6152. Thế nào là Nghiêm Minh?

Thế nào là Nghiêm Minh?

PNTB


Đó là thuật ngữ do hai thành tố NGHIÊM và MINH ghép lại. “Nghiêm”, là “không cho phép có một sự vi phạm dù là nhỏ nhất và bất cứ ai, đối với những điều quy định” (Từ điển TV). “Minh”, là rõ ràng, minh bạch, không bị bất kỳ một hành vi nào che đậy.

Thuật ngữ Nghiêm minh thường được dùng trong việc xử trí những hành vi sai trái của con người như Kỷ luật và nhất là thực thi Pháp luật. Các vị lãnh đạo cao nhất của đảng, nhà nước VN luôn đề cao việc này (1)

Trong phiên xử vụ án Đồng Tâm, Viện Kiểm sát “Tái khẳng định việc truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội và đủ căn cứ”. Tuy nhiên, “VKS quyết định thay đổi tội danh truy tố đối với 19 bị cáo từ Giết người sang Chống người thi hành công vụ, là thể hiện sự khoan dung và nhân đạo” (2)

“Truy tố đúng người, đúng tội” nhưng “thay đổi tội danh” vì “khoan dung và nhân đạo”? Phó thường dân như tôi cũng thấy không lọt tai và có thể đặt câu hỏi, khi họ chen những vấn đề không thuộc quy định của pháp luật thay vì tình cảm “khoan dung và nhân đạo” để thay đổi tội danh các bị cáo thì Pháp luật có còn nghiêm minh không?

Mặt khác: trong quá trình xét xử (cả vụ Đồng Tâm và vụ Hồ Duy Hải) đều có quá nhiều điều Luật tố tụng bị coi thường, truyền thông nói rất nhiều. Ví dụ vụ Đồng Tâm, việc 3 chiến sĩ công an chết là có thật, nhưng nguyên nhân của cái chết rất mù mờ. Cáo trạng chỉ dẫn ra những điều do các bị cáo khai, còn chứng cứ thì không rõ ràng.

Ví dụ, bảo các chiến sĩ công an chết do họ rơi xuống hố rồi các bị can nhiều lần đổ xăng thiêu chết họ? Không một hình ảnh. Không một dấu vết chứng tỏ các bị cáo đổ xăng… Nhưng những người chấp pháp lại cố tình không dựng lại hiện trường? Thậm chí có vị là luật sư hẳn hoi cũng “Phản đối thực nghiệm lại hiện trường…” (3)

Dư luận vô cùng nghi ngờ điều này. Hôm qua tôi có đọc bài của Nhà văn Nguyên Ngọc. Ông kể về cái chết của nhà thơ Ngọc Anh năm 1964 khi nhà thơ phụ trách một nhóm văn nghệ đi biểu diễn cho đồng bào ở các làng thuộc Con Tum. Người ta phải tạo ánh sáng cho hàng trăm người xem bằng việc “khoét một cái lỗ, lót mấy lớp lá không thấm nước, đổ dầu lửa xuống đấy, che phía trên chỉ chừa lại một khoảng trống nhỏ, rồi nhúng một cái bấc vào và đốt lên... Ánh sáng cũng đủ cho các cuộc hát múa rộn rã… Đến khi ánh sáng đã hơi yếu do dầu cạn, lẽ ra phải chờ lửa tắt hẳn thì mới được đổ thêm dầu, rồi đốt lại. Nhưng Ngọc Anh đã vội vã và bất cẩn, bưng cả thùng dầu lửa còn lại rót thẳng vào ngọn lửa đang cháy. Dù chỉ còn le lói, lửa cũng bắt được dầu, bỗng cháy bùng lên, lập tức lan ngược theo dòng dầu đang rót xuống, và phủ cháy cả người cầm thùng dầu. Vậy là Ngọc Anh bị bỏng toàn thân”. Và Nhà thơ đã hy sinh.

Chỉ dầu lửa thôi đấy, nếu là xăng với tốc độ bắt lửa vô cùng khủng khiếp thì các bị can thay nhau đổ các chậu xăng vào “những cái xác đang cháy”, liệu hôm nay họ có còn mà ra trước phiên tòa nhận tội? Thế nhưng cơ quan tố tụng kiên quyết không phục dựng lại hiện trường để khẳng định các bị can có giết “những người thi hành công vụ” bằng cách đó không? Đó là những điều sơ đẳng nhất trong tố tụng hình sự, lại bị cố tình không thực hiện?

Thế thì làm sao dân chúng tâm phục khẩu phục các cơ quan Tư pháp, thậm chí sẽ gây ra sự hoài nghi, chia rẽ trong nhân dân, bởi mỗi người hiểu một cách. Trong tiệm cà phê, trong quán nước cũng cãi nhau ỏm tỏi…


Đó là hậu quả của việc thiếu nghiêm minh. Hay nói cách khác là coi thường pháp luật. TS Tô Văn Trường nói rằng “Kẻ chấp pháp đã “ngồi xổm” lên Luật tố tụng. Đúng vậy. Nền Tư pháp chỉ có thể đứng vững khi Pháp luật được thực thi nghiêm minh.

Chú thích:

(1): http://baochinhphu.vn/Phap-luat/Thu-tuong-Phap-luat-phai-duoc-thuc-thi-nghiem-minh/385633.vgp

(2): https://zingnews.vn/vks-noi-ly-do-doi-toi-danh-19-bi-cao-vu-dong-tam-post1129614.html

(3): https://nld.com.vn/phap-luat/phan-doi-thuc-nghiem-lai-hien-truong-3-canh-sat-hy-sinh-o-dong-tam-20200910112913315.htm

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.