6096. Từ vụ án Dương - Đường, nghĩ về 'nhóm lợi ích'


TỪ VỤ ÁN ‘DƯƠNG – ĐƯỜNG’, NGHĨ VỀ ‘NHÓM LỢI ÍCH’
PNTB

Bộ Từ điển tiếng Việt lớn nhất hiện nay do G.S Hoàng Phê chủ biên vẫn chưa có từ “Nhóm lợi ích” hay “Lợi ích nhóm’. Từ này mới chỉ xuất hiện trong xã hội Việt Nam trong những năm gần đây, khi “nhóm lợi ích” hiện diện, nhất là từ thời Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng.

Lúc đầu người ta còn e dè, sợ nói đến “nhóm lợi ích” thì nó động chạm đến vấn đề ‘nhậy cảm’. Lâu nay người dân Việt Nam rất ngại hai chữ ‘nhậy cảm’, nên thường né tránh. Nhậy cảm bởi nó động chạm đến những bộ phận, thế lực khác nhau đầy quyền lực trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, khái niệm ‘nhóm lợi ích’ hay “lợi ích nhóm’ cũng đã được TBT Nguyễn Phú Trọng nêu ra từ NQ Trung ương 3 (khóa XI) và cũng không dưới một lần được đại biểu QH mang lên ‘mổ xẻ’ ở Nghị trường Diên Hồng. Rồi ‘Lò’ của TBT-CTN ‘nổi lửa’, ‘đốt’ không ít nhóm lợi ích. Bên cạnh những ĐẠI GIA khét tiếng có cả Ủy viên BCT, Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, Tướng tá trong lực lượng vũ trang… Và từ đó, dần dần báo chí mạnh dạn nêu ra “Nhóm lợi ích” với kỹ thuật ngôn từ đóng trong ngoặc kép.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Uỷ viên Trung ương đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã chỉ ra nội hàm của khái niệm ‘nhóm lợi ích’. Đó chính là sự “móc ngoặc” của ‘tiền’‘quyền lực’. Từ năm 2015 ông đã viết: “…cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền. Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn” (Tuổi trẻ - Vũ Ngọc Hoàng “Nhận diện và ngăn chặn lợi ích nhóm (kỳ I) đáng báo động)… Chính ‘nhóm lợi ích’ là những cái ổ tham nhũng, gây ra bao hệ lụy cho kinh tế đất nước.

Mấy hôm nay, việc phòng chống đại dịch Covid -19 đang ‘nước sôi lửa bỏng’, thậm chí TQ lợi dụng ‘đục nước thả câu’, tiến thêm một bước trong mưu đồ độc chiếm Biển Đông trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, cũng không khỏa lấp được sự kiện nóng: Khởi động vụ án Đường ‘Nhuệ’ cố ý gây thương tích ở Thái Bình.

Thực ra, dư luận ở Thái Bình cho rằng, việc ‘cố ý gây thương tích’ chỉ là ‘giọt nước tràn li’ để có cơ may lộ diện một ‘nhóm lợi ích’ tai tiếng, một thời gian dài đã làm mưa làm gió trên mảnh đất “tiếng trống năm ba mươi vang vọng đến bây giờ”.

Hi vọng, một ‘nhóm lợi ích’ tội phạm động trời, vốn có thể đã được che chắn nhiều năm nay, với cái mặt nạ mĩ miều, sẽ bị rơi xuống đất, nếu vụ án được làm rõ.

Hãy nghe Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an, trả lời phỏng vấn VTC14 (*):

“Ngay sau khi cặp vợ chồng này bị bắt, tại địa phương đã rộ lên rất nhiều những thông tin, vụ việc trước đây chưa được làm rõ của băng nhóm này. Nay là lúc người dân thông qua mạng xã hội, thông qua báo chí những thông tin đang tràn ngập…và tôi nghĩ rằng, cơ quan chức năng cần phải nắm bắt những thông tin này để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.”

“Việc bắt giữ đối tượng về hành vi ‘cố ý gây thương tích’, tôi cho đây là một cái ‘đột phá khẩu’ để tiếp tục điều tra, đi sâu làm rõ cả những vụ việc, những vụ án do băng nhóm này gây ra trước đây chưa được làm rõ. Hai nữa là người dân mong mỏi cần phải làm rõ vì sao những việc trước đó bị chìm xuồng. Có hay không việc chống lưng, bảo kê, thậm chí tiếp tay cho tội phạm”. Trung tá Hiếu cho hay.

Để vạch rõ bản chất của “nhóm lợi ích” mà ở đây Trung tá Đào Trung Hiếu dùng khái niệm “băng nhóm tội phạm”, ông nói:

“…Nó có dấu hiệu của hoạt động mafia. Hoạt động mafia là tội phạm dùng tiền một cách trực tiếp hoặc gián tiếp để tác động vào giới chính trị. Kết thân, từ đó thao túng, làm ăn ở tầm chính sách. Xu hướng phát triển của tội phạm là như vậy. Không còn là những phát triển mang tính đơn lẻ nữa, mà là tội phạm có tổ chức, phải có sự câu kết bằng tiền. Bằng tiền, tội phạm có thể tạo dựng ra những mối quan hệ cánh hẩu với những cán bộ, viên chức biến chất trong các cơ quan quản lý nhà nhước. Sau đó là cùng sống cộng sinh với nhau gây ra sự nguy hiểm rất lớn cho xã hội.

Có thể nói, những gì mà Chuyên gia Tội phạm học Bộ Công an, Trung tá Đào Trung Hiếu chia sẻ trên báo chí đã khá rõ về nội hàm của nhóm lợi ích trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Nói đến chống tham nhũng, gần đây Tổng Bí Thư – Chủ tịch nước – Trưởng Ban chống Tham nhũng quốc gia đã quyết tâm thực hiện đạt kết quả bước đầu, làm nức lòng đồng bào. Gần đây ông Trọng nhấn mạnh rằng, qua kết quả chống tham nhũng thì thấy chúng ta ‘có né tránh đâu, có vùng cấm đâu’… rồi ông nói: ‘kể cả cơ quan chống tham nhũng mà anh chần chừ không làm, thì tôi xử cả anh’…

Do đó, chỉ khi nào Đảng, Nhà nước không sợ “nhậy cảm”, không sợ đụng chạm quyền lực, không né tránh, không sợ “đánh chuột vỡ bình”… Đồng thời đi đôi với việc quyết tâm “đốt lò”, cũng cần mạnh dạn đổi mới cơ chế quản trị đất nước thì mới hi vọng dần dần hạn chế được nạn tham nhũng, được bao bọc bởi nhóm lợi ích, một trong những yếu tố có thể làm sụp đổ chế độ, làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng.

Bởi vì, nếu không đổi mới cơ chế mà chỉ tích cực ‘đánh chuột’ thôi, thì rất dễ “đánh bùn sang ao”, xử được vụ này lại sinh ra vụ khác, bởi cái gốc của nó là những “lỗ hổng” của cơ chế do chúng ta tạo ra.

(*) Tham khảo: youtube.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.