6248. Vẫn cần bàn thêm: Giữ hay bỏ “Tiên học lễ, hậu học văn” ?

Vẫn cần bàn thêm: Giữ hay bỏ “Tiên học lễ, hậu học văn” ?

Nguyễn Ngọc Dương/ PNTB

 


Câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, thực ra cũng chỉ mới xuất hiện ở khắp các trường, lớp học trong vài chục năm nay, chứ thời chúng tôi còn đi học (từ lớp 1 đến lớp 10 – hết cấp 3) không thấy có.

Cho đến năm 2018, trên báo Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí Giáo dục Việt Nam) có bài của tác giả Bùi Nam với tiêu đề “Một lần nữa lại phải bàn về giữ hay bỏ “tiên học lễ, hậu học văn”. Với tiêu đề bài báo đã chứng tỏ câu này từng trải qua những cuộc tranh cãi “bất phân thắng bại” cho nên mới “lại phải bàn…”. Tất nhiên, tác giả Bùi Nam cũng vẫn ủng hộ việc giữ khẩu hiệu này https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/mot-lan-nua-lai-phai-ban-ve-giu-hay-bo-tien-hoc-le-hau-hoc-van-post192238.gd

Tại sao có chuyện đó? Tôi dám chắc vì (vô tình hay hữu ý) có những cách hiểu khác nhau, thậm chí đối lập nhau về nội hàm câu ‘khẩu hiệu’. Khi tranh luận một vấn đề mà không thống nhất nội hàm khái niệm, tức là vi phạm tiên đề thì kết quả là “ông nói gà bà nói vịt”, chẳng bao giờ gặp nhau.

Nhiều người cho rằng, “Lễ” ở đây là ‘văn hóa ứng xử’, ‘là tôn kính thầy, cô…’, thậm chí còn nâng lên tầm cao hơn là “đạo đức làm người”!.. Do đó, nó cần phải được học trước (“tiên học lễ”), rồi mới học các kiến thức sách vở (“hậu học văn”). Nghe qua về hình thức thì có vẻ có lý, nên được nhiều người ủng hộ.

Nhưng những người muốn bác câu này, mà gần đây nhất là ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM) tại Hội thảo giáo dục do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21-11-2021, một lần nữa ông khẳng định “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ (Báo Tuổi trẻ). Xin trích cả đoạn văn đó như sau:

Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng môi trường học đường cần đề cao, khích lệ tư duy phản biện, khai phóng. Không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như “con ngoan trò giỏi”. Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu ‘Tiên học lễ, hậu học văn’, để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Chừng nào còn đề cao chữ “lễ” để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển” ...

https://tuoitre.vn/xa-hoi-muon-phat-trien-can-con-nguoi-sang-tao-muon-sang-tao-phai-co-con-nguoi-chu-dong-20211121224337725.htm

Tôi không bênh vực gì ông Trần Ngọc Thêm, dù ông có là Giáo sư hay không, nhưng tôi ủng hộ ý kiến của ông và khẳng định, những ý kiến trái chiều, ra sức muốn giữ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” là do có sự hiểu sai nội hàm chữ “Lễ” trong nho giáo.

Trong xã hội Phong kiến, để giữ vững ngai vàng, ổn định xã hội, cần phải thực hiện một trật tự nghiêm ngặt trong các mối quan hệ: Vua – Tôi, Thầy – Trò, Cha – Con, Trên – Dưới… Ở Việt Nam còn lưu truyền câu nổi tiếng trong quan hệ vua - tôi: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”, không biết có phải của Khổng tử hay không, nhưng dưới chế độ phong kiến, nó được sử dụng để giáo dục mọi thần dân phải tuyệt đối tuân phục ý vua. Bất luận đúng, sai, “vua bảo chết thì phải chết”. Vua là biểu tượng của quyền lực tuyệt đối, một chế độ chuyên chế tập quyền hàng nghìn năm. Trong thi cử, chỉ cần vô tình nói chạm đến tên húy của vua là đã mắc tội và bài thi có xuất sắc mấy cũng bị đánh trượt. Tội nặng nhất là tội “khi quân”. Có khi còn bị chu di tam tộc.

Dưới xã hội phong kiến, các mối quan hệ khác trong xã hội cũng đều rất hà khắc. Trong quan hệ Phu – Phụ, chồng nói vợ phải nghe, bất luận đúng sai. Chồng có quyền bỏ vợ này lấy vợ khác, còn đã là vợ mà bỏ chồng thì bị coi là hạng “trốn chúa lộn chồng”… Trong quan hệ hôn nhân đã là con gái thì cha mẹ có quyền gả bán, có quyền “đặt đâu, con ngồi đấy”, không có khái niệm “tự do hôn nhân, tự do tìm hiểu”. Trong quan hệ Thầy – Trò dù bất luận thế nào, trò không được trái ý thầy, có giỏi mấy mà “cãi lại” thầy đều bị cho là “vô lễ”... Có ba ngày tết nguyên đán thiêng liêng nhất trong năm thì “mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thầy” …

Nói sơ qua về chữ “Lễ” của Nho giáo trong xã hội phong kiến như thế, để thấy, “lễ” nhằm ràng buộc con người ở vị thế yếu (bên dưới), phải luôn luôn thụ động trong mọi tình huống. Nói cách khác, đó chính là những biện pháp thủ tiêu dân chủ, cấm đoán mọi sự khai phóng của con người. Ở một đất nước mới được hoài thai mấy chục năm từ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, thì tất nhiên những nét văn hóa phi dân chủ đó vẫn còn rơi rớt trong cuộc sống là khó tránh khỏi.

Nhưng điều đáng nói là ngày nay ngành giáo dục dùng khẩu hiệu: “Tiên học lễ, hậu học văn”, với sự áp đặt nội hàm chữ “lễ” là “đạo đức làm người” (hàm ý là đạo đức của con người hiện đại) thì quả là “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Có thể khẳng định rằng, không thể dùng từ “lễ” của chế độ phong kiến lắp ráp vào nội hàm khái niệm “đạo đức”, “học làm người” của xã hội mới. Đó phải chăng chính là lý do có nhiều người cũng như ý kiến của Giáo sư Trần Ngọc Thêm phản đối khẩu hiệu này. Tất nhiên, với cách nhìn biện chứng, chúng ta không phủ định sạch trơn những giá trị cũ. Thực ra, trong chữ “lễ” cũng có những nội dung đến nay còn “gạn đục khơi trong” được những giá trị. Ví dụ những nét văn hóa tốt đẹp của truyền thống cha ông như sự lễ phép của trò với thầy, sự hiếu đễ của con cái với cha mẹ… nhưng câu khẩu hiệu nho giáo kia, ngày nay không thể trương lên phổ biến như một thứ triết lý giáo dục cho toàn xã hội.

Hãy nhìn sang các quốc gia tiên tiến trên thế giới, nhất là những nước đã trải qua nền văn hóa dân chủ tư sản, xem có ở đâu, quốc gia nào treo nhiều khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” như ở Việt Nam không? Chẳng lẽ những nơi không có khẩu hiệu đó, họ không có “đạo đức làm người” ?

Chúng ta đang xây dựng một xã hội hướng đến văn minh, hiện đại, một xã hội mà Đảng đã định hướng là “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”. Thế mà Giáo dục, ngành đào tạo ra những con người Việt Nam hiện đại, những công dân tương lai của xã hội mới, nhưng lại đưa triết lý lễ nghĩa nho giáo, có nhiều nội dung đã lỗi thời, mà cốt lõi là phủ định ý thức dân chủ, cản trở tư duy độc lập, sáng tạo của lớp trẻ?. 

Nếu muốn có khẩu hiệu mang triết lý giáo dục thì tại sao không đưa những câu như “Học để làm người” của Bác Hồ đã dạy, hoặc “5 điều Bác Hồ dạy” rất rõ ràng, dễ hiểu, mà lại phải dùng một câu (tiên học lễ hậu học văn) thuần Nho giáo, đến người lớn còn mù mờ nội hàm, huống chi cho trẻ con học quốc ngữ, để rồi phải tốn bao nhiêu giấy mực, cũng chỉ nhằm áp đặt cho cái khẩu hiệu đó một nội hàm mới, được cho là “đạo đức làm người”? Vấn đề là làm con người như thế nào, con người Việt Nam văn minh, hiện đại hay những con người mang nặng đầu óc phong kiến: bảo thủ, trì trệ, phi dân chủ…

Mà hình như từ ngày khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” mọc lên như nấm thì xem ra, đạo đức học đường lại càng nhiều vấn đề nhức nhối? 

Lịch sử nhân loại đang tiến đến “thời đại 4.0”, mà Giáo dục cứ mãi đeo đuổi sự phục tùng vô lý của xã hội phong kiến, thì đất nước ta sẽ tiến lên bằng con đường nào đây?

24/11/2021

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.