6146. Đồng chí Ta, đồng chí Địch

ĐỒNG CHÍ TA, ĐỒNG CHÍ ĐỊCH

Tác giả: Lao Ta


(Bài này tôi in lần đầu trên Quechoa.com, một trang thông tin cá nhân uy tín và có lượt truy cập rất lớn, trước khi chủ trang, nhà văn nổi tiếng Nguyễn Quang Lập, một nhân sỹ yêu nước nồng nhiệt, bị bắt và Quechoa.com bị buộc phải đóng cửa. Sau đó nó được in lại trong cuốn SỐNG VỚI TRUNG QUỐC, do nhóm người yêu sách làm thủ công ngoài luồng, với nhiều phiên bản. Nhân dịp 20 năm Hiệp định phân định biên giới Việt-Trung, tôi đăng lại như một lời nhắc riêng bản thân mình)

______________________________________

Chỉ cần điểm qua cách xưng hô cũng thấy hiện lên một phần lịch sử quan hệ vừa bi vừa hài giữa Việt Nam và Trung Quốc, mà can dự rõ nhất là danh từ đồng chí.

Tình đồng chí giữa lãnh đạo hai nước đạt độ nồng ấm nhất vào những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi. Khi đó, mặc dù gần trăm triệu người dân Trung Quốc chết hoặc trước sau cũng chết bởi cuộc Đại cách mạng văn hóa, thì nó vẫn không ngăn được Tố Hữu, vì tình đồng chí, viết: “Trung Quốc đó bàn tay nào huyền diệu/ Đã nắn lại cả dung nhan dáng điệu/Mặt đồng khô xóa sạch những bờ ngăn/ Như mặt người tươi dãn những đường nhăn”.

Thân tình đến nỗi, trẻ con Việt Nam cũng gọi ông Mao là “Bác”. Đây là giai đoạn Trung Quốc muốn Việt Nam đánh Mỹ đến người cuối cùng, vì thế họ sẵn sàng là “hậu phương bao la của Việt Nam” như lời ông Mao! Nhưng hóa ra từ khi ấy, khi là đồng chí thắm thiết của nhau, khi “cùng chí hướng” giải phóng nhân loại, xóa bỏ biên giới, xây dựng thế giới đại đồng, “Bác Mao” đã chuẩn bị kỹ càng để chiếm đoạt biển đảo của “con cháu Bác” ở bên Việt Nam. Cú lừa để có cái Công hàm 1958 đầy bi hài là một bằng chứng.

Năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, lúc ấy do chính phủ Việt Nam cộng hòa kiểm soát. Chính Mao Trạch Đông ra lệnh. Vì là đồng chí nên Miền Bắc bắt buộc phải im lặng, như là chẳng liên quan gì đến mình, như là việc của hai quốc gia láng giềng. Dân chúng miền Bắc không hề có bất cứ thông tin gì, không hề có cảm xúc vì vậy họ không có chút cảm giác nào về chuyện mất mát lãnh thổ. Hoặc nếu một bộ phận hiếm hoi nào đó biết, thì lại thấy như đó là điều may mắn, vì kẻ thù (Việt Nam cộng hòa mà miền Bắc gọi là Ngụy quyền), mất đi một vị trí chiến lược có thể thọc vào sườn hậu phương xã hội chủ nghĩa! Danh từ đồng chí cho phép xác định Trung Quốc là bạn, còn người anh em ruột thịt phía Nam bị mặc nhiên coi là thù! Liệu có biến cố nào bi hài và thê thảm hơn trong lịch sử của người Việt?

Điều gì phải đến sẽ đến, mọi thứ nham hiểm của Trung Quốc nấp sau danh từ đồng chí cuối cùng cũng lộ mặt. Hơn 50 ngàn “con cháu bác Mao” (số ước tính của Hoa Kỳ) ở cả hai bên bị chết trong cuộc tắm máu nhau dọc 6 tỉnh biên giới, trong đó cứ một người rưỡi Tầu đổi một mạng An Nam. Năm 1979 Hà Nội ra sách trắng về quan hệ Việt-Trung, tố cáo Trung Quốc phản bội, chơi đểu, lợi dụng Việt Nam khó khăn để mưu thôn tính từ từ. Thế là chẳng có anh em con cháu gì nữa, chỉ đích danh “bè lũ phản động Mao” là những kẻ chủ mưu ăn thịt người Việt, sau khi đã no thịt người Hán. Trong Hiến pháp Việt Nam năm 1980 thậm chí còn ghi rõ Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp, lâu dài, nguy hiểm. Những nhà lãnh đạo Bắc Kinh đương nhiên là những kẻ xâm lược. Có bài báo công khai gọi đám con cháu của Tần Thủy Hoàng là “những con chó Trung Nam Hải”, còn Đặng Tiểu Bình thì là “thằng lùn cao bồi”. Chế Lan Viên, tác giả của câu thơ nôm na nổi tiếng “Bác Mao không ở đâu xa/ Bác Hồ ta đó chính là bác Mao” thì lúc ấy có hẳn cả một bài thơ “Vịnh thằng lùn”, viết chế nhạo về “thằng cao bồi” Đặng Tiểu Bình, khá dài, theo thể tự do, trong đó có câu, đại ý: Thằng lùn mặc quần bò/ Thằng lùn thích súc-cù-là…(Có lẽ vì lịch lãm nên nhà thơ không nỡ bảo thằng lùn thích cứt Mỹ nữa thôi!). Bài thơ này, nếu tôi nhớ không lầm thì in trong tập “Hoa trên đá” vào đầu những năm tám mươi. Nhưng không chỉ Chế Lan Viên- chỉ là nghệ sĩ, vốn nhạy cảm với thời tiết chính trị- mà trong vô số phát biểu của các chính trị gia chuyên nghiệp lúc ấy cũng không ngần ngại gọi các đồng chí thắm thiết một thời ở Bắc Kinh là lũ phản động quốc tế, bọn Đại Hán, những tên lính gác cho bọn tư bản….

Năm 1985, khi đó tôi đang đóng quân ở thị xã Lào Cai bị cả Trung Quốc và quân ta phá tan tành , vẫn còn thấy sáng nào hai bên cũng chĩa loa vào nhau qua sông Hồng, một bên réo Tập đoàn phản động Mao-Đặng, gán cho đủ thứ tội, một bên át đi bằng loa công suất lớn gấp bội, ồm ồm chỉ đích danh “bè lũ Lê Duẩn” kèm theo hàng chục kết án. Chúng tôi được chỉ huy chính trị quán triệt nhất nhất phải gọi Trung Quốc là bọn bành trướng Bắc Kinh. Trong 10 bài hát mà mỗi quân nhân đều phải thuộc hồi ấy, gọi là 10 bài hát điều lệnh, có bài Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới của nhạc sĩ Phạm Tuyên, trong đó có câu: “Quân xâm lược bành trướng dã man”. Ngày nào trước mỗi cuộc tụ tập, liên hoan, tất cả lại đồng loạt gào lên: “Quân xâm lược bành trướng dã man”.

Danh từ “đồng chí” biến mất khỏi mọi văn bản của Việt Nam, khỏi ngôn ngữ đời sống xã hội, chính trị, văn hóa… khi gắn với Trung Quốc. Ai dám cả gan dùng nó để xưng hô với Trung Quốc thì đích thị đó là kẻ vô loài, kẻ thiếu tư duy chính trị tối thiểu, kẻ có dã tâm bán nước theo chân Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống và đã kịp có thêm tên Hoàng Văn Hoan vào danh sách... Không ai lại “cùng chí hướng” với kẻ thù truyền kiếp! Kẻ nào dám đọc to bài thơ của Tố Hữu ca ngợi Trung Quốc, kẻ đó là tội đồ dân tộc!

Tình trạng đó kéo dài cho mãi đến sau năm 1990, mà rồi lịch sử sẽ hé lộ và vì thế mà chúng ta biết có cuộc gặp Thành Đô. Các nhà lãnh đạo Việt Nam, những người rõ ràng là rất lép vế trong hội nghị đó, có thể sẽ còn bị lịch sử chế giễu vì mất cảnh giác, khờ khạo, kém cỏi… nhưng tôi tin là tội của họ-nếu có-còn vì chút gì đó giống như sự “trong sáng” nữa. Họ thật tâm tin lời Trung Quốc. Rằng, sau sự sụp đổ thê thảm của Liên Xô, chủ nghĩa xã hội đang tan rã như băng gặp mặt trời và chỉ có thể được bảo vệ bởi Trung Quốc. Dù Trung Quốc là gã láng giềng hay chơi bẩn, thâm độc và ác hiểm, nhưng lại khả dĩ là nơi cố thủ an toàn cho giáo lý Mác. Vì, như ông Nguyễn Đức Bình, nhà lý luận hàng đầu của Đảng khẳng định: “Nếu thời đại hiện nay không còn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới nữa, thì đất nước Việt Nam chúng ta, Đảng Cộng sản Việt Nam từ nay sẽ đi theo con đường nào?”. (Một diễn đạt hoa hòe hoa sói của từ sẽ chết). Tức là số phận dân tộc đã bị đóng đinh câu rút, phải đi qua duy nhất một con đường hầm tên là “quá độ lên CNXH”, mà một đầu là thần chết! Không có lối thứ hai! Nguy cấp thế kia mà. Dọa nhau thế ai chả sợ, nhất là những người quen đánh nhau hơn là đọc sách!

Vâng, hoặc quá độ lên CNXH bắt buộc phải nối lại tình đồng chí với Trung Quốc, hoặc chết! Các vị hãy chọn đi. Thông điệp của nhà lý luận số một rất rõ ràng. Những nước khác, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singopore có cả ngàn lối đến tương lai, cũng kệ họ, không kẻ nào được phép ngó nghiêng. Nếu có trách thì chỉ có thể là: Ai bảo sinh ra là người Việt?

Ông Nguyễn Đức Bình và những người chủ trương như ông chỉ quên (hoặc cố tình không biết) một điều: các đồng chí Trung Quốc của họ chưa bao giờ coi Chủ nghĩa xã hội là thứ gì quan trọng. Chúng ta hãy đọc lời giáo huấn đầy tính mỉa mai sau đây của Mao về giáo lý Mác mà các đồng chí Việt Nam của ông ta thành kính tôn thờ: “Sở dĩ chúng ta nghiên cứu thuyết Các-mác không phải vì luận điệu tốt đẹp của nó, cũng không phải vì nó chứa đựng một phép thần diệu để trừ ma diệt quỉ. Nó không đẹp, nó cũng không thần diệu. Nó chỉ ích lợi. Có nhiều người cho nó là thần dược trừ bách bệnh. Chính những người này đã xem thuyết Các-mác là một giáo lý. Phải nói cho bọn họ hiểu rằng giáo lý họ tôn thờ không có ích lợi bằng phân bón. Phân bón còn làm giàu ruộng đất, giáo lý không làm được việc đó.”

(Dẫn theo cuốn Chính đề Việt Nam)

Hội nghị Thành Đô, cùng với những thỏa thuận ngầm vẫn còn trong vòng bí mật khiến tiếp tục gây đồn đoán, đã đưa danh từ đồng chí trở lại trong quan hệ hai nước, tạo ra một giai đoạn hòa bình tương đối không thể nói là không quan trọng cho Việt Nam, nhưng về cơ bản nó gây nên những thay đổi âm thầm số phận người Việt theo hướng tiêu cực là chính. Vì là đồng chí nên mọi việc lớn bé Việt Nam đều phải tham vấn Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Hà Nội tự nguyện làm “đồ đệ” của họ, chấp nhận phụ thuộc toàn diện. (Như tiết lộ mới đây của cụ Nguyễn Trọng Vĩnh về sự can thiệp của Trung Quốc vào vấn đề nội bộ không chỉ của Việt Nam, mà của bất cứ quốc gia nào, là vấn đề chọn nhân sự lãnh đạo đất nước). Trung Quốc âm thầm và ráo riết chuẩn bị mọi mặt để chiếm biển Đông nhưng lấy tình đồng chí làm vật che mắt Việt Nam. Vì tình đồng chí Việt Nam không dám công khai vạch tội Trung Quốc ăn hiếp ngư dân Việt, luôn phải gọi chệch đi. Tầu Trung Quốc rành rành nhưng phải gọi là “tầu lạ”. Suốt bao nhiêu năm Việt Nam không dám chọn bạn tốt để chơi (bất cứ quốc gia nào cũng tốt với Việt Nam hơn Trung Quốc), dù biết là có lợi lâu dài cho đất nước, chỉ đơn giản vì những người bạn ấy đều không cùng hội cùng thuyền với Trung Quốc, việc quan hệ với họ sẽ làm Trung Quốc phật ý. Ở trong nước, bất cứ ai nhắc đến dã tâm của Trung Quốc cũng bị coi là làm ảnh hưởng đại cục, phá quấy an ninh! Nhiều người chỉ vì lòng yêu nước mà gặp họa lớn? Trung Quốc tận dụng triệt để cái hàm thiếc đồng chí để kìm hãm Việt Nam, cả trong đối ngoại lẫn đối nội. Chưa bao giờ danh từ đồng chí mang lại nhiều lợi lộc cho Trung Quốc như giai đoạn hai chục năm vừa qua.

Tất nhiên người thiệt hại to lớn là Việt Nam.

Viết đến đây tôi bỗng muốn dừng lại để tìm về nguồn gốc của danh từ đồng chí. Nó là bùa chú gì mà giam hãm Việt Nam trong vòng cương tỏa của Trung Quốc đơn giản và nghiệt ngã đến thế, bi hài đến thế khiến số phận dân tộc cứ vật vã tơi bời bởi họ lâu đến thế và liệu nó còn tự tung tự tác đến bao giờ?

Hầu như mọi ngôn ngữ lớn đều có từ đồng chí, dùng như một đại từ, một định ngữ và chắc chắn lúc khởi thủy nó không mang mầu sắc chính trị. Nó đã được dùng tại Trung Quốc từ hàng ngàn năm, trước khi xuất hiện những người theo chủ nghĩa cộng sản. Trong những bang hội, những tổ chức xã hội đen có tổ chức, những băng nhóm chính trị hoạt động ngoài vòng pháp luật như Hội tam hoàng ở phương Đông, tổ chức 3K chuyên giết người tàn bạo ở Mỹ vì phân biệt chủng tộc, các thành viên của những hội ấy đều coi nhau là đồng chí. Đảng Quốc Xã của Hitler, kết hợp hoàn hảo giữa chủ nghĩa dân tộc cực đoan và Chủ nghĩa xã hội cũng xưng với nhau là đồng chí. Tình đồng chí sâu đậm nhất có lẽ thuộc về các thành viên của đảng Cộng sản Cam-pu-chia, với lãnh tụ là Pôn-pốt. Cùng một mục tiêu đi ăn cướp cũng là đồng chí. Chỉ đơn giản vì nó là cùng chí hướng, một khái niệm thuần túy ngôn ngữ. Nó chẳng hề có xuất thân danh giá như nhiều người vẫn tưởng và như vẫn tuyên truyền. Về sau nó được chính trị hóa và trở thành lối xưng hô riêng kiểu độc quyền của những người cộng sản, dùng như một đại danh từ, hoặc trong một số ngữ cảnh biến nó thành tính từ và như để tạo ra sự khác biệt về ý thức hệ trong giao tiếp với phần lớn thế giới còn lại. Nó giống như sự phân biệt giữa Quân chủ và Cộng hòa, giữa Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa…

Sau sự kiện giàn khoan HD-981, số phận của từ đồng chí trong văn hóa giao tiếp chính trị giữa Việt Nam với Trung Quốc lại một lần nữa trở nên mong manh và bi hài hơn bao giờ hết. Các báo của nhà nước đều dùng từ ông, ngài để gọi các lãnh đạo Trung Quốc. Lần đầu tiên sau hơn 20 năm, Đài truyền hình Việt Nam không dùng từ đồng chí trước tên Dương Khiết Trì khi đưa tin ông này sang Hà Nội. Bởi vì chính Trung Quốc đã làm cho từ đồng chí trở nên rất sống sượng. Chả lẽ qua ngần ấy biến cố, lộ rõ bộ mặt đểu cáng, dã tâm độc ác của Trung Quốc, lại vẫn là đồng chí (cùng chí hướng) của nhau thì thật lố bịch và ngu xuẩn? Cả trăm triệu người dân Việt đầy lòng tự trọng “quyết không đổi chủ quyền thiêng liêng lấy thứ hữu nghị viển vông” chắc chắn sẽ cảm thấy bị làm nhục và nổi giận. Xác đồng bào của họ vẫn còn bập bềnh trên biển Đông bởi súng đạn Trung Quốc. Chẳng ai chấp nhận cùng chí hướng với kẻ cướp đất nước của mình, giết anh em, đồng bào, người thân của mình, ngoại trừ phải gọi rõ ra là ĐỒNG CHÍ ĐỊCH!

Thực tế lịch sử quan hệ hai quốc gia suốt hàng ngàn năm qua (ít nhất là đến trước năm 1949) cho thấy chưa bao giờ người Việt cùng chí hướng với người Hán. Đơn giản vì lợi ích của Trung Quốc luôn đi kèm với việc thôn tính hoặc gặm nhấm Việt Nam. Hòa hiếu là điều kiện sống còn để tồn tại và phát triển. Nhưng Việt Nam muốn có hòa hiếu thực sự với Trung Quốc thì phải hoàn toàn độc lập với họ. Mà muốn vậy thì dân tộc phải là lợi ích cao nhất của mọi tính toán chính trị, được thể hiện trong chiến lược quốc gia tầm nhìn hàng trăm năm, là sản phẩm của tầng lớp trí thức tinh hoa hoàn toàn tự do và trong sạch, chứ không thể bị bó hẹp trong ý thức hệ của thiểu số và vốn chỉ là thứ nhất thời.

Không có cách nào khác.

Mọi ảo tưởng về sự mật thiết dựa trên tương đồng ý thức hệ hoặc sự gắn bó mang tính đảng phái, rốt cuộc chỉ là cách NGƯỜI VIỆT tự sát từ từ theo kịch bản của TRUNG QUỐC.


Nguồn: 

Fb Lao Ta

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.