6263. “CẠNH TRANH BẨN”

“CẠNH TRANH BẨN”

PNTB - Nguyễn Ngọc Dương

Một trong những quy luật của nền kinh tế chế thị trường là quy luật CẠNH TRANH.

Trong cạnh tranh có CẠNH TRANH LÀNH MẠNH và CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH.

 

CẠNH TRANH LÀNH MẠNH là sự cạnh tranh dựa trên nghệ thuật kinh doanh với trí tuệ của chủ doanh nghiệp. Người có tài năng sẽ chiếm được thị trường, kẻ bất tài phải chịu thua cuộc. Trong nhiều Doanh nghiệp cùng kinh doanh một mặt hàng thì DN nào sản xuất / dịch vụ… có sản phẩm chất lượng tốt, giá thành hạ…, được xã hội yêu thích, chấp nhận sẽ thắng những DN cho ra những sản phẩm kém chất lượng, giá cao... Đó là CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG, CƠ CHẾ CẠNH TRANH TRONG MỘT XÃ HỘI VĂN MINH.

 

CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH, ở đây tôi tạm dùng thuật ngữ CẠNH TRANH BẨN.

 

“Cạnh tranh bẩn” thì trái lại. Đó là những kẻ bất tài nhưng chiếm được thế “thượng phong” trong kinh doanh. Để chiếm được thị trường và điều kiện kinh doanh thuận lợi, chúng không đi bằng con đường “cạnh tranh lành mạnh”. Chúng đi bằng đường nào? Bằng con đường “đi đêm”, đi đêm với những người có quyền lực.

 

Một khi những quan chức trong giới hạn của mình còn được quyền can thiệp trực tiếp (hay gián tiếp) vào lĩnh vực kinh doanh thì việc “bắt tay ngầm” với các các Doanh nghiệp là khó tránh khỏi, khó kiểm soát. Sự móc nối giữa QUAN CHỨC với DOANH NGHIỆP tạo thành “NHÓM LỢI ÍCH”. Quá trình móc nối diễn ra rất phong phú.

 

Thông thường, bước đi đầu tiên là chủ DN đến gặp quan chức, xì ra cái phong bì: “Anh làm ơn can thiệp cho em nhận thị trường a, b, c…, hoặc tạo điều kiện để em mở mang sản xuất mặt hàng x, y, z…. Hôm nay gọi là có chút quà cảm ơn anh…”. Một trong những “ngón” làm giàu của quan chức hiện nay là ở “kênh” này.

 

Nhờ đó mà DN chiếm lĩnh được thị trường. Những DN có tài năng mà không biết con đường “đầu tiên” đó sẽ chỉ vớt vát “cơm thừa canh cặn”, bị chèn ép, rồi dần dần mất hết thị trường, phá sản, bỏ cuộc, nhường chỗ cho những kẻ có thế lực đứng sau.  

 

Những DN đó ngày một phất lên nhờ điều kiện “một mình một chợ”, không có hoặc chỉ có những kẻ yếu đuối cạnh tranh nên họ làm ăn rất dễ dàng. Họ “đi đêm” với quan chức bằng những khoản “hoa hồng bẩn” với tỉ lệ % bất thành văn. Sự móc nối này ngày càng lớn, làm cho sản phẩm không có cạnh tranh lành mạnh nên chất lượng kém, giá thành cao… khiến xã hội khó có thể phát triển.

 

Những “nhóm lợi ích” đó lớn dần thành TƯ BẢN THÂN HỮU, lũng đoạn xã hội, lũng đoạn nền kinh tế đất nước trong cơ chế thị trường.

 

Trong thực tế ở xứ ta đã có không ít doanh nghiệp cạnh tranh bẩn, khi có nhiều quan chức tạo ra “sân sau”. Thuật ngữ “sân sau” đã khá quen thuộc trong xã hội hiện nay.

 

Những DN sân sau khi họ phất lên (nhờ thế lực nào đó) đã được truyền thông ngợi ca quá đáng, làm cho xã hội hiểu lầm, thậm chí Nhà nước cũng hiểu lầm… Rồi tôn vinh họ dưới nhiều hình thức.

 

Trong công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta đã lôi ra ánh sáng rất nhiều kẻ như như thế. Công lao này thuộc về lực lượng an ninh. Ví dụ, sau khi Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch Hà Nội, một người từng được phong anh hùng đã “vào lò”, cũng có không ít dư luận Nguyễn Đức Chung có Doanh nghiệp sân sau.

 

Một ví dụ sống động nhất, còn nóng hổi là vụ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Khi Tổng Giám đốc Phan Quốc Việt bị khởi tố mới lộ diện cái Huân Chương Lao động hạng Ba của DN này, vì “Đã có thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng sinh phẩm xét nghiệm… virus SARS-CoV-2, phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19”. Huân chương vừa được Chủ tịch nước trao tặng 9 tháng trước khi TGĐ Công ty này bị khởi tố. Nay có “có thu hồi Huân chương Lao động hạng Ba của Việt Á?” hay không, vẫn đang là một câu hỏi.

https://plo.vn/thoi-su/co-thu-hoi-huan-chuong-lao-dong-hang-ba-cua-viet-a-1034898.html

Tóm lại, “cạnh tranh bẩn” trong cơ chế thị trường hiện nay đang là một vấn đề nhức nhối.

Những ông quan nào “đi đêm” với Doanh nghiệp nào, ở bất kỳ cấp nào…người dân đều ít nhiều biết cả. Nhưng khi những “nhóm lợi ích” đó đang trong thế “thượng phong” thì đố ai dám hé răng.

Người ta chỉ chờ khi nào “dậu đổ” thì “bìm mới leo”. Mà nếu “dậu không / hay chưa đổ, thì theo LUẬT NHÂN QUẢ, những kẻ ăn bẩn, gây ra tội ác cho xã hội trước sau sẽ bị QUẢ BÁO. “Trời có mắt đấy”!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.