6153. Vài lời về sự chụp mũ “lật sử”

Vài lời về sự chụp mũ “lật sử”

PNTB


Năm 2017, khi tái bản bộ Lịch sử VN, có một số điểm mới, trong đó các nhà sử học đã bỏ thuật ngữ “ngụy quân”, “ngụy quyền”, thay vào đó là “Chính quyền Sài Gòn” hay “Quân đội Sài Gòn”… Từ đó, nhiều người “bên thắng cuộc” cũng nhận ra, không nói ngụy quân, ngụy quyền nữa.

Nhưng có một số người cho rằng, đó là “lật sử”. Nói vậy liệu có xúc phạm các nhà sử học? Đặc biệt là ý kiến của Hoàng Kiền, một thiếu tướng quân đội NDVN phát ngôn trên báo chí: “Bỏ “ngụy quân”, “ngụy quyền” công nhận “Việt Nam cộng hoà” là một âm mưu, một sai lầm lịch sử của những nhà sử học đang lật sử và sẽ lật tiếp…” (*).

Đọc bài viết tôi cảm thấy ngạc nhiên về một tướng lĩnh từng làm Tư lệnh Binh chủng Công binh, anh hùng Lực lượng vũ trang, mà có vẻ chỉ biết đánh nhau chứ không sâu sắc về khoa học và chính trị?

Lật sử là một khái niệm mới sinh ra, chưa có bộ từ điển tiếng Việt nào giải thích. Tuy nhiên có thể hiểu những người đặt ra từ này là nhằm đả phá, quy chụp sự nhận thức lại cho đúng bản chất của sự vật.

Thực ra Lịch sử là khách quan, không ai lật được. Nhưng nhận thức về sự kiện, sự vật có thể khác nhau nhất thời do vị trí, cách nhìn của mỗi chủ thể khác nhau. Nay đã có độ lùi thời gian, người ta có quyền nhận thức lại, sửa sai. Giống như khi vừa giải phóng đất nước, có người mừng quá lớn tiếng: kể từ nay không một kẻ thù nào dám xâm lược đất nước ta! Đó chỉ là sự bốc đồng tình cảm nhất thời. Song, nay lại thấy rõ nguy cơ đất nước có thể bị xâm chiếm bất kỳ lúc nào.

Nhận thức là một quá trình, nếu giữ mãi những nhận thức không đúng là chai sạn tư duy, là bảo thủ.

PGS. TS Trần Đức Cường, nguyên viện trưởng Viện sử học, chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam đã có cuộc chia sẻ cởi mở với báo chí về những điểm mới của bộ sách này (**).

Ông nói: “Chính quyền Việt Nam Cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam. Nó tồn tại trong gần 21 năm. Năm 1954 còn có một thể chế nữa gọi là Quốc gia Việt Nam. Sau đó đến năm 1955 thì Ngô Đình Diệm mới phế Bảo Đại để làm quốc trưởng, sau đó trưng cầu dân ý, bầu Tổng thống. Việt Nam Cộng hoà là nối tiếp của Quốc gia Việt Nam. Nhưng vấn đề phải nghiên cứu cho rõ nguyên tắc vận hành của chính quyền này là gì? Đó là một thực thể trên lãnh thổ Việt Nam. Trước đây, khi nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hoà, mọi người vẫn hay gọi là ngụy quân, ngụy quyền. Nhưng chúng tôi từ bỏ không gọi theo cách đó mà gọi là chính quyền Sài Gòn, quân đội Sài Gòn. Lịch sử phải khách quan, phải viết thế nào để mọi người chấp nhận.”

Qua nghiên cứu, tôi thấy từ “ngụy”, nói chung là Giả dối. Ngụy biện là biện bạch, là cố ý dùng những lí lẽ bề ngoài có vẻ đúng nhưng thật ra là sai, để rút ra những kết luận xuyên tạc sự thật. Ngụy tạo là bày đặt ra cái giả nhằm lừa dối. Ngụy trang là che phủ bên ngoài làm cho đối phương không phát hiện ra được. Ngụy kế là mưu kế gian dối…Tóm lại ‘Ngụy” là Giả.

Vậy thì các nhà khoa học lịch sử bỏ những từ “ngụy quân”, “ngụy quyền” đi bởi xét thấy thuật ngữ đó không còn phù hợp.

Một là về mặt khoa học ngôn ngữ thì không chuẩn. Bởi “ngụy” là giả. Anh cố tình bảo người ta là “giả” để chứng minh chỉ có mình là “thật” thì liệu có thuyết phục? Các nhà sử học khẳng định, “Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể”. Đó là một chế độ, một chính quyền tồn tại bằng thật, được thế giới công nhận là một quốc gia hợp pháp. Sao lại gọi họ là “ngụy”? Đó là về mặt khoa học.

Về mặt chính trị, dùng thuật ngữ ngụy quân, ngụy quyền là rất bất lợi cho đường lối hòa giải hòa hợp dân tộc của Đảng. Nó như một lưỡi dao cứa đi cứa lại mãi vào vết thương lòng người Việt Nam, nhất là những người của “bên thua cuộc” và một bộ phận không nhỏ đồng bào ta ở nước ngoài, hệ quả từ những cuộc di tản sau chiến tranh, những thuyền nhân…

Tại sao ông Kiền lại nặng lời chụp mũ các nhà sử học có “âm mưu” gì? Chẳng lẽ hòa bình, thống nhất gần nửa thế kỷ rồi mà trong đầu của ông vẫn căm thù, vẫn hằn học, vẫn nhìn đâu cũng thấy “kẻ thù” thì liệu chúng ta có thể bắt tay với ai? Một dân tộc không hòa giải, hòa hợp được với nhau thì làm sao có thể “làm bạn với các dân tộc khác” như chính sách đối ngoại của đảng, nhà nước Việt Nam, và có được sức mạnh? 

Điều đó, có chăng chỉ là ước muốn của nhà cầm quyền Trung Quốc, mong cho dân tộc VN luôn chia rẽ và suy yếu, dù đã thống nhất nhưng không thể hòa giải, hòa hợp, để dễ bề khuất phục và thôn tính?

Thiết nghĩ, mỗi con người cũng như một chế độ, chỉ có thể được coi là tử tế, có sức mạnh mềm, thu phục nhân tâm, khi không còn tư tưởng hận thù và hằn học.

Tài liệu tham khảo:

(*) https://ngheanthoibao.com/bo-pham-tru-nguy-quan-nguy-quyen-cong-nhan-che-do-viet-nam-cong-hoa-mot-am-muu-lat-su/

(**): https://m.tinhhoa.net/diem-moi-cua-bo-sach-lich-su-viet-nam-bo-cach-goi-nguy-quan-nguy-quyen-sai-gon.html

Nguyễn Ngọc Dương


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.