6239. Tác giả “khóc” tác phẩm

Tác giả “khóc” tác phẩm

PNTB/ Nguyễn Ngọc Dương


Khi đạo diễn “sáng tạo quá đà” làm thay đổi ý tưởng nhân văn của kịch bản văn học, khiến tác giả phải thốt lên: “Tôi đã phải “khóc” tác phẩm của mình!”.

Ở thị xã Đồ Sơn (nay là quận Đồ Sơn) TP Hải Phòng có ngôi đền Bà Đế đã được người dân xây dựng lâu đời. Tôi từng chứng kiến nhà viết kịch Trần Tuấn Tiến suốt hơn bốn năm lặn lội đi lại nhiều lần nơi đây để tìm hiểu cặn kẽ nhiều nguồn tư liệu về “Truyền thuyết Bà Đế”, để viết ra kịch bản sân khấu chèo.

Khi vở chèo “nổi tiếng”, thì tác giả lại gặp “nỗi buồn phát khóc”.  

Sau khi trao đổi với Trần Tuấn Tiến và được sự đồng ý, tôi (NND) xin phản ánh lại câu chuyện của anh. 

Tóm tắt Cốt truyện và lịch sử ngôi đền

Ở vùng biển Đồ Sơn có gia đình thuyền chài họ Đào, nghèo khó, sống nhân hậu, tuổi đã cao mà không có con. Ông bà cầu tự mãi mới sinh hạ được một người con gái. Tương truyền, khi đẻ ra đứa trẻ tỏa mùi thơm ngát, nên ông bà đặt tên là Hương.

Lớn lên, Hương trở thành thôn nữ xinh đẹp, nết na, có tiếng hát lôi cuốn mọi người. Năm đó Chúa Trịnh – Tĩnh Nam Vương Trịnh Giang đi du thuyền qua vùng biển Đồ Sơn. Chúa bị mê hoặc nên cho quân đi khắp vùng tìm người có tiếng hát diệu kỳ đó. Khi gặp Đào Thị Hương, với bản tính đam mê sắc dục, Chúa Trịnh đã bắt cô Hương về hang Phật Tích để hầu rượu, mua vui… Trước khi hồi kinh, Chúa hứa sẽ cho thuyền hoa đón nàng về làm thê thiếp. Thế nhưng về đến kinh, ngồi lên ngai vàng, Chúa quên luôn lời hứa! Bi kịch bắt đầu từ đó.

Sau buổi hầu hạ Chúa, Hương mang thai, do tin lời Chúa thượng, cô đã chờ đợi trong vô vọng… Năm đó, chẳng may trời làm bão to, biển động. Lý trưởng cho rằng, Hương là gái chưa chồng, hoang thai nên theo lệ làng chài phải bị vứt xuống biển làm lễ tạ thần Hà Bá. Chức dịch thuê một người họ Hoàng trói cô đưa xuống thuyền để ném xuống biển, gần khu núi Độc. Đào Thị Hương đã khấn rằng, nếu bị oan sẽ nổi lên mặt nước. Quả nhiên, khi vứt xuống biển, Hương lại nổi lên. Lý trưởng sai lấy dây thừng quấn quanh người, buộc vào cối đá lỗ vứt xuống biển… Hương đã chết trong nỗi oan không một lời trăng trối.

Thương cảm nỗi oan nghiệt của Đào Thị Hương, bà con họ Đào, họ Hoàng cùng dân làng đã xây một ngôi miếu nhỏ bên vách núi để thờ nàng. Trong một lần qua Đồ Sơn, vua Tự Đức thấy ngôi miếu nhỏ, lạnh lẽo bên vách núi liền hỏi chuyện … Nghe xong, Vua xúc động, thương cảm người con gái tài đức mà chết oan, nên ban cho dòng chữ “Đông cung Đế Bà - Trịnh Chúa phu nhân. Từ đó bà con gọi tắt là Bà Đế.

Người dân Đồ Sơn ngày nay đã phục dựng lại ngôi Đền Bà Đế khang trang, đẹp đẽ, nhằm lưu giữ câu chuyện truyền thuyết trong dân gian về người thôn nữ Đào Thị Hương … cũng là nhắc nhở người đời sau luôn phải sống lương thiện, giữ Đạo Làm Người.

Vở chèo Oan tình Bà Đế

Kịch bản chèo “Oan tình Bà Đế” của Trần Tuấn Tiến ra đời từ truyền thuyết đó. Tác giả đã sáng tạo thêm những nhân vật như anh Sóng, mối tình quê chân thật của Hương, rồi bà Bến, cô Nụ, anh Mõ, anh Hề… đều đại diện cho tầng lớp dân lành, sẵn lòng hy sinh, liều mình cứu người lành gặp nạn…   Đồng thời cũng tố cáo thói tham lam, vụ lợi, dâm ô trụy lạc, thiếu trách nhiệm, vô cảm trước sinh mạng con người của tầng lớp quan lại, từ chức dịch trong làng đến Chúa thượng triều đình.

Cái chết oan uổng của Đào Thị Hương là do cô vừa sợ hãi, vừa lầm tưởng, quá tin vào lời hứa của Chúa thượng, nên nàng đã buộc phải khước từ tình yêu với anh Sóng, người bạn chài côi cút mà kiên nhẫn ngóng chờ thuyền hoa của Chúa quay về đón, nhưng vô vọng …  

Năm 2003, vở chèo “Oan tình Bà Đế” được Đoàn chèo Hải Phòng giàn dựng – Đạo diễn: NSND Lê Hùng. Người viết bài này đã được xem vở diễn và thấy, ngoài ý tưởng chính của tác phẩm là ca ngợi, nâng niu cái thiện, cái đẹp, lên án cái ác, kịch bản cũng đồng thời cảnh tỉnh các cô gái trẻ trước sự cám dỗ của cái ác. Tác giả đã nhấn mạnh đặc tính của văn nghệ dân gian, khắc họa rõ hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện. Đạo diễn NSND Lê Hùng đã làm sáng tỏ nội dung cốt lõi của kịch bản, đồng thời có nhiều sáng tạo hợp lý, nên vở diễn đã gây tiếng vang trong công chúng.

Chuyển thể sang Cải lương

Năm 2020, trên Sân khấu Truyền hình (SKTH) Hải Phòng, tôi được xem vở cải lương “Huyền thoại Bà Đế” (¹), chuyển thể từ kịch bản chèoOan tình Bà Đế” của Trần Tuấn Tiến. Tác giả cho biết, qua đó, anh rất mừng về tác phẩm của mình được các nhà chuyên môn “nhìn nhận”, hơn nữa lại được Hoàng Việt chuyển thể sang Cải lương, một hình thức nghệ thuật có “đất” diễn bi kịch. Mừng hơn là kịch bản được giao cho NSND Nguyễn Tiến Dũng, đạo diễn số Một của sân khấu múa rối, Giám đốc Nhà hát múa rối Việt Nam biên tập và đạo diễn.

Tuy nhiên, sau khi xem xong vở cải lương Huyền thoại Bà Đế, mặc dù vở diễn được đầu tư công phu, nhiều miếng trò và kỹ thuật điện tử hấp dẫn, nhưng người viết bài này cảm thấy rất đáng tiếc. Phải chăng đạo diễn đã “sáng tạo quá đà” khiến nguyên tác kịch bản văn học của Trần Tuấn Tiến đã bị thay đổi ý tưởng cốt lõi?

Một là, trong vở cải lương “Huyền thoại Bà Đế” đã thêm ra chi tiết Chúa Trịnh Giang quay lại Đồ Sơn để đón Đào Thị Hương (như một số bài báo thêm thắt),hoàn toàn không đúng cốt truyện truyền thuyếtlàm sai lệch ý tưởng cơ bản của tác giả vở chèo – lên án cái ác, sự vô cảm, vô trách nhiệm của Chúa. Với tình tiết này, đạo diễn đã “xóa tội cho Trịnh Giang – nhân vật phản diện, làm lu mờ vai trò chính diện của cô Hương và những thường dân trong làng.

Hai là, Đào Thị Hương là “con nhà cua ốc” làm sao lần đầu tiên gặp Chúa thượng đã yêu mê mệt? Qua lớp múa (Trịnh Giang và Đào Thị Hương), người ta thấy Hương như một cô gái sành sỏi trong yêu đương, thậm chí có vẻ muốn “bỏ ngãi tham vàng” quên mối tình chân quê để theo Chúa? Cô quay cuồng, say mê với mối tình mới khi vừa gặp Trịnh Giang. Những động tác múa khiến người xem có cảm giác Hương như một “gái làng chơi” hơn là một thôn nữ ngây thơ, trong trắng. Thay vì thương cảm Hương, người xem cảm thấy “giận nhân vật” chính diện, khi Hương dường như quên hẳn tình yêu chân thực của mình với anh Sóng!...

Với những tình tiết trên, đạo diễn đã vô tình xóa mờ ranh giới trắng / đen của hai tuyến nhân vật đối lập, không phù hợp đặc tính của nghệ thuật dân gian và quan trọng hơn, đã vô tình phủ nhận tính nhân văn của tác giả nguyên tác (vở chèo Oan tình Bà Đế).

Sau khi trao đổi với tác giả Trần Tuấn Tiến, tôi được biết thêm, có lẽ nguyên nhân của vấn đề xuất phát từ sau khi vở chèo có tiếng vang thì một số phương tiện truyền thông (báo chí và MXH) đăng tải nhiều bài viết của các tác giả trẻ đã đến ngôi đền gặp bà thủ nhang (không phải là người nắm chắc nội dung cốt lõi của truyền thuyết), tùy hứng thêm thắt những chi tiết xa rời cốt truyện… (²)

Ví dụ, những tình tiết khiến câu chuyện càng thiếu logic, khi người xem đặt câu hỏi, vậy Trịnh Giang lấy Đào Thị Hương bao giờ mà thành vợ Chúa? đã là vợ Chúa thì tại sao lại có chuyện bị vứt xuống biển?... Có thể các nhà báo trẻ đã muốn thần thánh hóa câu chuyện theo cảm hứng để câu view, nhưng không nghĩ đến hậu quả.

Trần Tuấn Tiến băn khoăn: “NSND Nguyễn Tiến Dũng là một đạo diễn nổi tiếng, có tài, nhưng anh chỉ chuyên sâu sân khấu múa rối, một loại hình nghệ thuật thiên về miếng trò, hình thể, cảnh trí… nhưng khi chuyển sang đạo diễn loại hình sân khấu người”, đòi hỏi diễn viên phải diễn tả tâm lý, nội tâm nhân vật… thì với sự chuyên sâu của sân khấu múa rối liệu có thể làm "rối" lĩnh vực không chuyên sâu của mình ?

Do đó, ngay từ khi nhận được tin Sở VHTT Hải Phòng sẽ cho dàn dựng lại vở “Oan tình Bà Đế” trong chương trình SKTT của thành phố, lấy tên “Huyền thoại Bà Đế”, chuyển thể sang Cải Lương và giao NSND Nguyễn Tiến Dũng đạo diễn, Trần Tuấn Tiến cũng băn khoăn, nên anh đã nhiều lần bàn bạc với lãnh đạo đoàn Cải lương Hải Phòng, báo cáo Giám đốc Sở VHTT và trao đổi với Đạo diễn… Nhưng đều nhận được sự động viên an tâm để đạo diễn sáng tạo.

Người viết bài này cho rằng, có thể bị chi phối bởi “mê hồn trận” của truyền thôngyên tâm” về trình độ đạo diễn của mình, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã biên tập lại kịch bản văn học, làm sai lệch chi tiết quan trọng của cốt truyện, đồng thời đưa ra những “miếng trò” như lớp múa của Chúa Trịnh Giang và nhân vật chính diện Đào Thị Hương, dẫn đến đi xa hơn là làm lệch ý tưởng của tác giả vở chèo (nguyên tác). Đó chính là điều mà Trần Tuấn Tiến nói rằng, “Tôi phải “khóc” tác phẩm của mình”./

***

Chú thích:

(1): Nguyên tác “Oan tình Bà Đế” của Trần Tuấn Tiến ra đời từ Truyền thuyết Bà Đế. Nhưng khi chuyển thể sang cải lương được gọi là Huyền thoại Bà Đế. Tôi thấy băn khoăn, nên xin nêu quan điểm sau để các nhà nghiên cứu văn hóa Hải Phòng cân nhắc, xem xét dưới góc độ ngôn ngữ trong học thuật thì nên sử dụng thuật ngữ nào cho chuẩn xác:

Trong bộ Từ điển Tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, NXB Hồng Đức, 2019, là công trình TĐTV có giá trị nhất cho đến nay, đã được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học & Công nghệ 2005, định nghĩa như sau:

-Truyền thuyết: d. Truyện dân gian truyền miệng về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử, thường mang nhiều yếu tố thần kỳ. (truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc. Truyền thuyết về Thánh Gióng). (Trang 1335 sdd).

- Huyền thoại: d. Câu chuyện huyễn hoặc, kỳ lạ, hoàn toàn do tưởng tượng; thần thoại. (Trang 594 sdd).

Với định nghĩa về hai khái niệm trên, tôi cho rằng, dùng thuật ngữ Truyền thuyết chính xác hơn là Huyền thoại.

Tất nhiên, chúng ta đã từng “huyền thoại hóa” vài sự kiện lịch sử, nhằm ca ngợi tinh thần và ý chí của con người Việt Nam anh hùng, vượt qua những điều bình thường, như một cách nói ngoa dụ để ngợi ca tinh thần “anh hùng” trong chiến đấu của nhân dân ta. Ví dụ: “Huyền thoại đường Trường Sơn” hay “Huyền thoại những con tàu không số” (thời chống Mỹ). Đó là ngoại lệ.

Tuy nhiên, theo tôi, câu chuyện oan uổng của cô Hương không mang ý nghĩa đó, chỉ nên sử dụng khái niệm truyền thuyết cho thống nhất cách gọi.

(2): Nhiều bài viết trên cả báo chí và MXH đã “hư cấu” các chi tiết khác nhau, thậm chí bịa ra đó là năm 1700, 1736, 1778… cứ như một sự kiện lịch sử có thật, trong khi câu chuyện chỉ là truyền thuyết. Đặc biệt có người gán cho Cô Hương là Vợ của Chúa Trịnh Giang, hoặc có người bịa chuyện rằng, sau khi chúa Trịnh Giang quay lại tìm Hương, biết cô đã chết oan nên Chúa cho xây miếu thờ? Nếu vậy thì cái miếu do nhà Chúa xây ra ấy không thể “nhỏ bé, lạnh lẽo” bên vách núi, không ai biết cho đến khi “tín ngưỡng bung ra” thời đổi mới, người ta mới trùng tu, phục dựng?...

Gõ vào Google với từ khóa “Sự tích Đền Bà Đế”, chỉ trong vòng, 0,34s đã cho 1.000.000 kết quả với rất nhiều bài viết có những tình tiết khác nhau, khiến truyền thuyết phát sinh quá nhiều dị bản.

Qua đây, thiết nghĩ, Sở VHTT Hải Phòng cần quan tâm chính thức hóa về Truyền thuyết Đền Bà Đế, không nên để trong một câu chuyện truyền thuyết lại có nhiều dị bản, thậm chí mâu thuẫn nhau…

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.