6252. Một giờ đi bộ trên đường phố - bờ sông.

Một giờ đi bộ trên đường phố - bờ sông

Nguyễn Ngọc Dương

 


Chiều qua, lần đầu tiên tôi rủ thằng cháu ngoại tuổi Đinh Hợi (2007) đi bộ để ‘rèn luyện sức khỏe’. Chưa đủ 15 tuổi mà cu cậu cao 1,79 m, nặng 69 kg. Đi cạnh ông, mà nó như một “thằng Tây con”. Cháu sinh hoạt theo phong cách Âu Mỹ, thích ăn đồ Tây, nói tiếng Việt như… người Mỹ ở VN hai năm!

Thấy cháu giúp bà ngoại luộc rau củ cải, ông bảo: “Hình như chín rồi, cháu vớt ra đi”. Cháu bảo: “Cháu biết, nước sôi thế này là nó đang có ‘hiệu quả’ đấy ạ”. Hễ mở TV hay điện thoại thì chỉ xem phim tiếng Anh, có lúc nó vỗ đùi cười khanh khách một mình, nhưng ông ngó vào thì như vịt nghe sấm.

Hôm nay đi bộ với ông, ông hỏi: “Hồi năm kia cháu theo ba mẹ đi Israel cháu có giao dịch với họ bằng tiếng Anh không?”. “Có, cháu còn gặp mấy người Mỹ ở Việt Nam sang và nói chuyện với họ…”. Có điều, chỉ nghe, nói, chứ đọc thì cháu “do not know”!  Chuyện về thằng cháu ngoại thì hơi dài, bởi nó có một số ‘dị biệt’, đến mức phải gặp bác sĩ chuyên khoa TK khám và điều trị.

Hai ông cháu đi thẳng ra con đường bờ sông Hồng. Đây là một trong những đường phố mới mở nối liền từ phường Bắc Cường qua Kim Tân, lên Cốc Lếu. Đoạn đường có tên “đường An Dương Vương”.

Con sông Hồng chảy từ Vân Nam Trung Quốc, cũng là nơi có châu Hồng Hà (tên con sông) giáp ranh với tỉnh Lào Cai Việt Nam.

Sông Hồng bắt đầu đổ vào Việt Nam từ ngã ba đoạn gặp suối Lũng Pô, nơi có đồn Biên phòng Lũng Pô thuộc địa phận huyện Bát Xát. Sông chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, từ Lũng Pô đến TP Lào Cai là đoạn biên giới 70 km, bên kia Trung Quốc, bên này Việt Nam thuộc địa phận huyện Bát Xát. Gần đến TP Lào Cai thì có cây cầu Kim Thành, gắn với Khu Kinh tế Kim Thành, nối liền từ Vân Nam với cao tốc Lào Cai – Nội Bài. Xuôi thêm mấy km nữa thì đến ngã ba sông Nậm Thi – Sông Hồng. Tại đây là cửa khẩu quốc tế cũ, có cây cầu Hồ Kiều, nối đường sắt Vân Nam – Lào Cai – Hà Nội.

Khi hai ông cháu đi bộ ngược từ Kim Tân lên Cốc Lếu có một đoạn khá ấn tượng là qua khu bãi Soi Tiền. Chắc cái tên “Soi Tiền” nghĩa là cái “bãi soi đầu tiên” ở giữa sông tính từ hạ lưu dưới cầu Cốc Lếu. Nhưng giờ đây, ngang với bãi Soi Tiền, phía hữu ngạn có phố “Soi Tiền”, nhưng hình như có một ý nghĩa khác, bởi đó là khu đất vàng “soi ra tiền”. Mấy năm trước phố này đã mọc lên một số biệt thự rất sang trọng, nom lóa cả mắt. Có lần đã thấy báo chí “soi” ở đây, chả hiểu lý do gì.

Từ khu biệt thự Soi Tiền, nhìn qua đường An Dương Vương xuống bãi Soi Tiền, khung cảnh thật nên thơ. Phía bên kia sông là những dãy nhà chung cư của các đại gia bất động sản, nổi bật trong nắng chiều mùa Đông.

Dưới sông, mùa này tuy chưa cạn trơ đáy như những tháng mùa khô, nhưng dòng nước thì mang một màu “đục lờ lờ nước hến”, tuyệt nhiên không còn tìm thấy màu phù sa hồng sắc như xưa. Cái mầu làm nên tên tuổi con sông đã mất tăm, khi ở đôi bờ thượng nguồn phía Trung Quốc mọc lên vô số những nhà máy, khu công nghiệp… Chẳng biết họ đã xả xuống sông Hồng những gì, Nhưng dòng sông thì thực sự đã đổi mầu, tên vẫn sông Hồng mà mầu thì đâu còn hồng nữa!

(Dưới đây là mấy hình ảnh chụp quanh bãi Soi Tiền lúc đi bộ chiều qua).

 








 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.