6276. Ngày ấy có một cán bộ như thế

Ngày ấy có một cán bộ như thế

(Ký ức về anh Nông Trung ký của Nguyễn Ngọc Dương


Hồi công tác ở Hội VHNT tỉnh, một lần gặp lại GS Đặng Nghiêm Vạn (1930 – 2016), khi ông là Phó viện trưởng viện Dân tộc học, Viện trưởng viện Tôn giáo, người thầy đã giảng về Tôn giáo cho chúng tôi trước kia, tôi có hỏi về anh Nông Trung. GS Đặng Nghiêm Vạn nói: “Anh Nông Trung trước đây là cán bộ nghiên cứu của Viện tôi. Anh là một người đức độ, có nhiều triển vọng trở thành một nhà khoa học.”.

TS Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc sở Văn hóa – TT & DL Lào Cai, nay là Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, từng là thuộc cấp của Nông Trung, có lần nhắc lại ý kiến của GS-TS Bế Viết Đẳng (1930 – 1998), nhà nghiên cứu dân tộc học uy tín, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học đã nói về Nông Trung: “Anh Nông Trung, dân tộc Giáy, mặc dù xuất thân ở một vùng quê nghèo tỉnh Lào Cai, nhưng anh đã học qua đại học khoa Sử, bộ môn dân tộc học và tỏ ra là một người rất có năng khiếu nghiên cứu…”.

Tuy nhiên, cũng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Nông Trung xin về địa phương, được bố trí về Ban nghiên cứu lịch sử Đảng của tỉnh Lào Cai từ 1971. Năm 1976 sáp nhập Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ, anh là Phó ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn, sau đó làm Phó Giám đốc sở VHTT Hoàng Liên Sơn.  

Năm 1979, có người nói, Tỉnh ủy chưa sử dụng đúng năng lực và phẩm chất của anh, cứ “cò cưa” cấp phó mãi, nên một lần Nhà thơ Nông Quốc Chấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (VHTT) khi lên thăm Hoàng Liên Sơn có nói với Lãnh đạo tỉnh này: “Nông Trung là một người thật sự có đức, có tài… Muốn xin các anh cho chúng tôi rút anh ấy về Bộ”... Sau đợt ấy, cuối năm 1979, Nông Trung được cất nhắc lên làm Giám đốc sở VHTT.

Lúc đó tôi đang là giảng viên trường đảng tỉnh Hoàng Liên Sơn. Ông Nguyễn Gia Tân, trưởng khoa Triết học bảo tôi: “Trong chương trình ngoại khóa của lớp trung cấp, ta nên mời sở Văn hóa sang nói chuyện về vấn đề dân tộc học. Anh sang đặt vấn đề với lãnh đạo sở xem sao?”. Hôm sang Sở, tôi phải leo một cái dốc khá dài lên đồi. Nhạc sĩ Thanh Bình có lần nói vui: “Dương ạ, cậu mà sang Sở thì phải qua cái dốc … khổ đấy”.  Tôi chưa gặp Nông Trung lần nào, chỉ nhìn thấy anh trên báo chí. Sau khi leo hết dốc vào cơ quan, được người ta chỉ phòng làm việc của Giám đốc ở tít gian đầu của một dãy nhà cấp bốn. Đi trong hành lang, cách cửa phòng Giám đốc độ 20 mét, đã thấy tiếng gọi: “Dương ơi, vào đây!”. Tôi hết sức ngạc nhiên, vì chưa gặp nhau bao giờ, mới điện thoại hôm qua, hẹn nay sang làm việc mà Giám đốc đã gọi như thể là thân lắm! Vào phòng, anh chỉ ghế cho tôi ngồi rồi rót nước. Tôi hỏi: “Anh chưa gặp em bao giờ mà sao hôm nay từ xa, anh đã nhận ra?”.

Thay cho câu trả lời, Nông Trung nói: “Này, cậu làm cái bếp đẹp thế !”. Tôi ngạc nhiên nhưng hiểu ngay. Vợ tôi công tác ở phòng VHTT Bảo Thắng. Hồi ấy còn chế độ bao cấp, cuộc sống cán bộ viên chức vất vả lắm. Có lần về thăm nhà, vợ tôi nói: “Anh Nông Trung, Giám đốc sở mỗi lần lên làm việc với huyện, đều xuống Phòng, đi hết từng nhà ở khu tập thể. Anh ấy vào bếp xem có rau cỏ mắm muối gì không, rồi xem cả từng khu vệ sinh xem có sạch sẽ không…”. Vì thế nên anh biết cái bếp của nhà tôi mới được sửa lại. Tôi trả lời: “Em có làm được gì đâu, nhà em làm đấy”. “Cậu nghỉ hè về làm đấy chứ!”…

Sau mấy câu xã giao, tôi đặt vấn đề: “Thưa anh, bên em đang có lớp Trung cấp lý luận. Bộ môn triết học của em cần có buổi ngoại khóa về vấn đề dân tộc học gắn với thực tiễn tỉnh nhà. Em sang nhờ anh giúp cử một cán bộ nói chuyện cho lớp học”. Anh ngẫm nghĩ một lát rồi hỏi: “Thế tớ sang có được không?”. Lại một lần nữa ngạc nhiên, tôi nói: “Thế thì còn gì bằng. Vì sợ anh bận công việc quản lý nên không dám mời anh trực tiếp. Vậy thay mặt Khoa, em cảm ơn anh trước…” 

Cuộc nói chuyện ngoại khóa vào buổi tối. Chiều hôm ấy tôi gọi điện thoại cho anh Nông Trung, nhắc lại thời gian và nói: “Anh có xe không, hay là để em sang đón?”. Nghĩ anh là giám đốc thì đi đâu chả có xe đưa đón, tôi thật thà hỏi vậy. Anh Nông Trung lưỡng lự một tí rồi bảo: “Ừ thôi…tớ có xe rồi, không phải đón”. Tôi chỉ còn việc báo cho văn phòng nhà trường chuẩn bị một ấm trà Thái Nguyên thật ngon, hai lon bia, một bao thuốc lá Điện Biên, lúc ấy như thế là sang lắm rồi. Ngoài ra còn một phong bì chế độ giảng viên theo quy định.

Khoảng hơn 7 giờ tối, khi học viên đang tục tục vào hội trường thì tôi thấy chiếc mô tô Java do anh Lê Ngọc Ban trưởng phòng tổ chức sở lái, (đó là xe riêng của anh Ban) đèo anh Nông Trung sang. Tôi thật bất ngờ, vì anh không đi ô tô cơ quan. Tôi đón anh Nông Trung và anh Ban vào phía sau cánh gà. Anh Ban từ chối: “Xin phép thầy, tôi cũng là học viên, để tôi ngồi ngoài này nghe…”.

Trong khi chờ đến giờ lên bục, tôi pha trà rót ra mời, anh Nông Trung bảo: “Tớ có uống chè đâu.”. Tôi lúng túng đành rót nước sôi ở phích ra chén cho anh. Bóc thuốc lá mời, anh bảo: “Mình không biết hút thuốc”. Lại tẽn tò lần nữa. Tôi định giật lon bia thì anh ngăn lại: “Mình không uống bia rượu khi làm việc”. Thế là những thứ tôi ‘tâm đắc’ để thể hiện sự quý trọng đối với anh Nông Trung, đều chả còn giá trị gì…

“Thủ phủ” của tỉnh Hoàng Liên Sơn lúc ấy là thị xã Yên Bái mà tôi lại đang công tác ở tỉnh, cách xa vợ con ở Phố Lu hàng trăm cây số. Đời sống quá khó khăn, cứ hết giờ lên lớp lại nghĩ đến làm thế nào để “hợp lý hóa gia đình”. Một là, tôi phải xin về huyện công tác, hai là xin vợ xuống tỉnh, khả dĩ nhất là về làm nhân viên ở Sở. Nhiều người góp ý với tôi là nên đặt vấn đề với anh Nông Trung để xin vợ về Sở, thiếu gì chỗ bố trí. Hồi ấy không ai nghĩ đến những cái phong bì chạy chọt. Cả xã hội đều nghèo, nếu cứ xin việc, xin chuyển công tác mà phải “lót tay”, “bôi trơn” thì công tác cán bộ hẳn là bế tắc. Lúc đó mới chỉ có câu ca: “Nhất thân nhì thế, tam kế giấy tờ”. Mình không thân, không thế, cũng không có giấy tờ gì. Chỉ còn hi vọng ít nhiều có quen biết anh Nông Trung, qua lần mời anh ấy sang nói chuyện cho lớp học.

Thế là một buổi tối, tôi đánh liều sang nhà Giám đốc sở. Cơm tối xong, tôi đạp xe ra Km 6, dắt xe ngược lên cái “dốc khổ”, đến thẳng nơi ở của gia đình Giám đốc ở khu tập thể Sở VHTT. Lúc ấy đang mất điện, cảnh vật tối om. Tôi mạnh dạn gọi to: “Anh Trung ơi !”. Nghe thấy tiếng vọng lên từ gian bếp lụp sụp: “Dương đấy à, chờ tí, tớ và nốt miếng cơm rồi lên ngay”. Chỉ ba phút sau, tôi thấy anh Nông Trung tay trái cầm cái đèn hoa kỳ ngọn lửa đỏ quạch, tay phải cầm cái quạt giấy, còng lưng chui ở trong bếp ra. Trên lưng, anh địu thằng bé độ vài tuổi bằng cái địu thêu hoa văn thổ cẩm của dân tộc Giáy. Vừa xóc xóc cái địu vừa nói: “Vào đây, vào đây…”. Anh dẫn tôi vào phòng. Gọi là phòng cho oai thôi, chứ chỉ là một gian nhà cấp bốn cho cả một căn hộ hai vợ chồng, ba bốn đứa con nhỏ của người đứng đầu ngành VHTT tỉnh.

Cả gian phòng chỉ có cái giường đôi khoảng mét rưỡi và một cái giường đơn loại rộng 80 phân, trải chiếu cói là nổi bật, chiếm gần hết diện tích. Thấy tôi loay hoay, chưa biết ngồi chỗ nào thì Giám đốc sở đặt cái đèn hoa kỳ xuống cái bàn nhỏ làm việc kiêm bàn uống nước, kê sát vách, vứt cái quạt giấy lên giường rồi vẫn khom lưng như thế, hai tay bê cái ghế đẩu cũ duy nhất ở góc phòng ra bảo tôi ngồi. Tôi không dám ngồi vì chỉ có mỗi cái ghế. Anh Trung bảo: “Cậu cứ ngồi xuống đây, mình vướng thằng cu không ngồi được. Phải địu cho cô Sin ăn xong còn dọn dẹp bát đĩa…”.

Có lần tôi được nghe một cán bộ của Sở kể: Tiếng là giám đốc thật đấy, nhưng sáng ra, mặt giời còn chưa mọc, bao giờ “bố” ấy cũng khệ nệ bê cái chậu to đoành đựng đầy quần áo, cooc sê của vợ, tã lót của con ra bờ suối ngồi hàng tiếng đồng hồ… Công việc cơ quan, công việc nhà thì túi bụi, nhưng chủ nhật nào cũng dành nửa ngày đưa vợ, con đi dã ngoại ra công viên dạo mát, cứ như vợ chồng mới cưới không bằng.”

Nông Trung có khoa nói hấp dẫn và thu phục người nghe. Một lần anh được cử làm diễn giả về chủ đề văn hóa, đạo đức diễn ra ở rạp chiếu bóng Yên Ninh (Km 7 Yên Bái). Lúc đầu có rất ít người nghe, nhưng anh nói được một lúc thì người kéo đến nghe ngày càng đông. Ghế trong rạp chật hết, cử tọa ngồi tràn cả ra ngoài hiên, kê dép, lót giấy báo xuống đất ngồi. Cái rạp tuềnh toàng đến nỗi đi ngoài đường còn nghe rõ tiếng loa phóng thanh ở trong rạp, nên ngồi ngoài hiên nghe vẫn rõ.

Hôm nay, ngồi trước một Nông Trung đang còng lưng địu con, tôi nghĩ đến một anh thợ cày dân tộc Giáy ở Giang Đông, xã Vạn Hòa huyện Bảo Thắng (quê quán của Nông Trung) vừa đi cày về, chứ không phải một Giám đốc sở đầy quyền uy… Lạ thế, những chi tiết này đã 37 năm mà sao tôi vẫn nhớ như in, trong khi bao nhiêu thứ “to tát” khác có khi lại quên mất…

Lát sau, chị Sin lên bế con thay cho anh. Nông Trung ngồi xuống mép giường nói chuyện với tôi. Tôi đặt vấn đề về hoàn cảnh gia đình, muốn được “hợp lý hóa”, muốn được anh giúp đỡ… Anh bảo: “Thôi, khỏi nói, mình hiểu. Hiện nay Sở mình còn thừa 10 biên chế, chưa biết bố trí thế nào. Nhưng đấy là chuyện khác. Riêng cô Dự thì mình sẽ nhận. Mình biết cô ấy tuy học hành cũng có mức độ, chưa có bằng đại học, nhưng cô ấy làm việc rất tốt. Nếu đưa về Sở có thể làm được ở nhiều vị trí, như văn phòng Sở, Thư viện tỉnh hay làm văn thư cho các đơn vị sự nghiệp…đều có thể phù hợp”. Thế là chả phải nói thêm gì. Sau này tôi mới vỡ nhẽ: Nông Trung là Giám đốc sở ở một tỉnh lớn (của 3 tỉnh gộp lại) có đến 20 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 4 thị xã 16 huyện, thế mà anh thuộc cả đến nhân viên ở các phòng văn hóa huyện, thị thì quả là đáng phục! Có thể không phải tất cả nhưng do sâu sát cơ sở, quan tâm cấp dưới, nên anh biết được nhiều.

Sau cuộc trò chuyện đó khoảng nửa tháng, kế hoạch xin chuyển công tác cho vợ chưa kịp triển khai thì đùng một cái nghe tin anh Nông Trung bị tai nạn, đột ngột ra đi… Anh mất trong một tai nạn hy hữu, khi đi công tác kiểm tra tình hình biên giới, sau những ngày vừa nổ ra chiến sự 17/ 2/ 1979. Nghe tin dữ, tôi đã khóc…

Rồi tôi được nghe người ở bên Sở kể chi tiết: Hôm công tác biên giới về, anh đi trên chiếc xe GAZ 69, do một lái xe tên N cầm lái. Anh Trung ngồi ghế phụ phía bên phải lái xe. Ghế sau có 2 cán bộ tháp tùng. Sau khi hoàn thành công việc, trên đường về (quốc lộ 70), đoạn qua địa phận thị trấn Bảo Yên đang dốc xuống thoai thoải thì bỗng dưng trên đầu máy bốc khói… Lái xe N vội bật cửa chủ động nhảy xuống đường, bỏ lại thủ trưởng và 2 cán bộ trên xe không người lái. Anh Nông Trung phản ứng nhanh bằng cách cũng bật cánh cửa xe bên phải nhảy ra, đồng thời hô: “Nhảy đi các cậu, lái xe nhảy rồi!”. Hai cán bộ ngồi ghế sau sợ không dám nhảy, một người liều bước lên vị trí lái, từ từ giận phanh, xe dừng lại. Không sao, chỉ do chập điện! Còn anh Nông Trung, khi bật cửa xe nhảy ra, anh giẫm lên bậc lên xuống, chân lại đi dép cao su nên bị trượt chân ngã vào gầm xe, bánh xe đã trườn qua người anh…

Anh được đưa ngay vào Bệnh viện huyện Bảo Yên cấp cứu, rồi chuyển về Bệnh viện tỉnh ở Yên Bái điều trị. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng: vỡ xương chậu, ảnh hưởng toàn bộ nội tạng phần thân dưới, nên chỉ sau 4 ngày, anh đã qua đời ở tuổi 44 (tháng 9/1980), khi mới nhậm chức Giám đốc sở chưa đầy một năm và giữa lúc tài năng, sự nghiệp đang sung mãn…

Người lái xe giải thích: Vì thấy khói ở đầu máy nên anh ta tưởng có mìn của bọn gián điệp Trung Quốc cài vào khi đi kiểm tra biên giới. Được biết, sau này lái xe N bị Tòa án xử tù vì tội thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Anh Nông Trung được công nhận là liệt sĩ, phần mộ an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Duyên Hải, thị xã Lào Cai.

Khi về công tác Hội, tôi được biết đến một Nông Trung, hội viên sáng lập Hội VHNT tỉnh Lào Cai năm 1972. Anh đã tham gia Đội Tuyên truyền thuộc Ty Thông tin Lào Cai, từ 3/1949 (13 tuổi - thiếu sinh quân), giữa cuộc Kháng chiến chống Pháp. Với năng khiếu bẩm sinh và chịu khó tự học nên ngay từ cuối những năm 50, anh đã có nhiều sáng tác, dịch thuật, tiểu luận về văn học như truyện thiếu nhi, thơ, những tác phẩm nghiên cứu về dân tộc học, lịch sử đảng…và đặc biệt có nhiều tư liệu quý về dân tộc học do anh nghiên cứu sưu tầm ở Lào Cai, Hoàng Liên Sơn... Nhưng tiếc là không được tập hợp, thậm chí có công trình còn chưa được xuất bản. Nghe nói, lúc lâm chung, anh ấy nói với chị Sin: “Khi nào gia đình mình gặp khó khăn quá thì em đưa tập bản thảo của anh cho bác Chấn (Nông Quốc Chấn lúc ấy là thứ trưởng Bộ VHTT), nhờ bác cho xuất bản, nhuận bút chắc được một vạn [*]… Nhưng lại được nghe, sau khi anh Trung mất, chị Sin một mặt quá đau buồn, mặt khác theo phong tục tập quán của Dân tộc Giáy, hầu hết những bản thảo của anh ấy, gia đình đã ‘hỏa táng’ cho đi theo hương hồn người đã khuất. Trong cuốn sách “Chút lòng tri ân” của tác giả Hoàng Việt Quân NXB Hội Nhà văn 2012, Hoàng Việt Quân đã ngậm ngùi viết: “Hỏi người quen biết ông, ai nấy đều khen, tiếc cho một tài năng đang hé lộ, nhưng không còn ai lưu giữ được tác phẩm của ông. Tủ lưu giữ của Hội cũng thất thoát qua thời gian, khó tìm lại”…

Ở Lào Cai, sau Nhà báo – Nhà văn Bùi Nguyên Khiết hy sinh trên chốt Tả Ngải Chồ (Mường Khương) trong dịp 17/ 2/ 1979, thì Nông Trung là Nhà Văn hóa – liệt sĩ thứ hai trong trận tuyến này khi tiếng súng biên giới chưa chấm dứt. Anh sinh năm Bính Tý 1936, lúc ấy vừa tròn 44 tuổi.

Những năm công tác ở Hội văn nghệ, nhiều lần tôi thay mặt Hội, thân chinh đến thăm gia đình chị Sin trong dịp năm hết tết đến, thắp nén nhang tưởng nhớ anh Nông Trung, tỏ lòng tri ân một nhân cách văn hóa khả kính.

Tháng 4/2017 – tháng 6/2012. N.N.D


Chú thích: [*] “một vạn” = 10.000VNĐ, thời kỳ 1980 là một số tiền khá lớn (lương giảng viên của tôi hồi đó khoảng 500VNĐ)

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.