6295. ““Khuôn vàng thước ngọc" ”

“Khuôn vàng thước ngọc" 

Nguyễn Ngọc Dương

Từ xa xưa, những đứa trẻ trong các gia đình, nhất là những gia đình khá giả thường bị người lớn “bao cấp” từ ý thức đến hành động, nhất nhất phải tuân theo cho đến lúc lấy vợ gả chồng: “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Giới “mũ cao áo dài” là “quan phụ mẫu”, tức “cha mẹ dân”, bất luận sai đúng thì dân không được trái lời. Đó là thứ văn hóa đã tồn tại hằng nghìn năm.

Cách mạng về đã “đánh đổ chế độ phong kiến thối nát”, ai cũng vỗ tay cho rằng, xã hội mới là hoàn toàn “ưu việt”, không còn dính dáng gì đến những thứ văn hóa lạc hậu, thấp kém của chế độ phong kiến.

Thế nhưng, trải qua 2/3 thế kỷ, thực tiễn đã cho thấy “cái xác” phong kiến tuy đã “chôn sâu ba tấc đất”, nhưng “cái hồn” của nó vẫn lẩn quất khắp nơi, dù chế độ mới ít nhiều cũng đã có tiến bộ. Có lẽ Quy luật của “ý thức xã hội” trong đó có “văn hóa, đạo đức…” không thể “đứt đuôi con nòng nọc”, khi một chế độ mới được thiết lập về mặt Hình thức nhưng chưa căn bản thay đổi về Nội dung?   

Trên fb của Nhà văn Sương Nguyệt Minh mới đây có một tút giới thiệu đến “20 mẫu mở đoạn nghị luận xã hội”. Chuyện “văn mẫu” ở xứ ta vốn đã tồn tại nhiều năm. Nhưng “văn mẫu” nói riêng, và sự giáo dục áp đặt từ gia đình đến nhà trường…, xem ra vẫn được coi là nét văn hóa “khuôn vàng thước ngọc” (!)  





Cái “khuôn vàng thước ngọc” ấy của “bề trên”, cha mẹ trong gia đình, thày cô trong trường học, lãnh đạo trong cơ quan…, nó luôn áp đặt cho những đối tượng nhược thế.

Đó là một “hằng số văn hóa” đã ăn sâu vào tiềm thức con người không dễ gì gột bỏ. Nó được coi là “khuôn vàng, thước ngọc”, đã kìm hãm mọi sự Sáng tạo của con người! Ví dụ, trong gia đình, mà con cái có “tư duy độc lập”, dám bảo cha mẹ sai thì bị chửi té tát, cho là “hỗn”! “Tao có sai, tao cũng là cái thằng bố đẻ ra mày!”... “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư!” (Tục ngữ).

Nếu cha mẹ không tự nhìn lại mình, không chịu lắng nghe, không nhận ra lẽ phải, cứ khăng khăng mọi chân lý thuộc mình, rồi quay ra chửi mắng con cái, thiếu công bằng, nhân ái, bao dung… thì gia đình rất dễ lục đục, thậm chí có khi còn đổ vỡ!  


  

Phép biện chứng duy vật của Karl Marx đã chỉ rõ: “Hoàn cảnh tạo ra con người trong chừng mực mà Con người tạo ra Hoàn cảnh”.

Sự tác động của Con ngườiHoàn cảnh không thể một sớm một chiều làm chuyển biến cuộc sống, nhất là khi chính Con người không đủ sức tạo ra Hoàn cảnh tiến bộ, để hoàn cảnh đó tác động đến “sự thay đổi chính mình!”  


NND

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.