6267. BÀI HỌC GÌ Ở VỤ VIỆT Á?

BÀI HỌC GÌ Ở VỤ VIỆT Á?

PNTB/ Nguyễn Ngọc Dương


Nhiều người từng đặt câu hỏi: Tại sao ở Việt Nam trong nhiều năm gần đây có quá nhiều tội phạm liên quan đến kinh tế, khiến ông Nguyễn Sinh Hùng khi còn làm chủ tịch QH phải buồn bã thốt lên: “kỷ luật hết thì lấy ai làm việc!”. Còn ông Trương Tấn Sang trên vị trí Chủ tịch nước lúc đó từng nói đại ý: tham nhũng như cả “một bầy sâu”, nghĩa là không phải chỉ “một con sâu bỏ rầu nồi canh”!.

Hiện nay chỉ một vụ liên quan đến kit xét nghiệm covid-19 của Việt Á, có thể nói đã có cả một bầy sâu nhung nhúc, bắt được đến đâu thì bắt thôi. “Đằng sau sai phạm của Việt Á có thể cả một dây chuyền nhiều người tham gia” – một trong những cái title trên báo chí không phải chỉ “cảnh báo” riêng vụ này.

Phân tích nguyên nhân của nó, trong trả lời phỏng vấn báo VOV, bác sĩ Nguyễn Văn Phúc nói:

“Một cái lại quả 20% thì đấy là một con số khủng khiếp. Nó tạo ra một cái tâm lý mà chúng ta hãy tưởng tượng rằng, khi một người đi trên đường mà nhìn thấy cục vàng rơi, thì rất khó có thể người ta bỏ qua, người ta bước qua nó được.

Vậy thì một ông Giám đốc CDC thấy số tiền 30 tỷ, mà ông lại cảm thấy rằng an tâm, đó là số tiền chuyển đến ngoài hợp đồng. Ông yên tâm rằng cái sản phẩm này đã được Bộ Y tế phê duyệt về mặt giá thành, đã được chứng nhận của các bộ, ngành liên quan về mặt chất lượng của cái kit test, thậm chí còn có những thông tin không đúng sự thật là được tổ chức Y tế thế giới chấp thuận.

Như vậy thì người ta cảm thấy rằng có sự an toàn, mà tự dưng lại có một cục tiền rất lớn như vậy, với cái tỷ lệ 20% như thế, thì sẽ dẫn tới tâm lý mọi người rất dễ câu kết để bắt tay với các công ty làm những hành động phi pháp ở phía sau”.

https://vov.vn/phap-luat/dang-sau-sai-pham-cua-viet-a-co-the-la-ca-mot-day-chuyen-nhieu-nguoi-tham-gia-post914089.vov

Như vậy, theo bác sĩ Phúc thì nguyên nhân chính là sự BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ, dường như có sự “tạo điều kiện” của Bọ Y tế, Bộ Khoa học- Công nghệ cho các đối tác của Việt Á cùng “được hưởng” sản phẩm tham nhũng? Như vậy, có thể chưa hẳn là người xấu cũng có thể tham nhũng, giống như cục vàng vứt trước mặt kẻ đi đường, nó không nhặt bỏ túi mới là chuyện lạ.

Những “than vãn” lâu nay về nguyên nhân thất thoát ngân sách, của cải quốc gia dường như xã hội cũng như lãnh đạo đều tập trung mũi nhọn vào CÁ NHÂN, quy cho  cá nhân, mà không xem xét sự tác động của HOÀN CẢNH của cơ chế quản lý. Bởi nếu chỉ là vấn đề cá nhân thì tham nhũng vẫn có, nhưng không đến mức tràn lan, nhức nhối như lâu nay.

Tôi cho rằng, nếu nghiên cứu kỹ, tìm ra NGUYÊN NHÂN ĐÍCH THỰC của vụ này, liên quan những người có trách nhiệm lớn nhất thuộc hai bộ Y tế và bộ KH-CN, tin rằng sẽ là BÀI HỌC bổ ích cho công tác chống tham nhũng hiện nay.

Từ nguyên nhân đó cần có CƠ CHẾ GIÁM SÁT QUYỀN LỰC dựa trên nền tảng DÂN CHỦ THỰC SỰ từ việc CHỌN NHÂN SỰ, đến việc GIÁM SÁT MỌI HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC của Nhân dân, thông qua các tổ chức đại diện như QH, HĐND các cấp, MTTQ và đặc biệt là các Tổ chức dân sự và kể cả trực tiếp ý kiến của mọi tầng lớp Nhân dân trên MXH… Từ lâu, TBT Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra ý tưởng: “Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực bằng cái “lồng cơ chế luật pháp”, thì tôi nghĩ, ý kiến trên đây là một đề xuất giúp Đảng thực hiện biện pháp thiết thực chống tham nhũng.   


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.