6277. HỌC SỬ, SỬ HỌC VÀ NHÀ NGUYỄN

HỌC SỬ, SỬ HỌC VÀ NHÀ NGUYỄN

(Bài của Truong Huy San, trên dòng thời gian f.b Thứ Hai,13/6/2022)

Nhà thơ Nguyễn Duy

Ngày 10-6-2022, phát biểu tại Lễ Kỷ niệm 40 năm Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, nhà thơ Nguyễn Duy kể:

“Tháng 8-1998, tôi và anh Tô Văn Trường (Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam), tháp tùng Cụ Sáu (Cố vấn Võ Văn Kiệt) đi Tứ Giác Long Xuyên. Bên bờ kênh Vĩnh Tế, gợi nhiều câu chuyện về Nhà Nguyễn… vậy mà, tên tuổi các Chúa Nguyễn, các Vua Nguyễn đều bị xóa, cả một triều đại lớn của dân tộc bị hạ bệ, bị vong ơn… Tôi đề xuất: Phải làm cuộc hội thảo quốc gia về Nhà Nguyễn. Cụ Sáu hưởng ứng và “xắn tay áo” cùng với tôi lao vào cuộc vận động.

Nhưng làm ở đâu? Và ai làm? Sài Gòn thì không thể được rồi. Huế cũng không. Tôi đề nghị Thanh Hoá. Chỉ Thanh Hoá mới có thể làm được. Trầy trật gần 10 năm. Trước kỷ niệm 450 năm Nguyễn Hoàng đi mở cõi (1558-2008). Cụ Sáu vận động Hội Khoa học lịch sử (GS Phan Huy Lê lúc ấy đương kim chủ tịch) lo phần nội dung. Tôi vận động lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá lo đăng cai tổ chức. Cụ Sáu có cùng tôi về gặp lãnh đạo Thanh Hoá một lần. Mất 10 năm chuẩn bị, ngày 18 và 19-10-2008, Hội thảo mới được thực hiện tại Hội trường UBND tỉnh Thanh Hoá.

Rất tiếc, cụ Sáu đã mất trước đó hơn 4 tháng (ngày 11-6-2008)”.

Kết thúc bài phát biểu, nhà thơ Nguyễn Duy đọc bài “TƯỞNG NIỆM”, ông viết nhân lễ cải táng di hài vua Duy Tân (tháng 4-1987):

“Ước chi tới bến sông Hương 

Đốt nhang mà lạy nắm xương lưu đầy 

Thế là đã trở về đây 

Một con người tận chân mây cuối trời 

Tấm thân phiêu bạt quê người 

Linh hồn vẫn ở lại nơi quê nhà 

Ngai vàng vừa cũ vừa xa 

Ánh vàng vương miện cũng là hư không 

Mặt trời vẫn mọc đằng đông 

Lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người 

Bao triều vua phế đi rồi 

Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ …”

Nhà thơ Nguyễn Duy nói tiếp: “Tôi đọc bài thơ này ngay dịp đó, tại nhà Văn hóa Thanh Niên, ở số 4 Phạm Ngọc Thạch, con đường trước 1975 mang tên vua Duy Tân” [đường Gia Long, sau 1975, cũng được đổi thành đường Lý Tự Trọng…]

Trong Hội thảo về Nhà Nguyễn diễn ra tại Thanh Hóa 10-2008, Giáo sư Đinh Xuân Lâm (trong bộ tứ Lâm - Lê - Tấn - Vượng), giải thích, sở dĩ có những khó khăn khi nghiên cứu, hội thảo về Nhà Nguyễn là từ một phát biểu của Tổng bí thư Lê Duẩn: “Nhà Nguyễn phản động toàn diện”.

Trước đó, trong “Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca” (được cho là của Hồ Chí Minh), ra đời trong cuộc kháng chiến chống Pháp, để “Dân ta phải biết sử ta”, cũng viết: “Gia Long lại dấy can qua/ Bị Tây Sơn đuổi/ Chạy ra nước ngoài/ Tự mình đã chẳng có tài/ Nhờ Tây qua cứu tính bài giải vây/ Nay ta mất nước thế này/ Cũng vì vua Nguyễn rước Tây vào nhà/ Khác gì cõng rắn cắn gà/ Rước voi dầy mả, thiệt là ngu si”.

Tháng 8-1996, Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết: “Giới Sử - Văn - Triết - Mỹ (học) chính thống của Việt Nam gần như ‘phủ định sạch trơn’ (table rase) thời Nguyễn và nhà Nguyễn, trong khi đó… tôi cùng với các nhà nghiên cứu Dân tộc - Xã hội - Mỹ học như Nguyễn Đức Từ Chi, Trần Lâm Biền đã đề nghị một cách nhìn hơi khác, tóm tắt lại là: Cần phân biệt thời Nguyễn, đời Nguyễn và nhà Nguyễn. Cần phân biệt thời các chúa Nguyễn và các vua Nguyễn. Và, trong các vua Nguyễn, cũng cần phân biệt các vua đầu Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng (1820-1840) và các vua cuối Nguyễn như Tự Đức (1848-1883); và ngay cả các vua Nguyễn sau Tự Đức, cũng cần phân biệt những ông Đồng Khánh, Khải Định với những ông vua yêu nước như Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân”.

Giáo sư Trần Quốc Vượng nói là ông rất thích những người bôn ba và theo ông: “Nguyễn Ái Quốc là người bôn ba… Nguyễn Ánh (Gia Long từ 1802) đã bôn ba từ đất liền đến hải đảo, từ Việt đến Xiêm, đánh Tây Sơn bại rồi thắng to cũng có, mà đánh thắng cả Miến Điện theo yêu cầu - có lúc là ‘quái ác’ - của vua Xiêm cũng có. Nguyễn Ánh bẩm sinh và sinh nghiệm là một vị tướng tài ba ‘thắng không kiêu, bại không nản’. Bị Xiêm rồi bị Pháp và sau cả Thanh Mãn Trung Hoa khống chế, gây ‘áp lực’ song Nguyễn Ánh vẫn tìm mọi cách để ‘thoát ra’ được sự khống chế đó và - cho dù chỉ theo ý kiến cá nhân tôi - ông vẫn là NGƯỜI VIỆT NAM và đứng đầu một CHÍNH QUYỀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM.”

Lịch sử hơn một nghìn năm giữ nước của Việt Nam (tính từ 937) như một dãy núi hùng vĩ. Đứng sát vách ta sẽ chỉ nhìn thấy đá sỏi, lau lách và dễ bị những ngọn… tiểu nhân che khuất. Độ lùi càng lâu, càng xa mới thực sự biết đâu là non cao, đâu là đỉnh. Lịch sử chỉ khi được học như một môn khoa học, để học sinh tiếp cận với tư liệu nhiều chiều rồi tự đưa ra nhận xét của riêng mình, “ai công hầu, ai khanh tướng” thì “dân ta” mới thực sự biết được “sử ta”.

PS: Nhà báo Hoàng Hải Vân lên tiếng trên tường của ông, nói là, trong tác phẩm “Les lamentations de Trung Trac” (Lời than vãn của bà Trưng Trắc) của Nguyễn Ái Quấc đăng trên báo L’Humanité của Pháp số ra ngày 24-6-1922, nhân vua Khải Định sang Pháp, “có một đoạn ca ngợi vua Gia Long hết cỡ”, nguyên văn:

“Với lòng quả cảm vô song và với đức hạnh trong sáng không tì vết, như vàng ròng lấp lánh sau ngàn lần thử lửa, ông tổ ngươi (“ngươi” ở đây là Khải Định), vua Gia Long tôn quí và tài ba bội phần, sau biết bao thăng trầm và khổ đau vô bờ, đã để lại cho ngươi một đất nước giàu có, một dân tộc độc lập, một quốc gia được các kẻ mạnh vị nể và kẻ yếu kính mến, với một tương lai đầy sức sống và triển vọng”.

Tôi không biết tiếng Pháp nên không đọc được bản gốc nhưng theo nhà báo Hoàng Hải Vân thì: Mười năm trước, Giáo sư Đào Hùng và nhà báo Thuỷ Trường (đại tá tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan) đã phát hiện đoạn văn này bị cắt bỏ trong các văn kiện liên quan đến Hồ Chí Minh [bài viết của Giáo sư Đào Hùng và TS Nguyễn Văn Khoan đăng trên Tạp chí Xưa & Nay Số 409, tháng 8-2012].

Nếu vậy thì thiệt tình không thể biết, giữa “Les lamentations de Trung Trac” (Lời than vãn của bà Trưng Trắc) và “Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca” cái nào là sử cái nào là chính trị.

PS2: Nguyên văn khảo luận này của Giáo sư Trần Quốc Vượng nằm ở đây:

https://www.facebook.com/messenger_file/...

*****

Ai có thời gian đọc thêm bài này thì càng rõ:

Bài đi tìm sự thật lịch sử về vua Gia Long của Nhà báo, Nhà biên khảo và phê bình văn học Thụy Khuê (Vũ Thị Tuệ).  

8 SÀI GÒN

https://www.facebook.com/8saigon.xyz/posts/pfbid0BCLhVy9jSepQSRScZPPCZ82deEayEfwSzBbtmVsLZg6GyZAL2WWHS3dMeDj7ejZQl?__cft__[0]=AZV5w89GxerExdcB0Fjw1_xDXW-1GGpqDjW9bjdFnbWSSVFz8NDjlFP352Bc3VE96LHMw6LXLlOD8MuqeSpFtte-DY_pcScN8wEXrMQFFQciVPKPHU6izXDEsEWi-7vhk1YESoIg2EoaUJH8CLbEfvlVumhrweSCiokdeEhHtY4Z5t6jfmRBm8e91a0Il1b0gP4&__tn__=%2CO%2CP-R

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.