6179. Tư pháp Việt Nam và vụ án Hồ Duy Hải

Tư pháp Việt Nam và vụ án Hồ Duy Hải

Nguyễn Ngọc Dương/PNTB

Ảnh VTC New

Vụ án Hồ Duy Hải là một trong những vụ điển hình làm rúng động xã hội đã kéo dài nhiều năm chưa ngã ngũ, khiến nền Tư pháp VN chao đảo, nhưng nay vẫn chưa kết thúc dù đã trên 22 năm. Hơn nữa đây cũng là vụ án lần đầu tiên đã lên đến cấp Giám đốc thẩm, cấp cao nhất của hệ thống xét xử ở Việt Nam.

Đây cũng là vụ án lần đầu tiên khiến Ủy ban tư pháp của Quốc hội, một Ủy ban của Cơ quan Quyền lực nhà nước Cao nhất đã phải vào cuộc và nhiều đại biểu Quốc hội đã thay mặt cử tri búc xúc lên tiếng.

Gần đây dư luận công chúng rất ngạc nhiên là dường như thời gian đã ngày càng làm rõ những điều vô lý của vụ án, với việc xa rời Luật Tố tụng hình sự, xa rời công lý, nhưng vẫn trong tình trạng “im lặng khó hiểu” kéo dài.

Đặc biệt là nghi can Hồ Duy Hải có nhiều dấu hiệu oan sai, mặc dù cả 3 cấp tòa đều tuyên bị cáo mức án cao nhất – Tử hình! Nhưng Tòa án không thể ‘thi hành án’, bởi sức ép công luận, tuy nhiên lại cũng không cho phép bị can tại ngoại, khiến vô hình trung, bị can đã phải ngồi tù hơn 22 năm! Nếu thực sự oan sai, ai phải chịu trách nhiệm?... Đó có thể là tình trạng một số người trong hệ thống Tư pháp đang “ngồi trên lưng hổ”, càng để lâu càng khó gỡ?

Hôm nay tôi xin gỡ băng đăng lại ý kiến của hai Đại biểu Quốc hội để phần nào minh chứng cho những nhận định trên:

ĐB Lưu Bình Nhưỡng:

                                  ĐB Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại Nghị trường

(Ảnh chụp màn hinh)

“Cũng xin báo cáo Quốc hội đây là nói một cách rất là thẳng thắn, rất là đau lòng bởi vì tôi là một trong những người làm công tác pháp luật mấy chục năm nay, đã từng tham mưu cho công tác Cải cách tư pháp.

Mấy ngày qua nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại, kể cả của các đồng chí rất cao cấp của Đảng và Nhà nước đã về hưu gọi điện thoại cho tôi. Và họ nói như thế này này: “Chưa từng bao giờ thấy cái niềm tin đối với nền tư pháp Việt Nam nó thấp như bây giờ!”. Họ nói đừng có đi bào chữa, các anh đừng đi bào chữa…

Tất cả những vụ án vừa qua, xin thưa Quốc hội, tôi đã ngồi cả đêm để đọc, để xem xét từng cái bản ảnh của vụ án Hồ Duy Hải. Có rất nhiều vấn để liên quan đến vấn đề tố tụng tôi đã phát hiện ra… Hôm nay tôi không muốn nói ở đây, không có thời gian. Nhưng phải nói rằng, những sai lầm của Tố tụng, sai lầm của Tư pháp thì đừng đổ lỗi cho những người như đại biểu Quốc hội là người ta làm rối. Đại biểu quốc hội phẩm chất không bao giờ đi làm rối đất nước này. Nếu không có đại biểu quốc hội phát hiện những vấn đề đó, không có kiên quyết vấn đề đó thì liệu các đồng chí có đàng hoàng để làm không?

Cho nên tôi đề nghị thế này, tất cả chúng ta cần có sự giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với công tác Tư pháp và đề nghị có một cái Chuyên đề riêng về giải quyết những vấn đề nghiêm trọng về Tư pháp này”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa:

                                  ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Nghị trường

(Ảnh chụp màn hình)

“Sáng nay nghe ý kiến của đại biểu Hồng Phong nói thì tôi nhận được một số cái nhắn tin của Cử tri. Họ thắc mắc về việc này cho nên tôi có ý kiến tranh luận thế này.

Đại biểu Phong có nói là ‘bản chất của chế độ ta là không có Tam quyền phân lập’, thì cái điều này rất là đúng. Chính vì chúng ta không có Tam quyền phân lập cho nên chúng ta mới có Quôc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Có nghĩa là cái cơ quan QH này lập ra hành pháp và Tư pháp và Giám sát Hành pháp và Tư pháp. Thì do đó các ĐBQH và các Ủy ban của QH phải có trách nhiệm trước cử tri thực thi cái quyền giám sát này đối với Hành pháp và Tư pháp. Cho nên những cái gì đại biểu phát biểu về Hành pháp và Tư pháp trong đó có các vụ án cụ thể là phản ánh những cái băn khoăn của cử tri, đồng thời là trách nhiệm của Đại biểu.

Cái nữa là để thực thi cái quyền giám sát của mình, QH thành lập cơ quan Kiểm toán là để thực thi Giám sát về mặt Tài chính – Ngân sách, và lập ra Viện KSND Tối cao, (theo nguyên lý từ cái thời Lenin) đó là, Viện KSND Tối cao Giám sát việc chấp hành pháp luật. Và đây là cơ quan của QH lập ra, tổ chức theo ngành dọc, có trách nhiệm này ngoài trách nhiệm Công tố thì tôi không nói đến. Do đó mà cái chuyện là ĐBQH phát biểu về những vấn đề này, vừa là trách nhiệm vừa là bản chất cơ quan quyền lực của chúng ta.

Thứ hai là Nghị quyết Đảng đã đưa vào Hiến pháp là các cơ quan quyền lực nhà nước có sự phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực. Thì Quốc hội Giám sát Hành pháp và Tư pháp chính là thực hiện theo đúng quyền hiến định của mình, theo đúng chức năng của mình và cũng theo đúng Đường lối và Nghị quyết của Đảng. Và đó cũng là yêu cầu của Đất nước, của Nhân dân.

Do đó tuy rằng chúng ta có quy định quyền Tư pháp là quyền Cao nhất, nhưng Luật của chúng ta cũng quy định rằng Viện Kiểm sát có quyền Kiểm sát, kể cả ở giai đoạn sau khi có bản án Giám đốc thẩm. Và Luật hiện nay đã quy định rằng, sau khi có bản án Giám đốc thẩm của HĐTP Tòa án nhân dân Tối cao rồi thì Ủy ban Tư pháp có quyền có ý kiến, Viện KSND tối cao có quyền có ý kiến, Ủy ban thường vụ QH có quyền có ý kiến và QH có quyền tổ chức Giám sát tối cao.

Đối với kể cả những vụ việc mà đã có Quyết định của HĐTP TAND Tối cao, trong cái vụ…Thời gian thì không còn nhiều nữa, tôi chỉ nói thế này thôi, khi mà nói đến “thế lực thù địch” có thể lợi dụng này kia… (có tiếng chuông báo hết giờ).

Tôi xin phép chỉ mấy chục giây nữa thôi. Tôi xin trích câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói thế này: “Có những cán bộ tưởng rằng nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình thì sẽ có hại, vì kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền, giảm bớt uy tín của Đoàn thể(*) và Chính quyền. Thế là tưởng lầm, thế là ốm mà sợ thuốc. Nếu không muốn kẻ địch phản tuyên truyền thì không gì hơn là tránh cái khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết”.

 

Đó là chúng ta học Hồ Chủ tịch, chúng ta học là, khi chúng ta có khuyết điểm thì chúng ta nêu ra hoặc chúng ta cho rằng có khuyết điểm thì chúng ta nêu ra đề bàn bạc với nhau…

Và cuối cùng, tôi muốn kết luận cái ý kiến tranh luận của tôi bằng câu nói của Tổng Bí Thư rằng: “Không phải cứ đỏ mà chín đâu”.

Vâng xin cám ơn QH”.  

Nguồn: https://www.facebook.com/GocNhinPhanSonTung/videos/443861869903348/?v=443861869903348

Chú thích: (*) Hồ Chí Minh nói “đoàn thể” ở đây nghĩa là Đảng. Bởi vì Cụ nói trong điều kiện Đảng đang hoạt động bí mật (khoảng 1945 – 1951).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.