6150. TRAO ĐỔI GIỮA DƯƠNG QUỐC CHÍNH VÀ HUỲNH THẾ DU (I)

 

TRAO ĐỔI GIỮA DƯƠNG QUỐC CHÍNH VÀ HUỲNH THẾ DU (I)

Các nội dung trao đổi từ 30/08-02/09/2020

Theo Con đường nào cho Việt Nam


HUỲNH THẾ DU

Sở dĩ tôi quan tâm đến những người như anh vì những việc anh làm là vì ý tốt của anh ấy là thúc đẩy sự phát triển. Việc anh bỏ rất nhiều thời gian để viết những bài đưa lên FB để thảo luận là rất quý và đáng trân trọng.

Tuy nhiên, anh theo cách mà Trạng Quỳnh đã làm mà tôi thấy chưa hẳn đã có lợi cho sự phát triển của Việt Nam. Hiện tượng người dân ghét quan chức hay chính quyền thì gần như ở đâu cũng có. Sự khác biệt có chăng là mức độ. Ở VN, vấn đề này từ xưa đến nay là khá nặng mà nó được thể hiện rất rõ qua nhân vật Trạng Quỳnh.

Suy cho cùng thì những việc làm của TQ là rất không nên cổ vũ, tuy điều đó đã mang lại tiếng cười sảng khoái cho nhiều người vì bọn quan lại và triều đình bị lừa hay chơi khăm và phơi bày cái xấu ra. Nhiều người vui vì thấy ghét quan lại ngày xưa hay quan chức/chính quyền ngày nay vì bị chơi cho những vố đau hay bị phơi bày cái xấu ra. Càng xấu, càng tệ thì càng thấy vui. Tuy nhiên đó chỉ là một phần của vấn đề chứ không phải bức tranh hoàn chỉnh.

Thủ pháp của TQ là chỉ tập trung vào mặt xấu và bôi nó càng đen càng tốt mà thôi. Điều này để mua vui chốc lát thì được chứ để thảo luận tìm ra giải pháp hay đường đi cho VN thì có lẽ không phải cách vì đối tượng cần nghe sẽ không bao giờ thèm nghe.

Tôi cho rằng, những bài của anh nếu chọn một cách tiếp cận trung dung và khách quan hơn thì tự nhiên bức tranh sẽ toàn diện và giá trị cho sự phát triển của xã hội cho dù số người thích có thể giảm một chút.

Tôi góp ý chỉ đơn giản vì thấy nếu cuộc thảo luận của những người quan tâm đến thời cuộc tập trung hơn thì có thể sẽ tốt cho VN hơn mà thôi.

Thú thực với anh và mọi người rằng, tôi đã quan tâm đến con đường phát triển của VN từ năm 1993 đến nay. Càng tìm hiểu càng thấy bí. Không phải vì cái thể chế hiện tại mà là đi như thế nào. Nếu nhìn vào một vài khía cạnh trên danh nghĩa thì VN có thể ở thái cực, nhưng xét tổng hoà (như xếp hạng chỉ số quản trị quốc gia của WB chẳng hạn) thì VN đang ở khoảng giữa của hơn hai trăm nước. Do vậy, ngay cả bây giờ giả sử VN có thể chọn đi theo bất kỳ con đường nào mà không bị ràng buộc gì cũng rất khó nói là đường nào sẽ thành công khi nhìn kinh nghiệm từ các nước đi trước.

Cái khó của VN không phải là đặc thù riêng mà là những vấn đề mà rất nhiều nước ở giai đoạn phát triển tương tự cũng đang gặp phải và cũng đang bí. Về lý thuyết có thể nói cứ nhìn theo các nước thành công mà theo. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy vì cái khó nhất là kiến thức ngầm ẩn gần như không thể chuyển giao.

Một ví dụ có thể dễ hình dung là Messi. Máy tính và các nhà chuyên môn có thể viết thành sách về tất cả các kỹ thuật chơi bóng của anh ta. Đây là điều các cầu thủ khác có thể bắt chước hay học được. Tuy nhiên cái chất Messi thì gần như không ai có thể học được.

Do vậy, muốn đưa các mô hình khác vào VN thì cần phải tìm hiểu rất rõ cái chất VN là gì và xem thử có thể đưa cái gì vào. Muốn có được điều này, bước đầu tiên là cần nhiều người cùng tìm hiểu thực tế của VN ở những góc độ khác nhau một cách khách quan.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH

Do chỗ đứng của tôi và anh khác nhau, nên cách tiếp cận và đề xuất vấn đề nó khác nhau. Tất nhiên không ai có khả năng giải quyết vấn đề mà chỉ có thể đề xuất.

Tôi chả có vùng cấm gì cả, chỉ có vùng cấm là pháp luật thôi. Còn anh từng ăn lộc triều đình, nên cách đặt vấn đề của anh phải khác.

Tất nhiên về kiến thức thì anh được học bài bản hơn tôi về kinh tế, bằng cấp nhiều hơn, nên có tiếng nói hơn với chính quyền và giới nghiên cứu. Nhưng tôi có tiếng nói riêng trong giới bình dân. Bởi vì bản chất cuối cùng vẫn là đúng hay sai, lập luận có thuyết phục hay không. Tôi không bịa chuyện để nói phét được, anh cũng không dễ mà bịp ai được.

Tôi hiểu anh cũng có những tâm tư riêng. Nhưng vì anh bị trói nên khó có thể đề xuất được giải pháp triệt để nhất.

HUỲNH THẾ DU

Cảm ơn anh đã trao đổi. Tôi xin tiếp tục một số ý như sau:

1. Đúng là chỗ đứng của anh và tôi có khác nhau. Anh chọn bên còn tôi chỉ có mục đích duy nhất là làm sao để VN có thể tìm ra con đường phù hợp để trở nên phát triển và văn minh.

2. Vòng cấm của anh là pháp luật còn vòng cấm của tôi là lương tâm. Hai cái này có cái trùng và có vùng không. Hơn thế, pháp luật mỗi nơi mỗi khác cũng rất khó biết như thế nào khi ngồi ở nơi này, nói chuyện nơi kia.

3. Tôi chọn cách tiếp cận như hiện nay là từ trải nghiệm và tìm tòi của tôi. Có lẽ do may mắn và cơ duyên nên tôi đã được tiếp cận về kinh tế thị trường và mô hình phương Tây (cụ thể hơn là của Mỹ) ngay từ ban đầu và có thời gian sống ở đó hơn 7 năm (như một thực nghiệm- field experience - vì sống đan xen cả Mỹ và VN).

Một việc tôi thấy cần làm là làm sao để có nhiều người chỉ dựa vào một cái neo hay vùng cấm duy nhất là lương tâm cùng suy nghĩ về con đường phát triển của VN. Anh là người có trí tuệ và đã tìm hiểu rất kỹ về vấn đề này nên tôi tin rằng anh sẽ sớm nhận ra trục trặc và có chút điều chỉnh thì mọi chuyện sẽ rất tốt lên. Việc tôi trao đổi với anh như là chất xúc tác vậy.

Nói về ăn lương và lộc, thì tôi đã hưởng của Mỹ từ hai thập niên qua rồi anh à (làm ở một tổ chức được tài trợ từ Mỹ, nhận học bổng của chính phủ Mỹ và học tập + nghiên cứu ở Mỹ ). Cái được của tôi còn lớn hơn nhiều. Đó là một tư tưởng tự do, khách quan, không bị lệ thuộc. Đây chính là kim chỉ nam cho hành động của tôi.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH

Tôi biết anh là người học rộng mà. Nhưng đấy là anh học về kinh tế thôi chứ chắc anh không học về khoa học chính trị.

Vấn đề kinh tế phát triển nó gắn chặt với chính trị và cả lịch sử. Đặc biệt là ở VN, khi mà mọi ngành, gồm cả kinh tế, bị chính trị kiểm soát. Nên bàn về kinh tế, chính trị VN thì đôi khi chuyên gia phương Tây cũng sai bét vì họ không hiểu rõ về chính trị VN nó vận hành ra sao. Có lẽ chuyên gia TQ bàn sẽ chính xác hơn.

Tất nhiên tôi quá hiểu XHDS VN đang có điểm yếu là gì. Ngay chính những người đang đấu tranh chuyên nghiệp cũng đang gặp rất nhiều vấn đề về nhận thức kinh tế, chính trị, lịch sử. Nên tôi cũng chả tin rằng họ có khả năng nắm quyền trong vòng 10 năm tới.

Tôi phản biện không phải để đảng CS sụp đổ ngay lập tức mà là để họ phải thay đổi tích cực hơn, để giữ uy tín cho chính họ và để những người có tài và có tâm được đứng trong bộ máy công quyền chứ không thể cứ duy trì 95% đại biểu QH là đảng viên, coi như vô hiệu hóa nó.

HUỲNH THẾ DU

Hơn chục năm qua, tôi tìm hiểu rất nhiều về khoa học chính trị và tìm về tận gốc từ những lập luận của Socrate, Plato, Aristotle đến những lý thuyết hiện đại gắn với public choice (lựa chọn công/tập thể) và các mô hình chính quyền gắn với các kiểu đảng phái. Tôi cũng tìm hiểu về cả chiều dài lịch sử của Việt Nam và những nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc,

Sau đó đặt VN vào những góc nhìn khác nhau để mổ sẻ thì thấy VN tính tổng hòa nằm đâu ở giữa các nước trên thế giới chứ không phải ở thái cực cho dù có một số vấn đề thuộc thái cực. Về cơ bản, VN đang ở mô hình quả đầu của Aristotle mà yếu tố tiêu cực dường như nhiều hơn tích cực.

Tôi đồng ý với anh chính trị và kinh tế chính trị mới là vấn đề chính ở VN hiện nay chứ không phải là kinh tế thuần tuý. Khi nhìn vào chính trị thì là quyền lực, lợi ích, thủ đoạn ... Do vậy, những ước mong thế này thế kia gần như chẳng ăn nhập gì cả. Như anh nói, làm thế nào để có thể chuyển sang quả đầu tốt (dựa trên thu hút tài năng) có lẽ là cách thức khả dĩ hiện nay. Nếu đi được như NB, HQ, ĐL thì tương lai sẽ khá sáng.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH

Vấn đề của VN là đảng CS quá tham, họ không tạo bất cứ kẽ hở nào cho người ngoài đảng tham chính, đó là điều mà không chế độ độc tài nào mắc phải. Chính vì thế nên họ mới vào thế tự hoại do không có người tài chịu vào đảng. Vì vào đó và tham gia bộ máy thì họ phải hèn người đi và mất tư cách. Đó là lý do tôi bảo người có tài thì tham, người thanh liêm thì ngu, đó là điểm yếu nhất của chế độ. Bây giờ có cách duy nhất là đảng phải chấp nhận rủi ro để tăng tỷ lệ người ngoài đảng vào QH và chính quyền. Ví dụ, cỡ giám đốc các Sở ít quan trọng có thể là người ngoài đảng. Có khoảng 20-30% người ngoài đảng là đại biểu QH. Và tỷ lệ đó có thể cố định ở mức độ an toàn cho đảng là 60%, 1 số bộ trưởng có thể ngoài đảng.

Khi làm được thế thì tự khác bộ máy sẽ hoạt động hiệu quả hơn và tất nhiên rủi ro mất chế độ cũng cao hơn.

Các chế độ quả đầu trước đây không hề chuyên chế bằng CS đâu

HUỲNH THẾ DU

Thực ra đảng phái nào cũng như các cá nhân đều vì vị trí hay cái ghế của mình cả. Do vậy, nói về tham thì ĐCSVN cũng như Dân chủ hay Cộng hoà ở Mỹ thôi. Vấn đề là việc vì vị trí hay cái ghế của mình tác động như thế nào đến lợi ích chung.

Việc tăng tỷ lệ người ngoài Đảng cũng đã được đề cập đến (như ông Lê Khả Phiêu đặt ra vào năm 2000 chẳng hạn). Nếu được kịch bản như anh nêu thì hay. Tuy nhiên về mặt chính trị thì cách thu hút người có khả năng gia nhập thường khả thi hơn vì nó ít đe dọa đến sự độc tôn của đảng cầm quyền hơn.

Ví dụ Singapore, Trung Quốc và Việt Nam. Ở Sing muốn có vị trí trong chính quyền vẫn phải là người của PAP. Tuy nhiên, điều Singapore làm được là tạo ra một đảng của người tài. Kết quả là bên đối lập rất tức, nhưng không làm được gì vì hội kia giỏi. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi trong thời gian tới khi di sản của ông Lý dần mai một.

TQ cũng làm được việc thu hút người tài vào Đảng. Trên thực tế, hệ thống của họ, yếu tố cạnh tranh dựa vào năng lực rất mạnh. Họ được kế thừa từ hệ thống tuyển chọn đội ngũ quan lại từ hồi phong kiến. Chính quyền của họ đã sử dụng lá bài chủ nghĩa dân tộc rất tốt nên họ đã tập hợp được sức mạnh và ý chí của cả dân tộc và hạn chế được những khiếm khuyết. Điều này giải thích qua kết quả họ đạt được trong mấy thập niên qua. Việc các nước phương Tây đánh họ, cũng có thể có một kết cục không mong đợi là họ sẽ càng mạnh hơn (khả năng này khá cao).

Trở lại vấn đề của VN. Tôi đồng ý với anh là ĐCS đang có những vấn đề hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ thì nó có một khả năng cảm nhận vấn đề và thay đổi hay quyết tâm đúng lúc. Ví dụ gần đây nhất là việc chống tham nhũng (cách đây chừng 5 năm thì rất ít người tin), hay Đổi mới vào năm 1986 chẳng hạn.

Tôi cho rằng trong các khả năng nhìn từ lăng kính khách quan thì khả năng có những thay đổi, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh hơn trong nội bộ của họ là cao hơn so với cách anh nêu.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH

Về vấn đề thu hút nhân tài thì VN hay TQ không bao giờ làm được như Singapore với đảng PAP. Bởi vì vấn đề thể chế, Singapore có CP tinh gọn, kinh tế thị trường đúng nghĩa, nên họ có đủ ngân sách để trả lương cho đội ngũ công chức khiến họ không có nhu cầu tham nhũng vì nghèo. Lương TTg Singapore vẫn cao hơn lương TT Mỹ.

Họ có cơ chế trả lương cạnh tranh được với doanh nghiệp bên ngoài, tức là công chức không thấy bị thua thiệt về kinh tế khi tham gia chính quyền.

Còn ở VN thì không thể làm điều đó, vì VN có quy mô nhà nước quá to, ngân sách luôn cạn kiện, không có cách gì trả lương cao cho công chức. Đến lương chủ tịch nước cũng chỉ tầm 18 triệu, thì công chức không thể không tham nhũng và không thể thu hút người tài vào bộ máy công. Bởi vì người tài vào đảng rồi làm công chức mà muốn có thu nhập trung bình là bắt buộc phải tham nhũng ít nhiều. Như vậy tức là làm công chức, nhất là lãnh đạo các cấp chính quyền, thì bắt buộc phải hèn người đi, mất tư cách đi, đồng nghĩa với công chức phải bị tha hóa về đạo đức. Đấy là điểm yếu chết người của đảng CS VN, tức là không thể có người tài và có tâm để phát triển đội ngũ kế cận.

Muốn thu hút được người tài vào đảng, làm công chức thì phải tăng được lương. Muốn tăng được lương thì phải giảm biên chế, giảm các cơ quan vô tích sự ăn lương ngân sách. Điều đó lại rủi ro cho đảng, vì chính sự phình to của bộ máy chính quyền là lá chắn bảo vệ đảng. Chính quyền càng nhỏ thì khả năng toàn trị càng thấp, sẽ rủi ro cho chế độ. Đó là vòng luẩn quẩn họ không thể rút ra được.

Còn việc mở rộng tỷ lệ ngoài đang trong QH sẽ không rủi ro nếu giữ giới hạn chiếm đa số vẫn là đảng viên. Ngoài ra họ vẫn có thể giữ điều 4 HP thêm đủ lâu để an toàn cho chế độ. Vấn đề là cần có tiếng nói phản biện chính danh từ QH, từ XHDS, chứ không phải từ FB.

Còn chuyện đốt lò mà anh cho là thành công, thì tôi lại cho là chỉ để thanh trừng lẫn nhau và để mua vui cho dân, lòe được mấy cụ hưu trí và đảng viên già. Đốt lò không tạo ra được cơ chế kiểm soát tham nhũng, giống như người ta thấy con mèo ăn vụng thì lấy roi đập nó cho nó sợ chứ không hề có giải pháp che đậy thức ăn và không để mèo đói.

HUỲNH THẾ DU

Đồng ý với anh là làm được như Singapore là khó tựa bắc thang lên trời đối với gần như rất nhiều nước chứ không riêng gì VN và TQ. Họ đã làm được điều không tưởng là người làm cho khu vực công (chủ yếu là PAP) vừa được danh, vừa được lợi.

Như Mỹ thì chủ yếu là danh. Nhiều người vào khu vực công sau khi đã thành công ở khu vực tư rồi nên thu nhập không thành vấn đề với họ. Tuy nhiên thu nhập về cơ bản là đủ cho công chức sống ở mức trung lưu (nửa dưới).

Các nước phát triển châu Âu thì khác một chút. Làm khu vực công cũng chủ yếu vì danh nhưng thu nhập cũng đảm bảo cuộc sống và con đường công chức đi theo nấc thang của mình nhiều hơn là nhảy ngang như Mỹ.

Nhật Bản thì pha trộn giữa Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, NB có chương trình công chức ra làm khu vực tư khá hay.

Vấn đề của VN thì như đa phần các nước đang phát triển. Lương không đủ sống mà ai cũng sống được và rất nhiều người muốn vào khu vực công. Lý do là nếu được vào những chỗ béo bở thì sướng cả đời.

Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra tham nhũng ở một mức độ nào đó là có tác động tích cực cho sự phát triển. Nó là cơ chế không chính thức giải quyết cái bất cập của cơ chế chính thức (không thể tăng lương để mọi công chức có thể sống ở mức xứng đáng với vị trí của mình).

Vấn đề đối với tham nhũng và chống tham nhũng là làm sao để cho nó khỏi quá với điển hình là Indonesia dưới thời Suharto và Philippin dưới thời Marcos. Tôi nhìn chiến dịch chống tham nhũng của VN tích cực là ở khía cạnh ngăn chặn được nguy cơ rơi vào vết xe đổ của nhiều nước. Tôi cũng biết mặt trái của chống tham nhũng và những vấn đề liên quan. Chống tham nhũng là một quá trình trường kỳ.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH

Tôi không phải là người cứng nhắc về chuyện tham nhũng. Thực tế là tôi cũng vẫn (phải) đi đưa tiền, vì biết là không thể tránh được. Với tôi thì tham nhũng ở 1 tỷ lệ chấp nhận được, giống như chi phí hành chính công, để công chức có động lực làm việc thì cũng chấp nhận được. Nhưng điều đó phải được luật hóa để có con số tỷ lệ kia hợp lý, có lợi cho cả công chức và "khách hàng". Khi được luật hóa, thì công chức sẽ không bị cắn rứt lương tâm khi cầm tiền, dù có ít đi 1 chút. Từ đó sẽ thu hút được nhiều người giỏi vào đảng và tham gia chính quyền. Nhưng thực tế việc này rất khó làm, vì nó có vẻ như vi phạm nguyên tắc tuyên truyền của đảng là "đầy tớ của nhân dân, vì nhân dân phục vụ". Thực tế họ cũng đã triển khai 1 số dịch vụ hành chính công lặt vặt và khá thành công, ví dụ như việc cấp CMND, bằng lái xe, công chứng...Tức là xã hội hóa 1 phần trong các thủ tục hành chính.

Về việc đốt lò hiện tại, tôi thấy nó chưa đưa ra được giải pháp nào bền vững mà mới đang ở mức độ đánh chó đập mèo cho nó sợ mà thôi. Chẳng khác gì việc ông Hải cẩu đập vỉa hè đâu.

Bởi vì việc đốt lò rốt ráo, triệt để sẽ tiêu diệt sạch cán bộ và cán bộ giỏi. Vì chính người giỏi, được việc, thì mới hay được đút lót, vì thế mà dễ vào lò.

Nguồn: https://www.facebook.com/groups/778019953000802

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.