6255. Vài nhời về thầy thuốc

Vài nhời về thầy thuốc

PNTB: Nguyễn Ngọc Dương

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 

Yêu cầu khắc phục tình trạng cán bộ Y tế nghỉ việc 

Đất nước này có mấy lĩnh vực được xã hội gọi là “Thầy” ? Tất nhiên những “thầy chùa” – sư, thầy bói, thầy cúng, thầy lang, thầy địa lý… ngoài biên chế thì không nói, nhưng còn hai người thầy là THẦY GIÁO & THẦY THUỐC (rộng ra là Giáo dục, Y tế), là những đối tượng thuộc tổ chức của nhà nước thì còn quá nhiều chuyện phải bàn.

Có thể nói, những người làm nhiệm vụ ở hai lĩnh vực này, không phải ngẫu nhiên mà xã hội tôn vinh họ là “Thầy”. Vì con người ta có hai phần: phần THỂ XÁC và TÂM HỒN, đều chủ yếu giao hai người thầy này chăm sóc. 

Nhưng chuyện Giáo dục, ngành chăm sóc tâm hồn con người từ nhỏ, nói mãi rồi, chưa có hồi kết. Hôm nay nhân việc “Thủ tướng yêu cầu khắc phục tình trạng cán bộ Y tế nghỉ việc”, ( https://cafef.vn/thu-tuong-yeu-cau-khac-phuc-tinh-trang-can-bo-y-te-nghi-viec-20211211131819663.chn?fbclid=IwAR2EXd2SCvDwpqcPHMXNyej873wnFPeanYIO3McoqykQawB4kBwh2v8oujs ) tôi xin có vài nhời về THẦY THUỐC.

Trước kia ngành Y chủ yếu chỉ có 3 bậc chính: Y tá và tương đương (sơ cấp), Y sĩ và tương đương (trung cấp); Bác sĩ và tương đương (Đại học). Ngoài ra cấp cao hơn gọi là Bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II… Trong đó, Y TÁ chỉ được làm nhiệm vụ trực tiếp tiêm chích, cho bệnh nhân uống thuốc… theo chỉ định của Y, Bác sĩ. Chỉ có Y sĩ trở lên mới được kê đơn, quyết định phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Nhưng ngày nay, được quy định lại: cấp y tá, y sĩ và tương đương gọi chung là ĐIỀU DƯỠNG VIÊN (trong đó có cả y tá bậc trung, cao cấp…) thực hiện nhiệm vụ y tá trước đây. Còn bác sĩ vẫn có chức năng, nhiệm vụ như cũ.

Có thể nói, chưa có một ngành nào phải đào tạo lâu như ngành Y. Đại loại, tốt nghiệp bậc Đại học (Bác sĩ đa khoa) không phải 4 năm như tất cả các ngành học khác mà nói chung là 6 năm. Các bác sĩ chuyên khoa I, phải học thêm vài năm nữa; rồi về công tác một thời gian mới đi chuyên khoa II, lại vài năm nữa… Muốn thành một bác sĩ giỏi, phải học hàng chục năm đằng đẵng. Không phải học nhiều lý thuyết mà học thực hành là chính. Thực hành ở các bệnh viện lớn, trong ngoài nước, tiếp xúc kinh nghiệm bậc thầy để trở thành các chuyên gia… Bởi vì chăm sóc thể xác con người, chỉ sai một li đi một dặm. Sơ xuất một chi tiết nhỏ trong điều trị là giết chết một con người! nặng “tội” lắm!

Nhưng chả hiểu sao, nhà nước lại quy định bậc lương ngành Y cũng như ngành Giáo và các ngành khác khi học cùng bậc. Thậm chí ở vùng cao, vùng sâu... thầy cô giáo có phụ cấp, thầy thuốc thì không. Ngành Giáo dục tuy giáo viên còn kêu oai oái về chính sách, nhưng dù sao cũng nhờ Nghị quyết từ mấy chục năm trước “…Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nên cũng được ưu ái hơn. Ví dụ ngày “nhà giáo VN” thì rầm rộ chúc tụng… phụ huynh, các trò còn có quà cáp gọi là “đi thầy, đi cô”, nhất là ngày ấy, các chợ hoa đắt như tôm tươi, kèm theo bó hoa là cái phong bì…

Nhìn sang Y tế, cũng là “thầy” đấy, nhưng người thầy này luôn phải đối mặt với buồn thương. Ngày xưa người ta gọi bệnh viện là “nhà thương” chẳng sai. Những người thầy thuốc (tôi không muốn dùng từ sáo là “chiến sĩ áo trắng”) họ còn phải trực đêm. Ở nơi ít bệnh nhân còn đỡ, chứ những bệnh viện lớn phải thức trắng, thậm chí rất căng thẳng trong những ca cấp cứu… Nhưng than ôi, bồi dưỡng một đêm trực chỉ bằng một bát phở! Chuyện này nghe lâu rồi, nay có thể hơn một chút, nhưng chẳng ai muốn trực đêm… Ngày “thầy thuốc Việt Nam 27/2” thì cũng có nhắc đến kỷ niệm nọ kia… nhưng không rầm rộ như ngày nhà giáo 20/11. Mà cũng chẳng bệnh nhân nào (đang điều trị hoặc đã khỏi bệnh), “đi thầy đi cô” như trong giáo dục.

Một điều đáng quan tâm nữa là trong những năm tháng gần đây, ngành Y tế bị “mất” nhiều ông “thầy” ở các bệnh viện lớn, thậm chí cả những bác sĩ chuyên khoa đầu ngành mổ tim (trong lúc cả nước không có ai hơn) như bs - gs Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc bv Bạch Mai, hàng đầu quốc gia….

Thôi thì phạm pháp phải lâm vòng lao lý. Nhưng cũng phải hỏi đến tận cùng: Tại sao lại xảy ra nông nỗi ấy? Có người bảo ‘tham thì chết’!… Nhưng xin thưa, trên đời này chẳng có ai không tham! Tham vốn là bản chất của con người. Giống như loài chuột sống bằng thóc gạo. Cứ bỏ chuột vào hũ gạo rồi cho nó “học tập đạo đức, tấm gương…”, khi nó ăn hết thóc, gạo, lại bảo nó “không chịu rèn luyện, tu dưỡng”, rồi mang ra đập chết thì … chả còn gì để nói. Ông Lý Quang Diệu, cố TT Singapor nối tiếng về chống tham nhũng trên toàn thế giới từng nói, muốn chống tham nhũng phải đi đôi chính sách tiền lương, phải làm cho người nhà nước “không thể, không muốn, không dám tham nhũng”.

Muốn có con người tốt, phải biết sử dụng đúng. Cụ Hồ là một tấm gương đưa những con người có tài (thậm chí có tật) thành những chuyên gia đầu ngành giúp ích cho quốc gia trong những ngày mới lập quốc sau cách mạng tháng Tám.

Tôi chỉ xin nêu một ví dụ đối với ngành Y, (được nghe người trong ngành kể). Năm 1954, khi vĩ tuyến 17 trở thành biên giới tạm thời của 2 chế độ Bắc, Nam. Lúc đó giáo sư Đặng Văn Chung đang “chạy vào Nam” theo ông Ngô Đình Diệm thì GS Tôn Thất Tùng lên gặp CT Hồ Chí Minh. Ông nói, đề nghị Bác tìm cách giữ được GS Đặng Văn Chung nếu không, 20 năm sau, ngành Nội khoa VN cũng chưa thể đuồi kịp trình độ Đặng Văn Chung hiện nay. Cụ Hồ lập tức cho người xuống Cảng Hải Phòng tìm GS Chung về gặp Cụ, được Cụ thuyết phục và quả nhiên, Đặng Văn Chung trở thành chuyên gia đầu ngành, xây dựng ngành nội khoa y tế VN cho đến lúc ông mất…

Trở lại vấn đề “yêu cầu khắc phục tình trạng cán bộ y tế xin nghỉ việc” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra thì bằng cách nào?

Xin thưa, không phải chỉ là “cán bộ y tế xin nghỉ việc” như đã nêu, mà quá nhiều cán bộ y tế từ lâu đã phải sống bằng phương pháp “chân ngoài dài hơn chân trong” rồi ạ.

Mà không riêng ngành Y tế đâu, rất nhiều ngành “có vấn đề”. Vấn đề lớn nhất là tham nhũng để sống, sống rồi tham nhũng nữa để giàu… Đó là “nhờ cơ chế”! Và cuối cùng là vô số cán bộ tha hóa... Đừng trách họ nhiều.

Vấn đề trước hết là Đảng, CP, QH cần đổi mới cơ chế … Đó là một trong nhưng nội dung của việc đổi mới hệ thống chính trị mà ngay từ đầu công cuộc đổi mới (1986), Đảng đã có chủ trương: tiếp theo đổi mới Kinh tế thì phải đổi mới chính trị cho đồng bộ, phù hợp nguyên lý của triết Mac - xit: “Kiến trúc thượng tầng phải phù hợp Cơ sở hạ tầng – Cơ chế Chính trị phải phù hợp cơ chế Kinh tế”.    


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.