6143. NGHĨ VỀ “BẮT SÂU”, “ĐỐT LÒ”

Nghĩ về “bắt sâu”, “đốt lò”

PNTB/ Nguyễn Ngọc Dương


Ai cũng biết, kể từ “đổi mới” đến nay “củi”,  “sâu bọ” sinh ra quá nhiều. Đảng, Nhà nước xoay sở đủ cách, nhiều người dân thấy mừng vì “củi tươi củi khô cũng cháy”. Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được mệnh danh là “người đốt lò vĩ đại”.

Thế nhưng mỗi sáng mở mắt ra đọc báo, không mấy khi là không thấy tin  “kỷ luật”, “bắt giam”, “khởi tố”, “truy tố”… hết ông quan này đến bà quan nọ. Nhưng người ta lại thấy “bình thường”, không còn xúc động như ngày trước, vì nó quá nhiều, quá quen. Có người bảo, đất nước mình “được” cái “sâu” “củi” vẫn không ngừng “tăng trưởng”.

Xem ra cứ ngữ này thì “lấy đâu ra cán bộ mà làm việc” như lo ngại của ông Nguyễn Sinh Hùng hồi còn làm Chủ tịch Quốc hội. Bà Nguyễn Thị Doan hồi làm Phó chủ tịch nước thì phàn nàn “họ ăn không từ một thứ gì”. Ông Trương Tấn Sang năm 2011 khi còn là Thường trực Ban Bí thư thì bảo, “một con sâu đã nguy hiểm rồi, huống gì một bầy sâu”...

Mấy năm trước cụ Nguyễn Phú Trọng cũng đã phát hiện ra vấn đề “cần nhốt quyền lực vào một cái lồng cơ chế lập pháp”. Tưởng cụ nghĩ ra đến đấy rồi thì làm tới, đổi mới để thành công, nhưng rồi chả hiểu sao cụ lại quay về dùng đức trị.

Cụ nêu gương phong thái giản dị của mình và tin tưởng, hi vọng rằng các đồng chí sẽ noi theo.

Cụ phát biểu nhiều bài diễn văn yêu cầu tổ chức đảng phải giáo dục đảng viên. Cụ phát động mạnh mẽ phong trào “học tập và làm theo… ” và tin rằng, “phê bình, tự phê bình”, tăng cường học tập đạo đức có thể hoán cải lòng tham lam quyền lực.

Cụ tốn rất nhiều công sức để chỉnh đốn đảng, từ siết chặt kỉ luật, kỷ cương đến đặt ra rất nhiều “quy trình”, “quy định” “tiêu chuẩn” rất chặt chẽ, hi vọng cán bộ, đảng viên sẽ ngoan ngoãn nghe theo.

Nhưng thực tế đã chỉ ra một điều đơn giản: Dao sắc cũng không gọt được chuôi.

Cụ từng nói: “kỷ luật vài người để cứu muôn người”. Nhưng thực tế đó chỉ là số phận của “những đồng chí chẳng may bị lộ”. Còn những “đồng chí chưa bị lộ” không phải là ít. Đảng đã từng nhận định đó là “một bộ phận không nhỏ”. Thực tế cũng cho thấy, việc xử lý những đồng chí bị lộ không hề làm thay đổi những đồng chí chưa bị lộ.

Có người cho rằng, không thể chữa bệnh quyền lực tập trung bằng cách tập trung thêm quyền lực. Làm vậy khác gì “đánh bùn sang ao”?

 

Muốn chống tham nhũng phải có CƠ CHẾ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC, nhưng cơ chế đó không thể dựa vào đức trị, rồi khi quan chức vi phạm thì “lộ đâu xử đấy” như kiểu phát ngọn cỏ dại, mà phải dựa trên Pháp quyền dân chủ.

Nghĩa là Báo chí phải được tự do, Tư pháp phải được độc lập, Tổ chức dân sự phải được mở mang, Cán bộ các cấp phải được nhân dân tham gia tuyển chọn; Mọi hoạt động của quan chức và cơ quan công quyền phải được công khai, minh bạch (trừ những “bí mật quốc gia” theo quy định) …

Đương nhiên tất cả đều do Đảng lãnh đạo. Nhưng “Đảng lãnh đạo” không có nghĩa là mọi cái đều do Đảng làm tất, quyết tất, thậm chí đến Tổ trưởng dân phố cũng phải là đảng viên, Quốc hội, HĐND đa số là đảng viên…

Bài học Cách mạng tháng Tám từ 75 năm trước còn đó. Cả nước Việt Nam lúc ấy chỉ có 5 nghìn đảng viên, chưa bằng 1/10 số đảng viên một huyện bây giờ mà Cách mạng thành công rực rỡ, bởi theo Chủ nghĩa Mac – Lê nin, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Ngày nay Hiến pháp vẫn ghi rõ là ở nước Việt Nam mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, trong thực tế mọi “quyền lực” đều do Đảng nắm cả, người dân chỉ được đứng ngoài vỗ tay…

Thế thì làm sao mà chống được tham nhũng, bởi chống tham nhũng cũng là “sự nghiệp cách mạng”, cũng do quần chúng quyết định, dù Đảng nay đã có 5 triệu 200 nghìn đảng viên, Đảng cũng không thể tự bảo vệ nếu không có sức mạnh của Nhân dân.

NND/ 27/8/2020


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.