6235. Có công bằng không /Đôi lời nói thêm

CÓ “CÔNG BẰNG” KHÔNG?

PNTB


1. Tóm tắt câu chuyện:

Bà Hoàng Thị Phương Lan, 38 tuổi, ngụ chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú, TP phố Thuận An, tỉnh Bình Dương là nhân vật chính trong vụ “Người phụ nữ bị cưỡng chế test covid-19” xôn xao trên mxh.

Trước đó, VOV đã đưa tin, Ban quản trị Block B3, B4 chung cư Ehome 4 nhiều lần phát phiếu và thông báo mời đi test COVID-19 nhưng bà Lan đều từ chối với lý do sợ lây chéo nên đã tự mua que test tại nhà cho mình và con trai 7 tuổi.

Ngày 28/9, chung cư Ehome 4 tổ chức xét nghiệm diện rộng, yêu cầu 100% người dân xuống test làm căn cứ để thành phố Thuận An công bố “vùng xanh” nhưng bà Lan vẫn không hợp tác với lý do trên và đóng cửa ở trong phòng.

Do đó, ông Võ Thanh Quan, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 phường Vĩnh Phú đã chỉ đạo lực lượng chức năng (LLCN) mời thợ khóa đến mở cửa, cưỡng chế bà Lan ra test nhanh Covid-19 và sau đó tiến hành lập biên bản “vi phạm quy định phòng, chống dịch” đối với bà Lan.

Cùng ngày, trên mạng xã hội xuất hiện clip một người phụ nữ bị “cưỡng chế” vì không hợp tác trong việc test nhanh ở địa phương (ảnh chụp màn hình).

Sau sự việc ông Võ Thanh Quan cũng đã công khai xin lỗi dư luận và bà Lan nhưng bà chỉ ghi nhận chứ chưa chấp nhận lời xin lỗi vì cho rằng việc cưỡng chế đã GÂY TỔN HẠI VỀ TINH THẦN.

Đến ngày 5/10, UBND phường Vĩnh Phú cho báo chí biết, đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Hoàng Thị Phương Lan với số tiền 2 triệu đồng, dựa trên cơ sở pháp lý: quy định tại Nghị định số 117/2020 của Chính phủ.

2. Lạm bình

Dưới góc độ một thường dân, không phải luật sư, tôi xin lạm bình đôi điều về sự việc:

Theo báo chí cho biết, bà Lan đã “vi phạm khoản 2, điều 7, Nghị định số 117/2020 (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế) của Chính phủ. Cụ thể nội dung điểm này như sau:

“ 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng, đối với một trong các hành vi sau đây: a). Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm”. (http://congbao.chinhphu.vn/noi-dung-van-ban-so-117-2020-nd-cp-32160?cbid=32754/)

Như vậy, cứ cho là lực lượng chức năng của phường đã thực thi đúng quy định của Nghị định Chính phủ, thì bà Lan bị phạt 2.000.000, mức trung bình có vẻ thỏa đáng. Tuy nhiên, thực ra thì việc “không chấp hành Nghị định” của bà Lan là “hành vi chưa thành”, vì LLCN đã cưỡng chế và đã test người ta rồi, đã phải chấp hành rồi, test rồi mà vẫn phạt thì có thỏa đáng?. Có người cho rằng, chỉ cần “cảnh cáo” bà Lan là đủ (?)   

Còn về phía LLCN do ông Võ Thanh Quan, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 phường Vĩnh Phú đứng đầu, thì có vi phạm gì không?

Thứ nhất, đối chiếu với Điều 22, khoản 20 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, có nội dung như sau: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý” (https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx). Các vị đã “mời thợ khóa đến, tự ý mở cửa xông vào phòng ở” của công dân (không phải khẩn cấp bắt tội phạm quả tang) nhằm cưỡng chế đi test covid thì xin hỏi hành vi đó có vi phạm Hiến pháp không?

Thứ hai, tại Điều 20, khoản 1, bản Hiến pháp trên còn ghi: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không được …truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự nhân phẩm”. Thế nhưng đoạn clip trên mạng với những hình ảnh cho biết, đó là sự “truy bức, xúc phạm đến thân thể, danh dự” của bà Lan. Hình ảnh cắt ra từ clip cũng đủ thấy, những người đàn ông trong lực lượng chức năng đang kéo quặt hai cánh tay người phụ nữ ra phía sau, giữa lúc dường như chị ta đang mặc đồ lót, ngồi trên ghế nhựa trong phòng riêng của mình…. Chính vì vậy mà khi ông Quan đến xin lỗi thì bà Lan “chỉ ghi nhận chứ chưa chấp nhận lời xin lỗi vì cho rằng việc cưỡng chế đã gây tổn hại về tinh thần”.

Đảng và Nhà nước ta đang lãnh đạo toàn dân xây dựng đất nước với mục tiêu cao cả là “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”.

Chỉ có 5 từ đó thôi, nếu làm được thì nước Việt Nam mới “sánh vai với các nước trên thế giới”. Nhưng với việc chỉ đạo nhân dân chống dịch covid-19, các vị đã hành động như vậy, có thể nói là ‘vi phạm nhân quyền’ khi “cưỡng chế” vi hiến, vừa không VĂN MINH vừa “BẤT BÌNH ĐẲNG”: Người dân “phạm lỗi trong văn bản pháp quy” thì Phạt. Còn các ông “vi phạm Hiến Pháp”, thì chỉ “xin lỗi”. Thế thì CÔNG BẰNG Ở ĐÂU?  


ĐÔI LỜI NÓI THÊM

 


Hôm qua, tôi đăng trên dòng thời gian statut “CÓ CÔNG BẰNG KHÔNG?”. Trước hết, xin cảm ơn anh chị em làng phây đã quan tâm đọc và bình luận.

Xưa nay những tut của tôi trên phây ít khi tào phào hoặc khoe khoang những chuyện riêng tư của mình, mà thường có ý thức chia sẻ những vấn đề về nhận thức xã hội, nhận thức mọi mặt, trước hết cho chính bản thân mình, dù đã ở tuổi ngoại thất tuần. Vì thế được bạn bè đánh giá (cả đúng, cả sai) tôi đều rất trân quý.

Cái tút đó, tôi có ý định nói về một chủ để lớn: CÔNG BẰNG XÃ HỘI (một trong 5 mục tiêu lớn của Đảng và NN ta), thông qua một câu chuyện cụ thể về “Thượng tôn pháp luật” và ứng xử của những người trong hệ thống công quyền. Tuy nhiên, có thể do sự bất lực về trình độ sử dụng ngôn ngữ (?) và hơn nữa, do cố gắng viết ngắn để các bạn đỡ ngại đọc, nên có thể làm cho cho một vài bạn chưa hiểu thấu đáo… Đó là lý do phải viết thêm tut này.

Trước hết, muốn có CÔNG BẰNG, chúng ta cần thống nhất cách hiểu cụm từ “THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT”. Nếu không thượng tôn pháp luật mà cứ hễ ai có vị thế thì phải theo, sẽ dẫn đến rối loạn xã hội và xã hội không bao giờ có công bằng.

Theo tôi, trong hệ thống Hiến pháp và pháp luật ở nước ta, cao nhất phải là HIẾN PHÁP được thông qua Quốc hội; Thứ nhì là các LUẬT do Quốc hội ban hành, phù hợp với Hiến pháp; Thứ ba là hệ thống CÁC VĂN BẢN DƯỚI LUẬT như Nghị định, Thông tư… của Chính phủ, các bộ, ngành…, thường hướng dẫn và làm rõ Luật. Đó là một hệ thống nhất quán, nhưng nếu trong trường hợp văn bản thấp hơn có yếu tố mâu thuẫn với văn bản cao hơn thì phải sửa hoặc mọi công dân phải thực hiện văn bản cao hơn, ở đây cao nhất là HIẾN PHÁP.

Trong Tut “Có công bằng không”, có bạn cho rằng “nguyên nhân chính là bà Lan ‘cố tình chống đối’. Không xử nghiêm nhiều người sẽ coi thường kỷ cương, phép nước..”. Về ý này, tôi nghĩ, vu cho bà Lan như thế là không chính xác. Tôi đã đọc hàng chục bài báo trên hệ thống báo chí nhà nước, không có câu nào là “cố tình chống đối” cả, báo chỉ nói “bà Lan không hợp tác” hoặc “bà Lan đều từ chối với lý do sợ lây chéo nên đã tự mua que test tại nhà cho mình và con trai 7 tuổi” (VOV). Ý thứ hai, bình luận viết “Không xử nghiêm, nhiều người sẽ coi thường kỷ cương, phép nước” (?). Cụm từ “Kỷ cương phép nước” trong ngữ cảnh này phải xem lại, chẳng lẽ nếu Phường làm sai với Luật hoặc Hiến pháp, mà công dân không theo ý phường lại là “coi thường kỷ cương phép nước”?...

Riêng về việc “xét nghiệm 100%”, không phải là “kỷ cương phép nước gì cả”. Đó chỉ là quy định của cơ quan chỉ đạo chống dịch ở từng nơi với mục đích phát hiện F0. Những quy định cụ thể trong chống dịch (như xét nghiệm, cách ly, giãn cách…) là do Ban chỉ đạo chống dịch cho rằng làm thế này thì tốt, thế kia thì chưa tốt. Việc chủ trương xét nghiệm đại trà có rất nhiều chuyên gia phản ứng, cho rằng vừa tốn kém vừa không cần thiết, thực tế trên thế giới không thấy nước nào áp dụng. Tóm lại những quy định đó không thể gọi là “Kỷ cương phép nước được”.

Vừa rồi, tôi rất tâm đắc khi Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc, ông đã nói đại ý: Chúng ta chống dịch covid chưa có tiền lệ, nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cái nào tốt thì tiếp tục áp dụng, cái nào chưa tốt thì chúng ta sửa…Hay quá. Người lãnh đạo cao nhất trong chỉ đạo chống dịch quốc gia sẵn sàng sửa chữa những gì mà qua thực tế kém hiệu quả! Xem ra,  những người thông minh, sáng suốt bao giờ cũng biết sửa sai.

Việc xét nghiệm toàn dân ở Khu chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú, Thuận An cũng là một cách làm của địa phương… Nếu dân chưa thông, anh phải thuyết phục, nếu thuyết phục không được, anh cũng không thể cưỡng chế người ta, vì làm vậy là vi phạm Hiến pháp!

Lại có người bình luận: “Không hợp tác thì phải cưỡng chế, ai cũng như bà này nhỡ dịch bùng phát từ những người đó thì sao?”. Câu này rất giống “thày bói xem voi”! Thứ nhất, bạn có biết chắc chắn bà Lan này dương tính covid không? Người ta đã tự test, người ta biết bản thân không có virus, nên nhất định không đi thử lại, sợ bị lây chéo, một sự lo lắng có cơ sở. Mỗi người đều có quyền biết bệnh của mình và cách ứng xử của mình… Điều đó không thể quy “tội” cho người ta được. Tôi được biết, một trong những nguyên tắc của ngành y là TỰ NGUYỆN, không thầy thuốc nào cứ đè người bệnh ra khám hay chữa bệnh cả. Khi giải phẫu, tất cả các hồ sơ đều có chứ ký (tự nguyện) của bệnh nhân hoặc người đại diện. Người ta không muốn test mà cứ đè người ta ra mà test là không đúng. Chỉ có thể quy tội cho những ai mang virus đến nơi đông người làm lây lan dịch bệnh. Giả định như bà này có dương tính covid nhưng bà ấy đóng cửa ở trong nhà tự cách ly, tự điều trị thì không ai có quyền can thiệp.

Tôi chả quen biết gì cái chị HTPL này cả mà bảo rằng bênh che. Tôi chỉ lấy pháp luật làm đầu (chứ không lấy quan chức làm chân lý). Tôi xin phép gắn thẻ với một số bạn bè và Luật gia, nhờ anh em đọc và chỉ giúp chỉ ra những điều tôi nói sai để học tập.

Tôi tin rằng, ngay hôm 28/9 bà Lan bị cưỡng chế đi test, nếu dương tính chắc đã ầm lên rồi chứ không im re như vậy?

Xin thêm vài lời chẳng biết các bạn có thông không?


Nguyễn Ngọc Dương

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.