6107. Trung Quốc thôn tính Việt Nam bằng "sức mạnh mềm”?


Trung Quốc thôn tính Việt Nam bằng "sức mạnh mềm”? 
Quanh sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng) có 21 lô đất 
thuộc sở hữu của người Trung Quốc. Ảnh Hoàng Sơn (TNO)



PNTB - Trung Quốc thôn tính Việt Nam bằng hành vi “luồn khoeo” qua các dự án kinh tế để chiếm hàng trăm nghìn hec ta đất ở những vị trí đắc địa, đặc biệt là các tỉnh dọc bờ biển miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Hà Tĩnh, Bình Thuận... , đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, quốc phòng trong tương lai?.

Xem những thông tin này, không riêng gì cử tri Hải Phòng thấy lo ngại, mà hầu hết người Việt Nam yêu nước đều không yên lòng.

Nhớ lại lịch sử Vua Lê Thánh Tông đã có di huấn: “Nếu ngươi mang một thước, tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì tội phải chu di”. Thế mà bây giờ không phải một thước, một tấc mà hàng trăm nghìn héc ta đất ở những địa điểm xung yếu về an ninh, quốc phòng thì những kẻ này đáng tội gì?

Rất mong Quốc hội phải vào cuộc xử lý ngay.

-----------
TỔNG HỢP CỦA VOA QUA BÁO CHÍ TRONG NƯỚC

Người Trung Quốc đang nắm trong tay hơn 162.000 hectare đất của Việt Nam, trong đó có những nơi trọng yếu thuộc vùng “biên giới” hoặc “ven biển”, Bộ Quốc phòng Việt Nam mới đây cho biết, theo báo chí trong nước.

Thông tin kể trên được đưa ra trong báo cáo của Bộ Quốc phòng gửi tới Quốc hội để trả lời cử tri, sau khi có những người ở Hải Phòng bày tỏ lo ngại về việc người Trung Quốc thu mua đất của Việt Nam, Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet tường thuật trong các hôm 17 và 18/5.

Bộ Quốc Phòng Việt Nam nói tính đến tháng 11/2019, có 149 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc hoặc liên doanh với Trung Quốc đầu tư vào các dự án ở khu vực biên giới hoặc ven biển thuộc 22 tỉnh của Việt Nam.

Vẫn báo cáo của bộ, được Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet trích đăng, cung cấp thông tin rằng tình trạng người Trung Quốc “tập trung sở hữu đất đai” nổi bật lên ở các tỉnh, thành là Đà Nẵng với 22 trường hợp, Quảng Ninh 17 trường hợp, Hải Phòng 16 trường hợp, Bình Định 9 trường hợp, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh 5 trường hợp.

Qua các trích dẫn của Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet, dường như Đà Nẵng được Bộ Quốc phòng tập trung nhấn mạnh nhất, khi báo cáo của bộ nêu ra 2 cá nhân và 7 doanh nghiệp Trung Quốc hoặc “có yếu tố sở hữu Trung Quốc” đã “núp bóng” một số công dân hay doanh nghiệp Việt Nam để sở hữu hoặc thuê hàng trăm nghìn mét vuông đất ven biển, thậm chí sát cạnh sân bay Nước Mặn, từng là sân bay quân sự.

"Hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ”, báo cáo của Bộ Quốc phòng đưa ra nhận xét, đồng thời khẳng định rằng cử tri và dư luận xã hội thấy “đáng ngại” về việc cơ quan chức năng Đà Nẵng cấp chứng nhận quyền sử dụng 21 lô đất cho người Trung Quốc là “có cơ sở".

Mặc dù luật Việt Nam không cho phép công dân và doanh nghiệp nước ngoài sở hữu đất ở Việt Nam, song Bộ Quốc phòng chỉ ra trong báo cáo của mình rằng người Trung Quốc dựa vào 2 cách chính để sở hữu các lô đất ở Đà Nẵng.

Cách thứ nhất, họ thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam, trong khi phần góp vốn của người Việt chủ yếu là giá trị của đất. Ở giai đoạn này, doanh nghiệp do người Việt điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách, phía Trung Quốc tăng vốn và giành quyền điều hành doanh nghiệp, vì vậy, phần tài sản góp vốn là đất của phía Việt Nam trở nên thuộc quyền sở hữu của phía Trung Quốc.

Trong cách thứ hai, người Trung Quốc đầu tư tiền cho công dân Việt Nam, chủ yếu là người Việt gốc Hoa, để mua đất. Bộ Quốc phòng đưa ra dẫn chứng là có một số trường hợp công dân thuộc diện “kinh tế khó khăn” nhưng lại đứng tên sở hữu 10 đến 12 lô đất. 
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường, khẳng định với VOA rằng việc người Trung Quốc nắm giữ đất ở Việt Nam gây ra những rủi ro. Để củng cố cho quan điểm của mình, giáo sư Đặng Hùng Võ dẫn lại một loạt những vụ việc từng được báo chí điều tra, đưa tin, bao gồm việc một số doanh nghiệp Trung Quốc đưa đông đảo công dân của họ vào Việt Nam lao động bất hợp pháp; hay việc họ thiết lập các khu dân cư, các điểm kinh doanh tách biệt, theo hình thức tự trị, chỉ sử dụng ngôn ngữ và phương thức thanh toán của Trung Quốc, Việt Nam không thu được gì và ngay cả công an Việt Nam cũng không thể đi vào trong các khu đó.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi Trường cảnh báo rằng tình trạng như vậy một mặt gây ra bất công về kinh tế cho người Việt Nam, mặt khác tiềm ẩn những nguy cơ như đó có thể là những nơi “chứa chấp vũ khí, súng ống”, đe dọa đến trật tự xã hội, an ninh, quốc phòng của Việt Nam.

Liên hệ tới tình hình Biển Đông, giáo sư Đặng Hùng Võ cảnh báo với VOA rằng những “tụ điểm” người Trung Quốc trên đất Việt Nam có thể bị Trung Quốc biến thành những cái cớ…

Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VietnamNet, Bộ Quốc phòng cho biết họ đã báo cáo và đề xuất chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành rà soát, đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng chính quyền Việt Nam có thể “khó xử lý” về mặt pháp lý khi người Trung Quốc “đội lốt” người Việt để nắm giữ đất ở Việt Nam. Báo cáo trả lời cử tri của Bộ Quốc phòng được đưa ra ở thời điểm hiện nay cung cấp một bức tranh trái ngược với những phát ngôn trước đó của một số quan chức cao cấp.

(Tham khảo thêm: Thanhnien.vn)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.