6275 - Cánh cò

Cánh cò trên cánh đồng Mường Qua 

PNTB/ Nguyễn Ngọc Dương

Ảnh: Ngọc Dương


Một lần tôi cùng NSNA Phạm Ngọc Bằng đi chụp ảnh Cò ở Mường Qua (Huyện Bát Xát, Lào Cai), nơi chủ yếu là cộng đồng người Giáy đã sinh sống lâu đời, chỉ cách T.P Lào Cai chừng hơn chục km về phía Bắc. Bằng bảo, ở Lào Cai chỉ nơi đây mới nhiều Cò.

Đến Mường Qua, tôi bỗng nhớ cố nhà thơ Lò Ngân Sủn. Trước khi trở thành nhà thơ, Lò Ngân Sủn là một người “con của núi”. Chú bé ấy sinh ra và lớn lên ở nơi đây. Từ nhỏ, Lò Ngân Sủn đã lắng nghe từng hơi thở của cỏ cây, hoa lá, của núi rừng biên cương, đã đắm mình trong vẻ đẹp hùng vĩ của sông suối, của sườn non xanh và cánh đồng lúa vàng … nơi quê hương xứ sở.

Mường Qua là xã vùng cao nằm ở phía hữu ngạn con sông Cái. Đó là một điểm nằm trên đoạn sông Hồng, biên giới Việt Trung, có độ dài 70 km bắt đầu từ Lũng Pô đến TP. Lào Cai.

Bài thơ “Chiều biên giới” được Lò Ngân Sủn sáng tác năm 1980, sau khi nổ ra cuộc chiến tranh 17/02/1979 mà ngay sáng sớm hôm đó, tại đây đã là một chiến trường ác liệt. Tiếp đó, bài thơ được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc thành ca khúc cùng tên và trở thành bài ca được những người lính biên cương và công chúng yêu mến. Ca khúc mượt mà, đầy cảm xúc ngọt ngào, ca từ thăm thẳm cõi lòng với tình yêu da diết.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà bài thơ “Chiều biên giới” trở thành một trong những tác phẩm “để đời” của Lò Ngân Sủn. Rất dễ hiểu, bởi nơi ra đời bài thơ chính là mảnh đất gắn bó máu thịt với ông từ thủa lọt lòng.

Khi chụp hình ảnh người mẹ trẻ Giáy địu đứa nhỏ trên lưng cùng cậu con trai khoảng 5 tuổi dong trâu trên cánh đồng lúc chiều buông, với những cánh cò trắng đầy thân thiện, tôi có cảm giác như cậu bé đang theo mẹ kia là hình ảnh Lò Ngân Sủn của hơn nửa thể kỷ trước ở chính cánh đồng này !?.    

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.