6289. Đôi điều về Ảnh nghệ thuật

Đôi điều về Ảnh nghệ thuật

Bài và ảnh: Ngọc Dương/PNTB

                         Làng Choản Thèn - Y Tý, Lào Cai

Để làm rõ khái niệm Ảnh Nghệ thuật, trước hết cần điểm lại thể loại ảnh. Thể loại ảnh được hình thành và phát triển trong quá trình thực tiễn của Bộ môn Nhiếp ảnh. Còn ít có bài viết bàn chung về thể loại, nhưng sự khác nhau về thể loại “ảnh nghệ thuật” và “ảnh báo chí” thì đã có khá nhiều ý kiến đề cập.

 

Trong thực tế, chúng ta nghiễm nhiên công nhận một số thể loại ảnh như: ảnh nghệ thuật, ảnh báo chí, ảnh dịch vụ, ảnh tư liệu khoa học… Rồi chia theo hình thức kỹ thuật như ảnh màu, đơn sắc... Hoặc chia theo chuyên đề như ảnh phong cảnh, chân dung, sinh hoạt đời thường, lao động sản xuất, ảnh “nuy”, thời trang...

Ở nhiều cuộc thi, liên hoan ảnh nghệ thuật, chúng ta được chứng kiến những cuộc tranh luận, hoặc phàn nàn đôi khi rất bức xúc rằng, tại sao lại thiên về ảnh báo chí – thời sự, thiếu quan tâm đến ảnh nghệ thuật? Có ý kiến còn cho rằng việc thẩm định ảnh nặng về chính trị, nhẹ về nhân văn... Tất cả chẳng qua chưa rõ nội hàm của ảnh nghệ thuật mà thôi. Tại sao ảnh báo chí, thậm chí ảnh dịch vụ... lại không có thể là ảnh nghệ thuật? Theo tôi, hầu hết các thể loại ảnh đều có thể là ảnh nghệ thuật một khi nó ĐỦ TIÊU CHUẨN NGHỆ THUẬT. 

 

Đôi mắt trẻ thơ

Người viết bài này cho rằng: “Ảnh dịch vụ” là loại ảnh chụp theo yêu cầu của người sử dụng, thường là nhằm lưu lại hình ảnh cá nhân, gia đình, tập thể trong một thời điểm, một dịp nào đó để làm kỷ niệm. “Ảnh báo chí” là ảnh mang tính thời sự - chính trị - xã hội, có ý nghĩa phản ánh một sự kiện, là bằng chứng sinh động thuyết phục nhất minh hoạ cho ngôn ngữ báo chí, hoặc đôi khi không cần ngôn ngữ, những bức ảnh tự nó đã nói lên sự kiện. “Ảnh chân dung” là ảnh phản ánh diện mạo, tâm hồn con người. “Ảnh sinh hoạt đời thường” là ảnh phản ánh hoạt động của con người trong cuộc sống hằng ngày...

 

Chân dung cụ bà dân tộc Lự

Tất nhiên, chỉ là tương đối khi ta phân chia ra các thể loại ảnh. Ở một bức ảnh cụ thể có thể vừa là thể loại này, đồng thời vừa là thể loại kia. Giữa các thể loại không có sự phân chia “cứng” nào. Đã có rất nhiều bức ảnh báo chí trở thành ảnh nghệ thuật khi nó mang ý nghĩa khái quát và chứa đựng hình thức nghệ thuật cao. “Từ thần sấm xuống xe trâu” của Văn Bảo, “O du kích nhỏ” của Phan Thoan... là những ví dụ. 

 

Lộc Xuân

Mỗi bức ảnh đều chứa đựng hai mặt: nội dunghình thức. Khi chia ra các thể loại ảnh, chúng ta thường căn cứ vào nội dung và hình thức của nó. Tuy nhiên, nội dung và hình thức của mọi bức ảnh khi ta tách ra để phân tích chỉ là một động thái của tư duy và nó mang tính tương đối. Tuyệt nhiên không có một bức ảnh nào có thể thoát hình thức ra khỏi nội dung của nó. Những bức ảnh không phải là ảnh nghệ thuật thì nó chỉ phản ánh nội dung với một hình thức hoàn toàn bình thường, ai cũng có thể chụp được, không đòi hỏi hình thức nghệ thuật.

Riêng về “Ảnh Nghệ thuật”, ta không có quyền tách nó khỏi các thể loại ảnh khác. Nhưng dù là ảnh phong cảnh, chân dung, báo chí, chính trị - xã hội hay ảnh “nuy”, ảnh lao động sản xuất hoặc sinh hoạt đời thường... khi được xếp vào thể loại ảnh nghệ thuật, nó phải có một “tiêu chí riêng về hình thức”. Đó là hình thức nghệ thuật. Một bức ảnh chỉ có hình thức tầm thường, không rung cảm được đa số người xem, thì dù mang nội dung gì nó cũng không thể được gọi là ảnh nghệ thuật.

Như vậy, ảnh nghệ thuật bao hàm hầu hết các thể loại (có chăng chỉ trừ ảnh tư liệu khoa học, phải được chụp như một sự ghi chép chân phương). Vậy hà cớ gì ta lại trách các Ban giám khảo rằng, các anh chỉ chú ý đến ảnh báo chí - chính trị? Có lẽ người phê phán điều này chưa nói hết ý?. Đó là vì những bức ảnh báo chí - chính trị được tôn vinh, trao giải thưởng mà nó chỉ thuần tuý báo chí - chính trị, không có nghệ thuật, không gây được cảm xúc thẩm mỹ cho người xem. Đây mới là điều đáng nói. Một nghệ sĩ nhiếp ảnh cao tuổi đã phàn nàn rằng, tại sao lâu nay trong các cuộc Liên hoan ảnh khu vực và trên Tạp chí của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thấy xuất hiện quá nhiều ảnh báo chí? nghệ thuật đi đâu rồi? Thực chất đó là câu hỏi về sự thiếu vắng nghệ thuật trên thể loại ảnh nghệ thuật mà thôi.

Nghệ thuật nhiếp ảnh là một hình thức sáng tạo của người nghệ sĩ. Trước hết là ý tưởng nhân văn khi sử dụng “vật liệu” ánh sáng bằng kỹ thuật máy ảnh và sau nữa là kỹ thuật “xử lý hậu kỳ”, nhằm tạo ra những bức ảnh có ý nghĩa xã hội mà bố cục, sự phân bố ánh sáng, độ nét, độ mờ, độ tương phản, màu sắc... khiến người xem phải trầm trồ. Nó tác động vào thị giác làm rung động tâm hồn, xao xuyến con tim. Sự rung cảm đó là do kết quả của sự kết hợp hài hoà giữa nội dung nhân văn và hình thức nghệ thuật. Đó là cái đẹp, là tính thẩm mỹ, vừa là thăng hoa vừa phải chân thực, phụ thuộc chủ yếu vào tài năng của chủ thể sáng tạo (người nghệ sĩ).

Bản chất của nghệ thuật là sự sáng tạo, không lặp lại, không sáo mòn. Tác phẩm ảnh nghệ thuật đích thực thường là “độc nhất vô nhị”, không dễ dãi, không phải ai cũng chụp được và ngay bản thân tác giả đôi khi không thể chụp lại được chính tác phẩm của mình. Nếu là ảnh báo chí, ảnh chính trị mà có hình thức nghệ thuật cao, hoặc “chớp” được những thời cơ “vàng” thì đó là những bức ảnh nghệ thuật tuyệt vời. Và như vậy, chắc chắn không ai “chê” ảnh báo chí - chính trị cả.

Đương nhiên, những hình thức “ánh sáng đẹp” thuần tuý, không chứa đựng nội dung nhân văn, vô nghĩa hoặc sáo mòn, thiếu tính chân thực thì chẳng thể rung cảm được ai. Nhưng không gì tệ hơn là những bức ảnh cố chụp cho được cái nội dung muốn tuyên truyên mà thiếu hẳn hình thức nghệ thuật, lại được những người “cầm cân nảy mực” khoác cho vòng nguyệt quế thì chỉ đem lại sự mỉa mai. Là nghệ sĩ sáng tạo ảnh nghệ thuật thì đừng vì những chủ đích thuần túy, muốn ca ngợi điều gì đó mà cố tôn vinh những bức ảnh phi nghệ thuật.

Trong thực tế, đã có tác giả và Hội đồng giám khảo muốn thể hiện “tinh thần cách mạng” nhưng lại bất thành khi muốn ca ngợi nhân vật, sự kiện, nhưng đã vô tình bôi xấu đối tượng. Đó là do tác phẩm được sắp đặt vụng về, sáo rỗng, thiếu tính chân thực, không gây được cảm xúc cho khán giả ... Những sự gán ghép khiên cưỡng đó đã hạ thấp giá trị nghệ thuật và đánh mất mục đích sáng tạo của tác giả.

(Bài đã đăng trên Tạp chí Phansipăng, số 262 (12/2022)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.