6293. Bác tôi

Bác  tôi

Nguyễn Ngọc Dương/ PNTB

 


Mới đây tôi đi dự ngày giỗ lần thứ 50, đồng thời cũng là 110 năm ngày sinh của Bác tôi. Bác tên là Nguyễn Văn Năm, cũng là con trai thứ 5 trong gia đình. Ở quê, có nơi gọi quan hệ “con cô con cậu” dù là anh hay em mẹ cũng đều là “cậu”. Nhưng riêng làng tôi thì chỉ gọi em mẹ là cậu, còn anh mẹ là bác.

Tuy mẹ (bu) tôi là em con chú của bác Năm, nhưng ông bà ngoại tôi không có con trai, nên để tránh “tuyệt tự”(1), bác Năm được Cụ ngoại giao cho “kế tự”, nghĩa là người NỐI DÕI. Đã là người nối dõi thì coi như CON TRAI. Vì thế, anh em “con chú con bác” giữa Bu tôi với Bác trở thành “anh em ruột”. 

Năm 1973, mới 60 tuổi, Bác mất vì căn bệnh hiểm nghèo. Trước khi lâm chung vài tuần, Bác cho người tìm tôi, lúc đó đang công tác ở cơ quan huyện Bảo Thắng, là phải về ngay để Bác nhờ một việc.

Tôi đạp xe 20 cây số từ Phố Lu về Phong Niên, vừa ngồi xuống, Bác nói luôn: “Cháu có biết ‘triện tàu lá rắt’ không?”. Mới 25 tuổi, chưa được học hành gì nhiều, nghe một từ lạ hoắc, hơi hoang mang, nhưng tôi đã biết trước là bác sai người gọi tôi về chỉ để vẽ trang trí cho Bác… cái quan tài!

Đã từng nhìn thấy quan tài ở các đám ma, nên tôi mạnh dạn nói: “Dạ cháu biết ạ!”. “Thế thì tốt, bác nghĩ cả họ này bây giờ chỉ có mày là biết vẽ. Mày vẽ “triện tàu lá rắt” cho bác nhé!

Sáng hôm sau Bác cho người khênh cái quan tài mộc để giữa nhà, hai người nâng Bác ngồi dậy để xem thằng cháu “trổ tài”. Quan tài ngày ấy rất đơn giản, thậm chí chỉ ghép bằng 6 tấm gỗ mộc, có mấy ai trang trí, vẽ vời.

Tôi pha oát với nước hồ, hí hoáy vẽ. Tám góc quan tài của hai tấm sườn đều trang trí “triện tàu lá rắt” màu vàng trên nền đỏ. Đầu trốc vẽ  một chữ “phúc”, dưới chân một chữ “thọ”. Thấy nhiều nơi làm vậy thì mình cũng bắt chước, chứ có biết “triện tàu, lá rắt” là gì đâu. Vẽ xong, Bác gật gù khen: đúng đấy, cháu vẽ đẹp!... Đó là kỷ niệm cuối cùng của tôi với Bác.

Bu tôi bảo, Bác là người học cả chữ Nho và chữ Quốc ngữ, cả tiếng Pháp nữa. Có thời gian Bác còn dạy Quốc ngữ. Vì thế Bác đọc được nhiều sách báo đương thời và nhớ nhiều chuyện. Hồi mới lên khai hoang, khi đi phát nương Bác hay kể chuyện để mọi người đi làm nghe cho đỡ mệt.

Có lần Bác kể: Thời xưa, người Việt chỉ học chữ Nho bắt đầu là quyển “Tam tự kinh”. Nhưng từ những năm 20 (thế kỷ XX), phong trào học chữ Quốc ngữ báo hiệu sự chấm dứt của chế độ Nho học. Khi cái mới ra đời thì cái cũ đều “phản kháng”. Những người “có ý thức dân tộc” chỉ đơn giản nghĩ, nếu học chữ Tây và Quốc ngữ, cái loại chữ “loằng ngoằng rau muống” ấy, đều viết bút sắt trên “giấy Tây”,… rồi thì không khéo cứ mãi làm nô lệ cho Pháp quốc!? Lớp cấp tiến thì không muốn học cái chữ “hủ Nho”. Thế là thành hai trường phái xung đột.

Trong giai đoạn ấy đã xuất hiện những bài thơ đả kích phái “Tây học”. Bác tôi đọc hai bài thất ngôn tứ tuyệt. Nghe xong tôi nhớ luôn và nhớ cho đến tận bây giờ.

Bài thứ nhất, (không rõ tiêu đề):

Ba, bốn, năm mươi vẫn vỡ lòng

A, ơ, á, ớ khổ thân ông

Bê cu thời cũng bê cu cả

Nấp đít sau cùng nấp đít chung.

Đó là bài thơ đả phá chế độ “tân học”. Tuổi đã “cứng” rồi mới đi học “a ơ ă â”, bốn nguyên âm Quốc ngữ đã gợi ra hình ảnh một “thằng ngố”!

Hai câu cuối đánh thẳng vào chế độ lệ thuộc ngoại bang. “Bê cu” là cách chơi chữ, phát âm chữ cái Latinh “b” và “q”. Thầy trên bảng “b, q”, trò bên dưới cũng “b, q” nên mới “bê cu thời cũng bê cu cả!”. Rõ ràng là bài thơ đả vào những kẻ cung cúc ngoại bang, “nâng bi” quan thầy Pháp. “Nâng bi” là tôi dùng từ tân thời, chứ ngày xưa, các cụ cứ nói toẹt ra là “đội dái”, một từ hơi tục nhưng chính xác. Thày tôi thường “chửi” những kẻ xu nịnh cấp trên bằng cái từ “đội dái”!

Bài thơ còn tiếp tục chơi chữ “nấp đít”. Đó là phiên âm tiếng Pháp từ đếm 9, 10 (neuf dix). Rõ ràng là thơ chửi lũ quan thầy và tay sai đều nấp đít “thằng Tây”.

Bài thứ hai: “Vịnh chim cu trong lồng”:

Cu ơi, ta bảo để cu hay

Ai đưa cu đến cái chốn này?

Đừng cậy lồng son và gác tía

Có ngày thớt nghiến với dao phay!

Bài thơ này cũng “chơi chữ”. “Cu” là một từ đồng âm dị nghĩa giữa “thằng cu” và “con chim cu”. Từ “cu” ở đây có ý miệt thị bọn Thực dân. Đặc biệt câu cuối  thể hiện rõ ý thức căm thù cái chế độ “một cổ hai tròng”, muốn kết thúc chính quyền thực dân bằng “thớt nghiến với dao phay”.

Một chế độ xã hội nơm nớp trước nguy cơ sụp đổ thì bao giờ nhà cầm quyền cũng kiểm duyệt gay gắt báo chí và văn học nghệ thuật. Vì thế các sáng tác phản kháng lúc đó đều phải “bóng gió”, không dám trực diện.

Nhưng bài “Vịnh chim cu” đã dự báo rất tài tình. Chỉ vài chục năm sau, trận Điện Biên Phủ (1954) đã là “thớt nghiến với dao phay”, băm nát chế độ Thực dân Pháp gần 100 năm đô hộ xứ Đông Dương…  

***

Chú thích:

(1): “Tuyệt tự” là không có người nối dõi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.