6114. ĐÂU LÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI?


ĐÂU LÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI?

 Các vị lãnh đạo thường nhắc nhở đảng viên và người dân phải “trung thành”, “kiên định” Con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN). Nhưng nhiều người hỏi nhau: CNXH là gì nhỉ? Thực ra, ít nhiều họ cũng được nghe, được học, nhưng đa số vẫn cảm thấy lơ mơ.

Từ sau đổi mới (ĐH VI-1986) và sau khi Liên xô sụp đổ, để làm rõ cơ chế: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” thì suốt hơn 30 năm chúng ta vẫn lúng túng. Còn ông Bùi Quang Vinh thì trả lời các nhà báo: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”https://www.thesaigontimes.vn/114301/Cai-cach-the-che-tu-cau-hoi-chua-co-loigiai.html. Về “Kinh tế thị trường” thì thế giới đã áp dụng hàng trăm năm rồi, cái “không có” mà ông Vinh nói ở đây là cái phần “định hướng XHCN”

Vậy CNXH là gì, có hay không?

Khi công bố Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (tháng 2/1848), Marx – Engels đã nêu ra rất nhiều loại CNXH khác nhau cho đến lúc đó. Cụ thể như ‘CNXH Phong Kiến’, ‘CNXH tiểu tư sản’, ‘CNXH Đức hay CNXH “chân chính”, ‘CNXH bảo thủ hay CNXH tư sản’, ‘CNXH không tưởng - phê phán’. Tất cả các loại hình CNXH đó, Marx-Engels đều chỉ ra những bất cập và chế nhạo ý tưởng tốt đẹp của các nhà tư tưởng, họ đều dùng khái niệm CNXH nhưng không mang lại cuộc sống tốt đẹp thực sự cho con người.

Ví dụ hai ông đã nhạo báng bọn quý tộc Phong kiến chủ trương CNXH Phong kiến như sau: “Các ngài quý tộc đã giương cái bị ăn mày của kẻ vô sản lên làm cờ để lôi kéo nhân dân theo họ, nhưng nhân dân vừa chạy lại thì trông thấy ngay những phù hiệu phong kiến cũ đeo sau lưng họ, thế là nhân dân liền tản đi và phá lên cười một cách khinh bỉ”. (Marx – Engels -Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản).

Như vậy, rõ ràng Marx – Engels, đâu có quan tâm đến cái tên, cái hình thức ngôn ngữ “CNXH” hay “CNCS”. Cái mà các ông quan tâm là một xã hội thực sự hạnh phúc cho tất cả mọi người. Ở đấy không còn áp bức, bóc lột, không còn “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, ở đấy có sự bình đẳng, bác ái, có cuộc sống mà “người với người là bạn” chứ không phải “người với người là chó sói”…

Những người học Chủ nghĩa Marx chắc chắn không thể quên, đã nhiều lần các ông tuyên bố: “Học thuyết của chúng tôi không phải là những mô hình, công thức cụ thể, mà chỉ là phương pháp luận”. Vậy “CNXH” hay “CNCS” mà Marx – Engels nêu ra chỉ là nhưng mô hình tiên đoán của các ông. Mà tiên đoán thì có thể đúng, có thể sai. Chưa kể, liệu cái CNXH ấy sau này có còn là của Marx – Engels hay nó đã biến dạng thành một thứ CNXH khác?… Tất nhiên, đúng hay sai, đáp án của nó là THỰC TIỄN. Theo nhận thức luận mac xít thì: “Thực tiễn là tiêu chuẩn của Chân lý”. Nếu nó đáp ứng tư tưởng nhân văn của các nhà kinh điển thì đúng, nhưng nếu nó phản ánh ngược lại thì không phải là CNXH của Chủ nghĩa Marx - Lenin.

Nhìn lại lịch sử, sau khi Marx-Engel mất, V.I. Lenin tiếp thu học thuyết đó và lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Mười -1917, thiết lập Nhà nước Xô viết đầu tiên và dần dần đã phát triển thành Hệ thống XHCN thế giới…Tiếc là Lenin mất sớm, và mô hình XHCN Xô viết sau này được Stalin và Mao Trạch Đông biến thành một thứ “CNXH” có rất nhiều vấn đề.

Vì thế “CNXH” tồn tại được 74 năm thì đổ vỡ từ trung tâm của nó là Liên bang Xô Viết và Đông Âu, nghĩa là, theo Phép biện chứng duy vật (PBCDV) của Marx thì tự nó đã chứng minh cái mô hình XHCN đó là sai lầm. Nhưng nhiều người lại nuối tiếc, cố tìm các “nguyên nhân khách quan”, đổ cho “thế lực thù địch, phản động” cho “âm mưu diễn biến hòa bình”, thậm chí đổ lỗi cho cá nhân người đứng đầu Đảng CS Liên xô lúc đó để cố chứng minh cái mô hình XHCN đó là đúng. Họ không nhìn thấy  quy luật khách quan của sự đổ vỡ là mâu thuẫn tự thân của sự vật. Cuối cùng họ không dùng nguyên lý của Marx để soi xét: “Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”. Sau khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, đến nay chưa thấy một nghiên cứu nào vạch ra nguyên nhân khác, ngoài mâu thuẫn nội tại của chính mô hình XHCN Xô viết gây nên.

Nhìn vào thực tế, ta thấy sự tan rã CNXH không hề làm cho những quốc gia đó tồi tệ hơn, trái lại, đất nước của họ đang được cải thiện về nhiều mặt. Trong khi đó những nước còn “sót” lại mang mô hình XHCN Xô viết như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Bắc Hàn…thì đều gặp nhiều khó khăn, bất cập...

Nói riêng Trung Quốc và Việt Nam chúng ta thấy đã có những động thái cố gắng “đổi mới” để giữ cho được “CNXH”, nếu không cũng đã đổ theo quy luật tất yếu như các nhà kinh điển đã chỉ ra? (Năm 1986, đồng chí TBT Trường Chinh chẳng đã nói: “Đổi mới hay là chết” đó sao?)

Công bằng mà nói, sau 30 năm đổi mới, ban đầu Việt Nam đã khởi sắc về kinh tế so với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, do tiếp thu kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sau một thời gian, càng ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Việt Nam vẫn thuộc loại “đất nước không chịu phát triển” như chuyên gia đã khẳng định và tụt hậu so với khu vực… Đặc biệt là trên các lĩnh vực Chính trị, Văn hóa, Xã hội thì càng tụt lùi, nhân cách con người xuống cấp trầm trọng, quan chức tham nhũng tràn lan, khiến người dân thất vọng… Còn Trung Quốc tuy kinh tế cũng khởi sắc như “con hổ châu Á vừa thức dậy”, nhưng lại phát sinh quá nhiều bất ổn xã hội, bởi sự phát triển dựa trên lợi dụng dân công giá rẻ của một quốc gia tỉ dân, ăn cắp công nghệ của các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật và cũng phát triển bằng mọi giá kiểu ‘ăn xổi ở thì’,…nên hệ lụy về văn hóa, xã hội, tham nhũng, ô nhiễm môi trường…còn nặng nề hơn cả Việt Nam.

Những nước XHCN này có cái chung là tầng lớp quan chức đều giàu lên nhanh chóng, xa rời cuộc sống nhân dân, trở thành lực lượng đối lập với dân. Để nhằm giữ được ổn định, thay vì “khoan thư sức dân” thì lại tăng cường sử dụng bạo lực… Vấn đề dân chủ, an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục, đạo đức xã hội… đều còn quá nhiều tồn tại và bất cập…

Trong khi đó, ai cũng nhận thấy hầu như các nước Tư bản ngày nay, mà rõ nhất là ở các nước Bắc Âu, họ đang tiến lên“CNXH” (?!). Mô hình chính trị của họ khác xa xã hội tư bản thời Marx – Engels công bố “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Tất nhiên hiện nay, ở những quốc gia đó nơi này nơi khác còn những khiếm khuyết nhất định, nhưng nhìn chung họ có dân chủ, có tôn trọng nhân quyền, có nền kinh tế hiện đại phát triển cao, có pháp quyền, có văn minh, có chỉ số hạnh phúc nhất thế giới…

Không phải ngẫu nhiên mô hình xã hội ở những quốc gia đó đang là ước mơ của nhiều người trên thế giới. Ngay cả “kẻ thù” của nó là những người cộng sản cũng phải ngưỡng mộ, thậm chí nó khiến nhiều quan chức cộng sản hoặc đại gia ở những nước XHCN như Trung Quốc, Việt Nam… từ lâu đã tìm mọi cách tiếp cận, rồi cho con cái đến đó học tập và xin cư trú…  Vậy, đó chẳng phải là mong ước của Marx, Engels 172 năm trước đó sao?…

Nếu nói “Chủ nghĩa xã hội” là những gì tốt đẹp dành cho con người thì đâu là CNXH? Là Anh, Pháp, Đức, Na uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… hay các nước tự nhận là CNXH ?

Thực ra, người dân Việt Nam hiện nay đa số không quan tâm đến thuật ngữ XHCN. Cái mà họ quan tâm là làm sao được sống trong một đất nước có Hòa bình, Độc lập, Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh và có pháp quyền”.

Ngần ấy chữ đã có đầy đủ trong “Cương lĩnh chính trị” của Đảng và trong “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, không cần phải nói thêm cái gọi là CNXH nữa.

Khoảng 1991 – 1992, sau khi Hệ thống XHCN tan rã, GS Phan Đình Diệu đã đề nghị “tạm gác lại thuật ngữ CNXH”. Mặc dù không được chấp nhận nhưng hình như nhiều người Việt Nam không thích khái niệm CNHX, bởi thực tiễn CNXH cả một thời gian dài đã bộc lộ quá nhiều mâu thuẫn khó giải thích. Đó là mâu thuẫn giữa lời nói và thực tiễn cuộc sống.

Và đó cũng là tư tưởng Hồ Chí Minh khi Người viết những chữ cuối cùng trước lúc đi xa trong Di chúc là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (Di chúc Hồ Chí Minh). Hồ Chí Minh cũng không dặn Đảng và nhân dân Việt Nam phải “xây dựng thành công CNXH”. Với bốn năm ròng, viết hơn 1000 chữ trong Di chúc vào những giờ phút tỉnh táo nhất, Hồ Chí Minh đâu có thể “quên” cái chữ “CNXH”. Có lẽ,  Người cũng đã nhận ra cái mô hình XHCN xô viết có gì đó chưa ổn? Vì vậy Người đã thổ lộ: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!”. Đó chính là mâu thuẫn ‘không đội trời chung’ của Liên Xô & Trung Quốc, những nước đứng đầu phe XHCN trong một giai đoạn dài. Có lẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra CNXH của Marx- Engel – Lenin có thể đã không còn “nguyên chất”? Do đó nó không phù hợp thực tiễn và ý tưởng tốt đẹp của các nhà Kinh điển của Chủ nghĩa Marx – Lenin?

Vậy, nếu “trung thành với CNXH” của học thuyết Mac xít, chúng ta cần phải làm gì cho những mục tiêu tốt đẹp trên kia (như Cương Lĩnh của Đảng và Lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc) phải trở thành hiện thực, chứ không phải là cứ nói mãi “trung thành, “kiên định CNXH” theo kiểu Liên Xô hay Trung Quốc. Liên xô thì đổ rồi, còn Trung Quốc, họ có theo CNXH của Marx đâu. Họ bảo CNXH của họ là “đặc sắc Trung Quốc”, “Mèo trắng, mèo đen miễn là bắt được chuột”. Làm sao chúng ta có thể theo và “trung thành” với những mô hình đó?

“Nhận thức là một quá trình”, “không có chân lý tuyệt đối”, “Thực tiễn là thước đo của chân lý”…Triết học Marxism đã chỉ ra những phương pháp luận đó. Vậy tại sao chúng ta không thay đổi nhận thức để tiếp cận chân lý khi thực tiễn đã đổi thay?  

PNTB/ 09/06/2020

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.