6246. Vài lời về Văn hóa Việt Nam
Vài lời về Văn hóa Việt Nam
Nguyễn Ngọc Dương/ PNTB
Nghe nói, “ngày
24/11 tới, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Văn hoá toàn
quốc bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành và một số bộ, ngành. Nhiều
người kỳ vọng, Hội
nghị Văn hóa toàn quốc sẽ là một hội
nghị Diên Hồng để lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những thông điệp quan trọng về
văn hoá.”
https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc-khat-vong-xay-dung-dat-nuoc-hung-cuong-792853.html
Trước sự kiện này, ông bộ trưởng bộ Văn hóa – thể thao – Du lịch Nguyễn Văn Hùng đưa ra một thông điệp rất chi là to tát “Khát vọng xây dựng đất nước hùng cường” (!). Đọc câu này mà thấy … khó nghĩ quá! Thực ra chỉ cần “đất nước bình thường” đã tốt lắm rồi.
Bài báo nói “nhiều người kỳ vọng ở hội nghị này…”. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy băn khoăn và mong sao nó không trở thành cơn “mây bay, gió thoảng”. Nếu nói về chiến lược Văn hóa của Đảng thì từ lâu tôi rất tâm đắc quan điểm xây dựng một NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC. Đó là đường lối đúng đắn, sáng suốt. Nhưng liệu đã có mấy ai, kể cả những người trực tiếp làm công tác văn hóa hiểu hết, hiểu đến nơi đến chốn ý nghĩa sâu sắc đó và cụ thể hóa nó thành đường đi, nước bước?
Tuy nhiên, mấy chục năm qua, xem ra văn hóa ở xứ ta chẳng những không thấy “tiên tiến” thêm được tí nào, mà sự tụt lùi thì ngày càng rõ. Trong cuộc sống thường nhật, ai chả thấy, xã hội ta bây giờ, người tốt thì ít, kẻ xấu thì nhiều, mà ngày càng nhiều lên. Còn nhớ nhà văn đáng kính Nguyễn Khắc Trường từng có một tác phẩm nổi tiếng mang tên “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, và cả ông bạn thân của tôi, nhà văn Trịnh Thanh Phong cũng có tiểu thuyết “Ma làng”, đã được dựng thành phim rất hay…
Những ứng xử vô văn hóa, thiếu đạo đức, cái gian, cái ác mọc ra như nấm. Có thể nói, chưa bao giờ SỰ GIẢ DỐI lại trở thành một nét phổ biến ở mọi nơi, mọi lúc như bây giờ!? Xưa nay, những nơi tôn nghiêm nhất, cung kính nhất như tôn giáo - đạo Phật mà cũng đã không ít nơi “sư chả ra sư, sãi chả ra sãi”. Chùa chiền vốn là nơi thờ tự, giáo dục đạo đức cho con nhang, phật tử lại trở thành “Công ty chùa”, “Doanh nghiệp chùa” (như cách nói của người dân trên mxh), đội lốt “du lịch tâm linh” để lừa gạt người dân kiếm tiền (không nhắc tên chắc mọi người cũng đã rõ). Họ chỉ thích chùa to, tượng lớn nhằm thu được nhiều tiền, làm giàu cho mấy vị tăng ni sống sung sướng, tiện nghi, xe sịn… Họ vứt bỏ điều Phật dạy, phải tránh xa Tham Sân Si… Nhiều người trong giới quan chức thì đến đó với tà tâm để “cầu trời khấn phật” được thăng quan, tiến chức, làm ‘ông nọ bà kia’ nhằm dễ bề sai khiến người dân, ăn trên ngồi trốc… Tóm lại, lời Phật dạy như nước đổ lá môn!...
Tất nhiên, những hiện tượng trên chỉ lẻ tẻ, chưa phải phổ biến, nhưng hàng nghìn năm qua, từ khi đạo Phật du nhập vào VN đến nay, chưa bao giờ có những hiện tượng như thế.
Đội ngũ cán bộ của Đảng là những người vốn được nhân dân tôn trọng, tin tưởng nhất, bởi họ đại diện cho một nhà nước kiểu mới, được mệnh danh là “nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Đảng đã lãnh đạo nhân dân trong mấy cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, phải hy sinh bao xương máu mới giành được độc lập, tự do cho dân tộc.
Nhưng từ khi bước vào xây dựng đất nước là nhiệm vụ chủ yếu, thì cán bộ của Đảng dần dần hư hỏng, gian dối ngày càng nhiều, mà Nghị quyết của Đảng từ lâu đã phải dùng đến cụm từ “một bộ phận không nhỏ…”, nhưng nó vẫn không ngừng lớn lên. Lúc đầu chỉ lẻ tẻ mấy vị ở cấp thấp, nhưng rồi cứ lan tỏa mãi lên đến cấp rất cao cũng phải vào tù. Từ khoảng 20 năm trở lại đây thì sự suy thoái đạo đức, lối sống xa hoa, cách biệt người dân của nhiều cán bộ ngày càng lớn. Đảng phải tăng cường bộ máy chống tham nhũng, thậm chí Tổng bí thư trực tiếp làm trưởng ban, “lò đã nóng, cả củi tươi, củi khô cũng cháy hết!” (lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) … mà vẫn không thấy thuyên giảm.
Mọi quan hệ của của con người trong xã hội cũng chưa thấy bao giờ nó xuống cấp thảm hại như bây giờ. Ngày nào cũng phải nghe những tin tức trong nước mà “nỗi buồn lớn hơn niềm vui” … Nếu ai tâm huyết với nhân dân và đất nước, không huyễn hoặc, lạc quan tếu, dám nhìn thẳng vào sự thật thì rất buồn!
Vừa qua, tôi đọc bài viết tâm huyết của bác Nguyễn Đình Bin, cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, vừa nhận Huy hiệu 60 năm tuổi đảng, bác thật lòng: “Mười năm qua, ba lần tôi nhận Huy hiệu tuổi Đảng đều với cảm xúc vui, buồn lẫn lộn. Vui vì tự thấy đã luôn phấn đấu thực hiện đúng lời tuyên thệ, kể cả sau khi đã nghỉ hưu. Buồn vì thực trạng của Đảng và của đất nước. Niềm vui thì vẫn vậy. Nỗi buồn thì ngày một lớn hơn, lan tỏa, bao trùm, sâu đậm, thấm thía, day dứt, lấn át hẳn niềm vui!” (Nguyễn Đình Bin: Nhận huy hiệu 60 năm tuổi đảng và suy ngẫm”).
Xét cho cùng, những hiện tượng mắt thấy tai nghe trong xã hội ta hiện nay, không riêng bác Nguyễn Đình Bin mà tin rằng, rất rất nhiều người, nhất là các bác cán bộ lão thành, những người đã suốt đời vì nhân dân phục vụ, không màng danh lợi cá nhân… thì thấy tất cả những điều “buồn nhiều hơn vui” ấy chính là VĂN HÓA, một nền văn hóa dân tộc đã và đang xuống cấp ngày càng trầm trọng.
VĂN HÓA là một một phạm trù rất trừu tượng và phong phú. Có rất nhiều học giả quốc tế định nghĩa về văn hóa, mỗi định nghĩa phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Ngay từ năm 1952, hai nhà nhân loại học Mỹ là Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn đã từng thống kê có tới 164 định nghĩa khác nhau về văn hóa trong các công trình nổi tiếng thế giới (Lương Văn Kế, trang 313/ https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C4%83n_h%C3%B3a / ).
Tôi cho rằng, Văn hóa với nghĩa đầy đủ nhất, cô đọng nhất, bản chất nhất là toàn bộ đời sống của con người, bao gồm cả tinh thần và vật chất do con người sáng tạo ra. Văn hóa không đơn giản chỉ là “cờ đèn kèn trống” mà nó là cái bản chất để phân biệt giữa con người và con vật.
Bởi vậy, những gì tốt đẹp hay xấu xa cả về nhân cách, ứng xử, thiện tâm hay tà tâm, thông thái hay dốt nát, vị kỷ hay ích kỷ hại nhân… đều là VĂN HÓA cả. Không giải quyết được những điều căn bản đó để cho đất nước “bằng anh bằng em” thì chớ có mơ để “đất nước hùng cường”!
Còn nhớ, mới hơn chục năm trước, ông Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh từng khẳng định hùng hồn rằng, đến năm 2020, đất nước ta sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Nay đã sắp hết 2021 rồi mà chưa thấy tăm hơi “công nghiệp hiện đại” ở đâu. Hôm qua đọc bài phản biện về dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, TS toán học Nguyễn Ngọc Chu cho hay, từ năm 1990, những nhà lãnh đạo đường sắt ảo tưởng cũng tuyên bố rằng, đến năm 2010, thì đường sắt Việt Nam sẽ đuổi kịp đường sắt Nhật Bản, nhưng cho đến nay 2021, ĐSVN vẫn phải nhập 37 toa tàu bỏ đi của Nhật sản xuất cách đây 40 năm. Thật là quá bẽ bàng cho những kẻ ngạo mạn, không biết mình là ai, nói lấy được, vì lời nói khoác xưa nay chưa ai bị đánh thuế.
Những bài học nhãn tiền đó còn nóng hổi đấy. Tục ngữ có câu: “Hổ chết để da, người chết để tiếng”. Cả tiếng thơm và tiếng thối. Khi chức vị càng to, thì tiếng (thơm hay thối) càng lớn, càng đậm dấu ấn trong lịch sử dân tộc, khó có thể xóa nhòa.
Bài học đó cho thấy, một khi cứ nói phứa đi là đến năm này năm nọ “đất nước hùng cường” mà chẳng chỉ ra được bằng cách nào, rồi đến năm đó, sau năm đó chả thấy hùng cường đâu, thì có khác gì hô khẩu hiệu trong cơn mê sảng?
(Đã đăng fb 20/10/2021 - ND)
Nhận xét