6101. Tại sao vụ án Hồ Duy Hải đến nay mới có phiên Giám đốc thẩm?


Tại sao vụ án Hồ Duy Hải đến nay mới có phiên Giám đốc thẩm?
PNTB
 
Toàn cảnh Phiên Giám đốc thẩm
vụ án Hồ Duy Hải. Ảnh TTO
Vụ án "Bưu điện Cầu Voi" từ quá trình tố tụng đến xét xử rất phức tạp, gây nhiều hoài nghi trong xã hội. Có những tờ báo chính thống gọi là "kỳ án". Vậy tại sao sau 12 năm mới được mở phiên Giám đốc thẩm?

Tóm tắt diễn biến vụ án thì mọi người đã hiểu. Chỉ xin nhắc lại là sau khi TAND tỉnh Long An ngày 1/12/2008 tuyên tử hình Hồ Duy Hải về hai tội Giết người và Cướp Tài sản thì ngày 28/4/2009 Tòa Phúc thẩm tại TP HCM tuyên y án sơ thẩm. Sau đó, mặc dù tiếng kêu oan của Hồ Duy Hải và gia đình đã dậy đất, nhưng Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao liên tục ra quyết định không kháng nghị bản án phúc thẩm. Tiếp theo, Chủ tịch nước bác đơn ân xá tử hình đối với Hồ Duy Hải. Cuối cùng ngày 24/11/2014: Hội đồng thi hành án ra quyết định: thi hành án tử hình Hồ Duy Hải.

Đến bước này thì cái chết đã cầm chắc đối với bị cáo. Nếu không có sự thay đổi thì chỉ 20 giờ sau, bản án tử hình đã thi hành. Và đến nay đã trải qua 5 cái giỗ của Hồ Duy Hải. Cỏ đã xanh trên nấm mộ của anh. Dẫu sau này nếu được giải oan thì cũng không có phép thần nào làm cho con người sống lại được!

Cái “thoát chết” ngoạn mục bắt đầu từ các văn bản sau đây:

Ngày 04/12/2014: VP Chủ tịch nước có văn bản gửi TAND tối cao đề nghị hoãn thi hành án tử hình Hồ Duy Hải và xem xét lại vụ án.

- Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Sơn ký văn bản hỏa tốc yêu cầu Hội đồng Thi hành án (THA) tỉnh Long an tạm hoãn THA tử hình.
- Hội đồng THA ra quyết định tạm hoãn THA tử hình ngày 5/12/2014
Ngày 22/11/2019: Viện trưởng Viện KSND tối cao ra quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm.

Ngày 6/5/2020: TAND tối cao mở phiên tòa Giám đốc thẩm Vụ án Hồ Duy Hải.

Bỉnh luận:

1.Quá trình tố tụng là cả một quá trình vô cùng phức tạp. Trước hết là bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải luôn luôn khẳng định con mình vô tội. Không ai hiểu đứa con mình đẻ ra bằng người mẹ. Bà đã quyết tâm kêu oan cho con, dù phải đi đến cùng trời cuối đất.

2. Truyền thông đã nêu ra rất nhiều điều vô lý và những câu hỏi còn bỏ ngỏ trong quá trình tố tụng, nhất là những cái gọi là “bằng chứng phạm tội” như dao, thớt, ghế… đều “có vấn đề”. Rồi dấu vân tay lấy tại nơi xảy ra vụ án không phải vân tay của Hồ duy Hải, nhưng các cơ quan tố tụng không làm rõ đó là dấu vân tay của ai…

3. Mạng xã hội đã tạo một dư luận rất mạnh mẽ, ủng hộ cho Hồ Duy Hải vô tội, yêu cầu các cơ quan pháp luật nhà nước thực thi công lý.

4. Đặc biệt là bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã vào cuộc. Bà còn đích thân đến tận nơi những chỗ cần đến để kiểm tra xem xét…Và ngày 12/2/2018, Ủy ban tư pháp của Quốc hội do bà Nga đứng đầu đã có văn bản kháng nghị Chánh án TAND tối cao và VKSND tối cao: Kháng nghị Giám đốc thẩm vụ án.

5. Tiếng kêu oan của tử tù Hồ Duy Hải sau khi đã phải nhận tội trong Phiên Sơ thẩm và tiếng kêu của người Mẹ, cùng dư luận xã hội đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Sau khi có Kháng thư của Liên Hiệp Quốc về trường hợp Hồ Duy Hải, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ đề nghị VKSND tối cao "cung cấp thông tin để trả lời Kháng thư của LHQ"…

Tất cả những yếu tố trên mới đủ sức dẫn đến phiên tòa Giám đốc thẩm hôm nay mà hy vọng phần nhiều là oan sai trong vụ án sẽ được giải mã.

Tất nhiên, hậu vụ án chắc chắn không thể không xuất hiện nhiều câu hỏi khác mà các cơ quan tố tụng phải trả lời về vụ “kỳ án” này. Ví dụ, nếu không phải Hồ Duy Hải gây ra tội thì ai?... Bởi nó liên quan đến “tính nghiêm minh của Pháp luật và Công bằng xã hội”, như quan điểm của Đảng và Nhà nước VN vẫn công bố xưa nay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.