6175. Mợ tôi

Mợ tôi

Nguyễn Ngọc Dương/ PNTB


Đầu thập niên 60, cậu tôi đã từng là bộ đội. Sau Cậu phục viên và Cậu Mợ đã có hai con gái. Cuộc sống tuy còn nghèo nhưng vẫn hạnh phúc. Mợ là đảng viên, tham gia công tác trong Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ xã.

Đến năm 1968, “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” trở nên ác liệt, nhất là sau “Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân”, Nhà nước động viên thanh niên lên đường vào Nam chiến đấu. Nhiều người viết đơn tình nguyện, sẵn sàng cầm súng ra trận.

Lẽ ra, đã từng hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Cậu không thuộc đối tượng ‘động viên’. Nhưng một hôm Mợ về nói với Cậu: “Nhà mình là gia đình cách mạng, cả miền Bắc đang “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, anh hãy vì em, vì gia đình, vì Tổ quốc tiếp tục lên đường theo tiếng gọi của Đảng… Em là cán bộ đảng viên đang vận động người khác, lẽ gì mình không gương mẫu?...”. Mợ nghẹn ngào nói trong nước mắt. Cậu bảo: “Anh hiểu rồi, chỉ thương em từ ngày lấy chồng chưa được đoàn tụ bao nhiêu…”.

Trong không khí cả nước náo nức ra trận như trẩy hội, Đài phát thanh hàng ngày khắc họa khung cảnh của cuộc Kháng chiến CMCN, những câu thơ “Đường ra trận mùa này đẹp lắm…”, những ca khúc “Giải phóng miền nam”, “Đường chúng ta đi” “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Cùng hành quân giữa mùa xuân”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Bão nổi lên rồi”, “Chào anh Giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng”… với những ca từ lạc quan, giai điệu hào hùng, đã khích lệ giới trẻ quên đi tất cả những hiểm nguy phía trước, quên đi tất cả những quyến luyến tình cảm phía sau…

Thế là Cậu lại ra đi, bỏ lại phía sau người vợ trẻ, hai đứa con gái còn thơ, bỏ lại con trâu, cái cày, vườn cây, khói bếp lam chiều…, bỏ lại tất cả để lên đường cầm súng “giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà”.

Sau hai tuần Cậu nhập ngũ, mợ nhận được lá thư Cậu viết trong lúc còn đang tập kết ở một địa điểm miền Bắc không xa. Trong thư có đoạn: “…Đã dấn thân vào khói lửa chiến tranh, không ai có thể nói trước được điều gì em ạ. Băn khoăn lớn nhất của anh là vợ chồng mình mới có hai con gái. Em hãy nghe anh, đi xin nuôi lấy một mụn con trai để nếu chẳng may anh có hy sinh thì sau này con nó nối dõi tông đường”.

Mợ cất kỹ lá thư trong hòm, lòng luôn canh cánh lời dặn của chồng. Một bận Mợ vào ngôi chùa ở quê, xin được một cháu trai còn ẵm ngửa, ai đó bỏ lại dưới cửa Phật.

Là cán bộ, đảng viên, Mợ thận trọng bế đứa trẻ, mang theo lá thư của chồng lên Ủy ban hành chính xã đăng ký theo quy định của pháp luật. Cháu được mang họ tên bố là Cậu, mẹ là Mợ và chính thức trở thành đứa con trai họ Nguyễn.

Quả như dự đoán. Một ngày u ám, Mợ nhận được giấy báo tử: “Đồng chí Nguyễn Văn N. đã anh dũng hy sinh tại mặt trận phía Nam”. Cái thông báo ấy đã khiến Mợ suy sụp, nhưng rồi phải gượng dậy vì nhiều lý do. Lúc ấy Mợ mới tròn 28 xuân xanh.

Từ đó, Mợ xác định quyết ở vậy “thờ chồng, nuôi con”. Mất chồng, người phụ nữ tan nát cõi lòng, nhưng vẫn gồng mình nuôi dạy ba đứa trẻ nên người, dẫu đã phải trải qua bao cô đơn và thử thách khi con đau ốm, bệnh tật, nhất là cái thằng “chống gậy” độc nhất vô nhị, nhiều bận thập tử nhất sinh.

Tuy vậy, Mợ còn phải chèo chống với cuộc đời, với sự cô đơn tột cùng khi liên tục có những người đàn ông “nhòm ngó”. Họ muốn “chia sẻ”, nhưng Mợ rất sợ những “cái bẫy” cuộc đời, nên tìm cách lảng tránh. Có lẽ nguyên nhân chính là tại Mợ còn trẻ, lại xinh đẹp có tiếng… Sau này nhiều người không hiểu nổi tại sao Mợ vẫn ở vậy với các con đến lúc tuổi già.

Mùa Thu năm 2019, bà Dì của chúng tôi cùng thôn với Mợ đã nằm xuống, vợ chồng tôi về viếng Dì và tới thăm Mợ. Mợ khóc và ôm lấy chúng tôi mà rằng: “…Còn có hai chị em, hôm nay bà ấy cũng đi rồi, chỉ còn mình Mợ… Mợ sợ lắm, sợ lúc Mợ chết không biết có được đông đủ như thế này!…”.

Hóa ra, điều đáng sợ nhất của Mợ suốt hơn nửa thế kỷ qua là nỗi cô đơn! Mọi vất vả, gian truân trong cuộc sống đời thường, một nách ba con, lo mưu sinh, lo bệnh tật, lo đối phó với mọi bất trắc cuộc đời…Mợ đều vượt qua. Nhưng có điều đau đáu nhất từ sâu thẳm tâm hồn gần suốt cả cuộc đời, Mợ chưa bao giờ nói ra, đó là tâm trạng cô đơn. Sống, Mợ có thể chịu đựng được, nhưng lạ thay, Mợ sợ nỗi cô đơn cả khi đã nằm xuống!

Ai ngờ tháng Tư năm 2020, Mợ về cửa Phật. Đó là giữa thời điểm cả nước đang thực hiện cách ly toàn xã hội do đại dịch covid-19. Đúng là con người ta, không ai chọn cho mình được giờ phút lâm chung. Chúng tôi ở xa nghe tin dữ, tâm trạng rối bời, nhưng lực bất tòng tâm, không thể về tiễn biệt Mợ được. Những người đến để đưa Mợ về nơi an nghỉ cuối cùng chỉ còn lại con cháu trong nhà và bà con lối xóm. Ai cũng đeo khẩu trang, chỉ hở đôi mắt ậng nước, nhìn thấy nhau lặng lẽ gật đầu…

Gần đây vợ chồng tôi về thắp cho Cậu, Mợ nén nhang, tưởng nhớ đến người Mợ và người Cậu rất đỗi kính thương đã để lại cho con cháu một bề dày đức độ.

Nơi đây, ấn tượng nhất là ngôi nhà, cái bếp đã xây cất cách nay mấy chục năm vẫn hiện diện. Phía sau, nơi khoảnh đất giữa nhà và bếp là cây khế sum xuê xanh tốt. Những chùm khế ngọt lúc lỉu gọi mời…

Không nói thì chắc không mấy ai hình dung ra chủ căn nhà này là một cụ bà góa bụa từ năm 28 tuổi, khi ông trở thành Liệt sĩ cách nay hơn 50 năm, lúc đang hơ hớ tuổi xuân rồi vĩnh viễn không về…

Lấy điện thoại ghi lại những hình ảnh này, tôi bỗng nhớ câu ca: “Quê hương là chùm khế ngọt…”.



Đây không phải là truyện ngắn, mà chỉ là đôi lời nói thật, những lời gan ruột thay nén tâm nhang của những đứa cháu ở xa tưởng nhớ tới Mợ tôi, người mà như triệu triệu người phụ nữ khác cùng thời trên mảnh đất hình chữ S thân thương này./


Tháng 11/2020/ N.N.D

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.