6200. Phật tại tâm

Phật tại tâm

Nguyễn Ngọc Dương/PNTB


Mới đây có dịp vào làng, tình cờ gặp lại ông bạn đồng niên đã lâu lắm không thấy mặt. Lão nhìn thấy mình, mắt tròn mắt dẹt, mồm chữ o sang chữ a rồi hét toáng lên “Đúng rồi, Ngọc Dương!...”. Lão ta vồ lấy mình ôm chặt, như người nông dân sợ mất một thúng thóc…

Lão mời bằng được đến thăm gia cảnh… Bước qua cái sân nhỏ mốc rêu là ngôi nhà gỗ cũ kĩ, ba gian hai chái, kiểu “tiền tàu hậu bẩy” của thời cách nay hơn nửa thế kỷ.

Gian giữa là ban thờ gia tiên; bên phải là nơi trà nước, tiếp khách; bên trái là khu vực thờ Phật.

Lão bảo, tuy đồng tuế, nhưng ông “có chữ”, tiện đây xem giúp tôi cái nơi thờ Phật… Mình lẳng lặng ra đứng trước ban thờ xem xét.

Vừa xem vừa trộm nghĩ, “ây dà, gần như bài trí ở chùa!”. Chính điện là pho tượng Phật Bà Quan Âm bằng gỗ ngồi thiền trên tòa sen, các tượng Tam Thế, Tam Tôn, Bồ tát Địa Tạng, Bồ tát Quan Thế Âm, tượng Thích ca sơ sinh… Một lư hương to bằng đồng ngự ở ngoài cùng. Ngoài ra có cả tượng Di Lặc, Ca Diếp, A nan đa… Hai bên là 2 vị hộ pháp chống thanh long đao… Đó là những thành phần chính. Ngoài ra còn nhiều đồ thờ như lọng vải gấm, thêu lưỡng long chầu nguyệt; hoành phi, câu đối bằng gỗ vàng tâm, sơn son thiếp vàng… Ngay chỗ mình đứng dưới sàn được trải một tấm thảm, bày đủ chuông, mõ, kinh phật... rất chuyên nghiệp.

Quay lại bàn trà, lão hỏi, ông xem không gian thờ Phật thế được không?

Mình bảo, thông thường trong một gia đình mà có thờ Phật thì người ta chỉ cần một bức tượng, hoặc tranh Phật Bà Quan Âm hoặc ông Thích Ca Mầu Ni là đủ...

Tuy nhiên ở đây mình thấy ông bài trí nơi thờ Phật quá “hoành tráng”, như cái chùa con ấy. Nó không tương xứng với gia cảnh của ông. Nếu Phật mà biết nói, có thể Ngài sẽ quở trách là tín chủ cần phải “tùy tiền biện lễ”, chớ có ‘khoai lang bóc ngắn, cắn dài’. Nếu có tiền cần dành để bố thí cho những người khổ cực, nghèo đói, bệnh tật…thì đắc đạo hơn là sắm nhiều đồ thờ. Nhưng tiếc là Phật không lên tiếng được, những bức tượng cứ im phăng phắc!

Tuy nhiên, việc bài trí và sắm đồ thờ cúng như thế nào không hề quan trọng. Nhiều tượng, đồ thờ lộng lẫy… cũng không quan trọng… Tất cả đều không quan trọng!

Lão cắt ngang: “Thế cái gì là quan trọng hả ông?”

Mình nhìn thẳng vào mắt lão: “Ông đọc kinh nhà Phật có nhớ câu Phật tại tâm không”? “Có chứ”. “Ông hiểu câu đó thế nào?”. Lão bảo: “Thì nghĩa là Phật ở trong tim chứ còn gì!”. Mình bảo, có lẽ ông nói như con vẹt. Phật tại tâm, nghĩa là Phật không ở ngoài ông, ngoài tôi, ngoài tâm hồn tăng, ni, phật tử. Cái chỗ ông bài trí kia đều ở ngoài chúng ta, nghĩa là Phật có ngồi ở đấy đâu! Cho nên dù ông bày biện thế nào cũng chả quan trọng. Tất nhiên, vị trí, hình thức nơi thờ tự có thể tác động phần nào đến tâm lí khiến ông có cảm giác tôn kính Đức Phật hơn.

Quan trọng là Phật tại tâm, nghĩa là những điều Phật dạy như: phải tu tâm, tích đức; phải trung thực, trước hết là với chính mình; phải thương người như thể thương thân; sống liêm chính, không tham, sân, si; tránh xa điều ác, điều tà dâm, dối trá…. Hàng ngày ông đọc kinh niệm phật, gõ mõ… đều phải nhằm vào việc tự cải tạo tâm tính của mình theo lời Phật. Khi ông đọc kinh là Phật ở trong tâm ông, không phải ở trên những bức tượng gỗ kia nhé… Ông hiểu chứ? .

Lão gật gù: “Ừ, có nhẽ ông nói đúng!”.

Rồi lão bỗng trầm buồn và nói tiếp: “Ông ạ, tôi với ông đồng tuế, nay đã ngoại thất tuần, chả được mấy nả mà về cõi Phật. Điều băn khoăn nhất là cái gian thờ Phật, sau khi tôi “thăng”, các con, cháu tôi, lỡ chúng để “hương tàn khói lạnh” thì rất đáng lo...

Mình cười… Nói thế mà bố mày vẫn chưa thủng à? Đã bảo Phật ở trong tâm thì khi ông “về cõi Phật”, tức là ông theo Phật và Phật cũng theo ông. Vậy thì cái bàn thờ kia còn ý nghĩa gì. Nếu con, cháu ông cũng theo con đường Phật dạy, nó tiếp tục “tu nhân tích đức” theo cách đọc kinh gõ mõ, thì Phật cũng ở trong tâm nó, làm sao ông phải lo? Nhược bằng nó không tu dưỡng theo con đường Phật, mà bằng con đường khác thì toàn bộ nơi thờ tự kia chỉ là những vật vô tri vô giác, có ý nghĩa gì đâu. Nếu không đọc kinh gõ mõ, chúng sẽ cung tiến tất cả ban thờ đến những nơi thờ Phật, hoặc cái gì “hóa” được, chúng hóa luôn, chứ không để “hương tàn khói lạnh”, không để mất diện tích đâu… Chớ có lo bò trắng răng!

Thế là lão cười hề hề, bảo “xin bái phục sư phụ”…

17/3/2021/ NND

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.