6088. "Đầu tiên phải là Con người - Đầu tiên phải là Lãnh đạo"

“ĐẦU TIÊN PHẢI LÀ CON NGƯỜI – ĐẦU TIÊN PHẢI LÀ LÃNH ĐẠO” *
Ông Bùi Quang Vinh - Ảnh chụp clip
(PNTB) Mặt trận chống Đại dịch C19 vẫn đang nóng ran, nhưng không vì thế ta lãng quên những vấn đề liên quan đến tương lai lâu dài của đất nước. Đó là ĐH 13, Đảng có tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để VN hùng cường?
Dưới đây là ý kiến của ông Bùi Quang Vinh**, Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư trả lời PV của BBC tiếng Việt 23/10/2015, trước Đại hội XII của Đảng CSVN 3 tháng. Những ý kiến tâm huyết và thuyết phục của ông Bùi Quang Vinh dù đã 5 năm, vẫn nóng hổi, còn nguyên giá trị thực tiễn, thiết nghĩ ĐH XIII rất nên tham khảo.
Sau khi nghe lại Video clip trên trang youtube.com, tôi đã gỡ băng phục vụ mọi người đọc thay nghe, bởi nghĩ, đọc thấm hơn nghe…(NND)
-------------------------------------------

Việt Nam nhận thức được một điều rằng, những động lực làm cho phát triển kinh tế Việt Nam thông qua cải cách thể chế của 30 năm trước đây, của cái giai đoạn thể chế vừa qua thì động lực này cũng giảm dẩn rồi, dư địa còn rất ít.

Bây giờ VN muốn có được tốc độ tăng trưởng ổn định & cao để vượt lên và đặc biệt là VN lại đang hội nhập sâu hơn vào kinh tế quốc tế, cho nên nếu như VN không thay thay đổi được luật pháp của mình, không cải cách thể chế của mình, vẫn giữ như cũ, thì không thể hội nhập kinh tế quốc tế được, không thực hiện được những cam kết mà VN đã ký.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, những động lực trước đây, khi mà VN khai thác lợi thế, thí dụ như tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư, dựa vào lao động giá rẻ… cái đó dần dần hết dư địa rồi. Thứ hai là tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên: dầu khí, than đá, sắt thép… để bán, mà lại bán thô nữa, thì những cái tăng trưởng như vậy không bền vững, và hao phí tài nguyên của đất nước một cách rất lãng phí. Nếu như chỉ dựa vào những động lực như vậy để tăng trưởng kinh tế của đất nước thì lạc hậu lắm (khẽ lắc đầu), VN sẽ thua kém, VN sẽ không cạnh tranh được trong môi trường mà chúng ta hội nhập. vì hội nhập là cạnh tranh, cạnh tranh là phải có cái ưu việt hơn. Mà một trong những cái ưu việt chính là thể chế. Quốc gia này hơn quốc gia kia chính là ở thể chế. Cái Thể chế và cái môi trường đó nó thu hút được người tài, nó thu hút được đầu tư, nó làm cho mọi doanh nghiệp có thể (2 chữ nghe không rõ) vấn đề đầu tư. Cho nên VN phải cải tổ. Đó là cái việc mà VN đang làm.

Tuy nhiên có thể nói rằng là, đổi mới thì không dễ. Không phải riêng ở VN, ở đâu cũng vậy thôi. Đổi mới bao giờ cũng tạo ra cái sự khác với các thông lệ bình thường này. Cho nên nó ảnh hưởng đến rất nhiều những cái tầng lớp, những cái "nhóm lợi ích". Cho nên người ta chống đối rất quyết liệt. Nếu đổi mới không có sự chống đối thì đấy không phải là đổi mới. Cho nên chúng tôi đang đổi mới và chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ rất nhiều, nhưng đồng thời chúng tôi cũng gặp phải những cái rào cản.

PV BBC: Nói đến đổi mới, ông đã từng nói rằng không có đổi mới cán bộ thì không thể có đổi mới kinh tế. Vậy theo ông thì cần phải đổi mới cán bộ như thế nào, và VN đang làm gì để đổi mới cán bộ, thưa ông?

(Ngước lên, mím môi suy nghĩ): Đây là một lĩnh vực rất khó !... Nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Bởi vì là, con người làm nên tất cả. Những cái rào cản đều do con người đẻ ra. Những cái đổi mới đều do con người gây dựng và có những cái điều con người đã nặn lên rồi thì con người rất là sợ …Đấy là quy luật của tạo hóa, của xã hội loài người. Tuy nhiên, như tôi nói rằng là ở đâu mà có được những con người cán bộ tốt thì ở đó có sự phát triển tốt. Ở VN cũng đang tập trung rất nhiều về đổi mới công tác cán bộ. Trước đây tôi có nói muốn cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thì đầu tiên phải thay mấy ông cán bộ mà ông ấy đã từng gây dựng cái (đó?) lên, bởi vì đấy là lợi ích của người ta, là con đẻ của người ta, người ta đang gắn bó với nó, đang tự hào về nó. Bây giờ người ta không tự dưng lại "chặt vào chân mình", để người ta thay đổi toàn bộ! Cho nên là rất khó, mà phải đổi mới từ công tác cán bộ.

Nghĩ đến tầm quốc gia cũng vậy thôi. Phải làm sao, đang phải nghiên cứu để có được cái chọn lựa là… cơ chế nào để người dân được tham gia vào việc chọn ra cái người lãnh đạo cao nhất cho đất nước? (Nói câu này, Bộ trưởng nhấn mạnh và nét mặt đầy đăm chiêu)và cũng có thể hạ bệ họ, nếu như họ không làm được cái điều hứa trước nhân dân, trước Dân tộc. Đấy là điều quan trọng. Nếu cơ chế dựng lên được mà lại không cho xuống được là một cơ chế (khẽ lắc đầu) không giúp cho đất nước phát triển được. Chính vì vậy mà tôi nghĩ đây là vấn đề rất then chốt của mọi quốc gia, không phải của riêng VN.

Thứ hai là trước đây, hệ thống bộ máy quản lý nhà nước của VN nó phủ hợp với cái cơ chế là, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của một thời kỳ rất dài. Nhưng bây giờ trong 30 năm đổi mới thì VN đã chuyển đổi thành công nhất, nổi bật nhất là chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Và chính từ chuyển đổi này làm cho VN có thêm rất nhiều động lực để phát triển, đưa VN từ một nước nghèo, nông nghiệp lạc hậu lên một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình như hiện nay, hơn 2000 đô la Mỹ một đầu người. Đối với nước khác thì (2 từ không rõ?), đối với VN như thế cũng là một chặng đường quyết liệt. Tuy nhiên thì cái hệ thống bộ máy của VN CẦN PHẢI CHUYỂN ĐỔI để nó phù hợp với một mô hình mới, đó là nền kinh tế thị trường, mà chúng ta vẫn gọi là “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” của Việt Nam.

Và để phù hợp với những cam kết quốc tế thì phải có một bộ máy năng động, phản ứng kịp thời với những thay đổi bên ngoài của thế giới, khu vực và kể cả những thách thức từ bên trong. Thì tôi nghĩ đấy là những vấn đề yêu cầu. Và để có được những điều đó thì đầu tiên phải là con người, đầu tiên phải là lãnh đạo. Thì…VN đang làm điều này./
-----------------------------
Chú thích:
*Title bài do người gỡ băng đặt.
** Ông Bùi Quang Vinh sinh năm 1953, quê quán Hà Nội. Ông là một chính khách; nguyên Bộ trưởng Bộ kế hoạch – Đầu tư Việt Nam, nhiệm kỳ 2011-2016. Ông cũng là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII; nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khoá X, XI; hiện nay ông là thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng chính phủ./.
(Ảnh: chụp màn hình YouTuber).

Xem bản gốc tại đây: Youtube.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5044. Màu đỏ Artek

5485. Vì sao nước Đức hùng mạnh? (Kỳ 1)

6272. Kịch tính vụ kit Việt Á ngày càng cao.