6225. Tóm lược sự phát triển giai cấp gần 200 năm qua

TÓM LƯỢC SỰ PHÁT TRIỂN GIAI CẤP GẦN 200 NĂM QUA

PNTB


Giai cấp – đại bi kịch của loài người kể từ khi xã hội có nhà nước. Nói nôm na là trong xã hội phân hóa thành hai tầng lớp đối lập Giàu/ Nghèo: “kẻ ăn không hết, người lần không ra”.

Người nghèo khổ không tự lý giải được nguyên nhân khốn khó của mình, chỉ biết đổ cho “số phận”, do ông Trời “bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao”.

Các nhà hoạt động xã hội có đầu óc nhân văn luôn nghĩ làm sao để xã hội không còn giai cấp (giàu - nghèo). Marx – Enghel cũng vậy. Nhưng các ông chủ trương phải tập hợp Giai cấp vô sản toàn thế giới lật đổ giai cấp tư sản bằng bạo lực, đánh đổ CNTB, xây dựng xã hội không giai cấp: CNCS (giai đoạn đầu là CNXH) …

Tuy nhiên, sau khi F. Engel mất (1895), Quốc tế II có sự sửa đổi một số quan điểm của Marx – Engel, điển hình là ông Eduard Bernstein, một chính trị gia từng chịu nhiều ảnh hưởng của K. Marx, F. Engels, K. Kautsky… Tư tưởng đó tóm gọn: 1. Đề cao đấu tranh chính trị; 2. Khẳng định CNXH có thể được xây dựng bằng những cải tổ dần dần trong một hệ thống Tư Bản. Nghĩa là thay “cách mạng lật đổ” bằng “chung sống hòa bình”.  

Eduard Bernstein và những người theo Quốc tế II cho rằng, họ chỉ phê phán và thay đổi sách lược đấu tranh (Thay bạo lực bằng phương pháp hòa bình), nhưng vẫn theo Chủ nghĩa Marx. Tuy nhiên, những người “kiên trì bảo vệ học thuyết Marx” cho đó là “xét lại chủ nghĩa Marx".  

Khi V. I. Lênin lãnh đạo cuộc cách mạng vô sản ở Nga, ông tiếp tục phản đối Quốc tế II, sáng lập Quốc tế thứ III và đã tổ chức thành công Cách mạng tháng Mười (1917)…

Đến tháng 11. 1957 tại các Hội nghị đảng cộng sản và công nhân quốc tế ở Moscow, ông Nikita Sergeyevich Khrushchyov, Bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Liên Xô đọc bản diễn văn quan trọng, nêu quan điểm mới: chống chủ nghĩa cá nhân Stalin và chủ trương thế giới cùng chung sống hòa bình. (Thực chất đó là tinh thần tư tưởng Quốc tế II). Nghĩa là tiến tới “thủ tiêu giai cấp” nhưng không phải bằng bạo lực.

Ba năm sau (11.1960), Hội nghị đại biểu của 81 Đảng Cộng sản và công nhân họp ở Matxcơva, một hội nghị lớn nhất từ trước đến nay của phong trào CS quốc tế. Hội nghị đã khẳng định và kế thừa những nội dung cơ bản của bản Tuyên bố năm 1957, phát triển, bổ sung thêm một số luận điểm quan trọng. Đáng chú ý là quan điểm khả năng thực hiện cách mạng xhcn bằng con đường hòa bình và giành chính quyền không cần nội chiến”.

Tuy nhiên, Trung Quốc, đại diện là Mao Trạch Đông, người từng tuyên bố “họng súng đẻ ra chính quyền”, mặc dù đã kí vào văn kiện của Hội nghị Matxcơva 1957, nhưng từ năm 1960 đã tuyên bố không đồng tình và đã kịch liệt phản đối.

Sau khi dự Hội nghị Moscow 1960 về, Việt Nam lại “ngả sang” phía Trung Quốc, nên trong Đảng, những ai ủng hộ quan điểm của Khrushchyov đã bị quy tội “Xét lại – Chống Đảng”, một “vụ án” lịch sử thảm khốc đã xảy ra trong nội bộ.


Nhưng rồi thời gian trôi đi, thực tế cuộc sống đã lộ dần ra điều hay lẽ dở trong “sách lược ‘thủ tiêu’ giai cấp”, khiến những ai quan tâm đến vấn đề phải suy nghĩ.

Trong thực tế, các nước tư bản đã và đang khắc phục hiện tượng phân hóa giai cấp, từng bước xóa mờ ranh giới của sự đối kháng Giàu – Nghèo.

Các “Đế quốcthế kỷ thứ 17-18 như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha; thế kỷ 19 như Anh; thế kỷ 20 như Mỹ…, thì ngày nay đâu còn tồn tại?

Có chăng ngày nay lại lộ diện một loại hình “đế quốc mới” nhưng “đeo mặt nạ XHCN”: đối nội thì phân hóa giàu/ nghèo ngày càng khủng khiếp; đối ngoại thì luôn tìm mọi cách xâm chiếm lãnh thổ, chi phối quyền lực đối với các quốc gia có chủ quyền khác (!)

Trong khi đó, sự khắc phục tình trạng phân hóa giai cấp ở các nước Tư bản – Đế quốc cũ là một quá trình thực hiện bằng thể chế dân chủ và những chính sách an sinh xã hội, mang lại ngày càng nhiều quyền lợi cho người nghèo … Nói cách khác, họ đã xây dựng được một Chính thể ưu việt, bao dung, đại lượng, tôn trọng và giúp đỡ đối với các dân tộc nhỏ, không “cá lớn nuốt cá bé”, không tìm cách chiếm đoạt lãnh thổ ... Người dân trong nước họ được hưởng chế độ tự do, dân chủ thực sự và có chỉ số hạnh phúc cao, được quốc tế công nhận… (Xem hình)


Nổi bật như các nước Bắc Âu đã trở thành những mô hình xã hội khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Các nước TBCN khác như Anh, Mỹ, Pháp, Hàn, Nhật… tuy còn những hạn chế nhất định nhưng họ vẫn có chỉ số hạnh phúc cao hơn nhiều so với các nước khác. Nó trở thành ước mơ của người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Không phải ngẫu nhiên mà ngay ở Trung Quốc, được cho là có nền kinh tế phát triển thứ nhì thế giới sau cải cách, nhưng rất nhiều quan chức cao cấp vẫn cho con cái du học, và tạo “sân sau” ở Mỹ. Mặt khác, các nước tư bản như Anh, Pháp, Canada, Nhật bản… luôn là mục tiêu hướng đến của nhiều người dân trên thế giới... Đất không “lành” thì sao “chim đậu”?.

Tin rằng thực tế đó, nếu Marx, Engel, Lenin có sống lại cũng phải thừa nhận. Bởi theo các ông: “Chân lý là cụ thể”, “Thực tiễn là thước đo của chân lý”. Nói cách khác, chân lý không phải sinh ra bằng những ngôn từ “có cánh”, mà phải được chứng minh bằng thực tế cuộc sống.

Chính Thực tế cuộc sống đã dần dần làm thay đổi “cách nhìn” từ hai phía vốn trước đây kình địch. Từ khi “đổi mới”, Việt Nam cũng không “giương cao ngọn cờ chống Tư bản – Đế quốc” nữa, mà trong chiến lược ngoại giao đã tuyên bố công khai: “sẵn sàng bắt tay với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị…”. Còn Mỹ, một quốc gia đứng đầu hệ thống TBCN cũng nói với Việt Nam XHCN rằng, chúng tôi “tôn trọng sự khác biệt ý thức hệ”. Rõ ràng thay vì “bạo lực lật đổ”, xu hướng “chung sống hòa bình” đang hiện hữu.

Thời đại ngày nay đã chứng tỏ, không thể xây dựng một xã hội tốt đẹp, cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân bằng bạo lực và chiến tranh…, mà phải bằng lòng nhân ái, bằng trình độ văn hóa, khoa học công nghệ cao, bằng sự “thi đua” và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Và cũng thấy rõ, chỉ có thể xây dựng được một xã hội tốt đẹp bằng một chính thể - kinh tế - xã hội có hiệu quả, không cần dán bất kỳ nhãn hiệu nào.

(Nguồn ảnh: sưu tầm trên mạng)

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.