6136. Làm Tuyên giáo bây giờ rất khó

LÀM TUYÊN GIÁO BÂY GIỜ RẤT KHÓ


Trong dịp Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập ngành Tuyên giáo có một vị cựu Trưởng ban Tuyên giáo ở một tỉnh nọ chia sẻ, tôi nghĩ bây giờ những người làm công tác Tuyên giáo phải là rất dũng cảm. Tuy nhiên có thể vì lý do tế nhị nên ông không giải thích.

“Bây giờ làm công tác Tuyên giáo phải là rất dũng cảm…”. Câu đó rất đáng suy nghĩ. Hơn nữa bài viết của T.S Vũ Ngọc Hoàng trên TNO với tựa đề: “…Tuyên giáo phải nhằm khai hóa văn minh cho Dân tộc” (1), nên đã thúc giục tôi viết tus này.

Cái tiêu đề “Tuyên giáo phải nhằm khai hóa văn minh cho Dân tộc”, có ý kiến phê phán. Nhưng thiết nghĩ quan trọng hơn là nội dung bài viết. Trong đó vấn đề then chốt là Tuyên giáo phải vừa khoa học vừa chính trị.

Ông Vũ Ngọc Hoàng nói: “Trong thực tế không ít trường hợp không tránh khỏi sự mâu thuẫn giữa tính khoa học và tính chính trị. Nên giải quyết thế nào? Phải dựa vào khoa học để làm căn cứ xác định và điều chỉnh các yêu cầu chính trị, chứ không phải ngược lại là lấy chính trị để bắt khoa học phải tuân theo, vì nếu vậy thì khoa học không còn là khoa học, và do đó các căn cứ để quyết định nhiệm vụ chính trị không còn đứng vững và chính trị chắc chắn sẽ bị chông chênh”.

Rất đồng tình với Vũ Ngọc Hoàng, tôi nghĩ, đó là vấn đề lớn, vấn đề vướng mắc nhất của Tuyên giáo. “Chính trị” nhìn chung là ý chí của lãnh đạo. Còn “Khoa học” bao gồm cả khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Nhưng tối thiểu “chính trị” của người Cộng sản là phải tuân theo khoa học của Chủ nghĩa Marx-Lenin, cụ thể là phép biện chứng duy vật, là nhận thức luận. Trong nhận thức luận của Marx có một nguyên lý rất quan trọng là “chân lý phải phù hợp thực tiễn” hay nói cách khác “Thực tiễn là thước đo của chân lý”.

Chúng ta không thể cứ “quyết tâm chính trị” theo tư duy cũ, khi thực tiễn đã thay đổi quá nhiều mà không chịu thay đổi tư duy. Thiết nghĩ, trong hoạt động, những chủ trương, đường lối chính trị của chúng ta phải luôn được điều chỉnh theo sự đổi thay của thực tiễn chứ không thể ngược lại, bắt thực tiễn phải theo “quyết tâm chính trị” của chúng ta. Đó là điều mà Khoa học Marx-Lenin đã chỉ ra là Duy tâm, Duy ý chí.

Trong thực tế từ Đường lối chiến lược đến những chủ trương cụ thể đã có không ít những vấn đề khi mang áp dụng vào thực tiễn thì bị “chông chênh”. Trong khi đó, đã có không ít các nhân sĩ, trí thức góp ý, phản biện… muốn được thay đổi để phù hợp thực tiễn, đưa đất nước phát triển, nhưng có vẻ nhiều điều không được những người có trách nhiệm tiếp thu. Đã thế, có khi những góp ý tâm huyết của họ lại bị “chụp mũ”, khiến nhiều người sợ hãi. Điều đó chỉ có lợi cho những kẻ nịnh bợ, xun xoe, tô hồng cả những điều mà anh ta biết rõ là sai. Bởi lẽ thông thường khi đã là “quyết tâm chính trị” của lãnh đạo rồi thì việc thay đổi sẽ “khó như lên giời”, có những ý kiến phàn nàn như vậy…

Trước mâu thuẫn này, Tuyên giáo phải theo cái gì? Tuyên giáo mà theo khoa học thì trái “quyết tâm chính trị”, nhưng cố thực hiện “quyết tâm chính trị” thì bắt buộc phải lờ khoa học đi. Và lúc đó xã hội khó chấp nhận Tuyên giáo. Tuyên giáo lại là tiếng nói của Đảng mà những lời nói của Tuyên giáo bị thực tiễn bác bỏ thì nhân dân chỉ biết nói với nhau rằng, họ “nói một đằng làm một nẻo”. Thực tiễn không chứng minh cho lời nói là đúng. Đó là sự “chông chênh, không đứng vững”. Đó là cái khó của tuyên giáo.

Thực tế trong công cuộc đổi mới từ 1986 đến nay có rất nhiều vướng mắc và chưa thành công trong thực tiễn, phải chăng đã minh chứng cho “quyết tâm chính trị” thì cao nhưng khoa học thì còn thiếu?

Một ví dụ: 14 năm trước, 2006, ông Nông Đức Mạnh, TBT Đảng phát biểu rất hùng hồn: “Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng thành công tốt đẹp đang mở ra một giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn nhằm sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” (2). Tin tưởng ở lãnh đạo cao nhất, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua lao động sản xuất phấn đấu hàng chục năm sau, đến tận 2020 ngoảnh lại, chưa thấy cái mục tiêu tốt đẹp đó đâu cả…

Những câu chuyện như thế không ít. Có thể dẫn thêm một ví dụ nữa. Ngay sau chiến thẳng 1975, cả nước bước vào “Thời kỳ quá độ lên CNXH”. Thế rồi gần nửa thế kỷ trôi qua, gần đây ông GS-TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phải thừa nhận: “Lộ trình phát triển đất nước ta thời kỳ quá độ là thế nào “là vấn đề rất vướng, chưa rõ, lâu nay chưa làm được” và cần tiếp tục nghiên cứu” (3). Một vấn đề thuộc về “con đường” đi của đất nước mà suốt gần nửa thế kỷ vẫn “vướng mắc, chưa rõ”…thì có lẽ cần phải xem lại, điều chỉnh như thế nào, theo phương pháp luận khoa học của Chủ nghĩa Marx-Lenin? Đơn giản là phải nhận thức rõ thực tiễn đất nước, Thực tiễn thế giới ngày nay ra sao?...

Ngay cả trong quan hệ đối ngoại của chúng ta với các nước trên thế giới, ví dụ như với Trung Quốc, với Mỹ… cũng nên nhận rõ thực tiễn bây giờ thế nào? Quốc gia nào quan hệ chân tình, nói sao làm vậy? Quốc gia nào lộ diện là không thật, nói một đằng làm một nẻo? Quốc gia nào có cùng lợi ích với VN, quốc gia nào trong quan hệ chỉ muốn thôn tính biển đảo của chúng ta, làm hại nền kinh tế - xã hội của chúng ta?…Tất cả đều phơi bày ra cả, đều diễn ra trong thực tiễn cả. Và, chính thực tiễn sinh động đó cho chúng ta thấy cần phải điều chỉnh chủ trường, đường lối như thế nào để đất nước có thể vươn lên…

Nếu không thì rất khó cho Tuyên giáo…

-----------------

 

Chú thích nguồn:

(1): https://thanhnien.vn/thoi-su/90-nam-ngay-truyen-thong-nganh-tuyen-giao-tuyen-giao-phai-nham-khai-hoa-van-minh-cho-dan-toc-1259181.html

(2): https://tuoitre.vn/viet-nam-tro-thanh-nuoc-cong-nghiep-nam-2020-135290.htm

(3): https://thanhnien.vn/thoi-su/qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bao-lau-co-may-chang-duong-can-tiep-tuc-lam-ro-1235976.html


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.