6256. Trăn trở…

Trăn trở…

 


Hôm 22/11/2021, vừa mở máy tính đọc được một câu mà thấy rất vui: “xã hội muốn phát triển cần con người sáng tạo, muốn sáng tạo cần có con người chủ động”.

Đó là khẳng định của Giáo sư Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM) tại Hội thảo giáo dục do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21-11-2021.

Giáo sư Thêm còn cho rằng, môi trường học đường cần đề cao, khích lệ tư duy phản biện, khai phóng. Không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như “con ngoan trò giỏi”. Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ...

https://tuoitre.vn/xa-hoi-muon-phat-trien-can-con-nguoi-sang-tao-muon-sang-tao-phai-co-con-nguoi-chu-dong-20211121224337725.htm

Tám năm trước, 9/2013, cũng giáo sư Trần Ngọc Thêm, tại hội thảo “Thực trạng văn hóa học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học” do Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại Dalat, ông đã đưa ra một con số thống kê giật mình: “kết quả của một cuộc điều tra xã hội học cho thấy, tỷ lệ nói dối cha mẹ học sinh Cấp 1 là 22%, Cấp2: 50%, Cấp 3: 64% và Sinh viên là 80%.”.

https://tuoitre.vn/ti-le-noi-doi-gia-tang-theo-cap-hoc-570840.htm

Trong hội thảo lần này, GS Trần Ngọc Thêm “nhấn mạnh môi trường học đường cần đề cao, khích lệ tư duy phản biện, khai phóng. Cần chống việc nhồi nhét kiến thức, chống việc học thuộc lòng. Để khuyến khích sáng tạo, khuyến khích tư duy phản biện, cần thay việc giáo dục hàng loạt với quan niệm thành tích…”. “Nên loại trừ tính thụ động ở người dưới (học trò/con cái) và tinh áp đặt ở người trên (thầy cô/cha mẹ…).

Những tư tưởng đó, Giáo sư Trần Ngọc Thêm chỉ phát biểu trong khuôn khổ của những cuộc hội thảo mang tính học thuật và có vẻ như chỉ trong khuôn khổ của ngành Giáo dục.

Nhưng thực ra, Giáo dục là con người xã hội của tương lai. Mới vài chục năm trước, những đứa trẻ ngồi ghế nhà trường xhcn, nay đã thành công dân, thành những nhà lãnh đạo đất nước…

Thế nhưng tỉ lệ học sinh càng lớn càng nói dối khỏe (như bản thống kê điều tra xã hội học của GS Thêm), thế thì khi chúng trở thành cán bộ các loại, kể cả những nhà lãnh đạo đất nước, tất tần tật đều là Con người Việt Nam, Văn hóa Việt Nam, đã được gieo mầm nói dối từ trên ghế nhà trường. Khi đi vào cuộc sống, liệu chúng có thể trở thành những công dân trung thực hay sự dối trá sẽ trở thành phổ biến. Một xã hội “đậm đà nền văn hóa dối trá”, thì sẽ đưa đất nước đi đến đâu ?!

Phải chăng, từ cái gốc trong chiến lược Giáo dục đã mang nặng tư duy phong kiến (với mô hình nhà nước tập quyền, phi dân chủ) với sự áp đặt của người trên với người dưới, thì trong cuộc sống xã hội, làm sao có được sự cởi mở, dân chủ, lắng nghe ý kiến nhiều chiều của xã hội.

Người Việt Nam vốn có truyền thống thông minh, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm… Nhưng thực tế những đức tính ấy đang bị mai một đi, khi những người giỏi không dám nói, không dám làm. Và không ít tài năng dù rất yêu quê hương, đất nước, nhưng phải tha hương như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Trần Văn Thọ, Đặng Thái Sơn... và nhiều người khác. Tôi tin rằng, không phải họ chê quê Mẹ nghèo, bởi nghèo nào bằng khi đất nước mới giành được chính quyền, năm 1946, Bác Hồ trong một chuyến sang Pháp đã mang về đội ngũ trí thức trẻ như Đặng Văn Chung, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa… Sau này, họ trở thành những cán bộ đầu ngành, đặt nền móng khoa học cho nước nhà.

Những trí thức, những tài năng đích thực thì không bao giờ họ biết dối lòng, biết xu nịnh.  Họ luôn nói thật, dù đó chẳng thể là sự thật ngọt ngào… Nhiều năm nay có quá nhiều bài học về sự nói thật nhưng “trái lời, khác lời” người có quyền, có chức thì rất dễ bị quy tội là chống đối, là thế lực thù địch, có khi mang vạ vào thân. Có cán bộ dám “uống thuốc liều”, làm điều tốt cho nhân dân thì bị kỷ luật, bởi chỉ vì “trái với quan điểm đường lối…” đã mặc định. Nổi tiếng nhất là vụ bác Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú, mãi khi bác chết lâu rồi, mới được giải oan. Chẳng hiểu hương hồn bác có được ngậm cười nơi chín suối!

Chúng ta đôi khi cũng nhắc lại lời tiền nhân: “Nhân tài là nguyên khí quốc gia”. Nhưng chúng ta chủ yếu chỉ giữ được phần nhiều những người chưa thực sự là trí thức, mà như ai đó nói là “trí ngủ”. Vì thế, một đất nước có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ… nhưng khoa học không thấy phát triển tương xứng, để thực sự phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước!

Gần đây, dư luận cũng cho rằng, nhiều cán bộ bây giờ rất sợ bị kỷ luật, bị mất ghế, chả dám làm những gì có lợi cho dân, nếu nó chưa hoặc không phù hợp với chỉ đạo của cấp trên. Họ biến thành những con robot đã được lập trình?

Tôi rất ngưỡng mộ luận điểm của Giáo sư Trần Ngọc Thêm rằng: “xã hội muốn phát triển cần con người sáng tạo, muốn sáng tạo cần có con người chủ động”.

Tuy nhiên, muốn có con người sáng tạo, mà muốn sáng tạo cần có con người chủ động thì chẳng những phải cải tạo những “lỗi hệ thống” trong ngành giáo dục lâu nay như GS Trần Ngọc Thêm nêu ra, mà có lẽ, trước hết cần có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng về quan điểm này.

Trường hợp ông Kim Ngọc, dám khoán hộ cho dân, trái với “đường lối xã hội chủ nghĩa” lúc bấy giờ, gọi là “phá rào”, cho nên mới phải chịu nỗi oan đến sau khi chết mới được giải.

Rất may, gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành “Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Đó là một bước tiến trong nhận thức.

Nhưng tôi vẫn hy vọng Đảng cần tiến thêm một bước nữa, khi thấy thực tiễn có những hiện tượng, làm đúng đường lối, hay pháp luật mà vẫn không hiệu quả thì Đảng cũng cần xem lại Đường lối, Pháp luật đó liệu có gì chưa đúng để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi.

Dưới góc độ khoa học, Đảng cũng là Con người, Đảng đâu phải là thánh thần. Do đó không phải Nghị quyết nào, đường lối nào, pháp luật nào cũng đúng cả. Và cũng không phải mọi đường lối, chính sách luôn luôn đúng trong mọi lúc, mọi nơi. Cuộc sống mấy chục năm qua đã cho thấy, rất nhiều điều qua thực tiễn sinh động, Đảng đã mạnh dạn sửa đổi, không phải chỉ sửa vài quy định lặt vặt, mà kể cả Đường lối đã được Đại hội thông qua.

Sửa đổi có ý nghĩa nhất, bài học lớn nhất chính là dám đưa cơ chế thị trường, vốn được coi là “thể chế của CNTB – thù địch” vào vận hành nền kinh tế đất nước. Đề xuất đó tại Đại hội VI (1986) của chính Tổng Bí thư Trường Chinh, chứ nếu của một người có chức vị thấp hơn, có khi cũng bị cho là “quan điểm lập trường bấp bênh” là “chống đối”, dám theo “cơ chế của CNTB”! Và không biết chuyện gì sẽ xảy ra với đồng chí đó (!?). Nhưng chính nhờ đó mà đã cứu vãn được tình hình đất nước trước nguy cơ sụp đổ, trái lại đã làm cho đất nước thay da đổi thịt…như chúng ta đã ca ngợi suốt mấy chục năm qua.

Sự đổi mới đó đã 35 năm, đến nay đã “hết dư địa”, như nhiều người đã chỉ ra. Sự tiếp tục đổi mới để đất nước vươn lên là nhu cầu khách quan, cấp bách của thực tiễn đất nước. Hy vọng sau Kết luận 14, Đảng lắng nghe các chuyên gia, nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn sửa dần những gì đang cản trở sự phát triển, dù đó có thể là những điều xưa nay vẫn cho là “đúng đắn”, “không thể đổi thay”.

Nhưng chính Karl Marx, chứ không phải ai khác, đã khẳng định: Chỉ có thực tiễn mới là tiêu chuẩn của chân lý. Mà thực tiễn thì luôn luôn vận động, đôi khi nó vận động khiến con người hết sức ngạc nhiên. Thực tiễn không hề “chết cứng”. Chỉ có tư duy của con người chết cứng khi không nhìn thấy sự vận động của thực tiễn sinh động mà thôi.

 

Bài đã đăng fb Ngọc Dương

22/11/2021

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.