6279. Phạm Duy Nghĩa cứ lầm lũi bước trên con đường của mình.

Phạm Duy Nghĩa cứ lầm lũi bước trên con đường của mình

PNTB/ Nguyễn Ngọc Dương



Cuối năm 2002 tình cờ Trần Hữu Sơn, Giám đốc sở Văn hóa Thông tin, kiêm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Lào Cai đưa cho tôi cuốn truyện ngắn Tiếng gọi lưng chừng dốc, NXB Văn học 2002, của Phạm Duy Nghĩa, giáo viên dạy văn Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Tôi đọc và rất ngỡ ngàng vì Nghĩa chưa phải Nhà văn (theo cách hiểu của mọi người, “Nhà văn” phải là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam). Thậm chí đến năm ấy, 29 tuổi, Phạm Duy Nghĩa chưa từng đứng tên trong một tổ chức “hội” nào cả. Đơn giản, anh chỉ là một thầy giáo dạy văn, còn trẻ, chưa vợ! Nhưng tập truyện ngắn đã ám ảnh tôi và thôi thúc tôi phải gặp Nghĩa.

Tôi bảo, chú rất ngạc nhiên khi đọc tập truyện ngắn đầu tay của Nghĩa. Chú nghĩ chỉ cần một tập truyện đó, tác giả đã thừa tiêu chuẩn để làm Hội viên Hội VHNT tỉnh. Nhưng anh có thích vào Hội không? Vốn rất ít nói, Nghĩa chỉ “vâng, được vậy thì tốt chú ạ”. 

Khởi nghiệp từ sinh viên tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, năm 1996 Nghĩa về làm giảng viên ngữ văn trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Với nghề nghiệp của mình, từ năm 1999, anh đã bắt đầu sáng tác truyện ngắn, thơ, nghiên cứu văn học, nhưng chủ yếu là truyện ngắn…  

Năm 2003, Phạm Duy nghĩa trở thành Hội viên Hội VHNT tỉnh Lào Cai. Trước đó (2002), anh đã Bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Với những sáng tác xuất sắc về đề tài Dân tộc và miền Núi, Năm 2005 Nghĩa được kết nạp vào Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Bất ngờ cuối năm 2004, sau khi vào Hội VHNT tỉnh một năm, Phạm Duy Nghĩa ẵm ngay Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) 2003-2004, một Giải thưởng mà nhiều người mặc nhiên cho là “rất sang trọng”. Cái Giải nhất Giải thưởng báo Văn nghệ, khiến giới văn chương trong nước bắt đầu chú ý đến tên tuổi Phạm Duy Nghĩa.

Năm 2007, Nghĩa trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, với số phiếu cao nhất (đứng đầu danh sách 24 nhà văn được kết nạp năm đó). Nhưng sự nghiệp của anh lại đứng trước một “bước ngoặt” bất ngờ. Lúc đó tôi đang chuẩn bị các nội dung Đại hội hết nhiệm kỳ để nghỉ hưu và tổ chức Kỷ niệm 35 năm thành lập Hội VHNT Lào Cai thì một hôm, Nghĩa xuống cơ quan gặp tôi và thổ lộ: “Cháu vừa được biết, người của Bộ Quốc phòng và Tạp Chí Văn nghệ quân đội lên gặp chính quyền địa phương và trường Cao đẳng Sư phạm xin cháu về công tác ở cơ quan Tạp chí này. Chú cho cháu đi nhé!”. 

Tôi nói: “Đó là một tín hiệu rất đáng mừng cho Nghĩa. Nhưng quyền cho anh đi hay ở, theo Quy định về phân cấp, quản lý cán bộ là cơ quan chủ quản Trường Cao đẳng Sư phạm và UBND tỉnh Lào Cai, còn Hội VHNT không có chức năng quản lý hành chính đối với các Hội viên, không có quyền giải quyết vấn đề nhân sự. Hội chỉ có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện để khích lệ anh chị em Hội viên sáng tạo văn học, nghệ thuật. 

Nghĩa lại hỏi, theo chú, cháu có nên đi không? Tôi bảo, điều này thì hoàn toàn do Nghĩa tự quyết định chứ khó có thể khuyên như thế nào. Có lẽ đi hay không, mỗi phương án đều có những khía cạnh tốt và cả những thiệt thòi… Nhưng nếu về Tạp chí Văn nghệ quân đội, một “tạp chí văn chương uy tín nhất nước, nơi được coi là “ngôi đền thiêng” của Văn học Việt Nam hơn nửa thế kỉ qua” thì anh sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi cho sự nghiệp của mình.

Thế rồi năm 2008, Phạm Duy Nghĩa có quyết định chuyển công tác về Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội. Năm 2010, anh Bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn tại Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Nay Thượng tá Phạm Duy Nghĩa là Phó Tổng Biên tập phụ trách chuyên môn của Tạp chí danh tiếng này. Anh cũng là Giảng viên (thỉnh giảng) tại Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Văn hóa Hà Nội… Được biết, ở “ngôi đền thiêng” này, Nghĩa là một trong nhiều nhân vật kiên trì độc thân. Và cuối cùng thì đến nay anh cũng đã có vợ!  




Tiếng là vậy, nhưng mỗi lần về TP Lào Cai thăm bố mẹ, Nghĩa thường gọi điện: “Chú ơi, chú có nhà không cháu xuống chơi”. Có hôm Nghĩa đến cả mấy tiếng đồng hồ mà chỉ ngồi nghe tôi “chém gió”. Còn anh thì rất kiệm lời. Hỏi câu nào nói câu ấy…


Tháng 6/ 2022, rút trong bài: "Hội Văn Học Nghệ thuật, "bà đỡ" cho các văn nghệ sĩ" đã đăng trên Tạp chí Phansipang số 257 (tháng 7/2022)

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.