6253. Từ “tự cấp tự túc” đến “vườn rau gác thượng”

Từ “tự cấp tự túc” đến “vườn rau gác thượng”

Nguyễn Ngọc Dương

 


“Tự cấp tự túc” là cụm từ xuất hiện ở thời kỳ sau năm1960, khi miền Bắc thực hiện khẩu hiệu “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên cnxh”. Và phương thức sản xuất của hợp tác xã nông nghiệp từ bậc thấp lên bậc cao vẫn là thống nhất theo hiệu lệnh: “dứt tiếng kẻng thì kéo nhau ra đồng; nghe tiếng kẻng tan tầm, dù đang dở sá cày cũng lập tức tháo trâu”…

Để tháo gỡ một phần những khó khăn của cuộc sống, nhà nước có chủ trương thực hiện “chế độ đất 5%”, nghĩa là mỗi gia đình được chia 5% đất, theo mức đã đóng góp vào htx. Ví dụ, trước khi vào htx, anh có 5 sào ruộng (Bắc bộ): 5x360 m² = 1800 m² x 5% = 90 m². Nhưng có nhà chỉ được 15 – 20 m² thôi. Đây là diện tích được coi là “tư liệu sản xuất tư nhân”, được tự do “định đoạt” (nhưng không được bán), tức là anh muốn trồng cây gì, nuôi con gì cũng được, không bị ai kiểm soát.

Đó chính là mảnh đất “tự cấp, tự túc”. Dư luận lúc ấy cho rằng, tất cả các mảnh đất “tự cấp tự túc ấy” đều có năng suất, hiệu quả hơn rất nhiều lần đất “cha chung không ai khóc” của htx…

                                                    ***

Sau 10 năm thống nhất đất nước (1986), công cuộc đổi mới được mở ra, tháo gỡ cuộc sống khó khăn, hủy bỏ chế độ tem phiếu, dân “sướng như năm mơ”… thì dần dần lại phát sinh rất nhiều vấn đề. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế vận hành theo “cơ chế thị trường theo định hướng xhcn” đã nảy sinh rất nhiều vấn đề nổi cộm, nhất là sự GIAN DỐI trong thương mại.

Nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm… không bảo đảm an toàn. Hóa chất gây ung thư như: thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc phòng, chống dịch bệnh cho động, thực vật và dư lượng chất bảo quản có hại cho sức khỏe con người vượt quá mức cho phép … nhưng bằng mắt thường thì chẳng nhìn thấy, mà nhà nước thì không đủ lực lượng kiểm soát, chỉ thỉnh thoảng bắt được quả tang một vài vài vụ, khiến cả xã hội ghê sợ, vừa ăn vừa run. Nhưng đành bất lực…

Có lần ông Dương Trung Quốc, ĐBQH đã nêu tình trạng “trồng rau hai luống, nuôi lợn hai chuồng” ở nông thôn như một “phong trào”, một “sáng kiến” của nhiều người “khôn lỏi” (rất giống anh ‘bạn vàng’), chỉ cần an toàn cho gia đình mình, còn thiên hạ thì… mặc giời! Như vậy, không chỉ các quan hệ xã hội mà ngay trong sản xuất kinh doanh cũng đã bộc lộ sự xuống cấp của văn hóa – đạo đức xã hội… (vấn đề này sẽ cần có một bài viết riêng)

Từ thực tiễn đó, nhiều người ở các đô thị nhớ đến câu của cố TBT Nguyễn Văn  Linh: “phải tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”, bằng cách tạo vườn rau trên gác thượng. Họ mua từng kg đất màu ở ngoại ô chở về, cải tạo bằng phân hữu cơ rồi xây ô, dùng hộp xốp… để trồng rau cải thiện trên gác thượng… chăm sóc theo phương pháp sản xuất rau sạch của các nước tiên tiến… Thậm chí có người còn tranh thủ cả quanh bồn gốc cây vỉa hè để trồng “rau sạch”, ít nhất cũng có vài khóm rau thơm… Rõ là những sáng kiến “tự túc tự cấp” rất chi “ngoạn mục”. Thế mới biết, người Việt Nam mình thông minh thật. Với sự thông minh đó, nếu có được một CƠ CHẾ VĂN MINH thì đất nước “nghìn năm văn hiến” này chả mấy mà cất cánh bay lên !  

Tất nhiên, nếu điều kiện không cho phép thì đành “cò cưa” ăn liều thực phẩm chợ búa, bụng bảo dạ, may hơn khôn. Thời buổi này thật, giả chả biết đâu mà lần…   


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.