6237. Tổ quốc *

Tổ quốc *


“Tổ quốc” là gì? Câu hỏi tưởng đơn giản nhưng có thể có nhiều người hiểu khác nhau, thậm chí chưa chính xác.

Tổ quốc, theo định nghĩa trong bộ Từ điển tiếng Việt do GS Hoàng Phê chủ biên, được Giải thưởng nhà nước năm 2005: “Tổ quốc là Đất nước, được bao đời trước xây dựng và để lại, trong quan hệ với những người dân có tình cảm gắn bó với nó.”

Định nghĩa đó cho thấy, Tổ quốc không của riêng một thời đại nào. Tổ quốc hình thành từ thủa khai thiên lập địa. Tổ quốc là lãnh thổ, lãnh hải, không phận, có biên giới với nước khác, gắn với Dân tộc (cộng đồng người sinh sống ở đó) trong suốt tiến trình lịch sử. Như vậy, khi nói Tổ quốc cũng đã bao hàm Dân tộc. Tuy nhiên trong thực tế, để cho rõ ràng hơn, người ta thường nói ‘Tổ quốc và Dân tộc’…

Tổ quốc Việt Nam đã trải ‘bốn nghìn năm lịch sử’, qua rất nhiều thời kỳ, rất nhiều hình thức nhà nước, từ thời tiền sử đến thời cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.

Những ai sinh ra giữa thế kỷ XX hẳn còn nhớ: sau năm 1954, khi lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương thì trong mỗi ngôi nhà của người dân Việt Nam đều có Bàn thờ Tổ quốc. Bàn thờ Tổ quốc cũng như bàn thờ gia tiên, chỉ khác là hình như không có bát hương, nhưng nhất định phải có mảnh vải (giấy) đỏ dán ở vị trí trang trọng nhất, nổi bật dòng chữ: “Tổ quốc trên hết” … Lớn lên ở quê, tôi thấy khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết” còn được trang trí trong các cuộc mít tinh, hội nghị, lớp học, thậm chí cả ở đám cưới “đời sống mới”. (Đám cưới có khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”“Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”!)

Việc đề cao Tổ quốc (bao hàm Dân tộc) lên trên hết, chính là tư tưởng xuyên suốt của Nguyễn Ái Quốc từ khi Người “đi tìm đường cứu nước” (1911), đến khi trở về lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành được chính quyền tháng 8/1945. Việc tiếp cận Chủ nghĩa Mac - Lênin của Nguyễn Ái Quốc tình cờ bắt nguồn từ “Vấn đề Dân tộc và Thuộc địa” của Lê nin, chứ lúc đầu không phải là Người đi tìm Chủ nghĩa Cộng sản.

 

Tài liệu lịch sử cho biết, năm 1920, báo Nhân đạo (L’Humanite) của Đảng Xã hội Pháp đăng toàn văn “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin. Đọc bản Luận cương đó, Nguyễn Ái Quốc  - Bác Hồ đã tìm thấy ở đây con đường giải phóng dân tộc. Người đã thốt lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.562). Như vậy, Luận cương của Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc những vấn đề cơ bản nhất về Con đường giành độc lập cho Dân tộc, Tụ do cho đồng bào.

Như vậy, “Độc lập Dân tộc, Tự do cho đồng bào” chính là mục đích cao cả nhất của Bác Hồ. Nói gọn lại đó chính là vấn đề “Tổ quốc”. Phải chăng vì vậy mà trong suốt 24 năm làm Chủ tịch nước từ 1945 cho đến lúc Người ra đi 1969, thì ở khắp nơi trên đất nước đều giương cao khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”.

Tóm lại, khi nói Tổ quốc nghĩa là chỉ có 2 yếu tố: 1. Lãnh thổ (bao gồm lãnh hải, không phận) và 2. Dân tộc Việt Nam. Do đó, Tổ quốc là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Đã là người Việt Nam phải hiểu sâu sắc điều đó.

Và khi nói “Tổ quốc trên hết” cũng có nghĩa là sự toàn vẹn lãnh thổ, núi sông, biển đảo, không phận và nền độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân là trên hết.

***

Chú thích:

* Tổ quốc còn có cách nói khác: Đất nước, Non sông, Giang Sơn…

* Tranh sưu tầm trên mạng.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.