6244. Một thoáng Lai Châu

Một thoáng Lai Châu

PNTB - Bài & ảnh: Ngọc Dương

Một góc thị xã Lai Châu tháng 12/2012
 

Nữ sĩ Đỗ Thị Tấc, chủ tịch Hội Văn nghệ Lai Châu mời tôi và nhạc sĩ Phùng Chiến sang thẩm định tác phẩm nghệ thuật Giải thưởng Văn nghệ của tỉnh 5 năm lần thứ nhất. Trộm nghĩ, thực ra đây cũng là dịp Tấc “làm bàn” cho chúng tôi đi thăm thú vùng đất cận lân mà từ ngày tái lập tỉnh Lai Châu ít có dịp được ngó ngàng. Ngoài ra, cuộc thẩm định tác phẩm còn có hai nhà văn Trần Chiến và Văn Chinh đến từ Hà Nội.

Từ thành phố Lào Cai theo quốc lộ 4D qua Sa Pa, vượt đèo Trạm Tôn lượn sang sườn tây dãy Hoàng Liên Sơn, nơi có ngọn núi Fansipan nổi tiếng, qua Bình Lư (bây giờ là huyện Tam Đường) là đến thị xã tỉnh lỵ Lai Châu mới, nhưng lại là Tam Đường cũ. Hình như sau chia cắt đơn vị hành chính và ‘biến cố’ di dân lấy chỗ làm thủy điện thì có nhiều địa danh đổi tên cho nhau hoặc cho nhau ‘mượn’ tên? Chẳng hạn, thị xã Mường Lay (nay thuộc tỉnh Điện Biên) nhường chỗ cho hồ nước thủy điện Sơn La để ‘chạy’ sang thị xã Lai Châu cũ, Thị xã Lai Châu lại ‘chạy’ về Tam Đường, Tam Đường lại ‘di’ sang Bình Lư...

Sự bất ngờ đầu tiên là bắt gặp một thị xã tỉnh lỵ nơi xa xôi, hẻo lánh vừa được xây dựng, chưa hoàn thiện mà diện mạo đã khang trang, hiện đại. Thị xã Lai Châu mới nằm gọn trong một lòng chảo tuyệt đẹp. Xung quanh bao bọc bởi những dãy núi đá tầng tầng, lớp lớp vừa hùng vĩ vừa thơ mộng. Hiếm có một đô thị đường sá thênh thang, sạch sẽ mà thưa thớt xe cộ. Đây có thể sẽ là niềm ‘mơ ước’ của nhiều người Hà Nội và đa số những đô thị chen chúc, bụi bặm khác? Khu hành chính của tỉnh được xây dựng tập trung ngay cạnh quảng trường lớn là điểm nhấn của thị xã…

Xong công việc chính, tôi với Trần Chiến, Phùng Chiến và nhạc sĩ Vương Khon, người có những ca khúc nổi tiếng nhất Tây Bắc đi Mường Tè, nghe nói là huyện xa xôi nhất, khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu nên đã hấp dẫn tính tò mò của mấy tay làm báo chí, nghệ thuật.

Con đường đi Mường Tè khoảng 200 cây số mà xe tốt, “gầm cao máy thoáng”, cũng mất 9 tiếng đồng hồ, bình quân hơn 20 cây số/ giờ. Chẳng là trong khoảng mấy chục cây số trên quốc lộ 12, xuôi theo dòng Nậm Na, người ta đang làm tới 3 nhà máy thủy điện hạng vừa, nên phải đào bới đồi núi, tạm thời tạo ra đến 5 điểm tắc đường. Anh em công nhân làm việc 1 giờ, được nghỉ cho thông đường 30 phút. Nhiều lúc vừa thoát ở điểm trên, xuống điểm dưới thì barie cũng đang từ từ hạ. Lại chờ đợi. Đến ngã ba nơi con sông Nậm Na gặp sông Đà thì rẽ sang tỉnh lộ 127, ngược dòng Nậm Te, tên gọi sông Đà của đồng bào nơi đây. Có lẽ từ cái tên Nậm Te mà có địa danh Mường Tè huyện, Mường Tè xã. Phải tận mắt ngược thượng nguồn sông Đà mới thấy sự hung dữ của nó. Bởi độ dốc lớn, hai bên bờ là những vách núi đá dựng đứng, dưới lòng sông đá cuội cỡ bằng những chiếc ô tô tải thậm chí bằng cả ngôi nhà xếp lổng chổng, cưỡng lại dòng nước chảy xuôi, khiến nhiều chỗ tung bọt trắng xóa, phát ra thứ âm thanh “gầm gừ” như con sư tử đang lim dim đôi mắt ngái ngủ.

Từ lâu, Nhà nước đã biết sự lợi hại của sông Đà nên đã quyết tâm chinh phục. Tháng 11/1979 khởi công và 15 năm sau khánh thành Nhà máy Thủy điện Hòa Bình ở hạ lưu. Gần đây lại làm nhà máy thủy điện Sơn La, to nhất Đông Nam Á, công suất lớn hơn nhà máy thủy điện Hòa Bình đến 480 megawatt. Và ngay trên đoạn Nậm Te của đất Lai Châu (xã Nậm Hàng, Mường Tè) cũng đang thi công Nhà máy thủy điện Lai Châu. Tôi nói đùa với mấy nhà văn Hà Nội: “Con gà tức nhau tiếng gáy. Hòa Bình có thủy điện Hòa Bình, Sơn La có thủy điện Sơn La thì không lý gì Lai Châu không có thủy điện Lai Châu!”. Vậy là trên mình con sông Đà cho đến nay đã có 3 nhà máy thủy điện lớn, tổng công suất thiết kế 5520 megawatt. Thủy điện Lai Châu tuy công suất thiết kế chỉ bằng nửa Thủy điện Sơn La, nhưng nó nằm ở đoạn trên cùng của thượng nguồn sông Đà, nơi dòng hẹp nhưng không kém phần hung dữ.

Để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, đồng bào các tộc người Lai Châu đã vui vẻ nhường lại đất ở, đất canh tác ven sông, suối vốn đã sinh sống từ ngàn đời cho hồ nước thủy điện mênh mông. Những “bờ xôi ruộng mật”, những tổ ấm bao năm xây dựng chẳng mấy thí nữa chìm nghỉm dưới lòng hồ sâu như biển. Người dân được tái định cư thành những làng bản mới sống tập trung trên những sườn đồi cao với những ngôi nhà lợp brô xi măng, lợp tôn nổi bật trên nền xanh thẳm của trời và núi rừng Tây Bắc... Cuộc sống của hàng vạn gia đình chắc chắn bị đảo lộn. Cuộc mưu sinh nơi sơn cước đặt ra nhiều bài toán phải tiếp tục giải... Thế mới biết đồng bào Tây Bắc đã hy sinh cho đất nước như thế nào.

Đón chúng tôi tại Mường Tè là Trịnh Tuấn Anh, ủy viên thường vụ - trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy. Tuấn Anh thân tình: “Em vừa đi xã về. Không may xe “pan” giữa đường, phải bỏ xe lại, gọi xe máy kịp về tiếp các anh...”. 

Nhạc sĩ Phùng Chiến (trái) và TBTG HU Trịnh Tuấn Anh

Năm 1982, Trịnh Tuấn Anh vừa tròn 18 tuổi thì tham gia Bộ đội Biên phòng Lai Châu, 2 năm sau anh có mặt ở Mường Tè. Tuấn Anh thuộc làu Mường Tè như chính nơi chôn rau cắt rốn của mình. Anh nói liền một mạch: “Diện tích Mường Tè xấp xỉ 37 ngàn héc ta, dân số khoảng 54 ngàn, gồm chủ yếu 4 tộc người: Thái, La Hủ, Hà Nhì, Mông, nói theo thứ tự từ nhiều đến ít. Ngoài ra còn một số tộc người như Cống, Mảng, Si La, Khơ Mú, Hoa... Người kinh ở đây chỉ là thiểu số gồm những cán bộ, công chức tình nguyện lên với đồng bào vùng cao của một huyện có lẽ đứng thứ 63 trong 63 tỉnh, khó khăn nhất cả nước. Với một huyện rộng hơn cả tỉnh Thái Bình, nơi có nhiều đồng bào cư trú ở Lai Châu, mà địa hình thì chia cắt “dã man”, toàn “núi trẻ”, cao, nhọn hoắt, với những khe, vực sâu hun hút... Bởi vậy mà giao thông chưa thể phát triển. Toàn huyện chỉ có một con đường độc đạo đi qua (tỉnh lộ 127). Thế mà đến nay đã giải quyết được 18/19 xã có đường ô tô đến trung tâm. Những tộc người như La Hủ, Mảng, Khơ Mú hiện còn tới 40% hộ đói. 

  

Sáng hôm sau xuống Mường Tè xã, cách huyện lỵ khoảng 40 cây số. Ở đây mới khánh thành Khu tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nguyên quyền Chủ tịch nước. Tháng 6 năm 1950, ông nguyễn Hữu Thọ đã từng bị thực dân Pháp bắt và đưa đi quản thúc (đày) ở Mường Tè xã, với ý đồ để ông có thể chết dần chết mòn nơi rừng thiêng, nước độc, khỉ ho cò gáy. Nhưng ngược lại, với nhân cách lớn của một trí thức yêu nước, ông đã được đồng bào các tộc người nơi đây che chở và ông đã chiến thắng trở về. Vừa qua, thân nhân của ông và các tổ chức xã hội đã xây nhà tưởng niệm ông tại trường Tiểu học xã Mường Tè, từ đây mang tên Trường tiểu học Nguyễn Hữu Thọ...

Tác giả thăm Nhà tưởng niệm Nguyễn Hữu Thọ


Lưu bút của ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước


Lưu bút của tác  giả

Vợ chồng Đoàn Minh Tuấn – Nguyễn Thị Hương quê Phú Thọ, học sư phạm ra trường không xin được việc ở quê đã tình nguyện lên đây sinh cơ lập nghiệp, mang cái chữ đến cho con em người Thái, người Mông, người La Hủ, Hà Nhì... Và đã sống hạnh phúc nơi thượng nguồn Nậm Te. Tuấn đam mê âm nhạc, say sưa sáng tác và trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.


Vợ chồng Tuấn & Hương

Tuấn và Hương giành quyền của Đảng ủy, Ủy ban xã việc đãi chúng tôi bữa trưa. Những món ăn đặc sản của nhà quê được trưng ra: gà nhà, lợn cỏ, cầy hương om với hoa chuối rừng. Đặc biệt là món rau má bờ ruộng luộc tái dùng với nước chấm chế biến từ quả “mắc có”, một thứ quả rừng độc đáo, lần đầu tiên trong đời tôi được biết. Có lẽ đi khắp thế giới cũng chắc gì được thưởng thức cái hương vị đặc trưng, đầy ấn tượng ấy. Hương thấy tôi khen món nước chấm độc nhất vô nhị này, chị đã lẳng lặng chuẩn bị cho tôi một túi quả “mắc có” để mang về Lào Cai thưởng thức tiếp hương vị Mường Tè. Sự chu đáo của Hương khiến tôi vô cùng cảm động. Điều đáng nói là tất cả những món ăn ở đây đều “sịn” chứ không phải những thứ quảng cáo rầm rộ trên nhiều nẻo đường nơi phồn hoa đô thị. Nào gà đồi, nào lợn “cắp nách”, nào “hương đồng gió nội”... nhưng nhiều khi ăn phải của “rởm” mà tiền mất, tật mang, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Công trường Nhà máy Thủy điện Lai Châu (12/2012)

Đợi

Trên đường từ Mường Tè trở lại thị xã tỉnh lỵ, khi qua Công trường Nhà máy thủy điện Lai Châu, chiếc xe “địa hình” của tài xế Trần Ngọc Thắng kiêm nhiếp ảnh gia điều khiển đã không thể tránh được hết những “ổ voi” ngập trong bùn đất khiến cổ ống xả gẫy làm đôi. Từ lúc đó, “5 anh em trên một chiếc xe tăng” được thưởng thức tiếng máy “xe tăng” giòn giã trên đường. Rất may là máy móc vẫn tốt, tay lái lụa của Thắng vẫn “siêu” ...

Ôi Lai Châu, chỉ “một thoáng” mà sao thương mến vô cùng!


Lai Châu, 20/12 – Lào Cai 22/12/2012

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.