6183. “Mặt trái”

“Mặt trái”

(Lan man về Triết học & Cuộc sống)

 


“Mặt trái” là các mặt “đối lập và thống nhất” mang tính phổ biến trong mọi sự vật, hiện tượng của thế giới tự nhiên, xã hội. Mặt này coi mặt kia là “trái”.



Tư duy của người cổ đại đã phát hiện ra điều đó. Triết học Phương Đông có thuyết “âm – dương ngũ hành”. Triết học Phương Tây thế kỷ XIX thì có Phép biện chứng Hegel, trong đó có “Quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập” của sự tồn tại và phát triển trong thế giới tinh thần. Chính Marx đã tiếp thu Hegel để hoàn thiện phương pháp Duy vật biện chứng của mình. Phép biện chứng Mac xít là nền tảng nhận thức, hạt nhân của Chủ nghĩa Mác – Lê nin, đã từng thu phục hàng trăm triệu người trên thế giới. Nhưng khi vận dụng vào đời sống xã hội bởi do vụ lợi hoặc do nhận thức nên đã không ít người “bóp méo” phép biện chứng, dẫn đến không thành công.



Tạo hóa đã sinh ra vạn vật đều có mặt trái, mặt phải, mặt này tương tác với mặt kia. Loài người, và nói chung các loài sinh vật đã có giống Đực thì phải có giống Cái. Trái đất gắn với sự sống có Núi cao - Biển sâu, có Nóng - Lạnh, Khô - Ẩm, Tối - Sáng… Không có gì tồn tại riêng rẽ “tuyệt đối”. Cơ thể con người khỏe mạnh chính là nhờ có sự cân bằng âm – dương, nóng – lạnh... Nếu “âm thịnh dương suy” hay ngược lại, đều sinh bệnh tật. Các thầy thuốc Đông y trị bệnh chỉ dựa trên nguyên tắc điều chỉnh cân bằng âm – dương để đuổi Tà khí như Phong – Hàn – Thử - Thấp – Táo – Hỏa…

Trong lĩnh vực xã hội, thời Phong kiến với thể chế Quân chủ, quyền lực tuyệt đối thuộc nhà Vua. Vua là “con giời”. Vua không chấp nhận “mặt trái”, không thích nghe ý kiến phản biện. Với thể chế đó, triều đình thường sinh ra lũ gian thần nịnh hót để được thăng chức, tồn tại và hưởng bổng lộc.

Lịch sử cho thấy, khi một ông vua thích nghe lời siểm nịnh thì sẽ sinh ra tầng tầng, lớp lớp những kẻ nịnh thần từ trên xuống dưới. Cá biệt có những trí thức triều đình tài giỏi, chính trực, thường tâu lời phải nhưng trái ý Vua. Nếu Vua không nghe thì đành treo ấn từ quan về vườn ẩn dật, không cần bổng lộc, sống quãng đời còn lại thanh thản với dân quê, với vườn cây, ao cá, “gõ đầu trẻ”, điển hình như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm…

Bản chất của phản biện (mặt trái) là tìm ra chân lý. Không có phản biện thì không có khoa học. Trong mọi thời đại, người có quyền lực không biết nghe phản biện sẽ trở thành người “đui - điếc”... Những ông vua như thế khiến triều đình không thể “ổn định” được lâu dài.

Lịch sử cho thấy, khi một triều đại mới xuất hiện, dân chúng thường hồ hởi tung hô, vì nó là cái mới thay thế cho cái cũ lỗi thời. Nhưng dần dần cái mới ấy lại cũ, đòi hỏi phải luôn đổi mới. Những phương pháp cai trị cũ kỹ sinh ra bảo thủ, trì trệ, thậm chí sa vào bóc lột, tham nhũng, coi thường dân chúng, tự ngạo nghễ, không chấp nhận phản biện… thì Triều đình khó thịnh vượng.

Tuy nhiên, có những ông vua hiểu vai trò “mặt trái” nên lập ra chức Gián quan, luôn ở cạnh Vua, sẵn sàng can ngăn những quyết định sai lầm của Vua. Gián quan là một chức được phép phản biện, nói thẳng, nói thật những điều Vua không nên làm. Đó là một cách để cứu vãn Ngai vàng khi Vua mắc sai lầm. Gián quan chính là “mặt trái” mà Nhà vua tạo ra nhằm kéo dài tuổi thọ Triều đình. Song với biện pháp cai trị theo kiểu Quân chủ chuyên chế, tập quyền, thì trước sau rồi cũng dẫn đến bảo thủ, trì trệ và theo quy luật phải thay thế. Lịch sử cho thấy, các triều đại phong kiến chỉ tồn tại vài năm, vài chục năm, nhiều là hơn trăm năm, rồi ngai vàng cũng bị lật đổ.

Tâm lý chung, người ta ai cũng thích ăn ngọt, ăn bùi, chẳng ai muốn xơi của đắng. Nhưng người xưa đã tổng kết: “mật ngọt chết ruồi”, “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”, “trung ngôn – nghịch nhĩ”, nói thẳng thì chối tai, chả mấy vua, quan nào muốn nghe. “Mặt trái” là sự đối lập của Mặt kia, nó phản hồi những thói hư tật xấu của Mặt kia. Nó giúp Mặt kia nhận ra cái xấu của mình mà gột rửa, giữ được bộ mặt lâu bền.

“Mặt trái” giống như cái gương soi. Thay vì phải giữ gìn ‘tấm gương phản chiếu’ để soi, để biết mặt mình nhọ, thì những ông Vua, Quan ngạo nghễ lại bôi bẩn lên mặt gương hoặc bực mình đập vỡ gương đi, không muốn nhìn thấy những vết bẩn trên mặt mình… để rồi lịch sử bêu danh tên tuổi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao “tự phê bình và phê bình” cũng là một cách để nhận biết sai lầm và sửa chữa, nhằm tiến bộ...Tuy nhiên, điều đó chỉ có tác dụng với những người tự giác. Khi con người không tự giác thì phương pháp đó vô hiệu. Trong lịch sử, có những triều đại khi đã đến lúc bảo thủ, không chịu nhận ra khuyết tật, không muốn sửa chữa sai lầm, thậm chí còn vùi dập lẽ phải… thì chỉ làm cho nội bộ rối ren, tranh giành địa vị, dân chúng điêu đứng, triều đại lung lay, và là thời cơ để ngoại bang xâm lược …

“Nhân vô thập toàn”, ai cũng có sai lầm nhất định, trong những thời điểm nhất định, trừ thánh thần. Nhưng chỉ là người thực sự có Văn hóa mới biết tôn trọng sự phản hồi. Người thông minh mới nhận biết được sai lầm và biết tự sửa chữa. Còn một khi đã bảo thủ thì nhất định sẽ cố chấp và dẫn đến dối trá. Chính Lê nin và Hồ chí Minh đã nói đại ý: làm người ai cũng có khuyết điểm, nhưng chỉ những kẻ ngu xuẩn mới không biết nhận ra và sửa chữa khuyết điểm.

Công khai minh bạch, tôn trọng sự thật, tôn trọng sự khác biệt, biết nhận lỗi, sửa lỗi thì bao giờ cũng tạo được thiện cảm, niềm tin, tạo được sự bao dung của công chúng và thu phục được nhân tâm…

 NND/PNTB 12/2020


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.