6247. Tiếng Việt – lan man Cái và Con, Con và Cái.

Tiếng Việt – lan man Cái và Con, Con và Cái

Nguyễn Ngọc Dương/PNTB

 


Từ hồi còn đi học, nhớ có lần GS Trần Quốc Vượng giải thích từ “Cái” trong câu “Con dại Cái mang” nghĩa là Mẹ, (con dại, người mẹ phải chịu). Từ này có từ thời mẫu hệ, khi đó người mẹ là quyền lực nhất, lớn nhất, nên “Cái” được tôn vinh thực sự, không cần đến một ngày trong năm dành cho nữ giới. Vì thế tất cả những cái gì lớn nhất đều kèm theo từ Cái. “thúng cái”, “trống cái”, “đường cái” … Rồi khi ghép “cái” với “con”, thành “con cái” thì mang nghĩa bao quát nói chung là những đứa con: “Chúng mày là con cái nhà ai ?”…

Từ “Cái”, nếu thời mẫu hệ được “tôn vinh” để chỉ những vật to tát (như trên) thì đến thời phụ hệ nó bị “hạ cấp” để chỉ những gì bé nhỏ, yếu thế? Những con vật như con cò con vạc, con bống, trong nhiều bài ca dao bị gọi là “cái”. “Cái cò, cái vạc, cái nông…” hay “Cái cò lặn lội bờ sông/ gánh gạo, đưa chồng tiếng khóc nỉ non…” hoặc “Cái bống là cái bống bình /Thổi cơm nấu nước một mình mồ hôi/ Dọn nhà cho khách đến chơi /Cơm ăn rượu uống cho vui lòng chồng…”. Đó là thời kỳ mà thân phận người đàn bà đã bị “hạ bệ”…? 

Từ “Cái”, còn được sử dụng là “giới”, đối trọng với giới “đực” để chỉ động vật, thực vật. “cây đu đủ cái”, “cây đu đủ đực”, cây cái thì đẻ được, cây đực thì không. Mọi con vật đều có con cái, con đực… Ở một xóm vùng cao, người Kinh sống chung với người Mông. Một hôm, chị người Mông để sổng chuồng con lợn, chị ấy qua nhà hàng xóm hỏi: “bác ơi, bác có thấy “con lởn nứ” (con lợn nữ) của tôi nó chạy qua đây không?

Tuy nhiên, con trâu, con lợn, những gia súc có giá trị hơn khi nuôi để sinh sản, thì người ta nói chệch “cái” thành “nái”. “Trâu nái”, “lợn nái”. Nói như thế để thể hiện sự quý trọng con vật này, khi nó mang lại lợi ích lớn hơn. Nhưng đối với loài chim thì không hiểu sao người ta nói chệch từ “cái” thành “mái”. “Con gà mái”, “con chim mái”. Con mái khi đến tuổi sinh đẻ thì “chịu đực” tức là để cho con đực “đạp mái”. Nhưng đối trọng với con “mái” thì con đực lại được gọi là “con trống”. “con gà trống”. Khi phát âm con “trống” lại bị chệch đi thành “sống”: “Con gà sống”. Khi quyết chiến với kẻ địch thì lại xuất hiện từ “sống mái” – “quyết sống mái với quân thù”. Nếu người nước ngoài mới học tiếng Việt mà hiểu máy móc thì có khi lại dịch là “phen này quyết đực cái với kẻ thù”!

Từ “Cái” và từ “Con” còn được dùng làm từ loại để chỉ cá thể sự vật. Quy luật chung là những bất động vật thì đứng trước danh từ là “Cái”, còn động vật là “Con”: “cái bàn”, “cái sân” “cái nồi” … “con dê”, “con trâu”, “con chó”… Nhưng không cố định như vậy, những bất động vật “vận động” được vẫn được gọi là “con”: “Con tàu” “Con thuyền”, “Con sông”, “Con suối”, và trong mắt của con người, nó “vận động” được cũng gọi là “con”: “Con đường”, “Con đê”… “Con đường”, “Con đê” thực ra nó đứng im, nhưng vì con người vận động trên mình nó, nên vẫn gọi nó là “con”. Tuy nhiên, nhiều thứ vận động được như “xe đạp”, “xe máy”, “ô tô”… vẫn được gọi là “cái”. “cái xe đạp”, “cái ô tô”… Song khi cái xe máy, cái ô tô có giá trị lớn thì lại được “tôn vinh” gọi là “Con”. “Chúc mừng cậu vừa đổi con xe mới”!.

Có người thắc mắc, hai bộ phận sinh dục của đàn ông, đàn bà, tại sao của đàn bà gọi là “cái”, còn của đàn ông gọi là “con”: (“Có cái con cc… tao đây này”?). Hay là vì của đàn bà nó “nằm im”, còn của đàn ông nó tự “cử động” được?...

Lan man về hai từ này, hẳn còn rất nhiều điều để nói. Nhưng giới hạn một statut xin dừng lại ở đây. Thế mới biết, chỉ có hai từ khi sử dụng nó đã uyển chuyển, tế nhị như vậy. Vì thế cho nên là người Việt cần hiểu kỹ, sâu sắc để góp phần “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.

Đã đăng fb Ngọc Dương 8/11/2021

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.