6192. Nhớ tết xưa



Tết Nguyên đán vốn là đề tài bất tận, nhiều người viết rồi. Tôi chỉ xin tản mạn sơ lược vài chuyện về Tết xưa. “Xưa” ở đây là những gì tôi được chứng kiến, trở thành kí ức của mình, nay chia sẻ để ngõ hầu bạn đọc tạp chí Xuân Tân Sửu. Đó là những cái Tết cách nay chưa lâu, chỉ khoảng vài chục năm.

1..Ăn tết

Quan trọng nhất của Tết là ĂN. Người ta hỏi nhau, năm nay cô, (bác, anh,  chị…) ĂN TẾT ở đâu?; các cháu nhà bác công tác ở xa có về ĂN TẾT  không?... Không phải ngẫu nhiên, “ĂN TẾT” là một từ dùng chung cho việc vui chơi, nghỉ ngơi, ăn uống… trong những ngày tết. Nói đến Tết, trước hết là Ăn.

Thành ngữ có câu: “Có thực mới vực được đạo”, muốn gì thì gì, Tết phải lo cái ăn đã. Nhưng bữa ăn tết phải khác bữa ăn ngày thường. Nghèo mấy thì bữa ăn ngon nhất cũng dành cho những ngày tết. Dân gian nhạo báng những “thầy bói nói dựa” rằng: “Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ba mươi tết có thịt treo trong nhà”.

Khoảng 9 - 10 tuổi trở lên, tôi từng chứng kiến và hiểu cái sự “ăn” của tết ở thời kỳ đất nước vừa bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm gian khổ, rồi tiếp đến cuộc đấu tranh Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Miền Bắc thắt lưng buộc bụng, “tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì Miền Nam ruột thịt”. Trong giai đoạn ấy chúng ta có muôn vàn khó khăn. Nhà nước thống nhất quản lí hầu hết những hàng hóa sinh hoạt thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Người dân nuôi được con lợn phải “bán nghĩa vụ” cho nhà nước theo quy định, còn dư mới được ăn. Không ai được vận chuyển lương thực, thực phẩm trái phép, quản lí thị trường rất chặt chẽ…Tất cả đều thực hiện theo chế độ tem phiếu.

Cân lợn bán nghĩa vụ cho NN thời bao cấp

Vì thế, ăn tết thời bao cấp có nét khá đặc biệt, nhưng vẫn không ra khỏi “quỹ đạo” văn hóa truyền thống. Hồi ấy, dù ngày thường phải ăn độn ngô, khoai, sắn…, nhưng ngày tết nhất định phải được ăn cơm trắng; ngày thường đi cày có thể ăn đói, nhưng ngày tết dù được nghỉ ngơi nhưng nhất thiết phải được ăn no; ngày thường cơm rau mắm, nhưng ngày tết phải có thịt, cá…Thậm chí đến những vật nuôi trong nhà như con gà, con lợn cũng được “ăn tết”.

Thịt lợn bao giờ cũng là món đầu vị cỗ tết. Trước khi có chế độ tem phiếu, nhà khá giả có thể mổ cả một con lợn. Những nhà nghèo vài ba hộ chung một con gọi là “đánh đụng”. “Tùy tiền mà biện lễ”. Nhà nào đông người, khá hơn có thể nửa con hoặc một góc (khóe, đùi) lợn, nhà nghèo ít người, cũng nửa đùi... Lợn mổ từ khoảng 28 – 30 tết. Trong những ngày đó, khắp cả làng râm ran tiếng lợn kêu eng éc, đó là tín hiệu đặc trưng của không khí tết… Trưa hôm mổ lợn là vui như tết, là được ăn một bữa ngon nhất trong năm. Ở góc sân, một cái nồi to được bắc lên 9 viên gạch chỉ xếp thành ba cục, để luộc lòng lợn, củi được chất vào, lửa bốc lên, khói nghi ngút, trẻ con tíu tít nô đùa, cả một không gian tỏa đầy hơi ấm… Khi phải thực hiện chế độ tem phiếu, những tháng cuối năm, người ta “bóp mồm bóp miệng” để dành phiếu thịt đến giáp tết, góp chung nhau được khoảng hai, ba mươi kg, quy đổi ra lợn hơi mua một con về “đánh đụng”…Thế mà vẫn cứ vui. Ngoài thịt lợn, phải có bánh chưng. Gạo nếp, đỗ xanh cũng phân phối, nhưng dù có 5 cân, 3 kí cũng bày lá dong ra gói bánh chưng. Bọn trẻ nhiều khi thức trắng để coi nồi bánh sôi sùng sục suốt đêm.


Tất cả rượu, bia, bánh mứt kẹo, nước mắm, mì chính…đều phân phối, cho nên dường như nhà nào cũng na ná nhà nào…

2. Tín ngưỡng – Tâm linh

Sau cái sự ăn, ngày tết người ta đặc biệt quan tâm đến tín ngưỡng – tâm linh. Có thể nói, bắt đầu từ 23 tháng Chạp, khi mọi nhà đều cúng ông Công ông Táo thì đã có tết rồi. Vào ngày đó bàn thờ tổ tiên được quét tước sạch sẽ, bầy biện đẹp hơn… Cả bàn thờ gia tiên như được làm mới, các bát hương được rút tỉa chân hương đem hóa, chỉ để lại 3 cái chân hương lưu giữ cốt để tiếp nối sang năm mới. Những gì quý giá, thanh tịnh nhất được bày biện trên ban thờ. Trước đó, nhà nào cũng đi thăm và cúng mộ những người đã khuất, mời vong linh ông bà, tiên tổ về ăn tết… Tối 30, cúng tất niên. Đêm giao thừa cúng giao thừa, cúng đất trời, và nhân văn đến mức cúng cả những hồn ma đói lưu lạc… Cả ba ngày tết, ngày nào sớm mở mắt dậy, gia chủ cũng thắp hương cúng thần linh thổ địa và gia tiên, cho đến bữa cuối cùng gọi là “hóa vàng” – mãn tết, với tâm niệm để các gia thần đi du Xuân, gia tiên trở về cõi thiêng.

Ngoài việc cúng trong nhà, vào những ngày tết người ta đi vãng cảnh đền, chùa, miếu mạo, đến đâu cũng thắp nhang cầu trời khấn phật và các thần linh phù hộ độ trì cho một năm mới làm nên ăn ra, có sức khỏe và cuộc sống an lành hạnh phúc.

Bắt đầu từ phút giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng nhất. Người ta kiêng kị rất nhiều thứ. Ví dụ người đến xông đất (đầu tiên) phải là những người có nhân cách, cuộc sống không có gì trắc trở và phải “được tuổi”, không bị xung khắc. Đúng giao thừa, tiếng pháo râm ran, rải rác đến sáng và lẹt đẹt suốt 3 ngày tết. Sáng mùng Một, trong nhà phải vui vẻ, không ai được hờn giận, biểu hiện tiêu cực, tránh bị giông cả năm. Ông bà, cha mẹ, con cháu…quần tụ chúc tụng nhau những điều tốt lành nhất. Mọi người rửa mặt bằng nước nấu rau mùi già, thơm phức. Trẻ con mặc áo mới để đón một tuổi mới…Ngày mùng Một tuyệt đối không được quét nhà, sợ có bao nhiêu điều may mắn đầu năm theo rác đi mất… Đi tết thì “mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy”. Và quà tết chỉ giản dị cặp bánh chưng, hộp mứt, dăm thứ hoa quả hoặc một gói đường cát vàng ươm, không có phong bì…

Những giờ phút đầu năm mới là thiêng liêng, ăn sâu vào tiềm thức hết thế hệ này đến thế hệ khác. Ước nguyện của mọi người là mong sao năm mới mọi điều đều tốt đẹp, an lành cho gia đình, gia tộc mình và cho xã hội…

3. Chơi tết

Người nông dân đầu tắt mặt tối quanh năm, chỉ được nghỉ ngơi ba ngày tết. Nghỉ phải có trò chơi cho vui vẻ. Mỗi làng, xã, địa phương có những trò chơi khác nhau. Thường thì tổ chức đấu vật, đánh cờ người, tổ tôm điếm, kéo co…Chơi cho quên hết sự vất vả để ra Giêng lại xuống đồng cày cấy. Trẻ con thì đánh đáo, chơi khăng, đánh tam cúc, tu lơ khơ…Tất cả đều có ý thức: năm mới phải vui vẻ, phải hòa thuận, không được đánh, cãi nhau. Nhiều khi do mâu thuẫn trong sinh hoạt, ngày thường nom thấy nhau ghét mặt, chả muốn chào, nhưng ngày tết nhìn thấy nhau vẫn ngọt ngào chúc tụng. Tết như người hòa giải tự động.

Tết là Văn hóa, nếu biết gạn đục, khơi trong thì tết sẽ góp phần tích cực để giáo dục nhân cách, đạo đức con người, giúp con người mỗi ngày sống đẹp hơn?  Nên bàn luận, lấy ý kiến rộng rãi Nhân dân và xem xét lại ai đó có ý định đề xuất bỏ Tết cổ truyền đã gắn bó hàng nghìn năm với Dân tộc? Đó là điều không đơn giản. Đôi khi có tí chữ, tí chức thì rất dễ tự cho mình là chân lí, muốn tất cả những gì mình muốn… Nhưng dù có thông thái đến mấy cũng không thể vượt qua được tư duy đại chúng. 

Trước thềm Tết Kỷ Sửu 2021

Nguyễn Ngọc Dương

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.