6115. LƯỢC BÀN VỀ “THỜI KỲ QUÁ ĐỘ…”

LƯỢC BÀN VỀ “THỜI KỲ QUÁ ĐỘ…”
PNTB

Ông GS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận TW, 
tại Hội nghị báo cáo viên TW sáng 10/6/2020 - Ảnh TNO

Nhân việc ông GS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận TW nói rằng: “Thời kỳ quá độ (TKQĐ) là vấn đề rất vướng, chưa rõ, lâu nay chưa làm được…”, tôi xin lược bàn thêm.

Theo học thuyết Marx-Engels, Hình thái Cộng sản chủ nghĩa (CSCN) ở giai đoạn thấp gọi là Chủ nghĩa xã hội (CNXH), nó chỉ có thể ra đời khi Chủ nghĩa Tư bản (CNTB) đã phát triển đến ĐỈNH CAO NHẤT của nó, khi những MÂU THUẪN NỘI TẠI của nó buộc phải chuyển sang một hình thái xã hội mới - Xã hội XHCN & CSCN. Quá trình chuyển đổi đó gọi là TKQĐ.


Tuy nhiên sau này V.I. Lenin vận dụng trong điều kiện ở Nga, cho rằng cách mạng vô sản có thể nổ ra và thiết lập nên nhà nước Xô viết ở “mắt xích yếu nhất trong sợi dây chuyền của Chủ nghĩa Đế quốc”…Và ông đã lãnh đạo thành công Cách mạng XHCN tháng Mười, cho ra đời một Nhà nước Xô Viết – kiểu mới.

Nhưng đối chiếu với quy luật vận động của Phép biện chứng duy vật (PBCDV) cũng như Chủ nghĩa Duy vật lịch sử của Marx-Engel thì nhà nước Xô viết ra đời như một sự “chín ép” – chưa phải LƯỢNG ĐỔI - CHẤT ĐỔI? Hay nói cách khác, chưa có một lực lượng sản xuất (LLSX) phát triển cao để thiết lập Quan hệ sản xuất (QHSX) XHCN. V.Lenin biết rõ điều đó, từ năm 1921, ông đã đưa ra “Chính sách kinh tế mới” (NEP), trong đó nhiều lần ông hô hào phải học tập CNTB, phải tiếp thu Khoa học kỹ thuật, công nghệ, cách thức sản xuất của CNTB, phải sử dụng chuyên gia Tư sản, phải học văn hóa tư sản…Ông từng viết: “Cái mà chúng ta thiếu nhất hiện nay là một nền văn hóa tư sản thực sự”.

Nhưng rất tiếc, V. I. Lenin mất sớm, chỉ sau 7 năm xây dựng mô hình xã hội mới, cho nên những ý tưởng của ông sau này bị áp đặt, không tôn trọng quy luật và hậu quả là 1991, Liên Xô & Đông Âu sụp đổ. Các nước khác còn cố giữ mô hình này theo kiểu của mình thì trở nên méo mó, bất cập, loay hoay “tìm lối ra”, nhưng mấy chục năm vẫn không rõ (như ông Phú nói). Đó phải chăng là hậu quả của việc chưa tôn trọng PBCDV của Marx ?

Hầu hết các nước XHCN đều chưa qua CNTB. Liên Xô, Đông Âu,Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Triều Tiên… đều xuất phát điểm từ Phong kiến, hoặc tiền Tư bản “nhảy cóc” lên CNXH, nóng vội thiết lập hình thức sở hữu QHSX XHCN, trong khi chưa có LLSX, chưa có Văn hóa quản trị tương thích… vì thế nó trái quy luật.

Sau hàng trăm năm phát triển, CNTB ngày nay đã điều chỉnh ngoạn mục về mô hình CNTB của nó, đưa thế giới TBCN đạt được những mục tiêu về phát triển kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ hiện đại và năng suất lao động cao; quản trị đất nước dựa trên nền pháp quyền tư sản ở mức độ cao, do đó dân chủ, nhân quyền được tôn trọng; cuộc sống tự do của con người cơ bản được bảo đảm; văn hóa xã hội phát triển theo chiều hướng văn minh…Tóm lại, chí ít cũng hơn hẳn những nước đang theo “con đường XHCN” hiện nay. Tại sao khi Bắc Kinh muốn ép Hong Kong, Đài Loan vào Trung hoa lục địa, thì người dân ở những nơi này quá sợ hãi và kiên quyết đấu tranh để đòi được độc lập theo con đường tự do của thế giới tư bản? Câu trả lời là, chẳng ai muốn sống ở cái thể chế tự nhận là XHCN nhưng thực chất lại độc tài, mất dân chủ.

Nói cách khác, CNTB ngày nay đã khác xa thời kỳ 1921, khi Lenin ban hành NEP, kêu gọi học tập CNTB. Ngày nay CNTB tiến bộ cả về LLSX, QHSX, các quan hệ chính trị, pháp quyền, dân chủ, dân sinh và văn hóa… mà những người ghét CNTB nhất vẫn phải thừa nhận. Phải chăng những nước này mới là điểm xuất phát đi lên CNXH? Trong bài “Đâu là CNXH?”, tôi đã nói: “Các nước TBCN, nhất là Bắc Âu họ đang tiến lên… CNXH (!?)”.

Vậy chúng ta có nên kỳ thị với những thành quả tiến bộ của CNTB hay không? Có cần học tập họ một cách nghiêm túc không? Một trăm năm trước, khi làm Cách mạng XHCN ở Nga, dù CNTB là “kẻ thù” của xã hội mới, V.I. Lenin vẫn yêu cầu học tập CNTB mà lúc đó nó còn rất nhiều khiếm khuyết. Nay nó đã phát triển như thế, chẳng lẽ ta vẫn cứ coi nó là “kẻ thù”, không thèm học, mà chỉ “ăn cắp vặt” của nó vài “ngón” làm ăn để áp dụng vào mô hình riêng, không giống ai, (như TQ ăn cắp công nghệ Mỹ mà gần đây ông Trump đã cảnh cáo). Như thế đâu phải là tư duy khoa học?

Việt Nam đi lên CNXH không phải từ CNTB, càng không phải là CNTB phát triển cao, thậm chí còn ở điểm xuất phát là xã hội Phong kiến với nền Kinh tế tiểu nông và Văn hóa Khổng tử đậm đặc tính chất Phong kiến đã đè nặng hàng nghìn năm trong não trạng con người… Thế mà, khi hoàn thành Cách mạng giải phóng dân tộc, đưa đất nước lên CNXH, ta không những không “học” CNTB như V.Lenin đã dạy (để tạo “Lượng” mong chuyển “Chất”), mà thậm chí còn “đánh tư sản” bằng cuộc “cải tạo…” chí chết, làm mất hết cả một lớp Tư sản Dân tộc, lẽ ra nếu biết tiếp thu, họ sẽ rất hữu ích cho đất nước trong TKQĐ. Ta sợ dây vào những gì của CNTB thì nó làm xấu CNXH nên thấy bóng dáng TBCN là ‘dị ứng’?

Tuy nhiên năm 1986, Đảng đã “đổi mới”, đưa Kinh tế thị trường vào thể chế kinh tế XHCN, khiến một thời gian ngắn đất nước phát triển ngoạn mục, nếu không, chưa chắc nay Đảng còn giữ được vị trí lãnh đạo? Bởi lúc ấy ông Trường Chinh đã nói thẳng “Đổi mới hay là chết?”, nghĩa là không đổi mới thì chỉ chọn được cái chết. Rõ ràng là cực chẳng đã phải chấp nhận Kinh tế thị trường (của CNTB) và gọi đó là “đổi mới” để cứu Đảng… Nhưng thực ra có mới đâu, người ta làm hàng trăm năm rồi… Thế nhưng vì còn sợ nó giống với CNTB, nên phải thêm vào cụm từ “định hướng XHCN” để tránh “chệch hướng” (?!). Và mãi đến nay vẫn lúng túng.

Thưa các ngài GS, PGS, TS… của Hội đồng lý luận TW, các ngài phải thực tâm vì đất nước mà mang kiến thức đã học ra phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, chứ đừng vì bất kỳ lý do gì mà để cho những vấn đề vốn đơn giản về lý luận lại đi vào bế tắc. Lý luận rất nhiều lời, lắm chữ mà cuối cùng không rõ, khiến cứ luẩn quẩn với khó khăn, và đến nay vẫn nói: “TKQĐ là vấn đề rất vướng, chưa rõ, lâu nay chưa làm được, cần tiếp tục nghiên cứu…”

Xin thưa, trong khi các ngài còn đang nghiên cứu lý luận về “bước đi trong thời kỳ quá độ lên CNXH” mãi chưa ra, thì các nước trong khu vực đã bỏ xa chúng ta; nạn tham nhũng ở nước ta càng chống, có vẻ càng phát triển, mất bao nhiêu cán bộ cao cấp, tướng tá rồi mà bộ máy chắc gì đã sạch sẽ?. Đó là hai trong “bốn nguy cơ” đã được cảnh báo từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (01/1994) và thực ra đã hiện hữu hàng chục năm. Đảng nói, chính nó đe dọa sự tồn vong của Đảng.

Đến nay, 94 triệu dân VN liệu còn phải tiếp tục “kiên trì, kiên định” làm “chuột bạch”, để thí nghiệm mãi cho những thứ lý luận giáo điều của các ngài nữa không?

(Ảnh: Ông GS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận TW, tại Hội nghị báo cáo viên TW sáng 10/6/2020 - Ảnh TNO)

Nguyễn Ngọc Dương/PNTB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.