6292. Chị tôi

Chị tôi 

Bài của Nguyễn Đình Thi

[Kỷ niệm 32 năm, ngày mất của anh rể tôi – chồng chị - 10/4 (âm lịch) năm 1991]

Chị tôi

Là con cả trong gia đình 5 chị em, năm nay Chị vừa bát tuần. Nhưng có lẽ do số phận an bài mà cuộc đời Chị không ít long đong!

Ngay khi lọt lòng mẹ, Chị đã bị ngạt – tôi được thày bu kể - do ca sinh khó trong cái thời ở làng quê chỉ biết nhờ bàn tay Bà Tắm. Chị không cất được tiếng khóc chào đời!… Mọi người ngậm ngùi chuẩn bị “đưa Chị ra đồng” thì bất ngờ Chị cựa quậy, hồi sinh! Chắc do Bà Mụ “nhầm lẫn” gì đó, nhưng đã kịp thời “sửa sai”? Đó là lý do khiến Chị không hẳn được bình thường như mọi người!... Thày bu tôi đặt tên Chị là “Mười”, chắc mong sao Chị lớn lên nếu không được “mười phân vẹn mười” thì cũng được nên người bình dị.   

Trong một gia đình nghèo khó, sáu, bảy tuổi Chị đã phải chăn trâu, cắt cỏ, xay lúa, giã gạo, bế em… Những năm mới hòa bình, Chị cũng được thày tôi dạy dăm ba chữ quốc ngữ trong chương trình “bình dân học vụ”. Nhưng do tiếp thu chậm, Chị không thể học tiếp, nhường việc học hành cho các em.  

Chị ít nói, thật thà, thật đến mức đáng thương! Có lần cả nhà ngồi ăn cơm, Chị quên không mời chào, người lớn nhắc, Chị lụng bụng: “Ừ thì mời cả lò cả chõ ăn cơm!...”. Câu nói ngô nghê khiến tôi nghĩ: “Phải chăng Chị đơn giản cho rằng, mời mọc chỉ là khách khí?” Nghĩ vậy, tôi càng thương Chị hơn.

Giữa những năm 60 (thế kỷ trước), cả nhà tôi đi khai hoang ở Lào Cai theo “cuộc vận động” của nhà nước. Gia đình khó khăn nên xung phong ra đi, đến một nơi xa lạ được cho là “rừng thiêng nước độc”. Chị lớn nhất, đã ngoài 20 tuổi, trở thành lao động chính. Chị lăn lộn với núi rừng, phát nương rẫy, cấy lúa, trồng ngô, kiếm củi… suốt ngày quần quật. Tấm áo nâu của chị hằng ngày hết ướt lại khô, rồi lại đẫm mồ hôi. Nhưng Chị cứ lầm lũi như số phận sinh ra phải vậy.

Cuối năm 1966, tôi gia nhập “TNXP chống Mỹ cứu nước”. Hôm nhập ngũ, Chị đi bộ 3 cây số tiễn tôi đến địa điểm tập kết. Chị chẳng nói gì, chỉ vừa đi vừa lau nước mắt. Chị khóc. Chị khóc không thành tiếng, nhưng cứ phải liên tục kéo vạt áo lên lau mặt. Đôi chân bước thấp bước cao, liên tục vấp phải những viên đá trồi lên mặt đường đất gập ghềnh. Chị cúi mặt đi như một người đi đưa đám! Lại có lúc ôm mặt khóc to, cứ như sợ không gặp lại thằng em giai nữa!... Hình ảnh đó ám ảnh tôi suốt đời! Thì ra bên trong con người giản dị của Chị là một thế giới tình cảm mênh mang, sâu nặng.

Hình như không bao giờ Chị nghĩ về bản thân, kể cả hạnh phúc riêng tư. Hay có nghĩ mà không bao giờ nói?...

Anh Cát, cán bộ Miền Nam tập kết, làm công an ở Trại Cải tạo số 2, cách nhà tôi không xa, ngày nghỉ thường đi rừng săn bắn. Anh hay qua nhà tôi, mang “chiến lợi phẩm” về làm món nhậu “chén chú chén cháu” với thày tôi. Thế là giời xui đất khiến, anh chị gặp nhau và kết hôn vài năm sau đó.  

Ai cũng bảo, không ngờ chị còn hạnh phúc hơn khối người phụ nữ thời ấy, phải cô đơn suốt đời, bởi trong chiến tranh trai tráng ra trận hết, có làng chỉ thấy toàn cụ già, đàn bà, trẻ con. Anh chị sinh được ba người con: hai trai, một gái.

Tiếng là công an, nhưng anh sống bình dị, bao nhiêu tình cảm “lặn hết vào trong”. Tháng 4/1973, thày tôi mất ở tuổi 60. Anh mang khẩu súng săn ra giữa sân bắn mấy phát chỉ thiên để đưa tiễn hương hồn cha vợ, một nghi thức “độc nhất vô nhị”! Trước di hài ông, anh nói trong nước mắt: “Thế là tui mất ông rồi! Từ nay tui biết nhậu với ai!”.

Trước ngày chiến thẳng 30/4, anh được điều trở lại Sài Gòn, công tác ở Khám Chí Hòa. Thế là khi Thống nhất Đất nước, “Bắc Nam sum họp” thì vợ chồng con cái anh chị lại chia ly! Vài năm sau, anh nghỉ việc về quê ở Hóc Môn, nhưng nghe nói, cũng chỉ đi chăn bò! Hai con trai ở Bắc về gặp ba, nhưng chẳng có công ăn việc làm nên phải bươn chải kiếm sống.

Chưa kịp đoàn tụ gia đình thì “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” – anh mất trong một tai nạn hi hữu! Biết tin, chị lật đật vào Sài Gòn chịu tang và đưa tiễn anh, rồi lại quay ra Bắc sống với con gái. Thời gian sau lại nghe tin con trai lớn đột ngột “đi theo cha”! Đứa con gái duy nhất sau khi có chồng có con, thì chồng cháu cũng chẳng may mắc bệnh mất sớm. Cháu đưa con về ở với Chị – Bà ngoại…

Nỗi đau mất mát trong gia đình dồn dập kéo đến, khiến Chị chẳng còn nước mắt để mà khóc!

Không biết có phải vì khóc nhiều mà mấy năm nay Chị bị khiếm thị, chả nhìn thấy gì nữa! Con trai, con gái chăm chỉ làm ăn, đã có cuộc sống kinh tế ổn định. Thấu hiểu cả cuộc đời thăng trầm của mẹ, các cháu muốn bù bắp phần nào, nhưng nay tuổi đã già, sức đã yếu, Chị có ăn uống, hưởng thụ được gì nhiều!?...

Hằng ngày, nhìn dáng bà, dáng mẹ tuổi tám mươi vịn tay thành giường lần đi từng bước, rờ rẫm trong tăm tối, các con, các cháu của Chị và cả anh chị em chúng tôi càng thấy thương chị nhiều hơn! Âu tất cả cũng đều là số phận!.

Nguyễn Đình Thi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.