6299. Chấp nhận sự khác biệt !

Chấp nhận sự khác biệt !

PNTB

Trên đời có nhiều cái khó, một trong những cái khó nhất là chấp nhận sự khác biệt !

Sự khác biệt là những nét riêng được khẳng định, được đề cao gắn với đời sống của một cá nhân, một nhóm người hay cộng đồng xã hội (tạm gọi là ‘chủ thể’). Sự khác biệt có thể được thể hiện ở suy nghĩ, quan điểm, lối sống, hành động, cách ứng xử của chủ thể này đối với chủ thể khác.  

Nếu muốn ai cũng như ai, muốn cái gì cũng phải giống nhau… Như vậy thì sự vật không thể phát triển, xã hội không thể tiến bộ.

Một trong những Quy luật cơ bản của triết học Mác là vạn vật đều phát triển trong sự “thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập”… Nhiều người biết, nhưng không phải ai cũng vận dụng được.

Kể từ khi thế giới không còn hai phe, khi trụ cột xhcn sụp đổ bởi những sai lầm từ bên trong, thì khẩu hiệu “Giai cấp vô sản toàn thế giới đoàn kết lại” để lật đổ chế độ tư bản, thấy ít người nhắc đến, vì biết là không thể. Cái ta định “lật đổ” nó không còn như khi Mác sinh thời, nó đã khác rất nhiều, cứ sừng sững, ngày càng lớn mạnh và tiến bộ… Đó là một thực tế khách quan.

Ở TQ, từ những năm 80, dưới sự cầm quyền của Đặng Tiểu Bình, ông đã đưa ra “thuyết con mèo”… Từ đó, những người biết đến chủ nghĩa Mác đều hiểu rằng, TQ đã bắt đầu từ bỏ CN Mác – Lê nin. Bởi họ đã thẳng thừng phủ nhận cuộc “đấu tranh giai cấp”, nguyên lý cốt lõi của CN Mác – Lenin, không còn phân biệt “mèo trắng, mèo đen”. TQ đã bắt tay với Mỹ từ 1972… rồi “cải cách và mở cửa” từ cuối năm 1978. Nhờ đó mà từ một nước rất nghèo nàn lạc hậu, TQ đã vươn lên có nền kinh tế phát triển đứng thứ nhì thế giới! Nếu Đặng không phải là người đứng đầu TQ khi đó, mà dám có ý tưởng động trời ấy thì biết đâu ông có thể đã bị bắt ?!   

Chúng ta vẫn nói là theo Chủ nghĩa Mác Lê nin, nhưng cũng ít nhiều đã chắt lọc những tư tưởng đúng đắn của các ông được thực tiễn kiểm nghiệm. Cái gì không phù hợp thì cũng bỏ đi, dù có người nhận thức máy móc vẫn tiếc hùi hụi. Nếu cứ hiểu cnxh là những tư tưởng chung chung, là đối lập với tư bản… thì chắc chắn sẽ thất bại.

“Cơ chế kinh tế thị trường” là kết quả sáng tạo của nhân loại đã được cntb đi trước áp dụng và có hiệu quả, nhất là thời hiện đại, đã đưa cả hệ thống tư bản thế giới vượt trội trên địa cầu. Thế mà một thời ta căm ghét, muốn lật đổ, tiêu diệt, nhưng rốt cuộc, nếu năm 1986 Đảng CSVN không quyết tâm áp dụng cơ chế đó thì đất nước chắc gì đã đứng được cho đến nay? Còn nhớ, Tổng bí thư Trường Chinh chẳng đã nói: “Đổi mới hay là chết!”. Đổi mới lúc đó thực chất là chấp nhận cơ chế thị trường như cntb đã áp dụng mấy trăm năm!

Ai đã học Chủ nghĩa Mác đều có thể biết, Mác từng tuyên bố: Học thuyết của chúng tôi không phải là những “công thức” (mô hình) bất biến, mà chỉ là phương pháp luận. Liệu nay cứ rập khuôn những “mô hình cụ thể” khi Mác dự báo ở giữa thế kỷ 19, thì có còn là khoa học và có phải là “trung thành” với Mác hay chỉ là tư biện?

Ở Việt Nam, kể từ sau “đổi mới”, Đảng CSVN có quan điểm ngoại giao “bắt tay với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị”, chấp nhận sự khác biệt để hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế giúp đất nước phát triển. Đó là quan điểm đúng đắn.



Trong những năm gần đây, Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác với hệ thống các nước tư bản như Nhật, Hàn, Anh, Pháp, Mỹ… Chính họ đã giúp ta tháo gỡ quá nhiều khó khăn. Và họ cũng rất nhân văn, các Tổng thống Mỹ từ khi bình thường hóa quan hệ với VN đã tuyên bố rõ ràng: chúng tôi tôn trọng chế độ chính trị của các ngài! Tất nhiên, trong quan hệ với nhau, chả có ai chỉ vì người khác. Họ cũng như chúng ta, đều mang tư tưởng “hai bên cùng có lợi”.



Thế giới này, quốc gia nào, con người nào trong quan hệ chỉ biết ta, không biết người, thì muôn thuở không thể mở mắt được.


Hễ cứ lấy mình làm trung tâm, muốn độc quyền chân lý, không chịu lắng nghe, chắc chắn cũng chỉ rước về sự cô đơn và thất bại. Trong quan hệ, ai chân thành, trung thực người ta biết cả; ai gian manh, vụ lợi, leo lẻo nói một đằng làm một nẻo cũng chả che được mắt người. Thực tiễn đã chỉ ra tất cả.

Chính Mác đã viết: “chỉ có thực tiễn mới là tiêu chuẩn của chân lý”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.