6123. LỖI HỆ THỐNG


LỖI HỆ THỐNG
Tác giả: Nguyễn ngọc dương
·         Post Author:Nguyễn Tú Minh

BBT“Lỗi hệ thống?” là bài biết của một cán bộ hưu trí, từng là giảng viên trường Đảng tỉnh.Bài viết tiếp cận vấn đề từ những nguyên lý cơ bản của Triết học Marxism và quan điểm Lịch sử – cụ thể, để chỉ ra những vấn đề cần phải xem xét lại về một số Chủ trương, Đường lối của Đảng khi thực hiện Cơ chế thị trường định hướng XHCN. Bài viết cũng xác định một tiêu chuẩn quan trọng của cán bộ là Dân Tin. Vậy cơ chế và cách làm nào để chọn được Cán bộ Dân tin? Xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Dương . Bay Lên Việt Nam mời các thành viên cùng thảo luận.

Cốt lõi của “đổi mới” từ Đại hội VI – 1986 là đưa được Kinh tế thị trường (xưa nay vẫn cho là của CNTB) vào thay cho thể chế Kinh tế Kế hoạch hóa tập trung, một thể chế suýt nữa đưa Đất nước xuống vực. Còn nhớ, sau vụ ‘Giá Lương Tiền’, Đảng từng có đánh giá: “Nền kinh tế đất nước đang đứng trước bờ vực thẳm”.
 
Thời bao cấp
Đó là sự “vật vã” để ra đời cái mới tiến bộ thay cho cái cũ đang làm chao đảo xã hội, là cuộc đấu tranh gay gắt trong nội bộ Đảng giữa những người ‘cấp tiến’ mà đại biểu là Tổng Bí thư Trường Chinh với một bộ phận bảo thủ trong lãnh đạo Đảng lúc đó, không chịu “đổi mới tư duy”, sợ “chệch hướng”. Vì thế đồng chí Trường Chinh phải đặt lên bàn cân nghị sự câu hỏi: “Đổi mới hay là chết?”.

Tuy nhiên, sự hoảng sợ về “nguy cơ chệch hướng” vẫn bao trùm, nên kết quả của “nghị sự” phải đưa thêm vào “Kinh tế thị trường” mệnh đề “Định hướng xã hội chủ nghĩa”, có người nói, đó là sự thỏa hiệp giữa hai luồng quan điểm đối lập, để Nghị quyết của Đảng được ra đời: Thể chế kinh tế vận hành theo Cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một thể chế riêng có của Việt Nam.

Nhiều người cho rằng, “cơ chế thị trường” hoàn toàn mâu thuẫn với “định hướng XHCN”, nhưng không ai nghiên cứu chỉ ra những mâu thuẫn cụ thể trong quá trình tổ chức thực hiện, kể cả Hội đồng lý luận Trung ương.
Sau 1/3 thế kỷ, hình như chưa ai hiểu “định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì. Cuối năm 2013, ông Bùi Quang Vinh Bộ trưởng Bộ KHĐT trả lời các nhà báo: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm” (1) Và nay, ông Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận TW cũng phải thốt lên: “Thời kỳ quá độ là vấn đề rất vướng, chưa rõ, lâu nay chưa làm được, cần tiếp tục nghiên cứu…” (2)
Nhìn vào thực tiễn trong hơn 30 năm đổi mới, cái gì được, cái gì chưa được thực ra nay cũng đã khá rõ. Khi áp dụng Kinh tế thị trường đem lại hiệu quả ngoạn mục so với thời kỳ “kế hoạch hóa tập trung quan liêu”, và thực sự đã cứu Đất nước trước nguy cơ sụp đổ, tôi không nhắc lại nữa. Nhưng mặt hạn chế của nó dường như đều sinh ra từ mâu thuẫn của “cơ chế thị trường” với “định hướng xã hội chủ nghĩa”?
Tôi xin mạnh dạn nêu 3 điểm quan trọng về những mâu thuẫn này mà nay chưa được tháo gỡ.
I..“ĐẤT ĐAI SỞ HỮU TOÀN DÂN, GIAO NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ”

Đó là đường lối rất Việt Nam, đã đưa vào Hiến Pháp 1980, trước ĐH VI. Đó chính là “định hướng XHCN” – theo mô hình “Kế hoạch hóa tập trung” trước đổi mới.
Phải chăng cơ chế này xuất phát từ quan điểm của Chủ nghĩa Marx – Engel về CNCS là “công hữu hóa tư liệu sản xuất”? Luận điểm đó của Chủ nghĩa Marx có lẽ phải thực hiện theo lộ trình. Nhưng phải chăng, Đảng đã thực hiện nó quá sớm, khi chúng ta chưa có, thậm chí còn lâu mới có CNXH. Ngay TBT Nguyễn Phú Trọng có lần đã đặt câu hỏi: “Không biết trăm năm nữa liệu đã có CNXH hay chưa?”. Thế mà chúng ta đã vội vàng lập ra cơ chế “đất đai sở hữu toàn dân” như một hình thức “công hữu hóa TLSX” của xã hội CSCN, thì đó liệu có phải là “đốt cháy” giai đoạn? Cũng như mô hình HTX nông nghiệp “làm chung ăn chung” theo kiểu LX, TQ cũng có thể là nhận thức thô thiển về Chủ nghĩa Marx đã gây ra sự khốn khổ cho nông dân một thời kỳ. Cuối cùng Bộ Chính trị phải ra NQ 10 “khoán hộ” để cứu vãn tình hình. Và kết quả rất khả quan là Nông nghiệp VN từ chỗ không đủ ăn đến Xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới. Việc ra NQ 10 của BCT chứng tỏ trước đó chúng ta đã có sai lầm?
Tuy nhiên, khi chưa chấp nhận cơ chế thị trường thì “đất đai sở hữu toàn dân” chưa phát sinh xung đột. Ruộng đất tập trung cho HTX, người nông dân chỉ được chia 5% (gọi là “đất 5%”) để tự sản xuất cải thiện và xã hội vẫn chưa đến mức rối loạn.
Nhưng sau khi chấp nhận cơ chế thị trường thì quan điểm về đất đai “sở hữu toàn dân” không còn yên ổn nữa. Nó đã sinh ra nhiều mâu thuẫn, nhiều hệ lụy.
Kinh tế thị trường đòi hỏi Giá cả phải theo quy luật cung cầu của thị trường chi phối, chứ không thể theo sự áp đặt kiểu “bao cấp”. Thời bao cấp, từ cái ăn, cái mặc đến những vật dụng sinh hoạt đời thường của từng người dân như cái kim sợi chỉ, Nhà nước cũng phải lo cụ thể bằng tem phiếu. Lúc ấy, Đảng lãnh đạo phải chỉ cho người dân “trồng cây gì, nuôi con gì” như một kiểu “bắt tay chỉ việc”. Mãi sau này, tư duy đó vẫn trong não trạng một số cán bộ. Tư duy đó có vẻ như không tin vào sức sáng tạo của nhân dân? Đó là trái quan điểm của Chủ nghĩa Marx – Lenin. Tất nhiên, trong bối cảnh đó, “đất đai sở hữu toàn dân”, cũng chưa ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, chưa phát sinh mâu thuẫn.
Nhưng khi có Cơ chế thị trường, thì “đất đai sở hữu toàn dân giao nhà nước quản lý” đã nghiễm nhiên tạo cho lãnh đạo chính quyền các cấp quyền được “định đoạt đất đai” dưới danh nghĩa “phục vụ lợi ích chung”. Còn người dân không có quyền thực thi nào, kể cả mảnh đất mà bản thân họ sở hữu từ thủa cha ông. TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Văn phòng Quốc hội đã viết: “Đất đai sở hữu toàn dân, nhưng người dân không có cách nào thực thi quyền sở hữu của mình”. “Quyền sở hữu đất đai” nghiễm nhiên bị những người có quyền lực trong chính quyền các cấp thao túng. Cơ chế ấy rất khó tránh tham nhũng. Cơ chế ấy giúp họ làm cho giá đất có lợi cho Doanh nghiệp và lãnh đạo chính quyền với DN móc nối với nhau để “chung chi”, để hình thành “nhóm lợi ích”.
Ví dụ: có rất nhiều Doanh nhiệp BĐS phất lên nhanh chóng trong những năm qua, nhờ cơ chế này. Họ được chính quyền lấy đất của người dân theo Luật “đất đai sở hữu toàn dân”, rồi định giá 210.000đ /1m². Nhưng Doanh nghiệp xây nhà lên bán với giá hàng chục triệu đồng/m², chưa kể chồng lên nhiều tầng thì 1m² mặt bằng có hàng trăm triệu. Không phải “một vốn bốn lời” mà “một vốn 40, thậm chí 140 lời”. Và lúc này dù có phải “treo cổ”, họ vẫn làm! DN dù có phải lót tay cho các ‘chữ ký’ rất hậu, nhưng họ vẫn say sưa lao vào BĐS như thiêu thân lao vào lửa…
Người dân mất đất, mất kế sinh nhai, chỉ được bồi thường giá ‘bèo”. Họ không chịu và khiếu kiện. Nhưng cả hệ thống chính trị không ai giải quyết vì “vướng cơ chế”. Thế là tức nước vỡ bờ, biểu tình, phản đối… hậu quả là bị CQ đàn áp, điển hình như Hưng Yên, Dương Nội, Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng… Đã có đổ máu không phải vì chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà đổ máu giữa chính quyền với nhân dân, một việc làm tối kỵ trong giải quyết mâu thuẫn nội bộ, theo quan điểm của Đảng.   
Vấn đề đất đai đã sinh ra quá nhiều bất cập trong Kinh tế – xã hội. Quốc Hội cũng đã thừa nhận: 70- 80% các vụ khiếu kiện thuộc lĩnh vực đất đai. Hàng đoàn dân oan, hàng trăm vụ cưỡng chế đất gây bi thương và bất ổn khắp đất nước, khiến lòng dân không yên, xã hội rối loạn.
Nhưng nguy hại hơn cả là, với cơ chế thị trường, đất đai theo “định hướng…” đã sinh ra “nhóm lợi ích” khiến nhiều quan chức các ngành, các cấp từ địa phương đến Trung ương, từ dân sự đến quân sự… giàu lên nhanh chóng do tham nhũng, tha hóa chủ yếu nhờ chính sách đất đai.
Từ đó rất đau xót là Đảng đã mất nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp, vì họ không cưỡng lại được cái ‘bả làm giàu’ do chính sách đất đai mang lại và cuối cùng, nếu bị lộ thì chấp nhận…vào “lò’.
II. “LẤY KINH TẾ NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ ĐẠO”

Theo Cương lĩnh chính trị của Đảng và Hiến Pháp VN: “Các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật”. Tuy nhiên, khi “Lấy Kinh tế nhà nước (KTNN) làm chủ đạo” thì trong thực tế nó đã tạo ra sự bất bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Các DNNN đều có “chủ sở hữu” là các Bộ chủ quản với danh nghĩa “nhà nước quản lý”. Quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) với Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là quan hệ giữa QUYỀN và TIỀN. Vì vậy khó có thể tránh được việc hình thành “nhóm lợi ích”. Cơ chế hình thành nhóm lợi ích cũng rất đơn giản: dưới cái bóng “DNNN là chủ đạo”, những cơ quan chủ quản liệu có thể khách quan, công bằng, hay lại thao túng chính sách nhằm có lợi cho DNNN “của họ”? Chỉ riêng điều đó sẽ khiến nhiều DNNN hư hỏng, làm ăn bạt mạng…

Hơn 30 năm đổi mới, DNNN đã tự chứng tỏ là hoạt động kém hiệu quả. Chỉ riêng kết quả Kiểm toán nhà nước (Kiểm toán NN) 2019: Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lỗ nặng, nợ hàng chục ngàn tỉ khó đòi.
Một dây chuyền của TISCO II, đắp chiếu từ 2012
Ví dụ lỗ lũy kế đến hết năm 2017 của Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí là 3.377 tỉ đồng; Âm vốn chủ sở hữu như Công ty CP Hóa dầu và xơ sợi dầu khí âm vốn 1.780 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất 1.159 tỉ đồng; Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) có 7 khoản đầu tư ngoài ngành lỗ lũy kế lớn. Rất nhiều DNNN lãng phí đất đai vô kể.
Qua kiểm toán 253 doanh nghiệp nhà nước, Kiểm toán NN đánh giá khái quát hoạt động của nhiều “ông lớn” chưa hiệu quả … Số nợ khó đòi cũng lớn, như của công ty mẹ – PVN 11.368 tỉ đồng; Công ty CP Phát triển địa ốc Sài Gòn 5.191 tỉ đồng…
Đặc biệt, nhiều hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả. 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án (tổng chi phí 773 triệu USD), dự án Danan – Iran và dự án Junin 2 – Venezuela dừng, giãn tiến độ (660 triệu USD), 2 dự án tại Peru đang xin chủ trương chuyển nhượng (849 triệu USD)”… (3)
Tại sao DNNN có nhiều ưu thế nhất mà lại kém vậy?

Thứ nhất, về cán bộ quản lý DNNN là do Đảng, Nhà nước bố trí. Phải chăng cứ đủ “tiêu chuẩn chính trị” (theo định hướng), không nhất thiết phải giỏi chuyên môn và kỹ năng kinh doanh? Và liệu có tránh được những nhân vật bất tài, nhưng có “dây mơ rễ má” với người nhà nước không? Tuy nhiên “bơi” trong môi trường cạnh tranh của cơ chế thị trường thì những cán bộ quản lý đó khác nào như “lính văn phòng” ra trận?

Thứ hai là, vốn liếng, đất đai, tài nguyên… đều do nhà nước đầu tư, không ai phải bỏ tiền túi, nên chẳng chủ đầu tư nào thấy “của đau, con xót”. Người quản lý DNNN như kẻ đi làm thuê, chứ không phải làm việc của nhà mình như các ông chủ tư nhân. Những hiện tượng lãng phí “của chùa”, nhất là việc sử dụng vốn liếng, đất đai, tài nguyên quốc gia khá phổ biến. Phải chăng được quản lý những khối tài sản khổng lồ nhưng không phải của mình, lại thiếu tư duy kinh tế, thiếu trách nhiệm với đất nước, nên dẫn đến lỗ lớn, nợ công, nợ xấu chồng chất, ô nhiễm môi trường nặng nề…
Kết quả là lời lãi thì họ tìm cách rút ruột bỏ túi, lỗ thì nhân dân chịu, nhà nước trắng tay, mà chả ai làm sao cả, trừ số rất ít bắt được quả tang tham nhũng lớn hoặc vô trách nhiệm làm thất thoát nghiêm trọng. Rõ ràng là cơ chế đã tạo ra lớp người “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”…. Vậy là DNNN trong cơ chế thị trường, được coi là “chủ đạo” thì không thể có cạnh tranh lành mạnh bởi nó bất bình đẳng ngay từ đầu?
Gần đây, khi có nhiều ý kiến về sự kém hiệu quả của DNNN, Đảng chủ trương cổ phần hóa, tư nhân hóa nhiều DNNN, nhưng việc thực hiện luôn bị chậm trễ, các bộ chủ quản có vẻ dây dưa, níu kéo… Có trường hợp lợi dụng chủ trương cổ phần hóa để biến tài sản quốc gia thành tài sản tư nhân, điển hình như vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn mà một quan chức của tỉnh nói “rẻ như cho”, khiến nhà nước thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Ngược lại có trường hợp còn “nhà nước hóa” doanh nghiệp tư nhân với giá “trên trời” như vụ AVG khiến hai bộ trưởng phải vào “lò”. Nói chung đều liên quan đến những vị có trách nhiệm trong cơ quan công quyền.
Những cb lâm vòng lao lý ở vụ AVG
Có những ngành không nhất thiết phải độc quyền như điện, than, xăng dầu… nhưng các bộ không chịu buông, cứ quyết tâm “ôm chặt”, núp dưới chiêu bài bảo vệ “an ninh năng lượng”…  Còn nhớ hồi ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, đã có ĐBQH hỏi “xoáy” rằng, thưa Thủ tướng, sao Thủ tướng bận trăm công nghìn việc mà còn ôm 19 tập đoàn kinh tế và mấy chục Tổng Công ty 91 làm gì?… Vậy là Dân biết cả…
Một khi đã là cơ chế thị trường thì những “tư duy định hướng” theo cơ chế Kế hoạch hóa – tập trung, nhất định không còn phù hợp. Có lẽ Đảng đã nhận ra điều này, nên chủ trương phải thực hiện “cơ chế thị trường đầy đủ”…nhưng không có tác dụng, bởi chẳng ai muốn thay đổi, khi nó làm mất những miếng mồi béo bở của những người ăn theo cơ chế cũ, chỉ dựa vào nhà nước, không biết phát huy trí tuệ để làm giàu cho đất nước.
Động lực phát triển lành mạnh của cơ chế thị trường là sự cạnh tranh bình đẳng, không có sự “ưu ái” nào hết. Đằng này Nhà nước vẫn ‘ôm’, chỉ vì những cán bộ có quyền lực muốn dựa vào DN để “ăn theo” nên đã thao túng chính sách, nuôi dưỡng những DN làm ăn thất bát. Mà thực ra chỉ thất bát với dân với nước, chứ không thất bát với người được giao quản lý. Khi làm hỏng việc, nhiều DNNN lại cầu cứu Chính phủ hỗ trợ, như thể những đứa “con nghiện” nằng nặc xin tiền cha mẹ để “cai”. Nhiều Doanh nghiệp sống dở chết dở, khiến nhà nước “bỏ thì thương, vương thì tội”. Điển hình như Vinashin, Vinalines, TISCO II và nhiều Xí nghiệp “đắp chiếu” khác.


Ví dụ gần đây nhất có câu chuyện không hiếm như “Tổng công ty Xi măng: Dự án “khủng” đắp chiếu, tài sản nghìn tỷ “bốc hơi” (4)
Vậy là chủ trương “Kinh tế nhà nước là chủ đạo” chỉ để nhằm đáp ứng cái “định hướng XHCN” của thể chế “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” liệu có còn phù hợp thực tiễn đất nước?
III. ĐỔI MỚI CHÍNH TRỊ


Sự áp đặt của Kiến trúc thượng tầng chính trị lên Cơ sở hạ tầng kinh tế được biểu hiện rất rõ ở thời kỳ Kế hoạch hóa tập trung. Như chúng ta đã biết, lúc đó từ sản xuất đến tiêu dùng đều do Đảng, Nhà nước lo. Ví dụ, ở nông thôn, mỗi vùng miền, địa phương qua mỗi kỳ Đại hội đảng, nông dân muốn ‘trồng cây gì, nuôi con gì’, đều nằm trong Nghị quyết của Đảng & kế hoạch Nhà nước.

Như vậy là trái nguyên lý của Chủ nghĩa duy vật lịch sử đã khẳng định “Cơ sở hạ tầng kinh tế quyết định Kiến trúc thượng tầng chính trị”. Khi xử lý vấn đề theo hướng “lấy Chính trị áp đặt Kinh tế” thì vô tình hay hữu ý, chúng ta đã chuyển từ quan niệm Duy vật biện chứng (của Marx) sang Duy tâm chủ quan – Duy ý chí?…  Và kết quả đã khiến nền kinh tế đất nước càng ngày càng lụn bại, bắt buộc chúng ta phải đổi mới như đã biết.
Tuy nhiên, sau khi đổi mới Kinh tế, bằng vận hành theo “Cơ chế thị trường định hướng XHCN”, nhưng Đảng lại chưa đổi mới chính trị, mặc dù khi đổi mới Thể chế kinh tế, Đảng đã có chủ trương tiếp theo phải từng bước đổi mới chính trị cho phù hợp.

Có lẽ vì phải “Định Hướng XHCN”, nên dù Cơ sở hạ tầng kinh tế đã thay đổi, nhưng Kiến trúc thượng tầng chính trị vẫn “bất di bất dịch”, bởi nhiều người sợ rằng, đổi mới chính trị sẽ dẫn đến “chệch hướng”? Đó chính là điểm bế tắc nhất của công cuộc đổi mới, đưa sự lãnh đạo của Đảng vào thế “tiến thoái lưỡng nan”: Không đổi mới chính trị thì vi phạm nguyên lý phương pháp luận của Chủ nghĩa Marx, mà đổi mới thì sợ “chệch hướng”, mất “CNXH”?
Vậy nếu Đổi mới chính trị thì phải làm gì?
Tôi nghĩ, đổi mới chính trị rất rộng, không thể làm ngay một lúc, mà cần có lộ trình. Nhưng trước hết và tối thiểu Đảng nên chọn khâu then chốt, đó là Công tác Tổ chức & Cán bộ . Việc này lẽ ra phải làm từ ngay sau đổi mới 1986. Bởi vì Tổ chức & Con người là quyết định, phải đi trước. Muốn làm một việc gì, trước hết phải có Tổ chức và Con người phù hợp đã.

Ở đây, về đổi mới Tổ chức & Cán bộ, tôi chỉ xin nêu về mặt nguyên tắc: Nếu ở thời kỳ Cơ sở hạ tầng theo thể chế Kế hoạch hóa tập trung, thì bộ máy và cán bộ do Đảng đặt ra có thể cơ bản đáp ứng nhiệm vụ. Bởi mọi hoạt động của bộ máy và đội ngũ cán bộ đều theo “kế hoạch” có sẵn và chủ động. Xã hội tạm thời chấp nhận. Tuy nhiên, khi đã theo Cơ chế thị trường, một cơ chế vận hành theo Quy luật khách quan thì đòi hỏi Bộ máy tổ chức và Cán bộ phải đáp ứng sự vận động đó. Từ lâu, Đảng đã từng có quan điểm: “Đặt ra Tổ chức phải xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ”, tức là, Tổ chức – Cán bộ phải do nhiệm vụ quyết định, chứ không phải ngược lại.

Thế mà nhìn vào thực tế, cho đến nay, chủ yếu chúng ta đã thành lập mới hoặc giữ lại những bộ máy, những kiểu cán bộ dường như rất “cũ kỹ, lạc hậu”, vẫn như thời Kế hoạch hóa tập trung hoặc trước đó, cho nên không đáp ứng được những nhiệm vụ do Kinh tế thị trường đặt ra. Không ít trường hợp chỉ vì Con người cụ thể mà “đẻ” ra Tổ chức. Ví dụ như một dạo Đảng đặt ra “Hội đồng cố vấn của BCH Trung ương”, cũng chỉ vì nể mấy cụ có quyền lực đã nghỉ hưu. Cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan có câu nói tâm đắc rằng: “Mỗi người phải biết lượng sức, đừng bao giờ nghĩ mình là người không thay thế được… Mỗi cá nhân phải biết dừng đúng lúc, đúng cách… Nếu đẻ ra ngoại lệ sẽ sinh lắm chuyện lôi thôi. Người ta phải biết cách sống, không phải mọi điều mình muốn đều có thể”.

Suy nghĩ sâu về Công tác tổ chức của Đảng từ sau đổi mới, chúng ta nhận thấy Công tác Tổ chức cán bộ đã sản sinh ra hoặc giữ lại một Hệ thống có nhiều tổ chức “thừa”, thực sự ít tác dụng, mà dư luận xã hội lâu nay đã có nhiều ý kiến. Nhiều người cho rằng, bộ máy cồng kềnh đã ngốn một lượng ngân sách quá lớn, nhưng hiệu quả thì thấp. Ví dụ, cần xem lại nhiều Ban đảng trùng lắp với các Bộ của Chính phủ. Rồi hệ thống các Đoàn thể chính trị ra đời từ thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, những năm ba, bốn mươi của thế kỷ trước, nay vẫn hoạt động như “một cánh tay nối dài của Đảng & Nhà nước”. Như vậy liệu có cần thiết không?
Trong khi đó, hiện nay khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu vào môi trường quốc tế như EU (Hiệp định EVFTA & EVIPA) thì họ không chấp nhận tổ chức Công đoàn (kiểu cũ) và yêu cầu VN phải lập ra một Tổ chức Công đoàn khác mang tính độc lập hơn… Từ năm 2015, khi đang làm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh trong một lần trả lời phỏng vấn Đài BBC đã nói rõ: “Cái hệ thống bộ máy của Việt Nam cần phải chuyển đổi để nó phù hợp với mô hình mới. Đó là một nền kinh tế thị trường, mà chúng ta vẫn gọi là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam và phù hợp với những cam kết quốc tế thì phải có một bộ máy năng động, phản ứng kịp thời với những thay đổi của bên ngoài, của thế giới, khu vực và của cả những cái thách thức từ bên trong” (5)
Đấy là về “Bộ máy”. Còn về Công tác cán bộ thì có quá nhiều vấn đề. Nhưng có lẽ, trước mắt Đảng nên tập trung ở hai lĩnh vực: 1. Tiêu chuẩn cán bộ và 2. Cơ chế tuyển chọn cán bộ .

Điều này có nhiều người đề cập, tôi không muốn nói kỹ, nhưng Đảng nên dựa trên nguyên tắc của Chủ nghĩa Marx – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về Dân chủ XHCN mà đặt ra Tiêu chuẩn cơ chế tuyển chọn cán bộ.
Dân chủ rất quan trọng. Giả định: Tiêu chuẩn số Một của cán bộ trước hết phải được Dân tin, dù là Đảng viên hay ngoài đảng, chứ không hẳn Tiêu chuẩn số Một là “Trung thành với Chủ nghĩa Marx-Lenin, với Đảng…”. “Trung thành…” thì đúng rồi, nhưng nó trừu tượng và không có thước đo nào, nên không ít cán bộ miệng nói “trung thành” nhưng trong hoạt động lại phản bội lại điều mình hứa. Đó là những cán bộ mất dân chủ, ức hiếp nhân dân, tham nhũng, lãng phí, tha hóa đạo đức và lối sống… khiến dân oán ghét. Như thế là không trung thành với Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì từ Marx, Lenin, Hồ Chí Minh đến Đảng đều khẳng định làm cách mạng là chỉ vì Nhân dân, chứ Đảng không có quyền lợi riêng nào khác; Đảng không biệt phái…

Vì thế, nếu đặt tiêu chí “Dân tin” lên trên hết, trước hết thì sẽ dẫn đến loại bỏ được những người tham nhũng, sống xa hoa lãng phí, xa rời cuộc sống nhân dân, đua nhau xây biệt thự, biệt phủ… Nếu đặt tiêu chí “Dân tin” lên trên hết, trước hết, thì cơ chế bầu cử trong Đảng, ngoài Đảng đều phải dựa vào Dân, Dân sẽ loại bỏ được những cán bộ đó ngay từ “vòng gửi xe”. Bộ máy của Đảng, Nhà nước sẽ trong sạch, không cần phải đề ra nhiều trang ‘tiêu chuẩn’, ‘tiêu chí’ nhưng cán bộ học mãi không thuộc.
Tất nhiên, cơ chế đó cụ thể như thế nào thì đương nhiên Tổ chức của Đảng phải nghiên cứu.
Cũng mong có một cơ chế tuyển chọn cán bộ như thế, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trong bài trả lời phỏng vấn nói trên đã nhấn mạnh: “Phải làm sao Việt Nam đang phải nghiên cứu để có được cái chọn lựa là Cơ chế nào để người dân được tham gia vào việc chọn ra người lãnh đạo cao nhất cho đất nước và cũng có thể hạ bệ họ, nếu như họ không làm được những lời hứa trước Nhân dân, trước Dân tộc”? Đấy là điều quan trọng. Nếu cơ chế mà dựng lên được mà lại không cho xuống được, là một cơ chế không giúp cho đất nước phát triển được” (5)
Dân tin cán bộ tức là tin Đảng và Nhà nước. Chỉ cần một yếu tố đó, Đảng với Dân sẽ là một, không trở ngại khó khăn nào mà Đảng không vượt qua, vì sức Dân là vô địch. Dân đã tin Đảng thì không có bất kỳ thế lực phản động nào phá hoại được sự nghiệp của Đảng.
Chủ trương “Đảng nắm cán bộ” là đúng. Nhưng cán bộ đó, từ cấp cao nhất phải được Đảng viên và Nhân dân tuyển chọn trực tiếp, nên bớt hình thức gián tiếp, càng gián tiếp càng xa ý nguyện của Nhân dân. Đảng Lãnh đạo chỉ nên định hướng bằng nguyên tắc khoa học, chứ không nên áp đặt cách bầu chọn mà hình thức thì có vẻ dân chủ, nhưng thực chất đều do Tổ chức định đoạt. Chính điều này tạo kẽ hở cho nạn “chạy chức, chạy quyền” bất khả kiểm soát. Và vì vậy, đội ngũ lãnh đạo các cấp sẽ xuất hiện nhiều người không xứng tầm, thậm chí lọt vào những người bị nhân dân oán ghét…
Trên đây là vài nét chấm phá về Đổi mới Chính trị. Thực chất cũng là đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trên tinh thần hướng đến một nền dân chủ hóa đất nước. Chỉ có như vậy Đảng mới nhận được sự tin cậy & đồng thuận của Nhân dân.

Tháng 7/2020. Nguyễn Ngọc Dương
Chú thích:



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.