6282. Học nhiều chắc gì hơn học ít?

Học nhiều chắc gì hơn học ít?

PNTB

Kể từ sau khi Đất nước giành được độc lập (1945), chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) chỉ có 9 năm. Nhưng đến năm 1956, nhà nước bắt đầu áp dụng Chương trình GDPT 10 năm và sách giáo khoa (SGK) phổ thông 10 năm do Nha Giáo dục phổ thông ấn hành lần thứ nhất. Cũng năm đó, tôi bắt đầu vào học lớp 1. Và tôi học đến lớp 8 (1964) thì SGK phổ cũng in lần thứ 8. Hằng năm SGK in lại nhưng nội dung chủ yếu vẫn như cũ, chỉ gia thêm số lượng, rất hiếm trường hợp “đính chính” bổ sung.

Trước khi vào học lớp 1, tôi chỉ được học lớp Vỡ lòng 3 tháng để nhận mặt chữ cái và tập đánh vần. Những lớp vỡ lòng ở trong làng chỉ do một thầy/ cô giáo biết chữ quốc ngữ dạy, không lương, chỉ có một chút thù lao. Sau này có htx nông nghiệp thì htx trả cho ít thóc. Họ cũng không cần phải học để có bằng cấp, học vị, thậm chí bằng đại học để dạy mầm non như bây giờ!

Đặc biệt là 10 năm học phổ thông, không bao giờ học sinh được học cả ngày. Nếu học sáng thì chiều phải đi chăn trâu, cắt cỏ, dỗ em… nếu học chiều thì sáng làm những việc ấy. Nhà bạn nào không phải làm những việc đó thì quét nhà, thổi cơm hay rủ bạn đánh khăng, đánh đáo, thả diều…, chứ không phải chỉ cắm đầu vào học. Việc học, làm bài tập ở nhà chỉ có một lúc buổi tối trước khi đi ngủ và trên đường đi học cùng lũ bạn thực hiện việc “truy, trao, xào bài” … Tóm lại, ngày ấy đi học như đi chơi, chả kém gì những nước văn minh như Nhật bản, Anh Quốc bây giờ!

Tất cả “gia sản” của học sinh phổ thông khi đến lớp chỉ có vài cuốn SGK (chủ yếu là cũ mèm, đa số anh, chị học trước để lại cho em học sau) và hai, ba quyển vở để ghi chép, theo thời khóa biểu từng ngày. Chả cần cặp sách, ba lô hoành tráng trĩu vai như thời nay. Ngoài ra còn có cái bút sắt, một lọ mực, một bút chì và cái thước kẻ bằng gỗ. Có khi tất cả chỉ buộc bằng sợi dây nịt hay dây chuối là ổn, rồi đi bộ hai, ba km đến trường…

Các bạn trẻ nghe chuyện cũ, có khi cũng “thương hại” các cụ ngày xưa đi học? Thương hại vì đất nước rất nghèo, lại chiến tranh liên miên nên trẻ con không được sung sướng như bây giờ?

Thực ra, thời học phổ thông của chúng tôi, tuy có nghèo khó thật, nhưng vẫn có cái sướng. Chí ít sướng hơn các bạn trẻ bây giờ. Chúng tôi không bị áp lực của học tập. Thời ấy không thấy có bạn nào nhảy lầu, thắt cổ tự chết vì “sợ học” như ngày nay!

Thời chúng tôi, để vào được Đại học chỉ mất có 10 năm 3 tháng (10 năm phổ thông và 3 tháng vỡ lòng). Tôi nhớ, bạn bè tôi học hết lớp 10 (1966), không phải thi đại học. Cứ “tốt nghiệp cấp 3” là được vào đại học. Ai thích thì học, không thích thì chuyển ngang đi lao động kiếm sống hoặc đi bộ đội. Bởi lúc đó, bằng cấp không phải là “tiêu chuẩn cứng” để được làm việc. Ở tỉnh tôi, ông Bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBHC tỉnh chỉ có lớp 7, ông vẫn là Ủy viên Trung ương. Tiêu chuẩn đầu tiên là người tốt, đức độ, được thử thách trong cuộc sống, chứ không phải là bằng cấp.

Ngày ấy học ít không hẳn do nghèo? Cái nghèo chỉ làm cho bọn trẻ đi học đôi khi đói “lả” ngay trên lớp, nhất là vào giờ thể dục tiết 4, tiết 5 !... Nghèo khiến trẻ con đi học còn phải mặc quần áo vá, chứ đừng nói “đồng phục”. Nghèo làm cho nhiều bạn, trong đó có tôi đi học chân đất, bất chấp đông, hè, mưa, nắng vẫn cuốc bộ đến trường…

Lớp chúng tôi, (bây giờ U 70 – 80) thời trẻ cũng không ít người có đức, có tài. Và hầu như nếu làm cán bộ từ cấp huyện đến Trung ương cũng không thấy ai biến thành “sâu”, thành “chuột”. Xem ra, lớp chúng tôi được học ít, nhưng đều thành… Người cả.

Tới nay thì các bạn biết đấy. Chưa bao giờ GDPT VN phát triển “hoành tráng” như bây giờ. Thay vì học 10 năm 3 tháng, nay phải học 15 năm (gấp rưỡi) 3 năm mầm non, 12 năm GDPT mới được thi Đại học. Lại còn phải học cả ngày, cả đêm, về nhà cũng phải cắm đầu học và học… Sách thì nhiều vô kể, lớp 1 đủ bộ đã 23 cuốn! [ảnh]... Và chưa bao giờ đất nước có lắm giáo sư, tiến sĩ như ngày nay. Cả lãnh đạo, quản lý các ngành các cấp cũng nở rộ giáo sư, tiến sĩ… Nếu tính tỉ lệ người có bằng cấp cao học, chắc chắn không mấy nước trên thế giới đuổi kịp nước mình ?…

Chỉ có điều bằng cấp nhiều, nhưng dường như chỉ để “trưng diện”, giới thiệu danh xưng…, chứ đất nước thì không thấy có công trình khoa học nào giúp cho kinh tế, xã hội phát triển…

Lạ nữa là, từ khi có lắm giáo sư, tiến sĩ trong giới lãnh đạo, thì lại xuất hiện quá nhiều “chuột bọ”, từ những kẻ đầy mình bằng cấp với danh xưng kêu như chuông, đã góp phần cho các nhà lao ngày càng chật chội !...

Vậy thì học nhiều chắc gì đã hơn học ít?

(9/2022)

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.