6173. KIẾN NGHỊ VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ “NHẠY CẢM”.

KIẾN NGHỊ VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ “NHẠY CẢM”. 

TS Võ Đại Lược

Gọi là vấn đề “nhạy cảm” là những cái mà lâu nay Đảng muốn quyết tâm giữ, không muốn thay đổi, bởi sợ rằng, thay đổi là mất CNXH, mất chế độ v.v…

Trong cuộc đổi mới lần thứ nhất (1986), cái cực kỳ nhạy cảm là “Kinh tế thị trường”. Trước đó nhiều cán bộ, đảng viên nhìn Kinh tế thị trường như “con hủi”, chỉ muốn xa lánh… Nhưng rồi TBT Trường Chinh nói “đổi mới hay là chết?”, mà đổi mới thì phải đưa Kinh tế thị trường vào vận hành nền kinh tế đất nước. Thế nên trong cuộc lựa chọn giữa Sống & Chết, Đại hội đã chấp nhận Kinh tế thị trường, tuy nhiên vẫn hơi sợ nên phải thêm mệnh đề “định hướng XHCN” (cho nó chắc ăn, khỏi chệch hướng?). Thế rồi sau đó thế nào mọi người đã biết, thiết nghĩ chả phải nói thêm.

Trong mấy chục gần đây có mấy cái “nhạy cảm” là “Đất đai sở hữu toàn dân”, “lấy kinh tế nhà nước làm chủ chủ đạo”, “đổi mới hệ thống chính trị”. Những cái này đã có rất nhiều nhân sĩ, trí thức, thậm chí cả cán bộ cao cấp cũng đã tham gia là phải thay đổi, nhất là qua nhiều kỳ Đại hội, nhưng không được ai tiếp thu.

Trái lại có quá nhiều người không dám nói, nói ra là bị quy chụp này nọ, còn những DLV của đảng thì cho những ý kiến “trái chiều” ấy là của “thế lực phản động”, nên nhiều người sợ hãi, đánh bài “trùm chăn”.

Thế mà lần này, tại Hội nghị Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo Văn kiện Đại hội XIII, có một ý kiến không né tránh, dám thẳng thắn đề nghị vào những vấn đề nhạy cảm.

Báo Thanh niên hôm 30/10 viết:

“TS Võ Đại Lược cho rằng, đổi mới chính trị đang chậm hơn so với đổi mới kinh tế. Do đó, đã đến lúc phải đổi mới hệ thống chính trị để theo kịp kinh tế.

Sáng 30.10, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII. Đối tượng tham gia góp ý là các nhân sĩ, luật gia, trí thức, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.

Góp ý kiến tại hội nghị, TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng Đại hội XIII diễn ra trong bối cảnh thế giới và trong nước đều có nhiều điểm mới, đòi hỏi các văn kiện Đại hội phải đưa ra được tư duy, quan điểm, giải pháp mới, đáp ứng được tình hình.

“Nhưng các dự thảo tôi đọc, nội dung nhìn chung ít điều mới”, TS Lược góp ý. Theo ông Lược, về giải pháp, nhiệm vụ thì có điều này, điều kia mới song tư duy, quan điểm thì không mới, ví dụ vẫn là quan điểm đất đai là sở hữu toàn dân, kinh tế nhà nước là chủ đạo...

Ông Lược phân tích, việc phát triển nền kinh tế thị trường lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo là sáng tạo của Việt Nam khi vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lênin vì Mác - Ăngghen cũng không nói kinh tế thị trường lấy kinh tế nhà nước là chủ đạo.

Theo ông Lược, đã đến lúc phải đánh giá vấn đề này thật kỹ. “Giờ chúng ta hội nhập rất sâu, ký đến 12 hiệp định thương mại tư do mà vẫn giữ quan điểm này sẽ làm khả năng cạnh tranh của chúng ta kém đi”, ông Lược góp ý.

Cũng theo ông Lược, đổi mới về kinh tế trong thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt, rất mạnh. “Nếu không có đổi mới kinh tế thì không có tình hình như hiện nay”, ông Lược nói, song cho rằng, “đổi mới chính trị hơi chậm”. “Bây giờ đã đến lúc chúng ta đổi mới chính trị, làm sao đi kịp với kinh tế”, ông Lược nói.

Theo TS Lược, cái vướng mắc nhất trong đổi mới chính trị hiện nay, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói, là kiểm soát quyền lực.

“Đến giờ chúng ta vẫn chưa có giải pháp triệt để cho việc này. Chúng ta bắt nhiều chỗ tham nhũng rất mạnh, nhưng cơ chế xin - cho, cái gốc đẻ ra tham nhũng chúng ta không thay đổi thì chúng ta chỉ giải quyết hậu quả chứ không phải giải quyết nguồn gốc”, ông Lược phân tích.

“Hay quan điểm đất đai sở hữu toàn dân, thì tham nhũng đất đai rất nhiều, khiếu kiện, tranh chấp đất đai rất nhiều. Kinh tế nhà nước là chủ đạo cũng dẫn đến nguy cơ tham nhũng, các giám đốc doanh nghiệp nhà nước vi phạm đi tù chứ tư nhân có việc gì, người dân có việc gì”, ông Lược nói thêm.

Ông Lược khẳng định, đã đến lúc đổi mới hệ thống chính trị. “Vẫn Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhưng đổi mới hệ thống chính trị phù hợp với thời đại. Đảng lãnh đạo bằng phương pháp hiện đại thì mới cạnh tranh được với các nước trên thế giới”, ông Lược kiến nghị.

Nguồn trích: https://thanhnien.vn/thoi-su/ts-vo-dai-luoc-quan-diem-kinh-te-nha-nuoc-la-chu-dao-dan-den-nguy-co-tham-nhung-1298478.html?fbclid=IwAR2Y6g842WoU2MjvR9Miso4lS781HJs70Ur-YyqkwYWXyJyOWqgScfvce08


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.