6208. “Thực hành tiết kiêm, chống lãng phí”

“Thực hành tiết kiêm, chống lãng phí”

PNTB/ Nguyễn Ngọc Dương

K

Lâu lắm rồi, nay mới được nghe lại cụm từ quen thuộc này từ Hội trường Diên Hồng. Thời Bác Hồ được nói đến nhiều. Chính Cụ Hồ là một tấm gương không có một hậu duệ nào học nổi, mặc dù ‘hô khẩu hiệu’ học Cụ thì rất to.

Tôi vừa được ông bạn chí cốt ở Hải Phòng, là Nghệ sĩ - tác giả sân khấu gửi cho bản thảo kịch bản lịch sử tái hiện “dấu ấn 9 lần cụ Hồ về thăm Thành phố” kể từ khi Cụ là Chủ tịch nước.

Có một chi tiết là, năm 1960, Cụ về thăm tỉnh Kiến An (lúc đó chưa nhập với Hải Phòng). Mặc dù đã được bố trí cẩn thận, nhưng các ngả mọi người kéo về đông, một cán bộ cố tình giẫm vào dép của Cụ Hồ. Một chiếc dép cao su bật quai. (Hình như có sẵn “kịch bản”?). Cán bộ nhanh chóng lấy đôi dép của mình thế vào chân cụ, cũng dép cao su nhưng “sịn” hơn.

Cán bộ nói: Thưa Bác, cháu xin lỗi, Bác đi tạm đôi dép này để cháu mang dép của Bác đi sửa. Cụ nói luôn: Này chú, sửa xong chú phải mang trả lại Bác đấy nhé.

Sau khi nói chuyện với cán bộ, bộ đội và đại biểu nhân dân xong, ai ngờ Cụ vẫn nhớ đôi dép. Cụ hỏi: “Thế chú nào mang dép đi sửa giúp Bác đã xong chưa? “Dạ xong rồi ạ”. “Chú trả lại cho Bác”. Cán bộ rụt rè: “Thưa Bác…. Bác để lại cho chúng cháu làm kỷ niệm ạ”. “Không được, đôi dép Bác còn dùng tốt”. “Dạ, đôi dép của Bác quá cũ lại tụt quai, anh em cất đi rồi ạ”.  Cụ Hồ kiên quyết: “Các chú trả lại Bác. Bây giờ nước ta còn nghèo. Mọi người phải hết sức tiết kiệm. Không ai được lãng phí. Tiết kiệm là quốc sách”.

Anh cán bộ mang trả dép cho Cụ. Cụ xỏ vào chân rồi nói thêm: “Đôi dép cao su này là “bạn quen” của Bác từ kháng chiến đến giờ. Mười mấy năm rồi. Thế là Bác đã tiết kiệm được. Ví dụ như cái áo này (cụ chỉ vào cái áo đang mặc) là từ trước kháng chiến, nhưng mà khéo giữ, bây giờ nó thành cái “lon” Chủ tịch rồi đấy”!...

(Chi tiết có thật ghi trong Lịch sử…)

***

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV (ảnh) vừa bế mạc. Kỳ họp này dành thời gian bàn về “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” khá sôi nổi.

Tại một cuộc thảo luận tổ, Đại biểu Nguyễn Minh Đức, phó chủ nhiệm một Ủy ban của QH nói, ông thường được mời họp rất nhiều, nếu theo đúng giấy mời thì tháng nào cũng có ít nhất 2 chuyến bay ra Hà Nội hoặc các tỉnh, thành phố khác để dự họp. “Tỉnh này, Bộ kia tổ chức ngày lễ kỷ niệm 5 năm, 10 năm chẳng hạn, mời rất nhiều. Một chuyến bay từ TP. Hồ Chi Minh ra ngoài Hà Nội, Hải Phòng nếu đại biểu đủ điều kiện để ngồi ghế hạng nhất thì vé khứ hồi tầm 13 triệu. Một chuyến đi như thế, ra chỉ để dự, vỗ tay, được giới thiệu, rồi nghỉ khách sạn 4 sao, 5 sao… cực kỳ lãng phí. Đi dự hội nghị, hội thảo có khi không đóng góp được gì nhưng có thể làm nghèo đất nước.”…

https://vov2.vov.vn/doi-song-xa-hoi/hop-chua-chac-dong-gop-duoc-gi-nhung-co-the-lam-ngheo-dat-nuoc-27791.vov2

Có đại biểu nói: “Chống lãng phí hãy bắt đầu từ giảm hội họp, đừng “mâm cao cỗ đầy”. Nhưng bệnh “mâm cao cỗ đầy”, thích hoành tráng, giải quyết khâu oai, “con gà tức nhau tiếng gáy”… không phải là mới. Nó đã thành tật lâu rồi, thành nét “phản văn hóa”, nhưng rất khó trị. Nào là Lễ hội phải rầm rộ, cổng chào phải to, công sở phải oách, tượng đài phải lớn v.v…

Trong hoạt động kinh tế của Việt Nam những năm gần đây 

"thất thoát" quá nhiều. Bảng trên là những ví dụ.

Trong khi QH bàn sôi nổi thì ở vỉa hè, dân cũng bàn. Người thì bảo, “lần này tự nhiên thấy QH quan tâm tiết kiệm chống lãng phí rất mạnh”. Người lại bĩu môi: “Ăn thua gì. Bao năm nay họ vung tay tán tàn lãng phí không biết cơ man nào là tiền bạc quốc khố, chi tiêu không hiệu quả, xây dựng đất nước hàng vạn, hàng triệu tỉ, nhưng vào công trình chắc gì được 2/3 (*), còn thì “rơi vãi” vào các biệt thự, xe hơi, ăn chơi mĩ mãn … của quan chức; hoặc ra sông, ra biển hết… Mới chỉ một “bộ phận nhỏ” vào “lò” bác Trọng với tội danh “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng…”, mà đã mất mát đến xót xa. Nếu làm hết cái “bộ phận không nhỏ” thì… thôi rồi!”

Ở kỳ họp này, Chủ tịch QH nêu về lãng phí đất đai, dự án treo…, còn Thủ tướng thì nêu vấn đề lãng phí điện nước, xăng xe…, chi tiêu cần siết chặt…

Nhưng cuối cùng QH đã ra Nghị quyết: yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương chủ động điều hành ngân sách nhà nước năm 2021 phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đã đề ra trong chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

NQ đề ra “Cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước…” Và “Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, triển khai các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, nhất là trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Người dân bảo nhau: Quốc hội ra NQ thế là rất tốt, nhưng cũng cứ biết thế. Điều quan trọng là đừng “đánh trống bỏ dùi”, lời nói phải đi đôi với việc làm và chỉ học lấy một tí tẹo của Cụ Hồ, không phải là đôi dép, mà là cái cách “tiết kiệm, chống lãng phí” phải thực hành từ trên xuống dưới…Không phải nói nhiều…


(*) Ghi chú: Nghị trường QH từng thừa nhận: trong xây dựng thất thoát ít nhất 30%

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.