người, cụ thể ở đây là Bắc Hà. Ví như những sản phẩm độc đáo của địa phương về ẩm thực, về văn hóa, về sắc phục của phụ nữ Mông Hoa… Chỉ thoáng nhìn, người ta đã nhận ra đó là Bắc Hà, không lẫn với nơi khác. Còn màu trắng của hoa mận thì bây giờ đã tràn ngập khắp các vùng ở Tây Bắc Việt Nam, đâu chỉ có riêng ở Bắc Hà? Chỉ có nền văn hóa độc đáo, tính cách mến khách của con người... mới là nhân tố khó cưỡng lại du khách, đã đến lần này, muốn trở lại lần sau.  

     Vì thế, tôi thấy không nên dành cho vùng du lịch Bắc Hà cụm từ “cao nguyên trắng”! Đây là cụm từ không hay ho gì đối với một vùng đất đáng yêu như thế!

                                                                                                     Ngọc Dương 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.