6290. Chợ phiên vùng cao – đa dạng văn hóa truyền thống độc đáo

Chợ phiên vùng cao – đa dạng văn hóa truyền thống độc đáo

 

                                                 Chợ Cán Cấu-Si Ma Cai, Lào Cai

vùng cao, thường vài xã mới có một cái chợ. Xuất phát từ địa hình đồi núi nên cư dân thưa thớt. Các bản làng không quần tụ trong những lũy tre khép kín như làng cổ truyền vùng đồng bằng Bắc bộ. Các hộ gia đình vùng cao thường ở cách xa nhau, hiếm thấy hai nhà chung nhau “cái dậu mùng tơi”… Do vậy, người vùng cao ít có điều kiện giao lưu trong phạm vi làng xã…

Nhưng giao lưu vốn là bản tính con người. Từ thượng cổ, người Kinh ở đồng bằng Bắc bộ, mỗi làng đều có một ngôi đình để làm nơi hội tụ. Người Tây Nguyên có ngôi nhà Rông cũng là nơi gặp gỡ giao lưu của dân làng… Ngày nay, khắp nơi đều có “nhà văn hóa” của làng bản, khu dân cư… Nhưng xem ra có rất nhiều nơi “nhà văn hóa” chưa thực sự đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Vì thế, chợ phiên vùng cao, ngoài việc mua bán trao đổi hàng hóa cho sinh hoạt thì nó còn mang chức năng quan trọng là tạo không gian để con người gặp gỡ nhau như một nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đó chính là tổng hợp những nét văn hóa địa phương độc đáo và phong phú.

Việc mua – bán những vật dụng sinh hoạt ở chợ phiên vùng cao diễn ra rất đơn giản. Người nuôi được đàn gà, đàn vịt, bắt một con ôm trên tay đến chợ phiên bán đi để lấy tiền mua con dao, gói muối… Người nuôi được đàn lợn, chọn một vài con buộc dây vào cổ, đưa xuống chợ phiên bán, để mua sắm đồ dùng gia đình. Người trồng được buồng chuối, vác xuống chợ phiên bán lấy tiền uống rượu…

                                                             Xuống chợ bán vịt

Nhưng có một nhu cầu khác: chợ phiên còn là nơi người ta tìm đến nhau để giao lưu, kết bạn, chuyện trò tâm sự…Đặc biệt ở lứa tuổi đang “tìm hiểu” thì phải xuống chợ phiên. Chợ là nơi để nam thanh nữ tú “nhòm ngó” nhau, từ “đầu mày, cuối mắt”, phát hiện ra tín hiệu của tình yêu đôi lứa…

                                                             Bán lợn

Tục “kéo vợ” của người Mông từ xa xưa ở các tỉnh miền núi phía Bắc cũng xuất phát từ chợ phiên. Và đã có sẵn “kịch bản”, chứ chẳng phải ngẫu nhiên ... Ở Hà Giang có Chợ Tình Khau Vai nổi tiếng. Phiên chợ dành cho những đôi nam nữ đã từng yêu nhau, nhưng do hoàn cảnh nào đó “không thành”, nay đến đây để gặp lại, ôn lại những kỷ niệm “tình yêu” ngày trước cho… đỡ nhớ. Ở Sa Pa có “Chợ Tình Sa Pa” cũng nổi tiếng mà mọi người đã ít nhiều từng nghe. Hiện nay những người làm du lịch địa phương thường phục dựng chợ tình Sa Pa như một nét văn hóa đặc sắc để phục vụ du khách. Gọi là “Chợ tình” nhưng xin chớ hiểu lầm, bởi đây là một hình thức của Văn hóa tộc người, không có yếu tố thương mại.

Theo quan sát của chúng tôi, đối với chợ vùng cao truyền thống, chợ nào cũng có một góc dành riêng cho đám mày râu – quán rượu. Nhà văn Đoàn Hữu Nam có câu thơ: “Gặp bạn là gặp rượu”. Rượu giúp những người đàn ông gặp nhau, tâm tình chia sẻ chuyện trên trời, dưới đất mà khi đến gần, chúng tôi cũng không biết họ nói gì. Họ “phát sóng ngang” nhỏ nhẹ, không “chém gió” ồn ào như ở những vùng khác… Ở ngoài kia, những người phụ nữ xong việc của mình, bây giờ mon men đến gần quán rượu, ngồi chờ, khi nào anh chồng say thì vào dìu ra, đưa lên lưng ngựa túc tắc ra về. Có anh chồng say quá nằm thảm cỏ vệ đường, người vợ ngồi bên che ô chờ cho “tình yêu” của mình tỉnh rượu thì mới “đi nhà”. Đó thường là những người phụ nữ Mông lầm lũi, ít lời. Không bao giờ vì chồng say rượu mà “mặt nặng mày nhẹ”. Hình như thiên chức của họ sinh ra là để phục vụ vô điều kiện cho những đức ông chồng ?...



Có thể nói, ý nghĩa của chợ phiên vùng cao về kinh tế thì ít mà văn hóa thì nhiều. Ở chợ vùng cao, bản thân việc mua bán cũng có nhiều đặc sản mang tính chất văn hóa vùng cao: những cây trồng vật nuôi vùng cao, những trang phục đặc sắc của từng tộc người rực rỡ hoa văn thổ cẩm… Khi chuyển sang kinh tế thị trường, nhiều nơi biết rõ đặc tính văn hóa của chợ phiên nên đã quảng bá du lịch bằng cách thêm cho chợ tính từ “văn hóa” – “Chợ Văn hóa …”.

Chợ phiên văn hóa vùng cao từ hai, ba mươi năm nay đang có nhiều nét mới. Tuy nhiên, theo thiển nghĩ của người viết bài này, trong quá trình đổi mới rất cần có ý kiến của các chuyên gia văn hóa để “cái mới” của chợ phiên phù hợp với việc: “Xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Do đó, làm văn hóa đi đôi với phát triển du lịch và tăng thu nhập ngân sách cho địa phương, nhưng không nên chỉ thuần túy vì “mục tiêu ngân sách” mà làm hỏng văn hóa. Thực ra, làm kinh tế nếu gặp thời thì “phất” lên rất nhanh chóng, nhưng làm văn hóa không phải một sớm một chiều, có những nét văn hóa phải nhiều thế hệ mới xây dựng hoặc xóa bỏ dần được. Hơn nữa, chính văn hóa đích thực mới có sức hấp dẫn và có thu nhập lâu bền…

Trong văn hóa truyền thống, có nhiều yếu tố góp phần xây dựng nhân cách, đạo đức con người thì nên phát huy. Trái lại có những hủ tục, những nét văn hóa không phù hợp cuộc sống hiện đại, thì nên từng bước cải tạo và thu hẹp. Ví dụ chuyện rượu chè bê tha, ảnh hưởng sức khỏe, nhất là khi con ngựa, phương tiện vận tải chủ yếu đã được thay thế bằng “con ngựa sắt”, thì uống rượu sẽ rất dễ gây tai nạn, vi phạm luật giao thông ...

Khi quy hoạch xây dựng lại khuôn viên chợ phiên vùng cao chúng tôi thấy nhiều nơi đã không hiểu đầy đủ ý nghĩa văn hóa của chợ phiên, nên đã vội vã “kiên cố hóa” theo kiểu áp đặt chủ quan để thay thế những mái lá hấp dẫn bằng những khối bê tông quen thuộc và nhàm chán.

Ở nơi đô thị phồn hoa người ta đã quá nản với “rừng bê tông” rồi, nay bỏ công sức đến với Chợ phiên vùng cao mong được gần gũi với thiên nhiên, với những nét văn hóa truyền thống, nhưng lại gặp toàn bê tông là bê tông thì ai còn muốn? Tại sao chúng ta không mô phỏng những lán chợ cổ truyền, độc đáo bằng chất liệu tự nhiên, vừa dung dị vừa hấp dẫn du khách?... Nếu dùng từ “Chợ văn hóa” để góp phần thu hút du khách (cả trong và ngoài nước), mà đem bê tông hóa như những cái chợ ở đô thành thì tôi nghĩ, vô tình ta đã làm giảm mất giá trị “chợ văn hóa”?

Thiếu nữ đi chợ chơi
 

Nếu chỉ nhìn nhận chợ phiên vùng cao như một nơi thuần túy để thu nhập ngân sách cho địa phương mà áp đặt cách làm ngẫu hứng của những người nắm quyền thì khó có thể thành công.

Tất nhiên, thời buổi kinh tế thị trường làm gì chẳng phải nghĩ đến tiền. Tuy vậy, ở chợ phiên vùng cao, để có tiền phải giữ được văn hóa, nâng cao văn hóa truyền thống, gìn giữ nét đẹp, loại bỏ hủ tục... thì mới mong đáp ứng được mục tiêu của công cuộc đổi mới. Thực ra, chính việc giữ gìn được những nét văn hóa truyền thống độc đáo, không bị biến dạng, nhất là biến dạng về nhân cách… mới là sản phẩm bền vững để thu hút du khách.

                               Tác giả và hai du khách người Úc ở chợ Si Ma Cai

          Nếu không, chợ phiên vùng cao sẽ vẫn là câu chuyện còn dài dài…

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.